Vẻ rực rỡ của những suy tư về Thiên Chúa

VẺ RỰC RỠ

CỦA NHỮNG SUY TƯ VỀ THIÊN CHÚA

Tác giả: Regis Martin.

WHĐ (17.08.2023) – Trong Kinh thánh, chúng ta được nhắc đi nhắc lại rằng Chúa Kitô đã đến thế gian để mang lại cho chúng ta sự thật và sự sống – sự thật về chính Ngài và về Chúa Cha để chúng ta có thể nhìn thấy chính mình trong mối tương quan với Ngài; và sự sống để chúng ta có thể thực sự dự phần vào chính mầu nhiệm về sự sống vĩnh cửu và thần linh của chính Ngài.

Hai thành phần này của đức tin chung của chúng ta liên tục có mặt trong Mặc khải do Chúa Kitô mang đến. Nếu khía cạnh thứ nhất thuộc về lĩnh vực thẩm mỹ, bao gồm việc chúng ta nhìn thấy hình hài, dáng vẻ con người do Ngôi Hai, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể đảm nhận, thì khía cạnh thứ hai thuộc về lĩnh vực đạo đức, đem lại khả năng thực sự để làm cuộc sống của chúng ta phù hợp với khuôn mẫu hoàn hảo do Chúa Kitô đặt ra trong mối tương quan của Ngài với chúng ta.

Chính trong Chúa Kitô, chúng ta được đặc ân nhìn thấy Vinh quang của Thiên Chúa chiếu tỏa trên khuôn mặt con người của Chúa Giêsu; đồng thời, được ân sủng của Ngài ban cho khả năng đưa ra những lựa chọn hoàn toàn phù hợp với sự sống của chính Ngài, mà ý nghĩa của sự sống đó là tình yêu hoàn toàn tự hiến.

Không có gì đẹp hơn khởi đầu”, nhà thơ Pavese đã nhắc nhở chúng ta rất đúng. Và không bao giờ có một khởi đầu nào đẹp hơn khởi đầu mà chính Thiên Chúa đã bắt đầu trong biến cố Nhập Thể của Con Ngài. Trong Tông thư Tertio Millennio Adveniente - Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến - nhằm mục đích giúp thế giới chuẩn bị cho Đại Năm Thánh 2000, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc lại sự kiện xúc tác đó, nơi đó mọi thứ trong vũ trụ bắt đầu lại từ đầu. Ngài nói với chúng ta: “Ở đây chúng ta chạm đến một điểm chính yếu làm cho Kitô giáo khác với tất cả mọi tôn giáo khác, những tôn giáo diễn tả việc con người tìm kiếm Thiên Chúa từ những thời cổ xưa nhất. Khởi điểm của Kitô giáo bắt nguồn từ việc Ngôi Lời nhập thể. Như thế, không phải là con người tìm kiếm Thiên Chúa, mà là Thiên Chúa đích thân đến nói với chính con người, và chỉ cho con người đường nẻo để con người có thể đến với Ngài” (số 6). 

Do đó, mọi thứ trong đời sống đức tin đều được dự liệu để lôi kéo chúng ta trở lại khởi đầu đó, trở lại nguồn cội mà mọi thứ trong vũ trụ đều phụ thuộc vào. Đó là kinh nghiệm nền tảng duy nhất, con người không thể tưởng tượng ra được kinh nghiệm nào khác lớn lao hơn. Ngay cả các thiên thần cũng không thể đoán trước một sự kiện vĩ đại, vượt trội, như sự xuất hiện của Chúa Kitô.

Và điều mà sự kiện đó truyền đạt là một cảm thức trực tiếp và choáng ngợp về vẻ đẹp, về sự hoàn toàn rực rỡ chói ngời tầng tầng lớp lớp, kết hợp với một kế hoạch hành động cần thiết và cấp bách. Nói gọn, đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa diện kiến và đức độ, giữa chiêm ngắm và thánh thiện. Sẽ không bao giờ cần đến một cách thức thứ ba nào khác. Và khi cả hai kết hợp với nhau như thế, khi sự thật và sự sống của những gì là Công giáo cùng tồn tại, thì kết quả sẽ không là gì khác hơn vẻ rực rỡ của chính những suy tư về Thiên Chúa.

Không ai đã viết về sự kiện này một cách hùng hồn hoặc uyên bác hơn Hans Urs von Balthasar, đã mô tả sự kiện ấy là ngọn lửa bùng cháy dữ dội trong đêm tối tôn thờ và vâng phục, ngọn lửa soi sáng những vực thẳm của đêm tối ấy”. Một ngọn lửa chói lòa, thiêu đốt, không là gì khác, diễn tả hai khoảnh khắc chỉ rõ đức tin, khoảnh khắc của tình yêu tôn thờ, theo sau là sự phục vụ được thực hiện nhờ vâng lời Thiên chúa, khoảnh khắc của sự thật của Thiên Chúa vốn vạch ra con đường dẫn đến sự sống, sự sống vĩnh cửu với Thiên Chúa. Nói cách khác, cả sự sống chiêm niệm và hoạt động. Hay nói khác đi một chút nữa, đó là sự tôn thờ và hoạt động, là Maria và Mátta.

Kinh nghiệm vốn đã có đó, trên Núi Tabor, khi ba môn đệ ngước nhìn lên khuôn mặt vinh quang của Chúa Kitô - hoặc, giống như những mục đồng trong đêm kỳ diệu ấy, được lôi cuốn đến tôn thờ và quỳ xuống trước vẻ đẹp rạng rỡ của Hài Nhi. Và rồi, như mọi khi, đó là lời kêu gọi vác Thánh Giá và đi theo vết chân của Đấng bị đâm thâu và đóng đinh. Balthasar tuyên bố: “Không một giây phút nào, chúng ta có thể xem nhẹ khởi điểm nguyên tuyền đó, những gốc rễ mà từ đó mọi chất dinh dưỡng được rút ra: sự tôn thờ, mà trong đó, nhờ đức tin, chúng ta thấy các tầng trời mở ra; và sự vâng phục trong cuộc sống, mà nhờ đó chúng ta được giải thoát để hiểu được sự thật”.

Còn sự thật nào mà chúng ta phải hiểu thực sự, để mãi mãi hiệp thông với sự thật đó, ngoài sự thật rằng chúng ta được Chúa Giêsu Kitô yêu thương một cách tận cùng và liều lĩnh nhất có thể. Balthasar nói: “Bạn phải hiểu rằng Ngài khao khát sự gần gũi; Ngài muốn sống trong bạn và hòa lẫn hơi thở của Ngài với hơi thở của bạn. Ngài muốn ở bên bạn mãi cho đến tận thế”.

Nói một cách đơn giản, Thiên Chúa của chúng ta là kẻ đi xin tình yêu của chúng ta, trái tim Ngài đập thình thịch không ngừng, hằng ngày mòn mỏi mong chờ được chúng ta quan tâm, được chúng ta yêu thương. Và khi trái tim đang đập của Ngài, kết hợp thành một ngôi vị với Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha, “đột nhiên như nhảy ra khỏi chỗ rình chờ của Ngài và nắm chặt trái tim bạn bằng một trong những tay nắm danh tiếng của Ngài, và trái tim bạn đập loạn xạ rộn ràng, thì bạn phải nhanh chóng sấp mình xuống và thưa lên với tất cả sự khiêm tốn: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Hãy bái phục Ngài và thưa: “Con không đáng rước Chúa vào nhà con….” 

Nhưng, tất nhiên, Ngài sẽ không ra đi, chiến lược của Ngôi Lời Nhập Thể và Ngôi Lời Chịu Đóng Đinh thật ngược đời. Thiên Chúa đã thực hiện những bước ngoặt đáng ngạc nhiên như vậy khi sai Con Ngài đến với chúng ta. Không phải chúng ta là những người duy nhất khao khát Thiên Chúa, vì chỉ có cõi lòng con người mới khắc khoải cho đến khi chúng ta tìm thấy sự nghỉ ngơi trong Thiên Chúa, như câu nói nổi tiếng mà Thánh Augustinô đã viết ở trang một của cuốn Tự thú. Chính Thiên Chúa đã tìm kiếm chúng ta không ngừng nghỉ đến nỗi không có gì làm cho Ngài thỏa mãn cho đến khi Ngài chiếm hữu được tất cả chúng ta, mọi lúc, cho đến tận đáy sâu của con người chúng ta.  

Đây không phải là thông điệp của Tin mừng, là lực đẩy của toàn bộ Kinh thánh sao? Rằng Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta với một sự say mê mãnh liệt, quá cháy bỏng đến nỗi sự say mê đó sẽ không bị dập tắt bởi bất cứ điều gì, dù là bụi bặm hay tội lỗi, không để chúng ta, trong khi lơ là trốn chạy khỏi Ngài, có thể cản đường và làm chệch hướng hoặc chuyển hướng việc Ngài đeo đuổi chúng ta.

Trái tim của Thiên Chúa nằm ở trung tâm của trần thế. Và trong đức tin, chúng ta không chỉ được ban cho một cái nhìn thoáng qua về vinh quang sẽ đến, mà là một điềm báo thực sự về niềm hạnh phúc đang chờ đợi chúng ta ở phía bên kia cuộc đời, khi cuối cùng chúng ta ở trong vòng tay của một Thiên Chúa đã đeo đuổi chúng ta ngay từ đầu, nôn nóng muốn có chúng ta bằng mọi giá. 

Phêrô Phạm Văn Trung.
Chuyển ngữ từ: crisismagazine.com

Nguồn: hdgmvietnam.com

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng