Thứ Sáu Tuần XXII TN: Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria

“Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai”

Tin Mừng (Mt 1, 1-16.18-23)

1Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu tổ phụ Ápraham:

2Ông Ápraham sinh Ixaác; Ixaác sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em ông này; 3Giuđa ăn ở với Tama sinh Perét và Derác; Perét sinh Khétxơron; Khétxơron sinh Aram; 4Aram sinh Amminađáp; Amminađáp sinh Nácson; Nácson sinh Xanmôn; 5Xanmôn lấy Rakháp sinh Bôát; Bôát lấy Rút sinh Ôvết; Ôvết sinh Giesê; 6ông Giesê sinh Đavít.

Vua Đavít lấy vợ ông Urigia sinh Salômôn 7Salômôn sinh Rơkhápam; Rơkhápam sinh Avigia; Avigia sinh Axa; 8Axa sinh Giơhôsaphát; Giơhôsaphát sinh Giôram; Giôram sinh Útdigia; 9Útdigia sinh Giotham; Giotham sinh Akhát; Akhát sinh Khítkigia; 10Khítkigia sinh Mơnase; Mơnase sinh Amôn; Amôn sinh Giôsigia; 11Giôsigia sinh Giơkhongia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Babylon.

12Sau thời lưu đày ở Babylon, Giơkhongia sinh Santiên; Santiên sinh Dơrúpbaven; 13Dơrúpbaven sinh Avihút; Avihút sinh Engiakim; Engiakim sinh Ado; 14Ado sinh Xađốc; Xađốc sinh Akhin; Akhin sinh Êlihút; 15Êlihút sinh Elada; Elada sinh Mátthan; Mátthan sinh Giacóp; 16Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô.

17Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Ápraham đến vua Đavít, là mười bốn đời; từ vua Đavít đến thời lưu đày ở Babylon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Babylon đến Đức Kitô, cũng là mười bốn đời.

18Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. 22Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: 23Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

  1. Đức Giêsu và Đức Maria

Với Thánh Lễ kính nhớ biến cố Đức Mẹ sinh ra, Giáo Hội muốn nói với chúng ta rằng để chuẩn bị cho Đức Maria trở thành Mẹ Đức Giêsu, và qua Đức Giêsu, Ngài trở Mẹ của chúng ta, Thiên Chúa đã chuẩn bị từ rất lâu trước đó, nghĩa là từ lúc được hình thành trong dạ mẫu thân, như Tv 139 nói:

Tạng phủ con chính tay Ngài cấu tạo,
dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.

Và Thánh Phaolô cũng nói trong thư tín hữu Galát: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong bụng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người” (Ga 1, 15).

Tuy nhiên bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta khám phá rằng sự chuẩn bị của Thiên Chúa có tầm mức rộng lớn và lâu dài hơn nhiều, hơn rất nhiều biến cố sinh ra.

  1. Đức Maria và thánh Giuse

Đức Maria có sứ mạng sinh ra Đức Giêsu-Kitô, Con Thiên Chúa. Đó là một sinh ra cách lạ lùng, nghĩa là không cần người nam. Tuy nhiên về mặt xã hội, một em bé không thể sống và lớn lên bình thường nếu không có bố. Do đó, Thiên Chúa cũng phải chuẩn bị phía “Đàng Trai” nữa, nghĩa là phía gia tộc của Thánh Giuse, như bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta.

Chính vì thế, chúng ta mừng sinh nhật Đức Maria, nhưng Bài Tin Mừng lại nói về sự sinh ra của Thánh Giuse: “Giacóp sinh Giuse”, chồng của bà Maria. Và đàng sau bố Giacóp là cả một gia tộc, gia tộc của Lời Hứa, là cả một Dân Tộc, Dân Tộc được Thiên Chúa chọn mà chính Đức Maria và Đức Giêsu cũng thuộc về.

Bản Gia Phả trong Tin Mừng theo thánh Luca còn đẩy dân tộc của thánh Giuse, Đức Mẹ và Đức Giêsu đi xa hơn, tới ông tổ Adam, nghĩa là đến thời điểm Sáng Tạo: “Khi Đức Giêsu khởi sự rao giảng, Người trạc ba mươi tuổi. Thiên hạ vẫn coi Người là con ông Giuse. Giuse là con Êli, Êli con Máttát…Enốt con Sết, Sết con Ađam và Ađam là con Thiên Chúa” (Lc 3, 23-38). Và Sáng Tạo cũng là gốc gác của mỗi người chúng ta. Nghĩa là, ở mức độ sáng tạo, chúng ta có cùng một nguồn gốc với Thánh Gia.

  1. Lịch sử cứu độ

Và nếu chúng ta đọc kĩ gia phả của dân tộc mà Thánh Gia thuộc về, thì dân tộc này cũng có một lịch sử thanh trầm như bao dân tộc khác: thời hoàng kim, thời lưu đày bi đát, và có cả một thời thinh lặng, vì chẳng còn gì để viết để kể. Hơn nữa dân tộc này cũng đầy tội lỗi như bao dân tộc khác: Các ông tội lỗi đương nhiên rồi, như vua Đavít, một khuôn mặt tượng trưng cho lời hứa, và Đức Giêsu sau này sẽ mang tước hiệu là “Con Vua Đavít”.

Nhưng có cả các bà tội lỗi nữa. Thật vậy, trong bản gia phả, tuy chủ yếu nói về việc bố sinh con, nhưng cũng có sự hiện diện của bốn người phụ nữ:

  • bà Tamar, phạm tội loạn luân với bố chồng,
  • bà Rahab, là cô gái đứng đường đất Canaan,
  • bà Ruth gốc Moab, nghĩa là dân ngoại
  • và bà Bátseva, vợ của tướng Uria, phạm tội ngoại tình với vua Davít.

Khám phá này làm cho chúng ta thật an ủi, bởi vì ngang qua Đức Maria và Thánh Giuse, Đức Giêsu đến mang lấy tội của dân tộc Ngài và tội của cả loài người chúng ta, như sứ thần nói với thánh Giuse:

Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ (Mt 1, 20-21).

Giống như Đức Maria, ơn gọi của chúng ta cũng được Thiên Chúa chuẩn bị từ rất xa, nhưng không phải chỉ bằng những cách thức ngoại thường, nhưng cũng bằng những nẻo đường rất bình thường và cũng rất đời thường, và với cả những thăng trầm, những yếu đuối, sai lầm và tội lỗi nữa.

Ghi nhớ những ân huệ nhưng không Thiên Chúa ban cho cuộc đời chúng ta, nhất là ơn sinh ra, chúng ta sẽ có sự hiểu biết sâu sa để yêu mến và dấn thân bền vững hơn trong bình an và niềm vui, ơn gọi làm người và nhất là ơn gọi đi theo Đức Kitô theo gương của Đức Maria, Mẹ của chúng ta.

 

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Ba tuần V Phục Sinh: "Thầy ban bình an của Thầy cho các con"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng