Thứ Tư tuần III Phục Sinh: Hễ ai thấy Chúa Con thì thấy sự sống đời đời...

 "Ý muốn của Cha Ta là: hễ ai thấy Con thì có sự sống đời đời".

Lời Chúa: Ga 6, 35-40

Khi ấy, Chúa Giêsu phán với đám đông rằng: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ. Nhưng Ta đã bảo các ngươi rằng: Các ngươi đã thấy Ta, nhưng các ngươi không chịu tin. Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài.

Bởi vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta. Vậy ý của Cha, Đấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại. Quả vậy, ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời".

SUY NIỆM

1. Lời Hứa

Bản văn tuy ngắn, nhưng mở đầu và kết thúc cùng một lời hứa rất an ủi đối với tất cả chúng ta những người đang sống, và đặc biệt đối với những người đã qua đời mà chúng ta hằng nhớ đến và cầu nguyện cho hàng ngày:

Ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài (c.37).

Tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con,
thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại
trong ngày sau hết 
(c.40).

Lời hứa thứ hai bổ túc cho lời hứa thứ nhất: đến với Đức Kitô chính là để thấy và tin vào Ngài. Chúng ta được mời gọi đến với Chúa mỗi ngày và mọi ngày trong đời sống của chúng ta: Trong Thánh Lễ, trong cầu nguyện và các việc thiêng liêng; và nhất là để cho Chúa đến trong ngày sống của chúng ta, trong những lựa chọn, trong cách làm việc, trong cách ứng xử với người khác.

Và một ước ao như thế, một hướng sống như thế, dù được thực hiện chưa hoàn hảo, nhưng làm sao có thể hoàn hảo được, cũng đủ để Chúa không loại trừ chúng ta, nhưng đón nhận chúng ta với lòng quảng đại và bao dung thương xót, ở đời này và ở đời sau. Vì cho dù đời sống của chúng ta có qua đi, nhưng sự sống và tình yêu của Chúa là mãi mãi, là đời đời. Vì thế, Chúa không thể yêu chúng ta có một lúc thôi, nhưng là mãi mãi; và tình yêu của Ngài có sức mạnh biến đổi và tái tạo chúng ta cho tình yêu muôn đời của Ngài.

 2. Tình yêu lan tỏa

Thế mà tình yêu của Đức Kitô dành cho chúng ta, những người còn sống cũng như những người đã qua đời, phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa Cha. Thật vậy, bài Tin Mừng của chúng ta hôm nay được ghi dấu từ đầu đến cuối bởi kế hoạch yêu thương của Chúa Cha:

Ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết (c.39).

Có thể nói, Chúa Con cũng yêu mến, những người Chúa Cha yêu mến; và ngược lại, Chúa Cha cũng yêu mến những người mà Chúa Con yêu mến; và còn nữa, tình yêu hoàn hảo giữa Chúa Cha và Chúa Con lan tỏa ra cho chúng ta.

Và đó chính là cội nguồn của việc chúng ta quan tâm đến nhau, cầu nguyện cho nhau, những người còn sống cũng như người đã qua đời. Bởi vì, Chúa cũng thương những người chúng ta thương mến; và Chúa thương người này nhờ vào lòng tin của người kia. Chân lí này được kể lại khắp nơi trong các Tin Mừng. Đó là trường hợp bà góa thành Naim có đứa con nhỏ chết sớm: vì thương người Mẹ đau khổ, mà Chúa đã cứu người con; đó là trường hợp những người kiêng kẻ bại liệt từ trên mái nhà thả xuống trước mặt Chúa: nhìn thấy lòng tin của họ, Ngài đã cứu chữa người bệnh; và còn nhiều trường hợp khác nữa, như người cha có đứa con gái nhỏ bị bệnh nặng sắp chết, như người chủ có anh đầy tớ bệnh liệt giường; và ơn cứu độ được ban cho cả nhà, nhờ vào hành trình đến với Đức Giêsu và tin vào Ngài của một mình ông Giakêu: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này”. Cùng một lúc và thật là quảng đại, Chúa ban ơn cứu độ cho cả nhà ông Giakêu.

3. Niềm Vui Tin Mừng

Có thể nói, đây chính là một tin vui, và tin vui này đặc biệt có ý nghĩa đối với chúng ta và đem lại cho chúng ta niềm hi vọng khi chúng ta cầu nguyện cho nhau, nhất là cho những người thân yêu đã qua đời. Mỗi người chúng ta hãy khát khao và xin Chúa ban cho chúng ta ơn huệ lớn lao này, đó là xin Chúa cũng công bố rằng, ơn cứu độ đã đến cho nhà của chúng ta, cho cả cộng đoàn, cho cả Hội Dòng. Và ơn cứu độ chính là ơn được giải thoát khỏi sự chết, để sống sự sống mới và sống sự sống mới này mãi mãi với Chúa và với nhau, nhất là với những người thân yêu của chúng ta, còn sống cũng như đã qua đời.

Và Chúa đã ban cho chúng ta ngay hôm nay bảo chứng của ơn cứu độ rồi, đó là Bánh Thánh Thể :

Chính tôi là bánh trường sinh.
Ai đến với tôi, không hề phải đói;
ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! 
(Ga 6, 35)

Bánh Hằng Sống, là Đức Kitô, để trở thành sự sống cho chúng ta, đã phải đi ngang qua cái chết trên Thập Giá, bởi vì đó là đường tất yếu của tấm bánh, nghĩa là phải bị nghiền nát để trở thành lương thực, để nuôi sống và ban sự sống. Và Đức Kitô Bánh Hằng Sống đã làm cho chúng ta sống sự sống mới ngay hôm nay rồi, khi giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ, khỏi tình trạng hỗn mang, khỏi thú tính, khỏi những năng động đen tối và những khuynh hướng chết chóc: vô ơn, nghi ngờ, ghen tị, ham muốn, bạo lực dưới mọi hình thức….

*  *  *

Bánh Trường Sinh có làm cho trường sinh hay không, thì chỉ sau khi chết, chúng ta mới biết; nhưng bánh trường sinh đã được ban cho chúng ta ngay hôm nay rồi, nơi bánh Thánh Thể, và chúng ta cũng đã cảm nếm hiệu quả trường sinh rồi: tình yêu, tha thứ, biết ơn, ước ao, tôn trọng, hiền lành, khiêm tốn, hiệp nhất với Chúa và với nhau, mạnh hơn sức mạnh của Sự Dữ và Sự Chết.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Ba tuần V Phục Sinh: "Thầy ban bình an của Thầy cho các con"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng