Thứ Sáu tuần V Mùa Chay: "Họ tìm bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ"

"Họ tìm bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ".

Lời Chúa: Ga 10, 31-42

Khi ấy, người Dothái lượm đá để ném Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi rằng: "Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?"

Người Dothái trả lời: "Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa".

Chúa Giêsu đáp lại: "Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: "Ta đã nói: các ngươi là thần"? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể huỷ diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Ðấng đã được Chúa Cha thánh hoá và sai đến trong trần gian rằng "Ông nói lộng ngôn", vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha".

Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ. Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: "Gioan đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả". Và có nhiều kẻ tin Người.

 SUY NIỆM

Chúng ta thường nghĩ, khi nhìn thấy dấu lạ, thì chắc chắn sẽ tin. Nhưng bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay cho chúng ta thấy, trong thực tế tương quan giữa thấy và tin phức tạp hơn chúng ta tưởng; và cũng là như thế ở mọi nơi và mọi thời, mỗi khi có dấu lạ. Thật vậy,

Trong số những người Dothái đến thăm cô Maria và được chứng kiến việc Đức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pharisêu và kể cho họ những gì Đức Giêsu đã làm. Vậy các thượng tế và các người Pharisêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây?” (c.45-47)

Như thế, khi chứng kiến hoặc nghe kể lại phép lạ chưa từng thấy, đó là anh Ladarô được Đức Giêsu cho sống lại sau khi đã chôn táng trong mồ bốn ngày, có những người tin nơi Người, nhưng lại có những người muốn làm hại Người, khi đi kể lại với người không có thiện cảm với Đức Giêsu, đó là các thượng tế, những người Pharisêu và cả Thượng Hội Đồng Dothái giáo. Quả thực, ngay sau khi hội họp, họ quyết định loại trừ Đức Giêsu!

 1. Những người tin

Chứng kiến hay nghe nói về phép lạ lớn lao ông Ladarô đã chết, được chôn táng trong mồ bốn ngày, nhưng lại hồi sinh bởi lời của Đức Giêsu, có những người tin nơi Đức Giêsu. Nhưng tin là gì? Đâu là những hệ quả của lòng tin trong cuộc sống, trong những lựa chọn, trong hướng đi, trong cách sống, trong tương quan với Chúa và với người khác? Chúng ta cũng đã nhận ra bao “dấu lạ” Chúa làm trong cuộc đời của chúng ta, chúng ta có tin không? Nếu có tin, thì đức tin đó là đức tin nào? Có biến đổi sâu xa tương quan của chúng ta với Chúa và với “mọi sự khác” không? Thiên Chúa đối với chúng ta là ai, Đức Kitô là ai? Niềm tin này có trở thành lẽ sống của chúng ta không?

Như thế, dấu lạ thì chỉ có một lần hay một vài lần thôi, nhưng tin là một hành trình kéo dài suốt đời và đầy khó khăn. Cũng tương tự như hai người trẻ nam nữ, giống như mỗi người chúng ta và Hội Dòng, sau một thời gian tìm hiểu và đến một thời điểm xác định nào đó, được mời gọi trao ban lòng tin cho nhau, nhưng phải sống niềm tin trọn đời. Và đó là một hành trình không dễ dàng và đòi hỏi phải làm mới lại lòng tin yêu không ngừng.

 2. Những người không tin

Trước hết, đó là “những người đi gặp nhóm người Pharisêu và kể cho họ những gì Đức Giêsu đã làm”. Về những người này, chúng ta chẳng có thể phán đoán gì được về niềm tin của họ nơi Đức Giêsu: họ có tin hay không? Tin Mừng chỉ kể lại hành động khách quan của họ, là họ đi báo cáo với những người không có thiện cảm với Đức Giêsu!

Nhóm người còn lại là cả một “Thượng Hội Đồng”, đại diện cho quyền bính tôn giáo và xã hội; họ nhìn các dấu lạ Đức Giêsu đã làm với con mắt khác hẳn:

:Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá hủy cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta” (c.47-48).

Nhận định này chắc là đúng, về phương diện xã hội và chính trị; nhưng người ta đã lựa chọn sự an toàn của mình, của địa vị, của quyền bính, hơn là đặt những câu hỏi liên quan đến đức tin, hơn là “phân định thiêng liêng”: Đức Giêsu là ai? Ngài có đến từ Thiên Chúa không? Thiên Chúa muốn nói gì với tôi, với dân tộc tôi qua ngôi vị và cung cách hành xử của Ngài? Chính vì thế, họ đã coi Đức Giêsu là “tên quấy rối” phải tiêu diệt! Thật vậy, “từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giêsu” (c.53)!

Lựa chọn sự an toàn của mình, địa vị của mình, quyền lợi của mình, tài sản của mình, thì tất yếu sẽ đi đến hành vi của thú tính, đó là loại trừ bằng sức mạnh, bằng sự gian trá và bằng bạo lực. Có lẽ, nhóm người này nói về con người thời nay, và về chính chúng ta nhiều nhất.

Đức Giêsu làm những dấu lạ để cứu sự sống, nhưng khi làm thế, Ngài lại mang vào mình nguy cơ mất sự sống. Tuy nhiên, Sự Dữ mà con người làm cho Ngài không làm thất bại kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Ngài dùng chính hành động tiêu diệt Ngài,

  • để cho sự dữ hiện nguyên hình và qua đó, giải thoát loài người chúng ta khỏi sự dữ,
  • để bày tỏ khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, là tình yêu và chỉ là tình yêu bao dung và thương xót vô hạn,
  • để trao ban sự công chính và sự sống của Ngài cho chúng ta; và để “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối”.

 3. ”Dấu lạ Thập Giá”

Trong cuộc Thương Khó có điểm tới là “Dấu lạ Thập Giá” hay “Lời Thập Giá” (1Cr 1, 18), với thân xác mỏng manh của Con Thiên Chúa nhập thể, Đức Giêsu được mời gọi bày tỏ Khuôn Mặt Rạng Ngời của Thiên Chúa Cha, một khuôn mặt đã bị hiểu lệch lạc, bị bóp méo, ngay từ nguồn gốc sự sống (x.St 3, 1-7), nhưng không phải bằng những kì công lớn lao, hay những phép lạ cả thể; bởi vì lịch sử Dân Dothái và cuộc đời của Đức Giêsu cho thấy rằng, những kì công lớn lao và những phép lạ cả thể không những không mang lại lòng tin, nhưng còn khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, ngoài ra còn bị Sự Dữ xen vào khơi dậy những cách hiểu và hành động lệch lạc[1].

Vì thế, theo ý của Chúa Cha, Ngài được mời gọi bày tỏ Khuôn Mặt Rạng Ngời của Cha, theo một cách khác, “một cách điên rồ và sỉ nhục”, nhưng lại là sức mạnh và sự khôn ngoan thần linh, qua việc:

  • Đối diện với chính Sự Dữ biểu dương sức mạnh bạo lực ở mức độ tuyệt đối và dưới mọi hình thức, không phải bằng sức mạnh bạo lực lớn hơn, nhưng bằng sự hiền lành tuyệt đối của Con Thiên Chúa, để chiến thắng sự dữ và giải thoát chúng ta khỏi sự dữ và tất cả những gì liên quan đến sự dữ (x. Tv 8; hình ảnh Con Chiên và bầy sói dữ).
  • Gánh lấy mọi “bệnh hoạn tật nguyền” của con người, nghĩa là mang vào mình, trong sự thinh lặng không lên án, mọi hành vi tội lỗi của những con người cụ thể trong cuộc Thương Khó, qua đó mang vào mình mọi tội lỗi của loài người và từng người cách trọn vẹn.
  • Và nhận vào mình thân phận đau khổ và phải chết của loài người chúng ta, không phải với sự phản kháng và thái độ kêu trách, nhưng bằng lời nguyện tín thác: “Cha ơi, con xin phó sự sống của con trong tay Cha” (Tv 31, 6).

Như thế, không phải vì tội của tôi mà Chúa để cho mình “bị phạt” theo Lề Luật thay cho tôi; và cũng không phải một cách trực tiếp tội của tôi làm cho Chúa bị bắt, bị phản bội, bị bắt, bị lên án, chịu khổ hình và chịu chết. Trong cả hai cách hiểu như trên về mầu nhiệm Thương Khó, vốn là điểm tới của Lịch Sử Cứu Độ, của cuộc đời Đức Giêsu và là mặc khải tuyệt đỉnh của Thiên Chúa, tôi đều để cho mình bị rơi và bẫy của ma quỉ, là tự kết án chính mình! (x.Kh 12, 9-10)[2]. Chúa chết vì những con người cụ thể như thế trong một hoàn cảnh lịch sử như thế; nhưng cả nhân loại và từng người, kể cả chúng ta, được mời gọi thấy mình trong cách hành xử của họ. Chúa chết vì tội lỗi nhân loại là như thế. Khi nhìn ngắm Chúa, là chân lý và là sự sống, dường như bị chìm ngập trong bầu khí gian trá và thú tính, xin cho chúng ta cảm được sự kinh khủng, không thể chấp nhận của tội gây ra bởi sự dữ, và xin Chúa tha thứ, chữa lành và giải thoát nhân loại và từng người chúng ta “khỏi mọi sự dữ”.

Và đồng thời, Chúa tự nguyện chịu khổ hình, bởi những con người cụ thể trong cuộc Thương Khó, chính là để bày tỏ cho tôi tình yêu đến cùng của Chúa dành cho tôi, dù tôi là ai và đang ở trong tình trạng nào. Tôi được mời gọi tôi nhận ra nơi những gì Đức Giêsu mang lấy trong cuộc Thương Khó, có chính bản thân tôi, như tôi là, nhỏ bé, giới hạn, yếu đuối, tội lỗi; tôi hiện diện cách trọn vẹn, được đón nhận cách trọn vẹn và được bao dung cách trọn vẹn trên đôi vai của Đức Giêsu, trong ánh mắt và trong trái tim của Người.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1]Lòng tin chỉ dựa vào phép lạ sẽ dẫn những hệ quả nghiêm trọng: (1) Thiên Chúa chỉ ở trong những điều lạ thường, còn những điều bình thường, là phần lớn cuộc đời chúng ta, thì sao? Thân phận con người rốt cuộc có là ơn huệ Thiên Chúa không? Có là đường đi dẫn đến Thiên Chúa hay không? (2) Không chấp nhận thân phận con người và không liên đới với thận phận của người khác. (3) Ma quỉ sẽ lợi dụng để khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, như đã làm trong Sáng Tạo (x.St 3, 1-7) và trong Lịch Sử Cứu Độ (x.Ds 21, 4-9): có điều lạ thì tin, không có thì trách móc nghi ngờ; ngoài ra, còn có những người đã ngụy tạo ra điều lạ để lừa dối mình và lừa dối nhau.

[2]Ngoài ra, cuộc Thương Khó của Đức Giêsu còn dập tắt mọi kết nối tự phát giữa đau khổ và hình phạt do tội. Bởi vì, Người chịu đau khổ, nhưng Người là Đấng Vô Tội tuyệt đối; tương tự như những người công chính, nhưng bị bách hại, được kể lại trong lời nguyện Thánh Vịnh (x.Tv 22) và nhất là như trường hợp của Người Tôi Tớ Đau Khổ (Is 52, 13 – 53, 12).

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Sáu tuần XXXIII TN: “Nhà của Ta sẽ là nhà cầu nguyện”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng