“Các anh hãy theo tôi”
Tim Mừng Mt 4, 18-22
18Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 19Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. 20Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. 21Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. 22Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
Theo lời kể của thánh Mátthêu, cách Đức Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên, trong đó có thánh Anrê mà chúng ta mừng kính hôm nay, và cách đáp lại lời mời gọi đi theo Ngài của họ thật là quá đột ngột, đến độ chúng ta có thể so sánh với “tiếng sét”. Và thực sự đó là “tiếng sét”, bởi vì thánh sử Mátthêu, và thánh sử Máccô cũng vậy, đã không kể lại bất cứ một biến cố nào hay một tiếp xúc nào có trước, nhằm chuẩn bị cho ơn gọi của bốn môn đệ đầu tiên.
Người ta thường cho rằng, Tin Mừng chỉ kể tóm tắt thôi, nhưng trong thực tế cần có sự quen biết và nhất là tìm hiểu trong một thời gian nào đó, để Đức Giêsu đi đến quyết định gọi bốn môn đệ đầu tiên, và để cho hai cặp anh em này, trong đó có thánh Anrê mà chúng ta mừng kính hôm nay, đi đến quyết định bỏ tất cả đi theo Đức Giêsu. Chẳng hạn, các bộ phim về cuộc đời Đức Giêsu thường tưởng tượng thêm giai đoạn tìm hiều giữa Đức Giêsu và những người được gọi đầu tiên. Nhưng tại sao Tin Mừng theo thánh Matthêu không kể rõ ra? Chắc chắn là có sứ điệp gì đặc biệt muốn nói với chúng ta.
Trước hết, chúng ta được mời gọi nhận ra tính nhưng không của ơn gọi. Thật vậy, Đức Giêsu gọi hai anh em Phêrô và Anrê, hai anh em Giacôbê và Gioan, như các ông đang là, đang lay hoay với công việc, với những bận tâm của riêng mình, đang bân rộn với lưới với thuyền cùng với những người thân, khi họ đang bận tâm với những vấn đề của cuộc sống. Ngài dường như không cần chuẩn bị lâu dài các ông rồi mới gọi; tiếng gọi của Đức Giêsu thật nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người nghe.
Tiếng gọi của Đức Giêsu dành cho mỗi người chúng ta cũng nhưng không như thế, dù trong thực tế đã diễn ra như thế nào và đã trải qua những thăng trầm nào. Bởi vì, tiếng gọi của Chúa tự bản chất là nhưng không. Chúng ta đừng bao giờ để phai nhạt đi sự ngỡ ngàng đối với tiếng gọi nhưng không của Đức Giêsu: tại sao Chúa lại gọi con? Tại sao Chúa lại chọn con? Tại sao lại dẫn con đi trên con đường này? Tại sao Chúa lại sai con? Tại sao Chúa lại trao cho con sứ mạng này? Tại sao Chúa lại trao cho cho “chén” này?…Chúng ta hãy làm mới lại sự ngỡ ngàng đối với tiếng gọi của Đức Giêsu, vì đó là động lực giúp chúng ta làm mới lại lời đáp của chúng ta.
Tiếp đến chúng ta được mời gọi chiêm ngắm sức mạnh của tiếng gọi. Thật vậy, tiếng gọi của Đức Giêsu mạnh đến độ làm bật tung “lập tức” (c.20 và 22) các môn đệ đầu tiên ngay tại nơi các ông đang làm việc cùng với những người thân yêu, nơi ông gắn bó, nơi nuôi sống các ông và gia đình, nơi là sự nghiệp của ông, là cuộc đời của ông.
Chúng ta còn chậm chạp và dây dưa trong cách đáp lại, chính là vì chúng ta chưa thực sự nghe được tiếng Chúa. Vì thế, chúng ta hãy ước ao và xin đích thân nghe được tiếng Chúa gọi với tất cả sức mạnh của Lời Chúa, không chỉ một lần, nhưng hằng ngày và suốt đời. Lời Chúa sẽ đụng chạm đến chốn sâu thẳm nhất nơi con người của chúng ta, sẽ lôi kéo và biến đổi chúng ta, vì Lời Chúa là Lời tạo dựng nên chúng ta.
Ơn gọi thiết yếu là một tương quan: Chúa gọi và chúng ta đáp lại, nhưng thánh Anrê và các anh em khác “lập tức bỏ chài, bò thuyền, bỏ cha mà theo Người”. Vì đây là ơn gọi đầu tiên của mọi ơn gọi trong Giáo Hội mà Đức Giêsu sẽ thiết lập, nên cách Ngài gọi các môn đệ đầu tiên chính là nền tảng của mọi ơn gọi; và nền tảng thì luôn luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, trong mỗi ngày sống và nhất là mỗi khi chúng ta lựa chọn. Ơn gọi hiểu như thế, thì không thể chỉ là một biến cố đã qua, nhưng phải được sống và hiện tại hóa hằng ngày, thậm chí phải diễn ra hằng ngày.
Ngài đi ngang qua đời ta mỗi ngày, và lúc nào ngài cũng thấy chúng ta đang loay hoay làm cái gì đó, bận tâm chuyện gì đó. Ngài gọi chúng ta thật nhưng không, bao dung và quảng đại; và chúng ta được mời gọi đáp lại cách nhưng không, bao dung và quảng đại như lời đáp đầu tiên của chúng ta trong bước đường tìm hiểu và sống ơn gọi dâng hiến, theo gương của thánh Anrê Tông đồ.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc