Thứ Tư tuần XXXI TN: từ bỏ mình để theo Chúa

TỪ BỎ MÌNH ĐỂ THEO CHÚA

I. TIN MỪNG Lc 14, 25-33

Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ:  “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. ”Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: “Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV

II. SUY NIỆM

Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay mời gọi chúng ta hi sinh từ bỏ những điều rất thiết thân, đó là những người thân yêu nhất của chúng ta, để trở nên môn đệ đích thật của Người.
Hi sinh từ bỏ những điều rất thiết thân vì Đức Giêsu, đó không phải là để đoạn tuyệt hay hạ thấp, nhưng là để nhận lại nhau như hồng ân Chúa ban, bởi tình yêu và lòng thương xót của Người, và để chúng ta biết yêu thương nhau; yêu thương nhau không theo kiểu của chúng ta, nhưng là yêu thương nhau như Chúa thương yêu chúng ta. Vì Chúa đến không phải để hủy bỏ, nhưng để hoàn tất. 

1. Dứt bỏ điều không thể

Lời của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng làm cho chúng ta hoảng sợ, thậm chí không chấp nhận được, và nếu có chấp nhận, thì cũng không thể thực hành được, chắc chắn là lời này: ”Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (c.26).

Để trở thành môn đệ của Người, Đức Giêsu đưa ra một đòi hỏi quá khó khăn. Vì thế, chúng ta thường hiểu đòi hỏi này chỉ dành cho một số ít người thôi, đó là các tông đồ, và bây giờ là những người đi tu! Hiểu như vậy có lẽ là không đúng, vì như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói lời này với đám người rất đông đang cùng đi đường với Ngài; và trong Giáo Hội, dù lập gia đình hay đi tu, chúng ta đều là Kitô hữu, nghĩa là thuộc về Đức Kitô, chúng ta đều là môn đệ của Đức Kitô theo những cách thế khác nhau, trong đời sống hôn nhân hay đời sống tu trì. Hơn nữa, trong lời mời gọi từ bỏ, Đức Giêsu có nêu ra “vợ con”, nghĩa là Ngài ngỏ lời với cả những người đã có gia đình, đã có vợ có chồng và đã cả con cái!

Vậy phải làm sao đây, trước đòi hỏi quá rõ ràng và khó khăn của Đức Giêsu, ngỏ với từng người trong chúng ta, không phân biệt? Chúng ta được mời gọi “suy đi nghĩ lại trong lòng” theo gương Đức Maria, để hiểu Lời Chúa, trước khi nghĩ đến việc thực hành. Bởi lẽ, trong nhiều trường hợp, và nhất là với lời mời gọi này của Đức Giêsu, nếu chúng ta đem ra thực hành ngay, chúng ta sẽ đi đến bế tắc, thậm chí tự làm hại mình và làm hại nhau. Chẳng hạn, như khi Đức Giêsu mời gọi người nghe phải “móc mắt, chặt tay…” (x.Mt 5, 29-30). Vậy, chúng ta phải hiểu như thế nào đòi hỏi quá lớn lao đến độ phi lí này của Đức Giêsu? 

Trước hết, chúng ta cần nhận ra rằng đòi hỏi này thật là lạ lùng, nếu không muốn nói là kì lạ. Kì lạ, vì ở đây, Đức Giêsu không đòi chúng ta dứt bỏ của cải, tiện nghi, nhà cửa, ruộng đất, nhưng là dứt bỏ những con người cụ thể. Và kì lạ, nhất là vì Đức Giêsu không đòi hỏi chúng ta dứt bà con họ hàng, bạn bè hay là người yêu. Dứt bỏ những người này cũng không phải dễ, nhưng không phải là không làm được. Như chúng ta đã biết, có nhiều người trẻ nam nữ đã phải chia tay với người yêu để trở thành môn đệ Đức Kitô trong đời tu. Và dĩ nhiên là cũng có những người không thể chia tay được! 

Nhưng, ở đây, Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta dứt bỏ những người ruột thịt: đó là cha mẹ, vợ con, anh em, chị em. Và ruột thịt hơn nữa là chính sự sống của mình, bởi vì chúng ta phải đối diện với chính mình hằng ngày: phải ăn phải mặc, phải chăm sóc sức khỏe, và còn phải chú ý đến ngoại hình nữa. Có thể nói, Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta dứt bỏ điều không thể dứt bỏ, bởi vì đó là ruột là thịt của mình. Ví dụ, dù chúng ta đi đâu, làm gì, sống ơn gọi nào, thì khi làm tờ khai, chúng ta vẫn phải khai mình là con của ai, khai vợ khai chồng nếu có, khai tất cả anh chị em ruột. Hơn nữa, người Việt Nam chúng ta rất coi trọng đạo hiếu với cha mẹ và tình nghĩa anh chị em và bà con thân thuộc.

2. Dứt bỏ để nhận lại

Vậy “dứt bỏ” Chúa nói ở đây có nghĩa là gì? Dứt bỏ những người thân yêu, chính là để nhận lại như một quà tặng Chúa ban. Nếu không, chúng ta sẽ coi những người thân yêu là của riêng mình, và tự coi mình là chủ có quyền định đoạt theo ý riêng. Kinh nghiệm cho thấy, làm như thế chúng ta sẽ đánh mất nhau.

Abraham vì tình yêu đối với Chúa, đã dứt bỏ người con trai duy nhất, nhưng cuối cùng đã nhận lại như một ơn huệ Chúa ban, và cùng với người con “ơn huệ Isaac” là cả một dân tộc đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển.

Dưới chân thập giá, Mẹ sầu bi, nhưng Mẹ vẫn đứng vững chứ không ngã quị. Và không cần phải đợi đến biến cố phục sinh, nhưng ở tột đỉnh của sự trao ban, nghĩa là trao ban đến không còn gì, chúng ta được mời gọi nhận ra sự sống mới phát sinh, phát sinh thật đồi dào, phát sinh từ Lời sự sống của Đức Giêsu được thốt lên ngay nơi chết chóc và lúc Ngài đang chết đi. Thật vậy, ngay trong đau khổ của sự chết, một Gia Đình mới phát sinh: Đức Giêsu, nhìn Mẹ, và nói: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Như thế, chính lúc Mẹ đang mất đi người con này, mẹ trở thành Mẹ của người con khác; và từ người con này, dưới sức mạnh của Đấng Phục Sinh, sẽ trở thành đông đúc, trong đó có cả con trai lẫn con gái. Chính lúc Mẹ bình an dâng hiến người con Duy Nhất, Mẹ nhận lại gấp trăm, nơi Người Môn Đệ Đức Giêsu thương mến. Và Mẹ cũng không mất đi Người Con Duy Nhất của Mẹ, vì Ngài sẽ hiện diện ở nơi anh chị em mới của Ngài.

Có thể nói, chính Thiên Chúa Cha cũng “dứt bỏ” Người Con duy nhất, là Đức Giêsu Kitô trong cuộc Thương Khó, nhưng để nhận lại Ngài trong sự sống Phục Sinh, và cùng với Người, là cả một đoàn con đông đúc, là nhân loại mới, là Giáo Hội, là chúng ta, được cứu chuộc bỏi cái chết trên Thập Giá của Đức Kitô.

3. Và để yêu mến theo cách thức của Đức Giêsu

Vì thế, chúng ta được mời gọi trở thành môn đệ của Đức Giêsu, ngang qua việc nghe Lời của Ngài và đón nhận Mình và Máu ngài trong Thánh Lễ, để nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Và cách Đức Giêsu yêu mến chúng ta, cũng chính là cách thức chúng ta yêu mến nhau. Như Chúa nói:  “Anh em hãy yêu mến nhau như Thầy yêu mến anh em” (Ga 15, 12).

Nếu chúng ta yêu nhau như Chúa yêu chúng ta, tương quan tình yêu giữa chúng ta, sẽ không bị lệc lạch, không bị biến dạng thành tương quan ham muốn, chiếm hữu hay độc quyền, nhưng trở thành tương quan hiệp thông trong sự tôn trọng, chia sẻ cho nhau và chia sẻ cho nhau đến tận cùng. Và Ngài hứa với chúng ta là chúng ta sẽ nhận lại gấp trăm. Bởi vì tất cả những ai nghe lời Đức Kitô và đem ra thực hành sẽ trở thành người thân của Chúa và vì thế, trở thành người thân của nhau. Lời hứa này không chỉ được ứng nghiệm trong đời tu, nhưng cả trong Cộng Đoàn Giáo xứ và trong Giáo Hội của chúng ta nữa.

Dứt bỏ mọi sự để trở thành môn đệ của Đức Giêsu, để yêu mến và đi theo Ngài, chúng ta sẽ không “đánh mất nhau”, nhưng ngược lại, chúng ta sẽ “tìm lại được nhau” trong tương quan tình yêu đích thật và muôn đời. Bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng