Tự do nội tâm, một cuộc chinh phục chậm rãi với chính mình

Làm việc cá nhân, khổ hạnh hay các bài tập thiêng liêng có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tự do nội tâm của mình. Emilie Mưri / VOZ’Image

Đối diện với một thế giới phức tạp và đôi khi có những mệnh lệnh trái ngược nhau, việc có được tự do nội tâm là một điều ngày càng thiết yếu.

Vừa được chính thức bổ nhiệm làm “người đứng đầu danh sách” của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử châu Âu, liệu nghị sĩ François-Xavier Bellamy có thành công khi giữ tự do nội bộ của mình không? Trả lời cho các đồng nghiệp trang La Nef của chúng tôi, họ hỏi ông về nguy cơ mất tự do tư tưởng khi vào một đảng, ông trả lời: “Các đảng phái là những gì quan điểm chính trị được nói lên; điều cần thiết là không được vắng mặt ở những nơi này – nhưng phải duy trì sự sáng suốt. Và với tôi, dường như phương thuốc tuyệt đối cho vấn đề này là trau dồi mọi phương tiện để có được tự do nội tâm (…). Chúng ta phải tiếp tục đọc, làm việc, để không trở thành những kẻ đơn thuần lặp lại một giáo điều đã được thiết lập sẵn”.

Sự tự do nội tâm ngày càng được những người đương thời của chúng ta tìm kiếm là gì? Chúng ta có thể đạt được hay chỉ tiếp cận nó? Nếu đó không phải là đặc quyền của các kitô hữu, thì ngay từ những thế kỷ đầu tiên, kitô giáo đã đưa ra một con đường đặc quyền để chinh phục nó.

“Một cuộc chinh phục chậm rãi trước những ràng buộc

Linh mục Dòng Tên Dominique Salin, sử gia, thần học gia cảnh báo ngay lập tức: “Tự do nội tâm không phải là một trạng thái vì chúng ta không bao giờ hoàn toàn tự do về mặt thiêng liêng”. Đó là lời kêu gọi “vang lên ở vùng Địa Trung Hải cách đây hai mươi thế kỷ nhằm chống lại não trạng Hy-La theo chủ nghĩa định mệnh” và cũng là lời Thánh Phaolô gởi cộng đoàn Galát: “Anh em đã được gọi để được hưởng tự do” (Gl 5, 13). Linh mục Salin tiếp tục: “Tự do nội tâm là một cuộc chinh phục chậm rãi những gò bó, những ràng buộc về di truyền, về tính cách hay khí chất của tôi, nhưng trên hết là những đam mê đôi khi thống trị tôi: giận dữ, cay chua, ý chí quyền lực, nhu cầu thống trị, khẳng định chính mình, sở hữu…” Vì thế mọi người đều được mời gọi phát triển tự do nội tâm qua rèn luyện cá nhân, khổ hạnh, thực hành, thao luyện ý chí chiến đấu thiêng liêng.

Nữ tu dòng Xaviê Geneviève Comeau, giáo sư thần học tại Trung tâm Dòng Tên Sèvres, Paris giải thích: “Tự do nội tâm bao hàm tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng tin tưởng tôi. Chúng ta thường bị cản trở bởi các hình ảnh của Thiên Chúa hoặc của chính chúng ta. Vì vậy, khi lựa chọn con đường cho sự nghiệp của mình, người thanh niên thường phải ý thức các mong chờ của những người xung quanh có thể ảnh hưởng đến họ. Họ phải cố gắng tìm ra con đường riêng của mình, kho báu nội tâm của mình, để định hướng cho mình một cách tự do hơn. Lớn lên trong tự do nội tâm do đó bao hàm việc đào sâu chính bản thân để hiểu rõ hơn về những khả năng và giới hạn của mình, cẩn thận để không rơi vào hình thức tự mê”. Linh mục Salin lưu ý: “Trở ngại lớn cho tự do thiêng liêng là kính chiếu hậu. Chúng ta phải dành thì giờ để nhìn vào đó.” Nếu việc thực hành một chủ nghĩa khổ hạnh nào đó mang lại sự giải thoát thì nó cũng có thể dẫn đến việc xem xét bản thân quá nhiều. Đó là lý do vì sao chúng ta phải tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa nỗ lực bản thân và từ bỏ.

“Một ơn để nhận”

Bí mật chắc chắn ở tính khác biệt ở trung tâm giao ước với Thiên Chúa. Linh mục Salin nhấn mạnh: “Người muốn có được tự do thiêng liêng sớm muộn sẽ khám phá đó là ơn Chúa cần phải nhận và trên thực tế, chính Thần Khí của Chúa đang hoạt động trong đương sự, họ phải cẩn thận để không nói những điều quàng xiên”. Đương sự càng tiến bộ thì họ sẽ càng nhận ra những chiến thắng trên chính mình không phải do họ làm ra. Theo một cách nào đó, nó như thể một sức mạnh bên trong đã cho phép họ hoàn thành những điều mà họ không nghĩ là có thể và không làm những việc khác mà họ nghĩ mình tất phải làm. Một bản năng sẽ bắt đầu phát triển trong họ, sẽ làm cho họ nhận ra điều gì là tốt cho sự tự do của mình, và điều gì ngược lại làm cho họ thành nô lệ cho những thói quen, lối mòn, sự dễ dàng…

Tự do thiêng liêng cho phép chúng ta tiến về phía trước một cách tự tin hơn. / Thierry Ardouin/ Tendance Floue

Vì vậy, ngay cả trong những giờ phút đen tối nhất của lịch sử, con người vẫn có khả năng thể hiện một thứ tự do nội tâm để trở thành ánh sáng cho người khác. Đó là trường hợp mục sư tin lành, thần học gia Dietrich Bonhoeffer, người đã chống lại chủ nghĩa quốc xã. Bị giam cầm một cách bất công, ngài đã thể hiện tự do nội tâm của mình theo nhiều cách, nữ tu Geneviève Comeau nêu lên, không để mình bị chìm đắm trong nỗi buồn và nhớ nhung quá khứ, vì vậy phải nuôi dưỡng lòng biết ơn với tất cả những điều tốt đẹp mà mình đã có với bạn bè, với gia đình, người vợ sắp cưới của mình…Sơ giải thích: “Trong tù, giờ nào cũng giống nhau. Dietrich Bonhoeffer đã tự đặt ra cho mình một thời khóa biểu nhỏ: thức dậy, cầu nguyện, tập thể dục, đọc, viết…Tôi nghĩ việc sắp xếp thời gian này đã giúp ích cho ông chống lại những gì bất công trong hoàn cảnh của ông. Với tính tình uyển chuyển và thông minh, ông đã làm được những bước để quyền của mình được công nhận – nhưng đều vô ích. Trên hết, ông đã cố gắng sống “sự đa âm của cuộc sống, đón nhận mọi sự, điều tốt cũng như những điều khó khăn nhất, bằng cách dành chỗ cho chúng trong trái tim mình”.

Dietrich Bonhoeffer viết trong Kháng cự và phục tùng (Résistance et soumission): “Tôi thường xuyên quan sát ở đây, có rất ít người có khả năng cùng lúc có nhiều thứ trong người; (…) Khi một mong muốn chưa được thực hiện, họ chỉ tuyệt vọng, khi họ thành công điều gì đó, họ không còn nhìn thấy gì khác (…). So sánh với thái độ này, kitô giáo đặt chúng ta cùng lúc vào nhiều lãnh vực rất khác nhau của cuộc sống; có thể nói, chúng ta chứa đựng trong chính mình Thiên Chúa và toàn thế giới. Chúng ta khóc với người khóc, chúng ta vui với người vui; chúng ta lo sợ cho mạng sống của mình, đồng thời chúng ta nghĩ về điều gì đó quan trọng hơn mạng sống của mình. Ngay khi, trong một báo động, suy nghĩ của chúng ta chuyển sang điều gì đó không phải là an toàn của chính chúng ta, chẳng hạn nếu chúng ta nghĩ mình có bổn phận phải lan tỏa sự bình tĩnh xung quanh mình, tình hình sẽ trở nên hoàn toàn khác; cuộc sống không bị đẩy vào một chiều kích duy nhất, nhưng vẫn còn nhiều chiều kích, đa âm”. Dietrich Bonhoeffer bị hành quyết ngày 9 tháng 4 năm 1945. Tự do thiêng liêng có thể dẫn đến tử đạo, nhưng đối với hầu hết chúng ta, nó được thực hiện trong cuộc sống thực tế hàng ngày với những khó chịu đáng tiếc và những sự kiện vui vẻ bất ngờ.

Làm thế nào chúng ta có thể nhận ra? Chúng ta tiến về phía trước một cách tự tin và bình yên, chúng ta chạy nhanh hơn. Mỗi năm linh mục Dòng Đa Minh Thierry Hubert, nhà sản xuất “Ngày của Chúa” (Jour du Seigneur) đều trao giải văn học về tự do nội tâm, cho biết: “Điều tưởng như chống lại sự sống trong chúng ta đột nhiên được giải phóng bằng một từ ngữ, một bài đọc. Một sự rung chuyển của cuộc sống tự chính nó thực hiện”.

la-croix.com, Florence Chatel, 2024-01-26

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxico.vn

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng