Thứ Năm tuần III Thường niên: Chẳng có gì che giấu…

Chẳng có gì che giấu…

Tin Mừng (Mc 4, 21-25)

21Người nói với các ông: “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao?”
22“Vì chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng”.
23“Ai có tai nghe thì nghe!” 24Người nói với các ông: “Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa. 25Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất”.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

*******

1. “Chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày”

Sau dụ ngôn Người Gieo Giống (c.1-20), mà chúng ta nghe trong Thánh Lễ hôm qua, Đức Giêsu tiếp tục kể dụ ngôn cái đèn:

Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao? (c.21) và Người kết luận:

Chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng (c.22).

Chúng ta thường hay hiều câu nói này của Đức Giêsu theo nghĩa luân lý ; theo đó, một ngày kia, vào lúc phán xét, mọi hành động, lời nói và tư tưởng của chúng ta, vốn đa phần vẫn còn được che dấu, tất cả sẽ được đem ra ánh sáng, được phơi bày trước mặt Thiên Chúa và loài người; nếu là như thế, thì sẽ thật là xấu hổ.

Vì thế, lời này của Đức Giêsu làm cho chúng ta lo sợ, hơn là mang lại bình an, tin tưởng và hi vọng. Bởi lẽ, tội lỗi đủ loại của chúng ta vừa nhiều và vừa thầm kín, một ngày kia sẽ bị đưa ra ánh sáng, được công bố cho mọi người đều biết. Tuy nhiên, hiểu lời nói này của Chúa như thế, là không phù hợp với những gì Ngài nói trước đó và sau đó.

2. “Cây đèn” và Lời Chúa

Trước đó, trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu kể dụ ngôn Người Gieo Giống để mặc khải “những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa” (x.Mt 13, 35; Tv 78, 2). Tiếp đến, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dùng hình ảnh cây đèn được thắp sáng, phải được để ở trên giá, được đặt hay treo ở trên cao để mọi người xem thấy và soi sáng cho cả nhà. Thế mà, ánh sáng là hình ảnh của Lời Chúa: Ngôi Lời là ánh sáng, thánh Gioan nói như thế (x.Ga 1, 4-5).

Về hình ảnh “cây đèn”, bản dịch tiếng Việt của chúng ta diễn tả như sau: “Chẳng lẽ mang đèn tới…”. Tuy nhiên, trong tiếng Hilạp, “đèn” là chủ từ: “Chẳng lẽ đèn đến để cho mình được đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường ?”[1]. “Đèn” phải là chủ từ, bởi vì đó là hình ảnh nói về Đức Kitô, Ngài là nguồn ánh sáng ban sự sống, đã đến với chúng ta.

Và ngay sau khi kể dụ ngôn cái đèn, Đức Giêsu nói: “Hãy để ý tới điều anh em nghe”, nghĩa là đến cách thức chúng ta lắng nghe Lời của Đức Giêsu, vốn là Lời mặc khải cho chúng ta những điều kín ẩn về Thiên Chúa, như dụ ngôn Người Gieo Giống trong bài Tin Mừng của ngày hôm qua.

Do đó, điều bí ẩn, điều được ẩn dấu (chứ không phải là điều bị che dấu) chính là những mầu nhiệm kín ẩn của Thiên Chúa, sẽ tất yếu được hiển hiện, được biết và được bừng sáng (thay vì bị đưa ra ánh sáng). Và những mầu nhiệm này ngay bây giờ đã và đang được bày tỏ cho chúng ta nơi Lời của Đức Giêsu và nơi ngôi vị của Người rồi. Thực vậy, thánh Phaolô nói:

Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài. Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật.

(Ep 3, 9; và Rm 16, 25; Col 1, 25-27).

3. “Mầu nhiệm được giữ kín từ muôn thuở”

Như thế, mầu nhiệm được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa, nhưng nay được hiển hiện, được đưa ra ánh sáng, được bày tỏ, được công bố và loan báo, chính là “Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô”. Thực vậy, nơi Đức Kitô, khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa được bày tỏ cho chúng ta trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, và nơi Ngài, không có gì tách chúng ta ra khỏi Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Vậy, theo lời mời gọi của Đức Giêsu, chúng ta hãy để ý tới cách thức chúng ta nghe Lời của Người, như chính Người lập đi lập lại: “Ai có tai nghe thì nghe” (Mc 4, 9 và 23), và cách thức chúng ta đón nhận chính Người nơi bí tích Thánh Thể, để cho Lời của Ngài và chính ngôi vị của Ngài được gieo vào lòng chúng ta như gieo vào đất tốt, lớn lên và sinh hoa kết quả dồi dào, vì như lời Ngài nói: “Ai đã có, thì sẽ được cho thêm”.

*  *  *

Hơn nữa, Đức Giêsu còn mời gọi chúng ta trở thành ánh sáng, thành muối, thành men, như chính Ngài (x.Mt 5, 13-16). Hay đúng hơn, chúng ta để cho ánh sáng của Ngài tỏ hiện nơi con người chúng ta; nhất là lòng thương xót tỏ hiện và chói người nơi con người giới hạn và tội lỗi của chúng ta, như thánh nữ Têrêxa nói:

Vậy thì quả thực, Lạy Chúa, ở nơi ai
Lòng Thương Xót của Chúa
có thể chói ngời hơn ở nơi con?”[2]

[1]Bản dịch FBJ (French Bible Jerusalem): “Estce que la lampe vient…”

[2]Có thể đọc bài “Đọc lại đời mình để nhận ra Thiên Chúa”, của Cha Michel Ronder, SJ.

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng