Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta
Tin Mừng (Mc 9, 38-40)
38Ông Gioan nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”.
39Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.
40Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
*****
1. Ngăn cản (c.38)
Chứng kiến điều kì diệu, đó là Danh Thầy Giêsu được tuyên xưng vượt khỏi giới hạn nhóm của mình, và Danh của Người có sức mạnh trừ quỉ, nhưng thay vì tạ ơn Chúa, ca tụng Thầy và chúc mừng người ta, thì môn đệ Gioan và các môn đệ khác lại “cố ngăn cản”, vì người này không thuộc nhóm các môn đệ đi theo Đức Giêsu.
Trong đời sống đức tin và cả trong đời sống ơn gọi nữa, cái nhìn của chúng ta về người khác, về những gì họ làm và những gì thuộc về họ cũng thường hay bị chi phối phối nặng nề bởi những khuôn khổ, những qui luật, những nguyên tắc, những tư tưởng, những cách hiểu hay cả một ý thức hệ có sẵn của chúng ta. Tương tự như cái nhìn của người con lớn về người em, trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (x.Lc 15, 11-32), phản ứng của ông trưởng hội đường đối với người phụ nữ còng lưng được Đức Giêsu chữa lành (x.Lc 13, 10-17), cái nhìn của ông Simon về người phụ nữ tội lỗi (x.Lc 7, 36-50) hay như quyết định cực đoan (cùng nhau bàn tính, lập mưu để giết chết) của những người Pharisêu đối với Đức Giêsu, sau khi chứng kiến Người chữa lành người bị bại tay trong hội đường, vào ngày Sabát (x.Mc 3, 1-6). Vì thế, chúng ta không thể mở mắt, mở tai và mở lòng ra để nhận ra sự hiện diện của Thánh Thần Thiên Chúa, hoạt động kỳ diệu của Người nơi mọi người và mọi nơi, vượt xa mọi khuôn khổ, với tâm tình tạ ơn và ca tụng.
2. “Đừng ngăn cản người ta” (c.39)
Đức Giêsu mời gọi các môn đệ: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy”. Như thế, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ của Người, các môn đệ lắng nghe trực tiếp lời của Đức Giêsu và các môn đệ thuộc mọi thời, là chúng ta hôm nay, những người nghe được lời của Đức Giêsu trong các sách Tin Mừng, một đàng nhận ra rằng, có những người “thuộc về” Đức Kitô, cho dù không công khai thuộc về “nhóm chúng ta”, và đàng khác, các môn đệ được mời gọi nhận ra điều kì diệu. Điều kỳ diệu ở đây là Danh Thầy Giêsu có sức mạnh đẩy lui sự hiện diện và hành động của ma quỉ. Không chỉ Danh Thầy được “chúng ta” tuyên xưng, nhưng mọi sự trong mọi người, ở mọi nơi và mọi thời, thuộc về Danh Thầy, với tư cách là Ngôi Lời Thiên Chúa, đều có sức mạnh đánh tan bóng tối, bầu khi chết chóc, ma quỉ và Sự Dữ. Bởi vì “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 3).
Thay vì khép kín, chúng ta được mời gọi nhận ra Danh Thầy Giêsu, với tư cách là Ngôi Lời, được tuyên xưng và phát huy sức mạnh nơi mọi người, nơi các nền văn hóa, nơi các dân tộc, nơi các tôn giáo, và cả trong sáng tạo nữa, bởi vì:
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm.
…………………
Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh,
mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.
(Tv 19, 2-5; x.Rm 10, 18)
3. “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (c.40)
Cuối cùng Đức Giêsu nêu ra “một qui tắc” nhận định, có giá trị cho mọi nơi và mọi thời, để nhận biết ai thuộc về, hay rộng hơn, những gì thuộc về “chúng ta”; “chúng ta” là chính Ngài và những người đi theo Ngài, vốn sẽ làm nên Giáo Hội.
Đức Giêsu nói: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Qui tắc này vượt xa những khác biệt về nguồn gốc, chủng tộc, văn hóa và tôn giáo, để nhận ra những giá trị phù hợp với Tin Mừng mà Đức Kitô và Giáo Hội của Người rao giảng, để nhận ra, dưới tác động của Thần Thần, Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa hiện diện ở khắp nơi trong sáng tạo và trong lịch sử (x.Tv 136), lịch sử cứu độ, lịch sử loài người và trong cuộc đời của từng người chúng ta.