Thuật ngữ Dân Thiên Chúa

THUẬT NGỮ DÂN THIÊN CHÚA

Mới đây Việt Nam đón nhận tin vui: Sứ điệp Đức Thánh Cha Phanxicô gởi cộng đoàn Công giáo Việt Nam[1]. Mở đầu sứ điệp Ngài gửi lời chào thân ái: “Quý Giám mục, Linh mục, anh chị em Tu sĩ và cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam thân mến.” Tôi chú ý đến cụm từ “Cộng đồng dân Chúa!”

Bình thường một người sinh ra đều có quốc tịch, nguồn cội. Họ có nghĩa vụ và quyền lợi của một công dân. Trong Giáo hội cũng thế, những ai được rửa tội thì được gọi là con cái của Thiên Chúa, hoặc người ấy thuộc về một cộng đoàn dân của Thiên Chúa. Thực ra thuật ngữ “dân Chúa xuất hiện khá sớm trong Kinh Thánh. Trải qua dòng lịch sử thánh và phát triển của Giáo hội, thuật ngữ này mang nhiều ý nghĩa mỗi ngày một sâu sắc hơn. Trong bài dưới đây chúng ta thử tìm hiểu ba thời kỳ phát triển của thuật ngữ thú vị này.

1. Thiên Chúa chọn gọi một dân tộc

Để lịch sử cứu độ được bắt đầu nơi trần thế, Thiên Chúa đã chọn gọi một người luống tuổi (75 tuổi, sinh năm 2166 TCN): ông Abraham (אַבְרָהָם tiếng Do Thái có nghĩa là “cha của nhiều dân tộc”). Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo đều nhận Abraham là tổ phụ. Abraham được Thiên Chúa kêu gọi rời bỏ quê hương ở thành Ur (miền nam Iraq ngày nay), để đến vùng đất mới Canaan (St 10,19; 12,16). Ur thời đó là một thành phố cổ của người Sumer ở khu vực Lưỡng Hà, vốn được mệnh danh là cái nôi văn minh thời cổ đại. Lên đường vì một tiếng gọi, Abraham đã bước đi với niềm tin yêu và phó thác. Hẳn nhiên ông đã không biết Thiên Chúa dẫn mình và gia đình đến chính xác nơi nào.

Sau những năm tháng Abraham cùng gia đình ra đi theo tiếng gọi của Chúa, thì họ đã đến miền đất hứa (promised land). Gọi là đất hứa vì chính nơi đây Thiên Chúa hứa dành cho Abraham khoảng năm 1900 TCN. Đây chính là Đất thánh mà Cựu ước gọi là “miền đất tràn trề sữa và mật”. Thực ra khi Abraham vào được Đất hứa, Thiên Chúa đã giao ước với ông: “Ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi sau này. Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi sau này miền đất ngươi đang trú ngụ, tức là tất cả đất Canaan, làm sở hữu vĩnh viễn; và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng.” (St 17,8). Lời hứa ấy đã được thực hiện với sự thành công rực rỡ cả về dân số lẫn tôn giáo, văn hóa và chính trị.

Nơi mảnh đất Cận Đông này, Abraham đã sinh I-xa-ác như là dấu chứng con cháu hoặc dân Chúa sau này đông như sao trời cát biển. Thế hệ tiếp theo: I-xa-ác sinh Gia-cóp như là dấu chứng để dân Chúa được quy tụ nên một dân tộc nơi 12 người con của Gia-cóp. Lý do là mỗi tên của những người con này, theo ý nghĩa thần học, là một chi tộc nhà Israel. Người nổi bật nhất trong thời này là Giuse, người con áp út của Gia-cóp. Như vậy, từ một gốc tổ Abraham, giờ đây có thể nói dân Chúa là con cái của 12 chi tộc nhà Israel. Những thành phần ngoài 12 chi tộc này, Kinh Thánh gọi họ là dân ngoại (Pagans), nghĩa là họ không thuộc về dân Chúa, không tin vào Đức Chúa là Thiên Chúa của Israel.

Khi nạn đói ập đến, gia đình Gia cop, nhờ sự trợ giúp của Giu-se, đã lánh sang Ai Cập. Nơi đất khách quê người, dân Chúa tiếp tục lớn mạnh và mong ước một ngày hồi hương. Thiên Chúa đã chọn Môsê hướng dẫn dân Chúa vượt Biển Đỏ, bước vào Sa mạc để tiến về quê nhà. Trong lần trò chuyện đó, chính Thiên Chúa đã tỏ cho Môsê biết ông sẽ hướng dẫn ai: “Ta sẽ nhận các ngươi làm dân riêng của Ta (לְעָ֔ם-My people), và đối với các ngươi, Ta sẽ là Thiên Chúa. Các ngươi sẽ biết rằng Ta, Đức Chúa, là Thiên Chúa các ngươi, Đấng cứu các ngươi khỏi phải làm việc khổ sai cho người Ai-cập.” (Xh 6,7). Trong câu Kinh Thánh này, Thiên Chúa chính thức cho chúng ta biết dân Chúa nghĩa là “dân riêng của Ngài”. Ngoài ra, לְעָ֔ם-My people cũng có thể dịch là một quốc gia, dân tộc, đồng bào, đồng hương, họ hàng.

Ý nghĩa trên được hiểu rõ nét hơn trong Giao ước Sinai. Thiên Chúa đã lập giao ước với dân. Nhờ Giao ước này mà Israel thành “sở hữu riêng” của Đức Chúa, sở hữu thánh (Gr 2,3). Trong bối cảnh này, thuật nhữ “dân Chúa” xuất hiện lần thứ hai trong Kinh Thánh với ý nghĩa thú vị: “Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một “dân thánh - וְג֣וֹי קָד֑וֹשׁ.” (Xh 19,6). Vì có liên hệ gần gũi hơn với Thiên Chúa, nhờ Giao ước, nên dân tộc này ( גּוֹי) được thêm một đặc dân với tính từ thánh thiện (קָד֑וֹשׁ- sacred,  holy). Về sau, ngôn xứ Daniel gọi dân tộc này là một dân được thánh hiến cho Đức Chúa (Đnl 7,6); hoặc sách các tư tế Lêvi định nghĩa: “Dân này là dân thánh như Đức Chúa là thánh” (Lv 19,2).Từ đây về sau, rất nhiều tác giả Cựu ước dùng thuật ngữ này để diễn tả tương quan với Đức Chúa. Tôi trích ở đây vài ví dụ:

- “Anh em trở nên dân Người, nên cơ nghiệp của Người, như ngày nay.” (Đnl 4,20).

- “Israel là chi tộc Người chọn làm gia nghiệp, danh Người là Đức Chúa các đạo binh.” (Gr 10,16)

- “Lạy Chúa, xin cứu độ dân Ngài, trên gia nghiệp này, giáng muôn phúc cả, dẫn dắt nâng niu đến muôn đời.” (Tv 28,9).

2. Đức Giêsu tuyển chọn dân thánh

Chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện cụ thể nơi Con Một Chúa là Đức Giêsu Kitô. Từ dân tộc Israel, Đức Giêsu tuyển chọn 12 Tông Đồ như là biểu tượng của mười hai chi tộc Israel. Đây là dân mới của Thiên Chúa (Mt 19,28; Cv 26,7; Kh 21,12). Nếu Giao ước cũ Đức Chúa dùng máu con bò để ký kết với dân, thì thời Tân ước, qua giao ước mới trong máu Đức Kitô, dân này trở nên một Thân Thể sống động với Đức Kitô là Đầu (x. Ep 4,25).

Có thể nói thời Tân ước, dân Chúa được chính Đức Giêsu tuyển chọn. Họ là những Tông đồ và các mộn đệ. Nhiều lần Đức Giêsu gọi họ là “anh em”, là “bạn hữu”, là một cộng đoàn hiệp nhất. Chính Đức Giêsu trực tiếp huấn luyện và dạy bảo họ tuân giữ giới răn Chúa và trở nên Công dân Nước Trời. Để trở thành công dân tốt, họ cần sống theo Hiến Chương Nước Trời (Tám Mối Phúc Thật). Cần lưu ý rằng Đức Giêsu đến để cứu độ hết mọi người. Trong nhãn quan thần học này, chúng ta thấy dân ngoại cũng được mời gọi để bước vào đoàn dân thánh thiện này. Lương dân sẽ tìm được ánh sáng rạng soi cho cuộc đời (Lc 2,32). Chính Đức Giêsu đã kêu gọi người tội lỗi, phường thu thuế để họ trở về đường ngay nẻo chính. Hiểu theo nghĩa này, bốn Tin mừng diễn tả thuật ngữ dân chúa thêm một chiều kích toàn thể nhân loại[2], nghĩa là mọi người đều có thể trở nên dân của Chúa.

Chẳng hạn khi sống lại, Đức Giêsu phục sinh đã sai các môn đệ ra đi loan báo Tin mừng. Ngài truyền cho các ông: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân (ἔθνη) trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ hãy tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,19-20).  Danh từ “ἔθνος-muôn dân” này không chỉ dành cho các chi tộc nhà Israel, nhưng cho mọi dân tộc, cho dân ngoại. Từ lệnh truyền này, ngay từ Giáo hội sơ khai, các tông đồ đã túa ra mọi ngả đường để loan báo Tin mừng và làm phép rửa cho muôn dân. Những ai chịu phép rửa này thì được gọi là con cái của Thiên Chúa.  

Theo lời giải thích của thánh Phêrô, con cái của Chúa nghĩa là: “Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa; xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em đã được xót thương.” (1 Pr 2,10) Từ lòng xót thương này, thánh Phêrô khuyến khích các thành viên trong cộng đoàn sống giới răn yêu thương của Thiên Chúa. Cùng một lời khuyên này, thánh Phaolô cũng nhắn với cộng đoàn Cô-lô-xê: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại.” (Col 3,12-21) Có thể nói các Tông đồ luôn lấy Đức Giêsu phục sinh làm trung tâm của đời sống dân Chúa. Nhờ Đức Giêsu, chúng ta được làm con dân của Chúa (Ep 2,11–22). Nhờ hồng phúc này mà chúng ta được cứu độ.

3. Công đồng Vanticano II nói về dân Chúa

Sau thời các Tông Đồ, Giáo hội tiếp tục phát triển. Tuy nhiên cụm từ này có vẻ không được nhắc nhiều. Hơn nữa có một thời Giáo huấn cho rằng: “ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ-extra ecclesiam nulla salus[3]. Não trạng này cho thấy tính chất phân biệt giữa dân của Chúa và dân ngoại, giống như thời Cựu ước. Nhất là trong thời kỳ Hộ Giáo, các giáo phụ đề cao tính chất thánh thiêng của dân Chúa để chống lại những lạc thuyết và mời các dân ngoại cần được rửa tội để được cứu độ. Sau đó thuật ngữ này dường như vắng bóng cho đến tận Công Đồng Vaticanô thứ II (1962-1965)

Các Sắc lệnh của Công đồng hướng dẫn dân Chúa hòa mình vào thời kỳ mới. Chẳng hạn Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) cho thấy ánh sáng muôn dân là chính Chúa Kitô (số 1). Muôn dân Công đồng đề cập ở đây là dân mới của Thiên Chúa (LG 9). Vì lý do này, Công đồng khích lệ dân Chúa sẵn sàng kết hợp với cuộc thương khó và cái chết của Đức Kitô để mang lại thiện ích cho đoàn dân Chúa (x. Rm 8,17; Cl 1,24; 2 Tm 2,11-12; 1 Pr 4,13). Theo đó Sắc lệnh này thêm một đặc tính nữa cho dân Chúa: “Dân mới của Thiên Chúa”. (số 13). Trong ý hướng truyền giáo, Sắc lệnh giải thích “đoàn dân mới này gồm những con cái Thiên Chúa trên khắp hoàn cầu”. Dân mới này được Thần Khí hướng dẫn và hiệp nhất “từng người tín hữu trong giáo lý của các Tông đồ, trong tình hiệp thông, trong việc bẻ bánh và cầu nguyện (x. Cv 2,42: bản Hy Lạp). 

Để dân mới này được hiệp hành tốt đẹp, Công đồng nhắc lại cơ cấu của Giáo hội: “Dân Chúa cần chấp nhận trọn vẹn tổ chức  và các phương thế cứu độ được thiết lập nơi Giáo Hội, và trong cơ chế hữu hình của Giáo Hội, nhờ mối dây liên kết qua việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, và sự cai quản của hàng giáo sĩ và sự hiệp thông, họ sống kết hiệp với Đức Kitô, Đấng đang lãnh đạo Giáo Hội qua Đức Giáo Hoàng và các Giám mục.” (số 14). Chúng ta tin rằng tại giáo hội địa phương, đoàn dân mới cũng được Thiên Chúa kêu gọi trong Thánh Thần và trong sự sung mãn dồi dào. Nghĩa là các tín hữu được tụ họp lại nhờ việc rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô, và mầu nhiệm bữa Tiệc của Chúa được cử hành “để nhờ Thịt và Máu Chúa, tình huynh đệ trọn vẹn được kết thành trong một thân thể” (x. số 20).

Có thể nói một trong những thành quả của Công Đồng Vatican II là giúp mở toang cánh cửa của Giáo hội. Mục đích là Giáo Hội có thể đến với muôn dân, và mọi người đều có cơ hội trở thành công dân Nước Trời. Chẳng hạn, “Giáo Hội chỉ có một mục tiêu duy nhất là làm cho Nước Chúa trị đến và toàn thể nhân loại được cứu rỗi. Mọi lợi ích mà đoàn Dân Thiên Chúa, trong thời gian còn đang lữ hành tại thế, có thể đem lại cho gia đình nhân loại, đều phát xuất từ sự kiện này: Giáo Hội là “bí tích phổ quát của ơn cứu rỗi”, tỏ bày và đồng thời thực hiện mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa đối với con người[4].

Chiều kích nhân loại trên cũng được sắc lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo (Ad Gentes) đề cập đến: “Tình trạng thế giới hiện nay đặt nhân loại trong một hoàn cảnh mới, vì thế Giáo Hội, là muối đất và ánh sáng trần gian (x. Mt 5,13-14), càng được kêu mời khẩn thiết hơn để cứu rỗi và canh tân mọi loài thụ tạo, để mọi sự được tái lập trong Chúa Kitô, và nơi Ngài mọi người họp thành một gia đình và một đoàn dân duy nhất của Thiên Chúa (x. Ga 11,52)” (số 1). Có lẽ đây là một trong những nền tảng quan trọng để Giáo hội theo đuổi con đường hiệp hành. Chúng ta đi cùng với nhau, trong cùng một dân duy nhất.

Tạm kết

Với chút chia sẻ trên đây hy vọng chúng ta khiêm tốn vui mừng vì mình thuộc về dân thánh. Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn chúng ta. Là thành viên của dân Chúa, chúng ta dám đảm nhận trách nhiệm và nghĩa vụ dựng xây Nước Trời ngay tại cộng đoàn mình.

Với chút lịch sử trên đây, chúng ta cũng thấy Hội Thánh luôn thánh thiện vì Đức Giêsu là Đầu, là Đấng Thánh. Đây là lời tuyên tín của chúng ta: một Giáo hội thánh thiện. Sở dĩ Hội Thánh là thánh thiện vì: “Đức Kitô đã yêu thương và hiến mình cho Hội Thánh, để thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh” (Ep 5,25-26). Nhờ đó chúng ta là đoàn dân thánh. Nói như Đức hồng y Christoph Schönborn: “Không thể nói Hội Thánh là tội lỗi, nhưng nên nói Hội Thánh ôm trong lòng mình những tội nhân. Hội Thánh vừa thánh thiện vừa không ngừng cần được thanh tẩy, do đó mọi tín hữu đều được mời gọi “thường xuyên sám hối và đổi mới”[5].

Ước gì dân Thiên Chúa càng thêm đông số, nhất là trên mảnh đất Á Châu này. Dân này tiếp tục trung thành với Giao ước, tiếp tục tin yêu nơi Thiên Chúa và nỗ lực cùng bước đi trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Nguồn: hdgmvietnam.com


[1] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-duc-giao-hoang-phanxico-gui-cong-doan-cong-giao-viet-nam-nhan-dip-cong-nhan-thoa-thuan-ve-qui-che-cho-dai-dien-thuong-tru-cua-toa-thanh-va-van-phong-dai-dien-thuong-tru-cua-toa-thanh-tai-viet-nam-52714

[2] “Giáo Hội vẫn phải mang đậm tính cách nhân loại” (Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, số 11

[3] Đọc thêm: https://dongten.net/hieu-the-nao-ve-cau-ngoai-giao-hoi-khong-co-on-cuu-do/

[4] Gaudium et Spes, Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay số 45

[5] Xem https://tgpsaigon.net/bai-viet/tim-hieu-sach-glhtcg-%E2%80%93-bai-37-hoi-thanh-thanh-thien-35128

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/4: Thánh Phêrô Channe – Linh mục, tử đạo (1803-1841)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng