Thứ Hai Tuần XXVI TN: Lễ các Thiên Thần Hộ Thủ-" Các Thiên Thần của họ…"

Lễ các Thiên Thần Hộ Thủ

Các Thiên Thần của họ…

Tin Mừng (Mt 18, 1-5.10)

1Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời? “

2Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông 3 và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. 4“Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. 5“Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.

10“Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.

(Bản dịch Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

********

1. “Ai là người lớn nhất?”

Trên đường đi theo Đức Giêsu, đến một lúc nào đó, các môn đệ tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất, không chỉ lớn nhất trong các ông, như các Tin Mừng theo thánh Máccô và Luca thuật lại: “Một câu hỏi chợt đến với các ông: trong các ông, ai là người lớn nhất?” (Lc 9, 46; Mc 9, 34), nhưng còn lớn nhất trong Nước Trời, như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng theo thánh Mátthêu:

Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời? (c.1).

Có thể nói, đó là một “căn bệnh” nghiêm trọng của các môn đệ thời Đức Giêsu, của các môn đệ thuộc mọi thời và của cả loài người. Bệnh nghiêm trọng, vì đó là một thứ bệnh ung thư gây mất hiệp nhất, vì sẽ phải tranh cãi với nhau, tức tối, ganh tị nhau, loại trừ nhau dưới mọi hình thức, kể cả bằng bạo lực (x.Mt 20, 17-28).

Thật vậy, con người luôn muốn hơn và muốn đứng đầu trong mọi lãnh vực, thậm chí trong các nhân đức, trong đó có nhân đức khiêm nhường, vì người ta cũng phân chia nhân đức khiêm nhường ra thành bậc! Con người khổ sở vì sự thua thiệt trong thân phận và trong ganh đua; tự xếp loại mình và xếp loại nhau; từ đó không chấp mình không chấp nhận nhau trong trong thâm tâm. Rộng hơn nữa, đó còn là cách sống, cách làm việc và cách tổ chức của con người ngoài đời cũng như trong đạo: thi đua, thi tuyển, phân cấp, xếp bậc, xếp loại…Kết quả là “những người bé nhỏ” theo nghĩa rộng và ở nhiều bình diện khác nhau, vốn chiếm đa số, bị khinh chê, thậm chí bị loại trừ, hay ít nhất tạo ra nơi họ mặc cảm thua kém rất tai hại và chết chóc.

2. Nên như trẻ nhỏ

Cách Đức Giêsu chữa căn bệnh này, và cách các Tin Mừng kể lại càng làm cho chúng ta nhận ra rằng đây là một thứ bệnh khó chữa. Vấn đề quan trọng không phải ai là người lớn nhất trong Nước Trời, nhưng là làm thế nào để vào Nước Trời. Và để vào Nước Trời, Đức Giêsu mời gọi:

Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ,
thì sẽ chẳng được vào Nước Trời
(c.3).

Loài người ham muốn vị trí “lớn nhất”, Đức Giêsu lại đẩy về một cực khác, là “nhỏ nhất”. Như thế, Nước Trời là Nước của “trẻ nhỏ” và chỉ có “trẻ nhỏ” mà thôi. Do đó, ai cũng là người “lớn nhất”:

Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này,
người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời
(c.4).

Như vậy trong Nước Trời, sẽ không còn sự phân biệt cao thấp hay lớn bé theo kiểu của người đời, như chính Chúa đã sẽ nói rằng, anh em chỉ có một Cha và một Thầy, còn tất cả đều là anh chị em với nhau, ở đời này cũng như ở đời sau (x. Mt 23, 8-12). Và để các môn đệ đừng hiểu lệch lạc những khái niệm “trẻ nhỏ”, Đức Giêsu đem một em bé tới đặt giữa họ và đồng hóa mình với em nhỏ:

Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy,
là tiếp đón chính Thầy
(c.5).

Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hình ảnh tuyệt đẹp này, được thánh sử Máccô ghi nhận: “Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó” (Mc 9, 36). Và Ngài sẽ thực sự trở nên “em bé” đối với Cha và loài người trên Thập Giá. Vì thế, Chúa chữa lành chúng ta không chỉ bằng lời nói quyền năng, nhưng còn bằng cái chết của Ngài trên Thập Giá, vốn cũng là một Lời, “Lời Thập Giá” (x.1Cr 1, 18).

 3. “Thiên Thần của họ”

Nhưng tại sao chúng ta phải trở nên như trẻ nhỏ để được vào Nước Trời? Lý do Đức Giêsu nêu ra thật lạ lùng và phải làm cho chúng ta kinh ngạc:

Quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời (c.10).

Như thế, các em nhỏ ngay ở đời này đã được Thiên Chúa chọn một cách nhưng không để được vào trong Nhà Chúa và chiêm ngưỡng Thánh Nhan Người, ngang qua sự hiện diện của các thiên thần. Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, người được “chiêm ngắm Thánh Nhan Thiên Chúa” là người được Thiên Chúa yêu thương, đón nhận và chia sẻ sự sống viên mãn của Người, để yêu mến và ca tụng luôn mãi:

Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?
(Tv 42, 3).

Khi lắng nghe và suy niệm lời này của Đức Giêsu, Giáo Hội đã nhận ra ơn huệ Thiên Thần Hộ Thủ, hay Thiên Thần Bản Mệnh mà Chúa thương ban cho mỗi người chúng ta, để luôn luôn bảo vệ chúng ta khỏi mọi sự dữ, gìn giữ chúng ta trong tương quan ân sủng với Chúa và thay mặt chúng ta chiêm ngắm Nhan Thánh Chúa.

*  *  *

Cùng với Giáo Hội chúng ta cùng diễn tả tâm tình tri ân đối với các Thiên Thần Ban Mệnh của chúng ta. Xin các ngài giúp chúng ta trở nên như em bé trong bình an và niềm vui. Bởi vì, như Đức Giêsu đã công bố:

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa 
(Mt 5, 8).

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 02/5: Thánh Athanasiô, Giám mục Tiến sĩ Hội thánh (295-373)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng