Thứ Bảy tuần I Thường niên: “Anh hãy theo tôi”

“Anh hãy theo tôi”

LỜI CHÚA: Mc 2, 13-17

13Ðức Giêsu lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. 14Ði ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.

 15Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Ðức Giêsu và các môn đệ, vì họ đông đảo và đã đi theo Người. 16Những kinh sư thuộc nhóm Pharisêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” 17Nghe thấy thế, Ðức Giêsu nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”.

SUY NIỆM

Bức tranh rất nổi tiếng “Ơn Gọi của Mátthêu”, của họa sĩ Caravage, sinh năm 1571 tại Milan, Nước Ý, qua đời năm 1610; bức tranh hiện đang được treo tại một nhà thờ nhỏ ở Roma.

*  *  *

Bài Tin Mừng kết thúc với ơn kêu gọi dành cho những người tội lỗi: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”, và mở đầu cũng với ơn kêu gọi: “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi! “Ông đứng dậy đi theo Người”. Ơn gọi mà Đức Giêsu dành cho ông Mátthêu, người thu thế, là ơn gọi tông đồ, khuôn mẫu của mọi ơn gọi.

Xin cho chúng ta, dù đang ở trong hoàn cảnh hay tình trạng nào, cũng đích thân nghe được tiếng gọi của Đức Giêsu: “Hãy theo Thầy”.

1. Đức Giêsu với lời mời gọi nhưng không

Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi! Ông đứng dậy đi theo Người”. Cách gọi và cách đáp quá đột ngột, vì theo Tin Mừng theo thánh Mátthêu, không hề có điều gì chuẩn bị cho biến cố này. Do đó, chúng ta thường suy đoán thêm rằng, Tin Mừng chỉ kể tóm tắt thôi, nhưng trong thực tế cần có sự quen biết và nhất là tìm hiểu trong một thời gian nào đó, để Đức Giêsu đi đến quyết định gọi ông Mátthêu, và để ông Mátthêu đi đến quyết định bỏ tất cả đi theo Đức Giêsu. Giống như một bạn trẻ đi tìm hiểu ơn gọi, và cũng giống như hai bạn trẻ nam nữ tìm hiểu nhau trước khi quyết định “đi theo nhau” suốt đời. Các bộ phim về cuộc đời Đức Giêsu thường đi theo hướng này, khi tái hiện ơn gọi của Mátthêu. Nhưng tại sao Tin Mừng không kể rõ ra? Chắc chắn là có sứ điệp gì đặc biệt muốn nói với chúng ta.

Đức Giêsu gọi Mátthêu như ông đang là, đang lay hoay với công việc, với những bận tâm của riêng mình. Cũng giống như khi Ngài gọi hai anh em Phêrô và Anrê, hai anh em Giacôbê và Gioan; Ngài gọi khi họ đang lay hoay với lưới với thuyền cùng với những người thân, khi họ đang bận tâm với những vấn đề của cuộc sống (x.Mc 1, 16-20). Ngài dường như không cần chuẩn bị lâu dài các ông rồi mới gọi; tiếng gọi của Đức Giêsu thật nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người nghe. Vì thế ông Mátthêu chắc chắn đã phải ngỡ ngàng trước tiếng gọi nhưng không của Đức Giêsu[1]. Và lời Chúa mạnh đến độ làm bật tung ông Mátthêu ngay tại nơi ông làm việc, nơi ông gắn bó, nơi nuôi sống ông và gia đình, nơi là sự nghiệp của ông, là cuộc đời của ông.

Chúng ta còn chậm chạp và dây dưa trong cách đáp lại, chính là vì chúng ta chưa thực sự nghe được tiếng Chúa. Vì thế, chúng ta hãy ước ao và xin đích thân nghe được tiếng Chúa gọi với tất cả sức mạnh của Lời Chúa, không chỉ một lần, nhưng hằng ngày và suốt đời. Lời Chúa sẽ đụng chạm đến chốn sâu thẳm nhất nơi con người của chúng ta, sẽ biến đổi chúng ta, vì Lời Chúa là Lời tạo dựng nên chúng ta[2].

Ơn gọi thiết yếu là một tương quan, dù đã khởi đầu như thế nào và do hoàn cảnh ngoại tại hay nội tại như thế nào: Chúa gọi và chúng ta đáp lại, như thánh Mátthêu đã nghe, “đứng dậy và đi theo Người”. Cách Đức Giêsu gọi Matthêu và cách ông đáp lại chính là nền tảng của mọi ơn gọi; và nền tảng thì luôn luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, trong mỗi ngày sống và nhất là mỗi khi chúng ta lựa chọn. Ơn gọi hiểu như thế, thì không thể chỉ là một biến cố đã qua, nhưng phải được sống và hiện tại hóa hằng ngày, thậm chí phải diễn ra hằng ngày. “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó”. Ngài đi ngang qua đời ta mỗi ngày, và lúc nào ngài cũng thấy chúng ta đang loay hoay làm cái gì đó, bận tâm chuyện gì đó. Ngài gọi chúng ta thật bao dung và quảng đại; và chúng ta được mời gọi đáp lại cách bao dung và quảng đại như lời đáp đầu tiên của chúng ta trong bước đường đi theo Đức Kitô trong một ơn gọi.

2. Chiêm ngắm cách Đức Giêsu tương quan với những người tội lỗi

Ông Mátthêu đi theo Đức Giêsu, nhưng sau đó Ngài đi theo ông Mátthêu về nhà ông! Mọi người dùng bữa và chắc chắn đó là một bữa ăn “say sưa”, vì chỉ toàn đàn ông và vì họ là “bọn thu thuế và quân tội lỗi”. Vì đây là một bữa ăn, nên khi cầu nguyện với bài Tin Mừng này, chúng ta không chỉ nhìn và nghe, nhưng còn được mời gọi ngửi, nếm và đụng nữa:

  • Chúng ta hãy cảm nhận không chỉ hương vị của bữa ăn, nhưng còn hương của của tình bạn: tình bạn của mọi người dành cho Đức Giêsu và của Đức Giêsu dành cho mọi người.
  • Chúng ta được mời gọi thưởng thức không chỉ những món ăn ngon, nhưng còn thưởng nếm sự đón nhận và sự gần gũi Đức Giêsu dành cho những người tội lỗi.
  • Và chúng ta hãy đưa tay đụng vào Đức Giêsu, như đụng tới được lòng nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giêsu, và để cho lòng mình rung động.

Như thế, khi kêu gọi Mátthêu, Ngài không chỉ muốn gặp ông ở nơi công cộng, nơi ông làm việc, nhưng còn muốn gặp ông nơi riêng tư nhất, nơi tất cả những gì làm nên con người ông: nhà của ông, gia đình của ông, bạn bè của ông; và đó là những tương quan diễn tả con người đích thật của ông, làm nên con người của ông.

Chúng ta thường nghĩ đi theo Chúa là phải đoạt tuyệt với gia đình, bạn bè, với quá khứ, với cuộc đời đã qua. Nhưng làm thế, chúng ta đâu còn là chính mình nữa! Và cũng không thể làm được vì tất cả những điều này làm nên con người hiện tại của chúng ta. Đức Giêsu muốn gặp gỡ và phải “băng qua” (x.Ga 4: “Ngài phải băng qua Samari”) tất cả những điều đó nữa, tất cả những gì thuộc về chúng ta, Ngài muốn gọi và gặp chúng ta như chúng ta là một cách hiện thực và trong sự thật. Tất cả sẽ được Đức Giêsu “hoàn tất”, chữa lành, tái tạo, chứ không phải bị loại bỏ (x.Mt 5, 17).

3. “Tôi đến để kêu gọi…người tội lỗi”

Cách tương quan của Đức Giêsu đối với Mátthêu, với các đồng nghiệp của ông và những người tội lỗi làm bật ra những ý nghĩ thầm kín của những người Pharisêu: Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” Sự “đồng bàn” này của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể, sẽ mãi mãi khó được chấp nhận, không chỉ bởi những người Pharisêu, nhưng bởi con người thuộc mọi thời, trong đó có chính chúng ta, ngấm ngầm hay công khai. Như những người Pharisêu, chúng ta muốn “hốt” Chúa vào trong một khuôn khổ tư tưởng hay cơ chế định sẵn. Trong cuộc Thương Khó, Đức Giêsu còn đi xa hơn nữa: Ngài để mình bị bắt như một tội nhân, bị xét xử và lên án như một tội nhân, bị hành hình như tội tội nhân và ở giữa các tội nhân. Loài người chúng ta mãi mãi không thể thấu hiểu, tại sao Người lại phải đi con đường điền rồ và sỉ nhục như vậy.

Những người Pharisêu tế nhị không nói thẳng với Đức Giêsu, nhưng Đức Giêsu thì nói thẳng với họ: Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”; và trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu, Người còn thêm: ”Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9, 13). Ngài ví mình như thầy thuốc, và đề nghị họ học một câu Kinh Thánh nói về điều Thiên Chúa ưa thích nhất. Để chúng ta sống nhân từ với nhau, Thiên Chúa luôn luôn nhân từ với chúng ta trước, và lòng nhân từ của Thiên Chúa được biểu lộ cách tuyệt vời qua hành động chữa lành. Chúng ta được mời gọi nhận ra những bệnh hoạn tật nguyền của mình và để cho thầy thuốc Giêsu đến chữa lành, cây thuốc của Ngài là cây Thập Giá. Đó chính là kinh nghiệm nền tảng về lòng nhân từ của Thiên Chúa, và chính kinh nghiệm này làm cho chúng ta có thể nhân từ với nhau và hiến dâng đời mình để làm chứng nhân. Nếu chúng ta tự cho mình là công chính, tự cho thôi và vì thế chỉ là ảo tưởng, chúng ta sẽ không có kinh nghiệm về lòng nhân từ và cũng chẳng có thể sống nhân từ.

Đi theo Đức Giêsu, trong ơn gọi Kitô hữu và nhất là ơn gọi dâng hiến, chính là đi theo “hiện thân lòng nhân của Thiên Chúa”.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc SJ


[1]Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự ngỡ ngàng tột bậc của Mátthêu (nhân vật chỉ tay vào chính mình) trong bức tranh của Caravage.

[2]Trong bức tranh của Caravage, bàn tay hướng về Mátthêu của Đức Giêsu được vẽ phỏng theo bàn tay tạo dựng của Thiên Chúa, trong bức tranh “Tạo Dựng Adam” của họa sĩ nổi tiếng người Ý Michelangelo (1475-1564).

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng