Thứ Bảy tuần VII Thường niên: Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng

"Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó".

Lời Chúa: Mc. 10, 13-16

Khi ấy, người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ.

Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: "Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng.

Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó". Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.

SUY NIỆM

1. Đức Giêsu và trẻ em

Như chúng ta đều biết, Đức Giêsu có thái độ ưu ái đặc biệt đối với trẻ em. Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe chứng tỏ điều này; và ngay trước đó, khi các môn đệ tranh cãi với nhau về vấn đề ai là người lớn nhất, Ngài nói:

“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Mc 9, 35-37).

Tại sao vậy? Như tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng, yêu thích trẻ em, là một khuynh hướng rất tự nhiên. Ai trong chúng ta cũng thích trẻ em, và Đức Giêsu cũng vậy. Có lẽ vì chúng ta nhận ra nơi trẻ em có cái gì đó vừa nguyên tuyền, vì còn được bao bọc, và vừa kì diệu, vì em bé không thể chỉ là tác phẩm của cha mẹ, nhưng còn là và nhất là của Thiên Chúa nữa. Vì thế, khi em bé sinh ra “mẹ tròn con vuông”, cha mẹ và cả họ hàng đều tạ ơn Chúa, vì em bé còn là quà tặng của Thiên Chúa, còn là con Thiên Chúa nữa.

2. Trẻ em và Nước Trời

Có một điều chúng ta nên học hỏi, đó là người Tây Phương thường để các em bé hồn nhiên trong Nhà Thờ, và đón tiếp chúng cách thích hợp, chứ không theo khuôn khổ, luật lệ và nghi thức của người lớn. Tuy nhiên, sự kiện Đức Giêsu ưu ái các em bé, còn có một lí do khác nữa:

“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng,
vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” 
(c.14).

Đức Giêsu đến để loan báo Nước Trời, và khuôn mẫu của Nước Trời, chính là trẻ em: “Nước Trời là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào”; và trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu, Người còn nói mạnh hơn: “Nếu anh em không trở lại[i]mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18, 3).

 3. “Giống như trẻ em”?

Chúng ta thường hiểu “trở nên giống như trẻ em”, là phải hồn nhiên, ngây thơ và trong trắng. Nhưng rất tiếc là không thể được, vì ở tuổi của chúng ta, đó sẽ là “hồn nhiên và ngây thơ cụ”; hơn nữa, chúng ta  mang “thương tích” đầy mình, làm sao mà trong trắng như trẻ em được. Vì thế, chúng ta phải hiểu lời của Đức Giêsu ở mức độ đơn sơ hơn, nhưng không kém phần sâu xa.

  1. Trở nên như em bé là luôn sống trong tương quan và sống bằng tương quan, vì em bé không thể sống một mình. Sâu sa hơn, em bé không thể đón nhận sự sống từ chính mình, nhưng từ những người khác, nhất là từ những thân yêu.
  2. Trở nên như em bé, còn là sống bản chất hiền lành vốn có trong cõi lòng chúng ta; bởi vì chúng ta là con của Thiên Chúa Cha, và được mời gọi trở nên giống Cha, vốn là tình yêu, là hiền lành. Chính sự hiền lành sẽ chiến thắng được thù địch, vốn là hình ảnh cụ thể của thú tính, sự dữ, lòng ham muốn, bạo lực. Như Đức Giêsu công bố trong Bài Giảng Trên Núi:

“Phúc thay những người hiền lành, vì họ sẽ có được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5, 4)

3. Trở nên “em bé” là ơn gọi trở nên con của Thiên Chúa cha, là luôn sống như con của Thiên Chúa Cha, giống như Đức Giêsu, dù chúng ta là ai, ở độ tuổi nào và có chức vụ gì. Vì khi gặp một em bé, chúng ta luôn hỏi: “con ai vậy?” Vì thế, “trẻ em” có nghĩa là “người con”, là con của ai đó.

Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hình ảnh tuyệt đẹp này: Đức Giêsu ôm em bé:

“Người đem một em nhỏ
đặt vào giữa các ông,
rồi ôm lấy nó” 
(Mc 9, 36).

Và Ngài sẽ thực sự trở nên em bé đối với Cha và loài người trên Thập Giá. Vì thế, Chúa chữa không chỉ bằng lời và nhất là bằng cái chết của Ngài trên Thập Giá.

Thật vậy, nơi Thập Giá, Ngài sống như một em bé: yếu đuối, bất lực và tự đặt mình vào vị trí tận cùng của bậc thang xã hội: tử tội và chết treo trên Thập Giá! Bởi vì, trẻ em và những người bé nhỏ, giới hạn yếu đuối là “nơi” bày tỏ tốt nhất sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa, như lời Thánh Vịnh loan báo (Tv 8, 3):

“Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan”.

*  *  *

Chúng ta được dựng nên “theo hình ảnh Thiên Chúa”, vì thế chúng ta là con Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi sống tương quan Cha-Con với Thiên Chúa, dù chúng ta ở tuổi nào, dù chúng ta có chức tước gì (Ông, Bà, Cha, Dì, Sơ, Thầy…) hay bị rơi vào trong tình cảnh nào. Khuôn mẫu của chúng ta, là chính Đức Giêsu, Con Thiên Chúa; Ngài luôn luôn sống và sống đến cùng tương quan Cha-Con với Thiên Chúa. Và nếu tất cả chúng ta đều là con Thiên Chúa, “nhờ, trong và với” Đức Kitô, thì tất cả chúng ta đều là anh chị em của nhau, dù trong cách xưng hô, chúng ta gọi nhau như thế nào đi nữa. Đó chính là Nước Trời.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc


[i]Phải chẳng Đức Giêsu mời gọi chúng ta “trở lại” tình trạng ở quá khứ? “Trở nên như trẻ nhỏ” là một ơn gọi đi đôi với sứ mạng đón nhận, xây dựng và dẫn chúng ta vào Nước Trời, vì thế hướng về tương lại và thuộc về tương lai. Động từ tiếng Hi-lạp còn được dịch là “hoán cải’, “thay đổi” (xem Maurice Carrez, Nouveau Testament Interlinéaire Grec/Francais, Alliance Biblique Universelle, 1994, tr.83).   

bài liên quan mới nhất

Thứ Ba tuần XXV TN: "Mẹ tôi và anh em tôi,…"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng