Trí tuệ nhân tạo: “Hàng triệu người sẽ sớm mất việc”

Thủ tướng Anh Rishi Sunak và tỷ phú Elon Musk thảo luận về tương lai của trí tuệ nhân tạo

Chuyên gia kỹ thuật số Alex Krasodomski đánh giá hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về những rủi ro của trí tuệ nhân tạo A.I và cảnh báo về mối đe dọa trước mắt với công ăn việc làm.

Ngày 1 và 2 tháng 11, dưới cơn bão Ciaran tàn phá, khoảng một trăm nhà lãnh đạo chính trị và công nghệ đã tập trung tại hội nghị thượng đỉnh về trí tuệ nhân tạo (A.I) toàn cầu đầu tiên ở Bletchley, bắc London. Tuyên bố Bletchley ra đời, được 28 quốc gia ký kết, trong đó có Trung Quốc và Hoa Kỳ, cũng như Liên minh châu Âu. Một văn bản không ràng buộc nhưng đặt nền móng cho sự phát triển an toàn của A.I.

Theo thủ tướng Anh Rishi Sunak, người tuyên bố thành lập Viện An toàn A.I, đây là một thành công. Bà Kamala Harris, phó tổng thống Mỹ, cũng đưa ra thông báo tương tự tại Đại sứ quán Mỹ ở London. Còn ông Elon Musk kêu gọi có một “trọng tài” A.I. Trong cuộc trò chuyện bị chỉ trích với thủ tướng Rishi Sunak tối thứ năm, tỷ phú Elon Musk tuyên bố “sẽ đến lúc không cần thiết phải làm việc”.

Alex Krasodomski, nhà nghiên cứu Sáng kiến Xã hội Kỹ thuật số tại tổ chức nghiên cứu Chatham House ở London, thảo luận về tầm quan trọng của một hội nghị thượng đỉnh có tầm mức như vậy. Ông nói A.I có mặt trong đời sống hàng ngày của chúng ta và sẽ sớm đe dọa hàng triệu việc làm. 

Tuyên bố Bletchley có phải là một bước quan trọng không?

Alex Krasodomski. Đúng vậy, vì lý do chính: đó là một thỏa thuận quốc tế có sự tham gia của Hoa Kỳ, châu Âu, Vương quốc Anh, Ấn Độ, Trung quốc, cùng nhau thống nhất về một mức độ hợp tác nhất định trong việc quản trị công nghệ. Tuyên bố này, không mang tính ràng buộc, cam kết các bên ký kết sẽ tiếp tục nghiên cứu và tổ chức các cuộc họp tiếp theo trong tương lai. Việc các tác nhân địa chính trị, những người có xu hướng không hợp tác công nghệ, đang cùng nhau ít nhất thể hiện sự thống nhất về vấn đề này là một điểm tích cực.

Sự hiện diện của Trung Quốc đã bị chỉ trích, đặc biệt là do lo ngại về hoạt động gián điệp. Trung quốc có nên ở đó không?

Có, vì hội nghị thượng đỉnh này tập trung vào những rủi ro tồn tại lâu dài của A.I, những rủi ro rất khó dự đoán và ít được biết đến. Như các trường hợp dùng A.I để chế tạo vũ khí hoặc bệnh tật mới về mặt di truyền hoặc sinh học, những thứ có thể hủy diệt loài người. Và nếu chúng ta quan tâm đến ngày tận thế, thì Trung quốc phải có mặt ở đây. Có một trường phái khác tập trung vào những rủi ro ngắn hạn: thông tin sai lệch, giám sát, thị trường việc làm. Đối với những rủi ro này, việc đạt được thỏa thuận giữa các quốc gia có cùng quan điểm về những vấn đề này sẽ dễ dàng hơn.

Vương quốc Anh và Hoa Kỳ từng tuyên bố thành lập một viện bảo mật A.I. Ai có thể là người lãnh đạo?

Hoa Kỳ sẽ vẫn là người dẫn đầu trong tương lai gần. Cụ thể là các công ty Mỹ. Đây là một thách thức với bất kỳ loại thỏa thuận đa phương toàn cầu nào, vì không phải chính phủ nào cũng thúc đẩy công nghệ này phát triển. Chúng ta chỉ cần nhìn vào các nền tảng truyền thông xã hội là có thể thấy chính nền tảng của các công ty công nghệ Mỹ đang có sức ảnh hưởng toàn cầu. Hơn nữa, Hoa Kỳ khá miễn cưỡng trong việc quản lý hoặc kiểm soát chúng.

Elon Musk đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của một “trọng tài” trong A.I. ông nghĩ sao?

Tôi nghĩ ông Elon Musk đang đề cập đến ý tưởng chúng ta cần một tổ chức quốc tế để quan sát sự phát triển A.I., cập nhật cho các chính phủ về những tiến bộ mới nhất, giải thích cho họ những gì họ có thể kiểm soát hoặc không kiểm soát. Đài quan sát không phải là cơ quan quản lý. Đó là một tổ chức nghiên cứu. Elon Musk cho rằng đó là một ý tưởng hay. Ông không phải là người duy nhất. Hơn nữa, việc thành lập một viện kiểu này đã được cả Hoa Kỳ và Vương quốc Anh công bố. 

Một văn bản ràng buộc có thể ra mắt không?

Khi nói đến các ứng dụng cụ thể của AI, cần có một động lực – các ứng dụng quân sự, y tế – các lãnh vực đã có luật pháp và tiêu chuẩn đạo đức. Ví dụ, chúng ta có những quy định về cách thức tiến hành các cuộc chiến tranh. Việc điều chỉnh các ứng dụng sẽ dễ dàng hơn so với việc cố gắng điều chỉnh trí tuệ nhân tạo chung có sức mạnh chưa được xác định. 

A.I đã hiện diện trong xã hội chúng ta ở mức độ nào?

Garry Kasparov thua cờ vua trước trí tuệ nhân tạo trong những năm 1990. Ông thấy mình phải đối diện với mô trình cờ vua được viết bằng một dòng mã duy nhất. Đó là một kilobyte. Cá nhân tôi chưa bao giờ thắng được mô trình này. Mọi trận đấu trên Tinder, mọi tuyến đường bạn chọn trên Google Maps, mọi dòng tweet, mọi video YouTube được đề xuất cho bạn, mọi phí bảo hiểm, mọi khoản mượn ngân hàng, tất cả đều được trí tuệ nhân tạo quyết định theo một cách nào đó: một mô hình thống kê liên quan đến khoa học máy tính. A.I hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta thường không biết những quyết định tự động này hoạt động như thế nào. Và hầu hết chúng được tạo ra trong lãnh vực tư nhân, lãnh vực này không chịu trách nhiệm trước các cơ quan công quyền. Chúng ta sẽ khiếu nại ai nếu Google dẫn chúng ta đi sai đường? 

Các mối đe dọa chính là gì?

Theo tôi, rủi ro quan trọng nhất và trước mắt là sự gián đoạn trên thị trường việc làm: hàng triệu người sẽ sớm mất việc làm. Tôi nghĩ đến những nghề như kế toán, luật sư, người rà lỗi, lập trình viên…Đây là những công việc mà máy móc hiện nay làm tốt hơn con người rất nhiều. Trường hợp ngược lại là nhân viên xã hội.

Trí tuệ nhân tạo sẽ thống trị con người?

Theo một số người thì không còn nghi ngờ gì; một số người khác thì cho rằng không bao giờ; còn tôi thì tôi không biết. Nếu A.I đi theo đường cong hàm mũ, điều này sẽ xảy ra, vì thế nó sẽ đến đỉnh cao này. Chúng ta phải chuẩn bị cho điều đó ngay bây giờ, vì khi nó xảy ra, nó sẽ xảy ra rất nhanh.

fr.news.yahoo.com, Laure Van Ruymbeke, London, 2023-11-03

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn

bài liên quan mới nhất

Thứ Tư tuần V Mùa Phục Sinh: “Thầy là cây nho, anh em là cành”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng