Thứ Bảy tuần XVII Thường Niên: Thánh Gioan Tẩy Giả và Đức Kitô

Thánh Gioan Tẩy Giả và Đức Kitô
(Mt 14, 1-12)

1Thời ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe danh tiếng Đức Giêsu, 2thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó chính là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ”.

3Số là vua Hêrôđê đã bắt trói ông Gioan và tống ngục vì bà Hêrôđia, vợ ông Philípphê, anh của nhà vua. 4 Ông Gioan có nói với vua: “Ngài không được phép lấy bà ấy”. 5Vua muốn giết ông Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. 6Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hêrôđê, con gái bà Hêrôđia đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. 7Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. 8Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm”. 9Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô.

10Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gioan. 11Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ. 12Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem đi mai táng, rồi đi báo cho Đức Giêsu.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

  1. Thánh Gioan Tẩy Giả

Nghe danh tiếng của Đức Giêsu, nhất là về các phép lạ Người thực hiện, Vua Hêrôđê cho rằng Đức Giêsu là ông Gioan Tẩy Giả đã từ cõi chết trỗi dậy. Đó là một sai lầm ; nhưng đối với chúng ta, sai lầm này lại mang nhiều ý nghĩa trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và đã loan báo cho chúng ta mầu nhiệm Vượt Qua rồi. Thật vậy:

  • Vua Hêrôđê loại trừ một Gioan Tẩy Giả, thì lại có một Gioan Tẩy Giả khác xuất hiện. Như thế, Sự Thiện, Ánh Sáng và Chân Lý không thể bị loại trừ bởi bạo lực, nghĩa là bởi Sự dữ, Bóng Tối và Dối Trá.
  • Vua Hêrôđê làm điều dữ và ông bị dày vò bởi điều dữ, cái nhìn của ông bị chi phối tất yếu bởi điều dữ ông đã làm. Như thế, không phải Sự Thiện dùng phương tiện của Sự Dữ chống lại Sự Dữ, nhưng Sự Dữ sẽ tự hủy diệt Sự Dữ, như lời Thánh Vịnh loan báo: «Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài, còn con đây, thì được thoát khỏi» (Tv 141, 10)[1].
  • Đức Giêsu không phải là Gioan Tẩy Giả sống lại, nhưng Ngài là Đấng ông loan báo, Ngài là niềm hi vọng của ông, là sự sống lại của ông. Thật vậy, nơi mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Giêsu sẽ bị giết chết cách bất công như Gioan, nhưng Ngài mạnh hơn sự chết, Ngài sẽ phục sinh và làm cho mọi người phục sinh, trong đó có Gioan.
  1. Từ lúc sinh ra

Ngoài ra, sai lầm của vua Hêrôđê còn làm cho chúng ta nhận ra rằng cả cuộc đời của thánh Gioan, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết, gắn bó biết bao với Đức Giêsu, với sự sinh ra, sự sống, sự chết và sự sống lại của Người.

Thật vậy, Gioan đã loan báo và chuẩn bị cho Đức Kitô ngự đến, trong cách mình được cưu mang và được sinh ra và bằng cả cuộc đời của mình, như chính ông Dacaria, cha của Gioan, đã tiên báo :

Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người
,
bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ
là tha cho họ hết mọi tội khiên
(Lc 1, 76-77).

Sự sống của thánh Gioan là một tuyệt tác của Thiên Chúa, diễn tả quyền năng ban sự sống của Người ; nhưng Đức Giêsu, sinh bởi Đức Maria, là tuyệt tác còn lớn hơn và là tuyệt tác duy nhất: Mẹ sinh con không phải từ cung lòng già cỗi hay hiếm muộn, nhưng là từ cung lòng trinh nguyên. Các Giáo Phụ nhìn ra đây là hình ảnh diễn tả công trình sáng tạo của Thiên Chúa, bởi vì lúc khởi đầu, Thiên Chúa cũng làm phát sinh sự sống từ mặt đất trinh nguyên. Đó là vì, đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. Và đây đã là Tin Mừng cho loài người của chúng ta rồi: đó là Thiên Chúa có thể làm phát sinh sự sống, và làm phát sinh sự sống viên mãn là Đức Kitô, ở nơi mà con người không còn hi vọng gì, ở nơi là tuyệt đối không thể đối với con người. Như thế mầu nhiệm Vượt Qua đã được loan báo ở đây rồi, trong ngày sinh nhật của thánh Gioan và nhất là của Đức Giêsu, bởi vì Thiên Chúa sẽ làm trào vọt sự sống từ sự chết, trong mầu nghiệm Thương Khó và Phục Sinh của Đức Kitô.

Ngoài ra, tên gọi «Gioan» nghĩa là «Thiên Chúa Thi Ân» ; trong khi tên gọi «Giêsu» nghĩa là «Thiên Chúa Cứu Độ», là Ơn Huệ của mọi ơn huệ, là Ơn Huệ mà mọi ân huệ khác hướng tới và chỉ là dấu chỉ, và là Ơn Huệ một lần cho tất cả. Như thế, thánh Gioan không chỉ loan báo Đức Giêsu bằng cuộc đời và cái chết của mình, nhưng còn bằng chính biến cố sinh ra và tên gọi nữa.

  1. Cho đến lúc chết

Và trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc thương khó của thánh Gioan Tiền Hô. Như thế, thánh Gioan đã loan báo Đức Kitô cho đến chết và bằng chính cái chết của mình. Thánh Gioan chuẩn bị đường đi cho Đức Giêsu một cách hoàn hảo bằng chính cái chết của mình, đúng hơn là bằng chính cách mình bị giết chết.

Thật vậy, bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta thật chi tiết bối cảnh dẫn đến cái chết của Gioan, với sự tham dự của rất nhiều người, có thể nói của cả một vương quốc. Bởi lẽ chính vua Hêrôđê quyết định trảm quyết Gioan, nhưng có rất nhiều người tham gia vào quyết định này: Bà Hêrôđia, vợ ông Philípphê, anh của vua, con gái bà Hêrôđia, và cả triều thần và quan khách có mặt trong bữa tiệc mừng sinh nhật. Gioan bất động và im lặng trong ngục tù, nhưng lại làm bộc lộ ra những điều sâu kín nhất của con người: vô độ, sợ chân lí, ghen ghét, mưu đồ, bạo lực, phi nhân và thú tính. Những điều này thường được che đậy bằng những vỏ bọc vui vẻ, quảng đại, quí phái, danh dự…Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu và nhất cái chết trên Thập Giá của Ngài còn có sức mạnh mặc khải sự dữ, cùng với tất cả những gì thuộc về sự dữ, nhất là vẻ bề ngoài dối trá, triệt để hơn và tuyệt đối hơn nữa, không phải để lên án con người, nhưng để giải thoát con người khỏi sự dữ và sự chết ngay hôm nay.

* * *

Như thế, cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả gắn liền với cuộc đời của Đức Giêsu biết bao; và ơn gọi của thánh nhân cũng chính là ơn gọi của chúng ta, với tư cách là Kitô hữu: đó là ơn gọi, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết cũng gắn liền với Đức Giêsu: lúc sinh ra, phép rửa làm chúng ta trở thành Kitô hữu, nghĩa là môn đệ của Đức Kitô; và khi chết, chúng ta cũng sẽ cùng chết với Đức Kitô để được sống lại với Ngài, như chính phép rửa đã loan báo.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1]Trong sách CGKPV Câu này được lược bỏ; nhưng chúng ta không nhận ra điều này, vì câu này là câu cuối cùng của Tv 141 (140). Tuy nhiên, câu Thánh Vịnh này lại soi sáng cho chúng ta hiểu được ý nghĩa chính biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu!

 

bài liên quan mới nhất

ĐTC Phanxicô tiếp các Thủ lãnh của Liên hiệp Anh giáo

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng