Thứ Năm tuần VII Thường niên: Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em

Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em

Tin Mừng (Mc 9, 41-50)

41“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.

42“Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. 43Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. 44[ ]45Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. 46[ ]47Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục,48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.

49Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối. 50Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau”.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

*****

Su niệm:

1. Phần thưởng

Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm này, lời của Đức Giêsu mang lại cho chúng ta, là những người thuộc về Đức Kitô, là mọi Kitô hữu, là tất cả những ai “đi theo Đức Kitô” (Sequela Christi) trong một ơn gọi, thật nhiều an ủi.

“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (c.41).

Thật vậy, chúng ta sống bằng ơn huệ Chúa ban, ngang qua bàn tay của rất nhiều người, vì thế, trong tâm tình tạ ơn Chúa, chúng ta luôn thao thức bày tỏ lòng biết ơn đối với các ân nhân. Nhưng chính Chúa coi trọng, ghi nhớ và “trả công” cho những người làm ơn cho chúng ta, cho dù là “một chén nước”! Bởi vì Chúa là tình yêu và ở đâu có tình yêu, Chúa hiện diện ở đó.

Đàng khác, được thúc đẩy bởi chính tâm tình “biết ơn” của Chúa, chúng ta được mời gọi coi trọng tất cả những gì chúng ta đã, đang và sẽ đón nhận, cầu nguyện cho ân nhân và sống đúng ơn gọi “thuộc về Đức Kitô” của chúng ta. Chắc chắn, đó là cách biết ơn tốt nhất đối với những người cho chúng ta “uống một chén nước” và đẹp lòng Chúa nhất.

Ngoài ra, lời Chúa còn mời gọi chúng ta “đón nhận nhưng không, thì cho đi nhưng không”, không chỉ đối với những người thuộc về Đức Kitô, nhưng đối với mọi người, vì mọi người được dựng nên “theo hình ảnh Thiên Chúa”. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã trao ban hơn cả “chén nước”, cho những người thuộc về Đức Ki-tô, hay rộng hơn và một cách phổ quát, cho những người sống theo nhân tính và theo những gì cao quí, bởi vì Đức Ki-tô, với tư cách là Ngôi Lời Thiên Chúa hiện diện trong mọi sự: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 3).

Vậy, dựa vào lời của Chúa, một đàng, chúng ta hãy xác tín về “phần thưởng”, nghĩa là những hoa trái Chúa sẽ ban cho chúng ta, cho sự sống hôm nay và mai sau, cho dù chúng ta còn đầy thiếu sót, yếu đuối và tội lỗi; và đàng khác, chúng ta được mời gọi chia sẻ, trao tặng hơn nữa.

2. Hình phạt

Tuy nhiên, ngay sau đó, Đức Giêsu lại nói về những hình phạt, những hình phạt thật nặng nề:

“Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi…Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi…Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi…”(c.42-48)

Lời của Đức Giêsu thật là triệt để với những ai và với những gì làm cớ cho người người khác sa ngã, nhất là những người bé mọn, để chúng ta nhận ra sự nghiêm trọng của việc làm cớ cho người khác sa ngã; bởi vì, đó là hành động của Con Rắn, của Satan. Thật vậy, bà Evà nói với Đức Chúa: “Con Rắn đã lừa dối con, nên con ăn” (St 3, 13).

Nhưng nếu, chúng ta biến lời này của Đức Giêsu thành lề luật, thì loài người sẽ chột mắt, cụt chân, cụt tay hết, thậm chí loài người sẽ “chôn sống” nhau ! Vậy, chúng ta phải hiểu và sống lời của Chúa như thế nào ? Vì trong thực tế, như Đức Giêsu nói trong Tin Mừng theo thánh Luca: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã”.

3. Lời Chúa là Thần Khí

Phải chăng những lời này của Đức Giêsu là lề luật? Nếu đó là những điều luật như những điều luật khác, thì người ta sẽ phải khắc chúng xen vào tảng đá Mười Điều Răn! Có nhiều người đã hiểu luật của Đức Giêsu như thế đấy: chỉ có nội dung thay đổi, còn cách thức vẫn vậy. Nếu hiểu lời của Đức Giêsu theo nghĩa “chữ viết” như thế, người ta sẽ lấy đâu ra sức mạnh để tuân giữ? Và hậu quả sẽ thật lệch lạc và chết chóc.

Ngôn sứ Giêrêmia đã loan báo giao ước mới và luật của giao ước mới sẽ không còn được khắc trên đá nữa, nhưng trong tận đáy lòng con người. Những lời của Đức Giêsu không mô tả cho chúng ta những hành vi phải thực hiện, nhưng buộc phải tiến tới, nếu cần thiết, thật xa như là những lời của Người gợi ra, nghĩa là đoạn tuyệt với sự dữ dưới mọi hình thức, mà vẫn không khuôn theo một cách vật chất.

Lời của Đức Giêsu không thể được tuân giữ do áp đặt từ bên ngoài. Dù sao, nghe những lời này của Đức Giêsu, người Kitô hữu chúng ta có lý để than vãn: quá khó để thực hành những gì Ngài muốn; nhưng thật ra, hiểu cũng đã khó quá rồi! Vậy làm sao tìm ra “lối đi”. Chính Chúa Thánh Linh sẽ dẫn chúng ta đạt tới đích trong tự do; vì áp đặt sẽ làm hỏng luật của Đức Kitô tận gốc rễ.

Để có thể sống theo lời của Đức Giêsu, chúng ta phải khởi đi từ “nguồn gốc”; nguồn gốc là ơn huệ tình yêu nhưng không và đến cùng Người dành cho từng người chúng ta: “Anh em hãy yêu mến nhau, như Thầy yêu mến anh em” (Ga 15, 12), là kinh nghiệm được Ngài “rửa chân”: “Anh em hãy rửa chân cho nhau, như Thầy rửa chân cho anh em” (Ga 13, 14); và khởi đi từ lòng ước ao cũng yêu Chúa đến cùng, ngang qua ơn gọi Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể hiểu như thế, khi nghe lời mời gọi này của Đức Giêsu:

Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 19/6: Thánh Thánh Rômualđô, Viện phụ (956-1027)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng