Thứ Năm tuần II Phục Sinh: Đấng từ trên cao mà đến thì vượt trên hết mọi người

Đấng từ trên cao mà đến thì vượt trên hết mọi người

Lời Chúa: Ga 3, 31-36

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Đấng từ trên cao mà đến thì vượt trên hết mọi người. Kẻ bởi đất mà ra, thì thuộc về đất và nói những sự thuộc về đất. Đấng từ trời mà đến thì vượt trên hết mọi người. Điều gì Người thấy và nghe, thì Người làm chứng về điều đó. Nhưng lời chứng của Người không ai chấp nhận. Ai chấp nhận lời chứng của Người, thì quả quyết Thiên Chúa là Đấng chân thật.

Đấng được Thiên Chúa sai đến thì nói lời của Thiên Chúa, vì được Chúa ban cho thần linh khôn lường. Cha yêu mến Con, nên đã ban mọi sự trong tay Con. Ai tin vào Con thì có sự sống đời đời. Còn ai không tin vào Con, thì sẽ không được thấy sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên người ấy".

*******

SUY NIỆM:

1. Mầu nhiệm Vượt Qua

Chúng ta đang ở trong Tuần II mùa Phục Sinh; và chúng ta có thể nhận ra rằng, bắt đầu từ thứ hai cho đến ngày hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta nghe lại trong Thánh Lễ, gần như toàn bộ chương 3 của sách Tin Mừng theo thánh Gioan. Đó là một cuộc đối thoại dài giữa Đức Giêsu và ông Nicôđêmô. Chúng ta có thể tự hỏi: tại sao phải nghe lại những lời của Đức Giêsu, đã được Người nói từ lâu rồi, mãi ở giai đoạn đầu của cuộc sống công khai, trong khi chúng ta đang ở trong niềm vui của mùa Phục Sinh?

Đó là bởi vì, trong cuộc đối thoại này, Đức Giêsu đã loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Người rồi, nghĩa là cuộc thương khó dẫn đến cái chết và sự phục sinh; và ngược lại, mầu nhiệm Vượt Qua hoàn tất và làm cho sáng tỏ không chỉ tất cả những gì Ngài đã nói và làm trước đó, nhưng kể cả mọi chuyện đã xảy ra cho Ngài. Và trong những ngày này, chúng ta còn được mời gọi bởi chính Đức Kitô Phục Sinh nhận ra rằng, mầu nhiệm Vượt Qua làm sáng tỏ và hoàn tất mọi sự: sáng tạo và lịch sử, và qua đó cuộc đời của mọi người chúng ta.

2. Ơn tái sinh

Vì thế, khi chiêm ngắm cuộc đời của Đức Giêsu dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, sẽ giúp chúng ta biết chiêm ngắm cuộc đời của chúng ta, cuộc đời trọn vẹn chứ không phải chỉ một phần mà chúng ta nghĩ là “xứng đáng”, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua.

Thật vậy, trong cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô, Đức Giêsu nói về ơn tái sinh bởi Thần Khí (bài Tin Mừng của Thánh Lễ thứ hai). Nhưng để sinh lại, thì phải chết đi. Đó là cái chết chấm dứt một đời người, để “sinh lại” trong sự sống mới trong Thiên Chúa, cùng với Đức Kitô; nhưng cũng là “cái chết” mỗi ngày, những “nỗi đau chết người” mỗi ngày, bởi Thánh Thần, để tái sinh và sống trong Thánh Thần, thay vì sống trong xác thịt và theo xác thịt.

Như thế, chúng ta được mời gọi sống mầu nhiệm Vượt Qua mỗi ngày. Cũng giống như hạt lúa mì trong thiên nhiên, như dòng thời gian và sự luân phiên của các mùa, như tấm bánh (biểu tượng của lương thực) ở trên bàn ăn và như bánh Thánh Thể, như nhịp sống hằng ngày của chúng ta:

Tôi nằm xuống và tôi thiếp ngủ,
Rồi thức dậy, vì Chúa đỡ nâng tôi (Tv 3, 6).

Phải chấm dứt, phải chết đi để bắt đầu một giai đoạn mới, một cuộc đời mới. Cũng là như thế, đối với đời sống hàng ngày của chúng ta: chúng ta được mời gọi chết đi, để tái sinh bởi Thiên Chúa.

Nhưng trong thực tế, hành trình tái sinh khó khăn biết bao. Nhưng thực ra, đâu có cuộc sinh ra nào là dễ dàng đâu; ngược lại, trước khi được sinh ra, người con đã phải được cưu mang lâu dài và đầy khó khăn và đớn đau. Và như chúng ta vẫn nói và nói rất đúng: mang nặng đẻ đau, tiếng khóc chào đời. Nhưng rốt cuộc, ơn tái sinh đâu phải là công việc của riêng chúng ta: đó là “ơn trên”, là sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nhằm đáp lại lòng khát khao Thiên Chúa của chúng ta, khát khao sự sống mới đến từ Thiên Chúa.

3. “Tin vào Người Con”

Chúng ta hãy trở lại bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, trong đó, Đức Giêsu đã nói về thái độ không tin phổ quát, đối với lời chứng và ngôi vị của Ngài rồi:

Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người (c.32).

Đó chính là điều đã xảy ra trong cuộc hành trình rao giảng Nước Trời, và nhất là trong cuộc Thương Khó của Ngài. Và đó cũng là điều đã xảy ra đối với các môn đệ đầu tiên mà sách Công Vụ Tông Đồ kể lại cho chúng ta. Và đó cũng là điều đang xảy ra cho chúng ta hôm nay. Thực vậy, trong thế giới và xã hội của chúng ta, chúng ta đang phải đối diện với thái độ không tin thật lớn lao đối với lời chứng Tin Mừng mà chúng ta đón nhận, sống và làm chứng. Thế mà, làm chứng cho Tin Mừng của Đức Kitô, cho mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài, chính là sứ mạng của chúng ta, của mọi Kitô hữu, và nhất là của các tu sĩ nam nữ.

Có thể nói, đó cũng là khó khăn, trong đó, chúng ta được mời gọi “chết đi”, bởi vì chúng ta không thấy rõ kết quả, không thấy rõ tương lai của những công việc tông đồ, của đời sống dâng hiến. Nhưng Thiên Chúa lại có quyền năng làm trào vọt ra sự sống, từ sự bất lực, nhỏ bé, yếu đối, giới hạn và “cái chết” của chúng ta, từ những hoàn cảnh tưởng như là vô vọng hay ngõ cụt. Đó chính là công trình của Đức Chúa, công trình vĩ đại của Đức Chúa trong lịch sử cứu độ, trong cuộc thương khó của Đức Kitô, trong lịch sử Giáo Hội. Và chúng ta được mời gọi trao ban lòng tin, như chính Đức Giêsu mời gọi:

Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy (c.35-36).

Không tin Thiên Chúa ban sự sống, thì tất yếu người ta sẽ làm việc cho sự chết, thuộc về sự chết. Thực vậy, việc từ chối tin sẽ khởi động cách nhanh chóng một tiến trình tăng tốc của sự chết: người không tin vào sự sống sẽ đòi hỏi những bằng chứng về sự sống và, từ đó rất nhanh đi đến chỗ tự mình đưa ra những bằng chứng về điều trái ngược với sự sống. Ai không tin vào sự sống sẽ chẳng mấy chốc làm việc cho sự chết (x.Kn 1, 16 – 2, 24). Vì chết là mạnh nhất, là kết thúc tất cả, là làm cho mọi sự đều như nhau, nên người ta đối xử với nhau như khác loài, người muốn hơn, muốn thống trị bằng khả năng, sức mạnh, bạo lực. Và theo cách nói của Kinh Thánh, lựa chọn tự do này của con người, được gọi là “cơn thịnh nộ của Thiên Chúa” (x.Rm 1-2).

*  *  *

Xin cho sự sống mới của Đức Kitô phục sinh lôi kéo chúng ta trong cuộc đời, trong hành trình ơn gọi và mỗi ngày sống, để chúng ta bình tâm với mọi sự và định hướng mọi sự.

Và vì là sự sống của Đức Kitô phục sinh là có thật, xin được nhận ra sự sống của Chúa tràn sang bờ bên này của cuộc sống chúng ta để biến đổi sự sống hôm nay và chóng qua của chúng ta, và tái sinh chúng ta bởi Thánh Thần cho sự sống mới.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Ba tuần V Phục Sinh: "Thầy ban bình an của Thầy cho các con"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng