Tiếp kiến chung 6/12/2023 - ĐTC Phanxicô: Học loan báo Tin Mừng cách sáng tạo và đơn giản của Chúa Thánh Thần

Trong bài giáo lý tại buổi Tiếp kiến chung 6/12/2023, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng nếu không có Chúa Thánh Thần, lòng nhiệt thành tông đồ sẽ trở nên vô ích, lời loan báo sẽ trở thành của riêng chúng ta và sẽ không mang lại hoa trái đích thực. Chúa Thánh Thần khơi dậy sứ mạng một cách sáng tạo và đơn giản. Đây là hai điểm đặc biệt mà chúng ta cũng được kêu gọi thực hiện khi loan báo Tin Mừng.

Trong bài giáo lý Đức Thánh Cha trình bày đặc tính cốt yếu cuối cùng của lời loan báo Tin Mừng: phải được thực hiện trong Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, nhân vật chính của việc loan báo là Chúa Thánh Thần. Ngài nhấn mạnh rằng nếu không có Chúa Thánh Thần, lòng nhiệt thành tông đồ sẽ trở nên vô ích, lời loan báo sẽ trở thành của riêng chúng ta và sẽ không mang lại hoa trái đích thực. Giáo hội không công bố chính mình, nhưng công bố một ân sủng, một món quà, chính xác là “Quà tặng của Thiên Chúa”, là Thánh Thần của Chúa.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Chúa Thánh Thần khơi dậy sứ mạng một cách sáng tạo và đơn giản; hai điểm đặc biệt mà chúng ta cũng được kêu gọi để sống. Trước hết là tính sáng tạo mục vụ, để loan báo Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh và luôn tìm kiếm những con đường truyền giáo mới để gặp gỡ những người nam nữ của thời đại chúng ta. Và sự đơn giản nữa, bởi vì được Chúa Thánh Thần soi sáng, chúng ta biết cách quay trở lại nguồn gốc của lời loan báo đầu tiên và truyền tải những điều cốt yếu của đức tin chúng ta, một cách tươi mới và nhiệt tình. Đó là "Chúa Giêsu Kitô, qua cái chết và sự phục sinh của Người, mặc khải và thông truyền cho chúng ta lòng thương xót vô biên của Chúa Cha”.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Nếu không có Chúa Thánh Thần thì tất cả lòng nhiệt thành đều vô ích và mang tính tông đồ giả tạo

Anh chị em thân mến!
trong các bài giáo lý trước, chúng ta đã thấy rằng lời loan báo của Tin Mừng là niềm vuidành cho mọi người và phải được nói vào ngày hôm nay. Hôm nay chúng ta hãy khám phá ra một đặc tính cốt yếu cuối cùng: lời loan báo phải được thực hiện trong Chúa Thánh Thần. Thực ra, để "thông truyền Thiên Chúa", sự đáng tin cậy đầy hân hoan của chứng tá, tính phổ quát của lời loan báo và tính hợp thời của thông điệp thôi chưa đủ. Nếu không có Chúa Thánh Thần thì tất cả lòng nhiệt thành đều vô ích và mang tính tông đồ giả tạo: lời loan báo sẽ chỉ là của chúng ta và không mang lại kết quả

Giáo hội không loan báo về chính mình, nhưng về một ân sủng

Trong Tông huấn Evangelii gaudium - Niềm vui của Tin Mừng - tôi đã nhắc lại rằng "Chúa Giêsu là người loan báo Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất”; rằng “Trong mọi hoạt động loan báo Tin Mừng, vị trí hàng đầu luôn luôn thuộc về Thiên Chúa”, Đấng “kêu gọi chúng ta hợp tác với Người và dẫn đưa chúng ta đi tới bằng sức mạnh Thần Khí của Người” (số 12). Đây là vị trí hàng đầu của Chúa Thánh Thần! Vì thế, Chúa so sánh tính năng động của Nước Thiên Chúa với “một người gieo vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết” (Mc 4, 26-27). Chúa Thánh Thần là nhân vật chính, Người luôn đi trước các nhà truyền giáo và làm trổ sinh hoa trái. Nhận thức này an ủi chúng ta rất nhiều! Và nó giúp chúng ta làm sáng tỏ một điều khác, cũng có tính quyết định không kém: đó là, trong lòng nhiệt thành tông đồ của mình, Giáo hội không loan báo về chính mình, nhưng về một ân sủng, một quà tặng và Chúa Thánh Thần chính là Quà tặng của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ Samaria (x.Ga 4, 10).

Vai trò chính của Chúa Thánh Thần không được khiến chúng ta trở nên thụ động lười biếng

Đức Thánh Cha lưu ý: Tuy nhiên, vai trò chính của Chúa Thánh Thần không được khiến chúng ta trở nên thụ động lười biếng. Sự tin tưởng không biện minh cho việc không hoạt động. Sức sống của hạt giống có thể tự mọc lên không cho phép người nông dân bỏ bê ruộng đồng. Khi đưa ra những khuyến nghị cuối cùng trước khi về trời, Chúa Giêsu đã nói: “Các con sẽ nhận được sức mạnh từ Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ ngự xuống trên các con, và các con sẽ là chứng nhân của Thầy […] cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Chúa không để lại cho chúng ta những tài liệu thần học hay một cẩm nang mục vụ để áp dụng, nhưng là Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng cho sứ vụ. Và sáng kiến can đảm mà Chúa Thánh Thần khơi dậy trong chúng ta sẽ khiến chúng ta bắt chước phong cách của Người, một phong cách luôn có hai đặc điểm: sáng tạo và đơn giản.

Phong cách sáng tạo

Sự sáng tạo, để vui mừng loan báo Chúa Giêsu, cho mọi người và vào ngày hôm nay. Trong thời đại của chúng ta, thời đại không giúp chúng ta có cái nhìn tôn giáo về cuộc sống và trong đó việc loan báo Tin Mừng ở nhiều nơi trở nên khó khăn, mệt mỏi và dường như không có kết quả, có thể làm nảy sinh cám dỗ từ bỏ công việc mục vụ. Có thể là chúng ta ẩn náu trong những vùng an toàn, chẳng hạn như thói quen lặp đi lặp lại những việc chúng ta luôn làm, hoặc trong những lời mời gọi đầy cám dỗ của một nền tu đức hướng nội, hoặc thậm chí trong việc hiểu sai về tính trung tâm của phụng vụ. Chúng là những cơn cám dỗ đội lốt lòng trung thành với truyền thống, nhưng thường thì, thay vì đáp lại Thần Khí, chúng là những phản ứng của sự bất mãn cá nhân. Ngược lại, sự sáng tạo mục vụ, mạnh dạn trong Chúa Thánh Thần, nhiệt thành trong ngọn lửa truyền giáo, là bằng chứng về lòng trung thành với Người. Do đó, tôi đã viết rằng "Chúa Giêsu cũng có thể chọc thủng những phạm trù nhàm chán mà chúng ta dùng để giam hãm Người và Người luôn luôn làm chúng ta ngạc nhiên bằng sự sáng tạo thần linh của Người. Mỗi khi chúng ta cố gắng trở về nguồn và khôi phục lại sự tươi trẻ của Tin Mừng, những đại lộ mới sẽ xuất hiện, những con đường sáng tạo mới sẽ mở ra, với những hình thức biểu hiện khác nhau, những dấu chỉ và từ ngữ phong phú mang theo ý nghĩa mới cho thế giới hôm nay" (Evangelii gaudium, 11).

Sự đơn giản

Do đó, trước hết là tính sáng tạo; và tiếp đến là sự đơn giản, chính xác là vì Chúa Thánh Thần đưa chúng ta đến nguồn cội, đến “lời loan báo đầu tiên”. Thực ra, “chính ngọn lửa của Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng bằng cái chết và sự phục sinh của Người mặc khải và thông truyền cho chúng ta lòng thương xót vô biên của Chúa Cha” (ibid., 164). Đây là lời loan báo đầu tiên, điều “phải chiếm vị trí trung tâm của tất cả hoạt động loan báo Tin Mừng và mọi nỗ lực canh tân Giáo hội”; cần lặp đi lặp lại: “Chúa Giêsu Kitô yêu thương anh chị em, Người đã hiến mạng sống để cứu độ anh chị em; và bây giờ Người đang sống ở bên anh chị em mỗi ngày để soi sáng, củng cố và giải thoát anh chị em” (ibid).

Với Chúa Thánh Thần chúng ta không cần phải sợ hãi

Thưa anh chị em, chúng ta hãy để mình được Chúa Thánh Thần thu hút và cầu khẩn Người mỗi ngày; xin Người là nguyên lý cuộc sống và công việc của chúng ta; xin Người hiện diện vào lúc bắt đầu mỗi hoạt động, mỗi cuộc gặp gỡ, quy tụ và loan báo Tin Mừng. Người làm sinh động và làm trẻ hóa Giáo hội: với Người, chúng ta không cần phải sợ hãi, bởi vì Người, Đấng là sự hòa hợp, luôn giữ cho tính sáng tạo và sự đơn giản đi đôi với nhau, truyền cảm hứng cho sự hiệp thông và sai đi truyền giáo, mở ra cho sự đa dạng và đưa dẫn về sự hiệp nhất. Người là sức mạnh của chúng ta, là hơi thở của lời loan báo của chúng ta, là nguồn nhiệt huyết tông đồ. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Nguồn: vaticannews.va

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/4: Thánh Phêrô Channe – Linh mục, tử đạo (1803-1841)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng