Thứ Hai Tuần 3 Phục Sinh

THỨ HAI TUẦN 3 PHỤC SINH

Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời".

* Thánh nhân sinh năm 295 tại A-lê-xan-ri-a. Người cộng tác, rồi kế vị giám mục A-lê-xan-ri-a. Thánh nhân chỉ có một mục đích: bảo vệ tín điều về thần tính của Chúa Kitô. Tín điều này đã được xác định tại công đồng Ni-xê-a. Cũng vì đó người bị công kích khắp nơi.

Nhưng dù gặp những giám mục nhút nhát, dù bị săn lùng, dù năm lần bị đày ải, người vẫn giữ được tính khí khái; nhất là giữ được lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người. Người đã viết nhiều tác phẩm vừa để làm sáng tỏ vừa để bảo vệ đức tin chân truyền. Người qua đời năm 373.

Lời Chúa: Ga 6, 22-29

Hôm sau, đám người còn ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi. Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh. Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu.

Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?" Chúa Giêsu đáp: "Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu". Họ liền thưa lại rằng: "Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?" Chúa Giêsu đáp: "Đây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến".

GIÊSU LÀ BÁNH

(ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Cơm áo gạo tiền luôn là mối lo hàng đầu của con người. Người ta bỏ phiếu cho những lãnh đạo đem lại cơm no áo ấm. Sau phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều dân chúng nô nức đi tìm để tôn Chúa Giêsu lên làm vua. Hi vọng thời cường thịnh của Ít-ra-en bắt đầu.

Nhưng Chúa hướng tâm trí họ lên cao hơn. Đừng tìm của ăn chóng hư nát và chỉ đem lại đời sống mau tàn. Hãy tìm của ăn vĩnh cửu đem lại sự sống đời đời. Chúa mặc khải cho biết tấm bánh đem lại sự sống đời đời chính là Người, là Giê-su. “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51). Và cách làm việc để tìm được tấm bánh ấy là tin vào Người, tin vào Giê-su.

Đức tin nâng ta lên sự sống mới. Ở sự sống mới người ta không còn sống bằng cơm bánh, nhưng bằng Lời Chúa và bằng Thánh Thể: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4).

Đó là sự sống trong Thánh Thần: “Ai tin vào Tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống”. Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận” (Ga 7, 38-39).

Sống theo Thần Khí không còn sống theo xác thịt. Không còn theo thói đời. Không còn dính bén những giá trị trần gian. Như Stê-pha-nô người tràn đầy Thánh Thần. Nên ông khôn ngoan không ai có thể bài bác được. Nên “mặt ông giống như mặt thiên sứ”. Nên ông sẵn sàng hiến mạng sống cho Chúa. Và khi chết ông còn xin Chúa tha thứ cho những kẻ giết mình.

Chúa đã phục sinh. Tôi cũng phải sống lại với Chúa. Chúa đã lên một cấp độ sự sống mới, tràn đầy vinh hiển. Tôi cũng phải theo Chúa sống một đời sống mới. Tin vào Chúa Giê-su. Nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa và Thánh Thể. Sống theo Thần Khí. Đó là khởi đầu sự sống đời đời.

TIN CHÚA VÌ MỤC ĐÍCH GÌ?

(Lm. Vinhson Ngọc Biển SSP)

Danh tiếng của Đức Giêsu ngày càng lan rộng, nhất là sau cuộc hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng. Tuy nhiên, vì tình thương, nên Ngài đã làm phép lạ này chứ không phải vì muốn nổi danh! Nhưng đối với người Dothái, họ có lối suy nghĩ khác! Thay vì họ tạ ơn Chúa vì lòng thương xót của Ngài, thì ngược lại, họ chỉ nghĩ đến cái bụng và khao khát được thỏa cơm đói. Vì thế, dân chúng nghĩ rằng: có Đức Giêsu hiện diện ở giữa họ thì có lẽ sẽ không phải đói khát và có khi chẳng cần làm lụng vất vả cũng có ăn! Thế nên, họ tìm cách để tôn vinh Ngài lên làm vua. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lánh đi để sang bờ bên kia trước họ.

Vì biết được lộ trình của Đức Giêsu, nên họ đã tìm mọi cách để gặp Đức Giêsu. Khi gặp Ngài, họ cất tiếng hỏi: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?", Đức Giêsu thừa biết mục đích của họ, vì thế Ngài nói ngay: "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6, 26 ). Khi nói như thế, Đức Giêsu mời gọi họ hướng tới một cuộc "vượt qua" khác, sâu xa hơn, đó là cuộc vượt qua từ bánh hóa nhiều đến với Đấng ban bánh ấy, vượt qua từ dấu chỉ là bánh đến với Đấng chính là Bánh Trường Sinh (x. Ga 6, 27 ).

Ngày nay, trong đời sống đạo, nhiều người vẫn còn thói quen tin Chúa như những người Dothái. Tức là tin Chúa khi vui, lúc thành công, nhất là tin khi được lợi. Vì thế, chúng ta vẫn thấy có chuyện như: thích thì đi lễ, đi chầu, đọc kinh... không thích thì thôi!

Trong tâm tình cầu nguyện, mấy ai nghĩ đến chuyện chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa vì những điều kỳ diệu cũng như ơn lành Ngài đã làm cho! Hoặc liệu có ai xin Chúa cho được đạo đức, thánh thiện, sám hối, khiêm nhường, nhất là yêu mến Lời Chúa... Nhưng mỗi khi đến nhà thờ là lâm râm xin cho được cái này, được cái kia, nhất là xin cho được ăn ra làm nên... Mỗi khi như thế, chúng ta cũng không hơn gì người Dothái muốn tôn Chúa làm vua và đi tìm Ngài chỉ vì cái bụng chứ không phải vì lòng mến!

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết hướng về Chúa như là nguồn cội của hạnh phúc, và xin ban cho chúng con làm mọi cách vì hạnh phúc mai hậu trong Nước Trời. Amen.

HOÁN CẢI NỘI TÂM

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Ở thời đại nào, đám đông cũng có thể là một sức mạnh mù quáng, hành động thiếu suy nghĩ và bị lôi cuốn bởi những dòng chảy của sự dữ. Trước khi bị các thượng tế và tổng trấn Philatô kết án, Chúa Giêsu đã bị chính đám đông kết án. Cái đám đông đã từng tung hô Ngài trong ngày Ngài khải hoàn tiến vào Giêrusalem, cũng cái đám đông ấy gào thét, đòi đóng đinh Ngài vào thập giá. Bi kịch ấy dường như được thánh Gioan báo trước qua đoạn Tin Mừng được Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe và Suy Niệm hôm nay. Ðám đông được Chúa Giêsu cho ăn no nê ngày hôm trước, ngày hôm sau vẫn còn đứng bên kia bờ Biển hồ. Chúa Giêsu đã đọc được động lực thúc đẩy họ tìm kiếm Ngài, họ đã đi tìm kiếm Ngài không phải vì Ngài là đối tượng của khát vọng tìm kiếm của họ, mà chỉ vì đã được Ngài cho ăn no nê; họ đi tìm kiếm không phải vì đã nhận ra ý nghĩa của phép lạ nhân bánh và cá ra nhiều; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì chính Ngài đã mang lại ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống của họ; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì giáo huấn của Ngài; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì những giá trị cao quí của cuộc sống mà Ngài đến để bày tỏ. Cái đám đông ấy bị lôi kéo bởi những cái hời hợt, nhất thời và chóng qua là cơm bánh. Ðây chính là bi kịch đã xảy ra cho Chúa Giêsu. Ðám đông đã khước từ Ngài và treo Ngài lên thập giá chỉ vì họ đã không hành động theo những xác tín thâm sâu thể hiện trên đạo lý, trên tiếng gọi của lương tâm, mà chỉ sống theo cảm tính và những xu thế mù quáng. Ðây cũng chính là nguy cơ mà người tín hữu Kitô có thể rơi vào.

Dĩ nhiên, nói đến đạo là nói đến đám đông. Chúng ta lãnh nhận đức tin trong một cộng đồng. Chúng ta sống và thể hiện đức tin trong một cộng đồng. Chúng ta cần có một đám đông nào đó để nâng đỡ niềm tin của chúng ta. Tuy nhiên, cái đám đông ấy cũng dễ lôi kéo và biến việc thể hiện đức tin của chúng ta thành một lối giữ đạo hình thức và máy móc. Ðạo dễ trở thành một chuỗi biểu dương bên ngoài hơn là một cuộc gặp gỡ thâm sâu giữa tha nhân và Chúa. Ðạo sẽ chỉ còn là những bó buộc và nghĩa vụ mà đám đông thôi thúc để tuân giữ hơn là được thực thi vì xác tín và lòng mến.

Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh mà chúng ta đón nhận mỗi ngày trong Thánh Thể và gặp gỡ thường xuyên qua tha nhân trở thành đối tượng của sự khao khát và tìm kiếm không ngơi nghỉ của chúng ta, để trong tất cả mọi sự, chúng ta có thể thốt lên như thánh Phaolô: "Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi".

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng