Thứ Hai Tuần 5 Thường Niên, Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo

THỨ HAI TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo, Lễ nhớ.

"Tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh".

* Ngày 05 tháng 02 năm 1597, hai mươi sáu Kitô hữu đã bị đóng đinh thập giá ở Nagasaki (Nhật Bản). Trong số đó có những nhà truyền giáo từ châu Âu đến như các tu sĩ dòng Tên và dòng Phanxicô, nhưng còn có cả các tu sĩ Nhật Bản, như thánh Phaolô Miki (sinh khoảng năm 1564/1566) và mười bảy giáo dân gồm: các giáo lý viên, các người thông ngôn, hai bác sĩ, và cả các trẻ em nữa. Tất cả đều tươi cười, nhiều người còn ca hát khi chịu chết để làm chứng cho Chúa Kitô.

Lời Chúa: Mc 6, 53-56

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ qua biển rồi, các ngài tới miền Giênêsarét và ghé bến. Các ngài lên khỏi thuyền, tức thì người ta nhận ra Người, họ liền rảo chạy khắp miền, và nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó.

Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng và xin Người cho họ ít là được chạm tới gấu áo Người, và tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh.

QUYỀN NĂNG VÀ YÊU THƯƠNG

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thuở tạo thiên lập địa, quyền năng Thiên Chúa trổi vượt và chiến thắng. Chiến thắng bóng tối để sáng tạo ánh sáng. Chiến thắng khối hỗn mang để tạo dựng vũ trụ nên hình dạng tốt xinh. Chiến thắng khoảng không vô định hình để làm nên trật tự lạ lùng. Chiến thắng lớn lao nhất là ban sự sống cho muôn loài. Sự sống là một chiến thắng kỳ diệu. Đó là món quà quí giá nhất. Thiên Chúa ban cho muôn loài được tham dự vào sự sống của Người (năm lẻ).

Thời Cựu ước, quyền năng của Người bày tỏ ra trong sự hiện diện uy nghiêm. Khói tỏa mịt mù trong lều hội ngộ. Sức mạnh phi thường của Hòm Bia khiến cả quân thù cũng phải khiếp sợ. Thực ra trong Hòm Bia không có gì. Chỉ có hai bia đá làm bằng chứng giao ước (năm chẵn).

Đến thời sau hết, loài người được diễm phúc chiêm ngưỡng Thiên Chúa bằng xương bằng thịt trong Chúa Giê-su Ki-tô. Đó là Thiên Chúa vẫn tràn đầy quyền năng phép tắc. Quyền năng phép tắc thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Vì phải đối địch lại với ác thần. Cánh tay hùng mạnh của Ngài vẫn chiến thắng. Chiến thắng tội lỗi để tha thứ cho con người. Chiến thắng bệnh tật cho con người lành mạnh. Nhất là chiến thắng ác thần xua đuổi ma quỉ ra khỏi con người.

Nhưng còn hơn cả quyền năng phép tắc. Vì Thiên Chúa đến ở với con người, gần gũi con người. Con người có thể đụng chạm đến Người. Xưa kia Thiên Chúa uy nghi xa cách, con người chỉ “kính nhi viễn chi”. “Áo ngài mặc toàn oai phong lẫm liệt. Cẩm bào ngài khoác là muôn vàn ánh hào quang”. Nay thì con người có thể đụng đến gấu áo của Người. Và gấu áo tuy gần gũi nhưng vẫn có quyền năng chữa lành. Con người cảm thấy tình yêu thương của Chúa thật ấm áp. Chúa cảm thương. Chúa cầm tay người bệnh. Chúa vuốt ve vết thương của người bệnh phong. Chúa chúc lành trẻ em.

Xin cho con biết nối tiếp công trình của Chúa. Tiếp tục kiến tạo trần gian nên tốt đẹp. Tiếp tục bày tỏ quyền năng Chúa chống lại cái ác, cái xấu. Nhất là tiếp tục tình yêu thương của Chúa. Gần gũi những người đau yếu, bệnh tật, bị thần ô uế ám ảnh. Lạy Chúa, xin chiếu tỏa quyền năng của Chúa cho sự thiện hiển trị.

GIÁO HỘI VÌ NGƯỜI NGHÈO

(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

Mẹ Têrêxa Calcutta nổi tiếng trên khắp thế giới không phải ngài là một người giỏi giang, cũng không phải nơi mẹ có những điểm hấp dẫn về nhan sắc... Tuy nhiên, mẹ trở nên một người có thể làm đảo lộn thế giới chỉ vì tình yêu rất lớn của mẹ dành cho người nghèo và những người bện tật, đến nỗi có những ngày các nữ tu trong dòng của mẹ phải nấu thức ăn cho khoảng 7 ngàn người, và cả những người phải cung cấp lương thực, có lúc lên đến 9 ngàn người.

Chúng ta còn nhớ ngày mẹ lìa cõi trần, nhiều nguyên thủ quốc gia đã tuyên bố quốc tang, nhiều bài phát biểu bày tỏ sự ngưỡng mộ được phát đi với những lời lẽ hết sức xúc động như: “Từ nay, thế giới bớt tình thương hơn”; hay: “Hôm nay, người nghèo mất đi một người mẹ yêu thương, người bạn đồng hành...”.

Hôm nay, bài Tin Mừng cũng thuật lại cho chúng ta khái quát về những hoạt động của Đức Giêsu. Ngài làm việc không biết mệt mỏi, đi đến đâu là thi ân giáng phúc tới đó.

Đối tượng mà Đức Giêsu nhắm đến để phục vụ chính là những người nghèo. Vì họ mà Ngài chấp nhận quên ăn, quên ngủ, bất chấp bị quấy rầy, bởi Ngài thấy được những vấn đề cấp thiết mà họ đang mong đợi.

Ngày nay, Giáo Hội của Đức Giêsu, không có con đường nào khác để loan báo về Đức Giêsu tốt hơn cho bằng lựa chọn người nghèo, người sống bên lề, vùng biên của xã hội.

Nếu Giáo Hội quên đi điểm căn cốt, bản lề này, thì Giáo Hội đánh mất đi bản chất và ý nghĩa của sự hiện diện.

Tuy nhiên, điều chúng ta đặt ra là: trong khi phục vụ, chúng ta có thái độ nào với họ? Phải chăng là trưởng giả, hay chỉ phục vụ gián tiếp? Không! Phục vụ như Chúa, đến để phục vụ chứ không phải được phục vụ. Tinh thần Kitô giáo không chấp nhận phục vụ hình thức, hay trên môi miệng, hoặc chỉ dừng lại nơi tư duy mà không đi đến hành động cụ thể!

Lạy Chúa Giêsu, xin thương ban cho chúng con mặc lấy tâm tư của Chúa. Sẵn sàng trở nên điểm tựa và niềm hy vọng cho những ai cần sự giúp đỡ của chúng con. Amen.

CHẤP NHẬN BỊ QUẤY RẦY

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Tin Mừng hôm nay là một bản khái quát những hoạt động của Chúa Giêsu làm cho con người, những hoạt động này vừa nhiều vừa đa dạng, đến mức làm cho người ta có cảm tưởng Chúa Giêsu là một lương y đa khoa.

Nhìn vào cách thức hành động của Chúa Giêsu, con người thời nay có thể cho rằng Ngài làm việc thiếu khoa học. Dường như Chúa Giêsu không lên kế hoạch làm việc cho từng ngày, ngày nào của Ngài cũng chỉ theo một chương trình duy nhất, là rao giảng Tin Mừng và làm cho Nước Trời hiện diện cụ thể trong đời sống con người. Ðối tượng phục vụ của Ngài là người nghèo đủ loại, và nhu cầu của người nghèo lại cấp bách đến độ không thể dời lui dời tới hoặc giới hạn vào một số giờ nhất định. Sống với người nghèo và cho người nghèo là chấp nhận bị quấy rầy: quấy rầy vì những vấn đề của họ thật cấp thiết nhưng lại không dễ giải quyết, quấy rầy vì họ luôn ở cạnh chúng ta mà chúng ta không được phép quên đi.

Giáo Hội hôm nay muốn chọn người nghèo làm đối tượng ưu tiên để phục vụ như Chúa Giêsu ngày xưa đã làm, thì Giáo Hội cũng không thể quên sự quấy rầy của người nghèo và các vấn đề liên quan đến người nghèo. Nếu Giáo Hội có phải phân nhiệm cho ủy ban này, ủy ban khi lo từng vấn đề, nếu Giáo Hội có phải lên thời khóa biểu hằng ngày, thì tất cả chỉ vì muốn phục vụ người nghèo cho có kết quả hơn, chứ không phải để giảm bớt hoặc thoái thác công việc.

Chúa đã không phục vụ con người theo kiểu trưởng giả, gián tiếp, nhưng đã dấn thân phục vụ tất cả mọi người bất cứ giờ phút nào. Xin cho Giáo Hội và mỗi người chúng ta đừng phục vụ người nghèo trên môi miệng, trên giấy tờ hoặc trong tư duy, nhưng là phục vụ trong hành động cụ thể và mau mắn. 

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Bảy tuần IV Phục Sinh: "Ai thấy Thầy là xem thấy Cha"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng