Thứ Năm tuần IV Phục Sinh: Thánh sử Marcô, tác giả sách Tin mừng

Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ 

Tin Mừng (Mc 16, 9-18)

15Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.

17Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ”.

19Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
*****

Thánh sử Máccô trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ mừng kính ngài hôm nay, kể lại biến cố Đức Kitô Phục Sinh tỏ mình ra cho Nhóm Mười Một và sai các ngài đi loan báo Tin Mừng: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo (c.15).

1. Kinh nghiệm lắng nghe

Tuy nhiên, ngay trước khi Người sai các Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng, Đức Kitô Phục Sinh, theo lời kể của Thánh Sử Máccô, đã khiển trách các ông đã không tin và cứng lòng, đối với các chứng nhân.

Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy (c.14).

Như thế, Đức Kitô coi trọng việc chúng ta làm chứng cho nhau biết bao: lời của của người khác dành cho chúng ta, lời chứng của chúng ta dành cho người khác. Trước khi trở thành chứng nhân, chúng ta được mời gọi mở lòng ra để lắng nghe các chứng nhân. Và điều này phải làm chúng ta ngặc nhiên: kinh nghiệm này cũng phải có, ngay cả đối với các tông đồ, vốn là các chứng nhân ưu tuyển ! Thật vậy, trước khi trở thành chứng nhân, chính các tông đồ cũng đã phải trải qua kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân khác, vốn đã được ban ơn nhận ra Đức Kitô phục sinh trước. Đó là chứng từ của bà Maria Magdala (Mc 16, 11 và Ga 20, 18), chính vì thế bà được Truyền Thống Giáo Hội tặng ban tước hiệu “Tông đồ của các Tông Đồ”; và đó cũng là chứng từ của hai môn đệ từ Emmau trở về: Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này (c.12-13).

2. Kinh nghiệm gặp gỡ

Tuy nhiên, để trở thành chứng nhân được sai đi loan báo Tin Mừng, lắng nghe lời chứng vẫn chưa đủ, bởi vì đó mới chỉ là lời mời gọi hướng đến, chứ không thay thế được, kinh nghiệm đích thân nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Kitô phục sinh; nhưng niềm tin mà chúng ta đặt để lời chứng của các chứng nhân là điều kiện không thể thiếu dẫn chúng ta đi vào kinh nghiệm đích thân gặp gỡ Đấng Phục Sinh.

Đức Kitô phục sinh bày tỏ mình ra cách trực tiếp, đó là ơn đặc biệt Ngài dành cho các chứng nhân đầu tiên, để các ngài có thể thực hiện sứ mạng lớn lao và khó khăn. Về phần chúng ta hôm nay, chúng ta không nên đòi hỏi Đức Kitô hiện ra, vì những lí do khác nhau. Hơn nữa, không “thấy” Chúa cách hữu hình, đó chính là điều Chúa ước ao: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29). Đòi hỏi Chúa hiện ra, là làm khó Chúa rồi, nếu không muốn nói là thử thách Chúa, vì làm sao sự sống mới hoàn toàn khác lại có thể hiện hiện trong sự sống này được, nếu không phải trở lại như cũ.

Chính vì thế, Chúa ước ao chúng ta không thấy mà tin, nghĩa là nhận ra Chúa qua những dấu chỉ Lời Chúa, bí tích Thánh Thể, các chứng nhân, và nhất là hoa trái phong phú do Đức Kitô phục sinh đem lại cho nhân loại, cho Giáo Hội, cho Hội Dòng, cho cộng đoàn, cho gia đình chúng ta. Như hai môn đệ Emmau, chúng ta được mời gọi nhận ra Chúa sống động ngang qua việc hiểu Kinh Thánh dưới ánh sáng của Mầu Nhiệm Vượt Qua và dấu chỉ “bẻ bánh”, trong cuộc sống và trong cử hành Thánh Thể.

3. Đi loan báo Tin Mừng

Như thế, để trở thành chứng nhân được sai đi loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, cần phải có hai kinh nghiệm nền tảng, liên kết chặt chẽ với nhau: kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân khác và kinh nghiệm đích thân nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Kitô phục sinh. Đó là con đường của các tông đồ và của những chứng nhân đầu tiên; nhưng trong con đường của các ngài, chúng ta sẽ tìm ra những kinh nghiệm nền tảng làm nên con đường dành riêng cho mỗi người chúng ta hôm nay.

Dù vừa mới khiển trách các môn đệ “không tin và cứng lòng”, Đức Kitô phục sinh vẫn tin tưởng các môn đệ của mình, ngang qua việc trao sứ mạng. Chúng ta hãy dừng lại suy gẫm từng lời của Đức Kitô:

  • “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Như thế, Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô có tầm mức sáng tạo, bởi vì sứ điệp của Tin Mừng và sứ điệp của sáng tạo là một, vì cả hai đều có cùng một nguồn gốc là Ngôi Lời Thiên Chúa. Để hiểu điều này chúng ta có thể đọc Rm 10, 18 dưới ánh sáng của Tv 19, 5.
  • “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án”. Khi không tin, người ta đã tự kết án chính mình, như Đức Giêsu nói trong Tin Mừng theo thánh Gioan: “kẻ không tin, thì bị kết án rồi” (Ga 3, 18). Và thực tế cuộc sống cho thấy, khi không tin vào sự sống, người ta sẽ chẳng mấy chốc làm việc cho sự chết, sống cho sự chết và thuộc về sự chết, bởi vì đối với họ chết là mạnh nhất, là cùng đích. Ngược lại, lòng tin mang lại cứu độ, như Đức Giêsu hay tuyên bố: “lòng tin của con đã cứu con”.
  • “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

Thế hệ dầu tiên đã được ơn đặc biệt như thế, để khai sinh ra Giáo Hội. Còn chúng ta, những ơn này bây giờ vẫn được ban, nhưng dưới những hình thức khác, tuy không ngoạn mục, nhưng sâu xa và bền vững hơn:

  • Phân định thần loại, nghĩa là phân biệt và nhận ra cách hành động của Chúa và các hành động của Sự Dữ, dưới ánh sáng của Lời Chúa, và nhất là ngôi vị của Đức Kitô trong mầu nhiệm Vượt Qua[1].
  • Thông truyền đức tin và kinh nghiệm, cho dù có rất nhiều khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa…(kinh nghiệm của các nhà truyền giáo).
  • Con rắn, thuốc độc, biểu tượng của sự dữ và bạo lực. Chúng ta có thể chiến thắng nhờ Thập Giá Đức Kitô; như lời Tv 8: “Chúa cho miệng con thơ trẻ nhỏ, cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan”.
  • Hiện diện, quan tâm chăm sóc bệnh nhân, là điều không thể thiếu bên cạnh các biện pháp chữa trị y khoa, và sẽ là điều còn lại sau cùng giúp người bệnh tín thác vào tình yêu Thiên Chúa ngay trong thử thách bệnh tật và sự chết.

Nhưng trên hết là, chúng ta được mời gọi thi hành sứ mạng “nhân danh Đức Kitô”, chúng ta chỉ là tôi tớ, là nữ tì; và vì thế, phải để cho Chúa hành động.

[1]Có thể đọc Dòng Tên Việt Nam, “Tạp Chí Linh Đạo I-nhã”, Phân Định Thiêng Liêng, TP. HCM, NXB Đồng Nai 2020.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần VI Phục Sinh: Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng