Thứ Bảy Tuần I Mùa Vọng, Thánh Phanxicô Xaviê Linh Mục

THỨ BẢY TUẦN I MÙA VỌNG

THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ linh mục.

Bổn mạng các xứ truyền giáo. Lễ kính.

"Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng".

* Thánh Phanxicô chào đời tại Tây Ban Nha năm 1506. Khi đang học văn chương ở Pa-ri, người nhập đoàn với thánh I-nha-xi-ô. Người chịu chức linh mục ở Rôma năm 1537 và chăm lo thực hành việc bác ái. Năm 1541, người lên đường sang phương Đông. Trong mười năm, người can đảm loan báo Tin Mừng cho người Ấn Độ và Nhật Bản, giúp cho nhiều người hoán cải mà đón nhận đức tin. Người qua đời năm 1552 ở đảo Xanxian, cửa ngõ vào Trung Quốc.

LỜI CHÚA: Mc 16, 15-20

Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép Rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không Tin, sẽ bị luận phạt.

Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thày, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”.

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.

Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.

THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ

(Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Loan báo trực tiếp hay gián tiếp

Có những người trực tiếp đi rao giảng Tin mừng cho người ta, ví dụ các nhà truyền giáo chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, các Linh mục, họ có thể loan báo một cách trực tiếp. Còn hầu hết mọi người chúng ta không có khả năng loan báo trực tiếp, mà chỉ bằng cách gián tiếp nhưng rất hữu hiệu như cầu nguyện, tham gia các hội đoàn, nâng đỡ các nhà truyền giáo, đóng góp vào qũy truyền giáo, nhất là bằng gương sáng.

Loan báo bằng cách sống đời thường

Chỉ có một cách loan báo Tin mừng thích hợp với mọi người, mọi nơi, mọi lúc, đó là loan báo bằng cách sống đời thường với châm ngôn: “Các con là ánh sáng thế gian. Các con là muối đất. Các con là men trong bột”. Các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đã loan báo bằng cách này và đã được một tác giả cổ xưa mô tả và gửi cho ông Thêôphilê như sau:

“Các Kitô hữu không khác người ta về xứ sở, ngôn ngữ và tập quán trong đời sống. Họ không ở trong những thành phố riêng, không dùng ngôn ngữ lạ thường, cũng không sống một đời sống khác biệt. Giáo lý của họ không phải do một sự suy tư nào đó, hay do mối bận tâm của những con người ham tìm hiểu nghĩ ra. Họ không bảo trợ một hệ thống triết lý nào do loài người chủ xướng như một số người kia.

“Họ ở trong các thành phố văn minh cũng như bán khai, tuỳ theo số phận mỗi người đưa đẩy. Họ theo tập quán của dân địa phương trong cách ăn mặc và trong lối sống, mà vẫn cho thấy một nếp sống lạ lùng và ai cũng phải nhận là khó tin. Họ sống ở quê hương mình mà như người khách kiều cư. Họ có chung mọi thứ như công dân, nhưng phải gánh chịu đủ thứ như khách lữ hành. Miền đất lạ nào cũng là quê hương của họ, nhưng quê hương nào cũng là đất khách đối với họ. Họ lập gia đình và sinh con cái như mọi người, nhưng không phá thai. Họ ăn chung với nhau một bàn, nhưng không chồng chung vợ chạ”(Trích Các Bài đọc Kinh sách, tập 2, tr 354).

Truyện: Đọc Thánh kinh hằng ngày

Có một người Kitô hữu tầm thường, thấy bên cạnh mình có một người tự xưng mình là vô thần. Lòng nhiệt thành đã thúc đẩy họ tìm cách giới thiệu Chúa cho họ. Người này đi mua một cuốn Thánh kinh biếu cho người láng giềng ấy, hy vọng họ đọc và sẽ nhận ra Thiên Chúa. Người láng giềng vui vẻ đón nhận và hứa sẽ đọc…

Sau một thời gian, người Kitô hữu sang chơi nhà láng giềng, tình cờ thấy cuốn Thánh kinh nằm trong sọt rác. Người Kitô hữu ngạc nhiên hỏi người láng giềng:

- Sao ông không đọc Kinh thánh? Nếu đọc, ông sẽ nhận ra Thiên Chúa.

Người láng giềng lạnh nhạt trả lời:

- À suốt trong 10 năm qua, mỗi ngày tôi đều đọc cuộc sống của anh!!!

Câu chuyện kết thúc ở đây. Chúng ta hãy suy nghĩ về câu trả lời của người láng giềng vô thần ấy. Chúng ta hãy suy nghĩ xem, người vô thần ấy muốn nói gì?

Có một bài viết ngắn về điều này:

“Tôi là cuốn sách Kinh thánh đối với người hàng xóm của tôi; người đó đọc tôi mỗi khi gặp tôi.

Hôm nay, anh ta đọc tôi trong ngôi nhà của tôi, ngày mai, anh ta đọc tôi trên đường phố.

Anh ta có thể là một người họ hàng, một người bạn, hoặc chỉ là một người quen biết sơ giao mà thôi.

Thậm chí anh ta có thể không biết tên tôi, tuy nhiên, anh ta vẫn đang đọc Kinh thánh qua cuộc đời của tôi” (Flor McCarthy).

THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ, LINH MỤC

(Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

Thánh Phanxicô Xaviê được mệnh danh là Phaolô thế kỷ XVI. Thánh nhân có tinh thần truyền giáo cao độ. Ngài luôn hướng tới Chúa và yêu mến các linh hồn. Phanxicô đi đi mãi tới các nước Châu Á. Ngài đến với Á Châu, đến với những con người chưa biết Chúa. Ngài luôn mang trong mình Ngài hai tình yêu đã nên một: tình yêu Ðức Giêsu Cứu Thế và tình yêu các linh hồn.

CON NGƯỜI ÐẶC BIỆT

Thánh Phanxicô sinh năm 1506 tại miền Xaviê thuộc địa phận Pampelune nước Tây Ban Nha trong một gia đình giầu sang, quyền quí, vị vọng. Thánh nhân có trí thông minh đặc biệt, nên vào năm Ngài lên 19 tuổi, cha mẹ Ngài gửi Ngài qua Paris để tiếp tục công việc đèn sách. Tám năm sau đó, Ngài tốt nghiệp đại học và trở thành giáo sư danh tiếng tại nước Pháp. Thánh nhân lúc đó miệt mài chạy theo danh vọng trần tục. Ngài coi trần gian là tất cả. Ý Chúa nhiệm mầu, cao sâu, huyền bí nào ai hiểu nổi. Một lời của Chúa đã khiến Phanxicô thay đổi tất cả: "Ðược lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?". Chúa đã dùng miệng lưỡi của thánh Ignatiô cũng là thầy dạy Ngài để nói lên điều đó. Chính lời Chúa đã biến đổi cuộc đời của Ngài tận căn. Chúa đã chiếm đoạt con tim của Ngài toàn vẹn. Thánh nhân đã trở thành khí cụ bình an đem Tin Mừng cho người Á Châu. Năm 1539, Ðức Thánh Cha Phaolô III đã sai Ngài đi truyền giáo cho dân tộc Ấn Ðộ.

Thánh Phanxicô đã miệt mài với sứ mạng loan báo Tin Mừng. Ðâu đâu Ngài cũng nghe tiếng thúc bách của các linh hồn: Ấn Ðộ, Macao, Nhật Bản, Trung Hoa cũng nằm trong trí óc và hiện ra trước mắt Ngài. Ngài đi mãi, đi hoài không mệt mỏi, không lo âu, sợ sệt và do dự. Mười một năm ròng rã loan báo Tin Mừng, cuộc đời thánh nhân là một cuộc hành trình dài không ngừng. Ngài lúc nào cũng được thúc bách bằng tấm lòng nồng cháy các linh hồn. Ngài đã đem không biết bao người về với Chúa, với Giáo Hội. Ngài có lòng khiêm nhượng tuyệt đối, Ngài luôn yêu mến và kính trọng bề trên của Ngài là thánh Ignatiô. Chúa đã giúp Ngài bằng nhiều phép lạ phi thường vì lòng nhiệt thành hăng say của Ngài đối với các linh hồn.

CHÚA ÐỘI MŨ TRIỀU THIÊN CHO PHANXICÔ XAVIÊ

Lòng hăng say nhiệt thành của Phanxicô, quên bản thân mình để cho nhiều người được hạnh phúc. Thánh nhân nhìn nước Trung Hoa với tình thương lênh láng, Ngài ước mong đem Tin Mừng và Giáo lý của Chúa Giêsu cho một dân tộc đông dân nhất thế giới. Ước mơ của Ngài chưa thể thực hiện thì ngày 02/12/1552, Ngài qua đời khi trên đường gần tới nước Trung Hoa, tại cửa ngõ bước vào Trung Hoa tại đảo Tân Châu. Xác thánh nhân được đem về an táng tại thành Goa nước Ấn Ðộ. Năm 1622, Ðức thánh cha Grêgoriô XV đã phong Ngài lên bậc hiển thánh và đến năm 1904, Ðức Giáo Hoàng Piô X đã đặt Ngài làm quan thầy các xứ truyền giáo.

Lạy Thánh Phanxicô Xaviê, xin ban cho mọi người chúng con ơn nhiệt thành, lòng quảng đại và tinh thần truyền giáo, để chúng con đem nhiều người về với Chúa và với Giáo Hội.

NHIỆT THÀNH TÔNG ĐỒ--dongten.net

Đọc các thư của thánh Phanxicô Xavier, ai cũng phải nhìn nhận đó là một con người hoàn toàn vị tha. Ngài luôn luôn nghĩ đến người khác, không màng đến lợi lộc, danh vọng, địa vị, và cả đến mạng sống mình nữa. Có khi ngài quan tâm đến một thanh niên cần chút vốn để về quê; có khi là một cô gái mồ côi vô danh cần lấy chồng. Tuy nhiên, quan tâm lớn nhất của ngài là phần rỗi linh hồn người ta. Chúa Giêsu nói: “Được lời lãi cả thế gian mà đánh mất sự sống mình thì nào được ích gì?” (Mt 16,26). Tính cách triệt để của câu nói ấy hẳn là đã thôi thúc trái tim vị tha của thánh Phanxicô Xavier. Ngài coi việc cứu rỗi các linh hồn là tối quan trọng và khẩn cấp, không gì có thể thay thế được. Chính vì vậy, ngài đi hết nơi này đến nơi khác, làm như không biết mệt mỏi và sợ hãi. Phải nói là ngài đã gào thét ‘như kẻ mất trí’ để kêu gọi giới học thức đừng chỉ vùi đầu vào sách vở để ủm kiếm vinh hoa phú quí, nhưng biết dấn thân cứu vớt các linh hồn. Ngài đòi các quan chức Bồ Đào Nha, và cả vua João III, phải tích cực giúp đỡ công cuộc truyền giáo. Trước mắt nhiều người, hẳn ngài là một kẻ quấy rầy dai dẳng. Tuy nhiên, ngài không chỉ kêu gào: chân trời góc biển nào ngài cũng có thể đến, bất chấp mọi khó khăn và nguy hiểm.

Ngài không chỉ là một tông đồ đơn độc. Mở được một con đường, ngài tìm người đến địa điểm mới để giúp đỡ các linh hồn ở đó. Dĩ nhiên người đặc biệt để ý đến Dòng Tên, dù mới khai sinh, nhưng rất năng động. Ngài xin Dòng ở Châu Âu gửi người sang tăng cường. Ngài tiếp nhận Học viện Thánh Phaolô ở Goa, rồi mở các trường học khác, để chuẩn bị cho tương lai. Gửi anh em đến các nơi, ngài hướng dẫn cách sống và cách làm việc, an ủi khi gặp khó khăn, khích lệ khi có kết quả, sửa bảo khi cần thiết. Ngài thấy điều quan trọng nhất nơi các thừa sai ở Ấn Độ là sức khỏe dẻo dai và đức hạnh vững chắc, để đối diện với hoàn cảnh hết sức khó khăn, để vượt qua những thử thách và cám dỗ, và để nêu gương sáng cho mọi người. Ngay từ đầu, ngài đã nghĩ đến việc gầy dựng hàng giáo sĩ bản xứ. Mặc dầu kinh nghiệm nhiều lần cho thấy là khó khăn, nhưng ngài vẫn quyết tâm theo đuổi. Cũng có lúc ngài hầu như ngã lòng, nhưng được thánh I-nhã khích lệ, ngài lại dứt khoát hơn. Đây là một trong những lý do chính khiến xảy ra bất đồng giữa ngài với cha Antonio Gomes, để rồi cuối cùng ngài phải khai trừ cha này ra khỏi Dòng Tên.

Đứng trước mọi vấn đề, quan điểm của ngài luôn luôn là quan điểm tông đồ. Trên tàu từ Bồ Đào Nha đi Ấn Độ, người ta khuyên ngài nên nhận một người giúp việc, nhưng ngài từ chối. Ngài tự giặt quần áo lấy. Phần ăn, ngài nhận từ bàn vị Tổng Trấn, dùng vừa đủ, những gì còn lại chia cho người nghèo. Phòng dành cho ngài, ngài cho người bệnh ở, còn chính mình ra nằm ngủ ở đống thừng chão, bên cạnh những thanh niên nghèo đi tha phương cầu thực. Khi có người bệnh, ngài chăm sóc phần xác và phần hồn. Con tàu chở ngài vượt biển được ngài biến thành giáo điểm. Ở Goa, trong lúc chờ đợi hai bạn đồng hành đến sau, ngài đi dạy giáo lý cho trẻ em, đi giảng cho người lớn, đi thăm bệnh viện, trại giam và trại phong. Chưa làm tông đồ ở địa điểm của mình được, ngài làm tông đồ ngay tại nơi lẽ ra người khác chỉ ngồi chờ. Khi xảy ra tranh chấp giữa các tiểu vương địa phương, ngài luôn luôn chủ trương chính quyền Bồ Đào Nha phải can thiệp để giúp đỡ công việc truyền giáo. Trong khi ngài chỉ chú tâm vào việc giúp đỡ các linh hồn, các quan chức Bồ Đào Nha thường lại chỉ chú tâm vào lợi lộc vật chất, do đó nảy sinh bao mâu thuẫn. Khi thấy ở Ấn Độ hoạt động tông đồ gặp nhiều trở ngại, không tiến lên được, vì các tín hữu bản xứ ‘bị mẹ Ấn Độ ruồng rẫy, cha Bồ Đào Nha khinh bỉ’, trong khi ở các nơi khác như Maluku, Nhật Bản, Trung Hoa, lại có triển vọng, ngài ra đi.

Vừa để duy trì vừa để phát triển hoạt động tông đồ, những người được sai đi phải giữ bầu khí yêu thương. Chúa Giêsu nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em thương yêu nhau” (Ga 13,15). Chúa cũng cầu nguyện với Chúa Cha: “Xin cho chúng nên một để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,23).

Hàng ngũ giáo sĩ và tu sĩ ở Ấn Độ lúc ấy có Đức Giám Mục, vị Tổng Đại Diện, các đại diện giám mục ở mỗi địa điểm quan trọng, các linh mục triều khác, các thừa sai dòng Thánh Phanxicô và dòng Thánh Đaminh, cuối cùng là Dòng Tên. Phải hợp tác với nhau, thăm viếng giúp đỡ nhau, không nói xấu nhau, tránh làm gương xấu cho giáo dân. Đặc biệt phải tôn trọng Đức Giám Mục và các đại diện của ngài. Riêng trong nội bộ Dòng Tên, một mặt phải giữ kỷ luật chặt chẽ, mặt khác, và hơn nữa, phải giữ cho được bầu khí yêu thương. Thánh Phanxicô Xavier đưa ra một định nghĩa thời danh: “Dòng Tên là dòng yêu thương”. Không có cưỡng ép, nhưng phải chia sẻ. Ngài luôn luôn muốn biết tin tức về từng anh em ở Ấn Độ cũng như ở Châu Âu. Đặc biệt là lòng yêu mến ngài dành cho thánh I-nhã và các bạn đầu tiên của Dòng: lúc ngài qua đời, người ta thấy trên cổ ngài đeo một gói nhỏ, trong đó có bản lời khấn của ngài và chữ ký của các bạn ngài cắt từ các lá thư nhận được.

Thánh Phanxicô Xavier là một tông đồ di động. Ngài không phải là người có máu du lịch. Trước khi gặp thánh I-nhã, ngài ước mơ làm giáo sư, làm bác sĩ hay làm giám mục… để được hưởng vinh hoa phú quí. Ngài không hề ước mơ theo vết chân Christophe Colombo sang Châu Mỹ hay Vasco da Gama sang Châu Á, như cha Cosma de Torres chẳng hạn. Hơn nữa, là dân miền đồi núi, ngài xa lạ với biển. Một trong những điều gây ấn tượng mạnh nhất đối với ngài là những nguy hiểm trên biển. Dầu vậy, ngài đã vượt gần 100.000 cây số đường biển. Theo tính toán của cha X. Léon-Dufour, S.J., trong mười hai năm hoạt động truyền giáo, thánh Phanxicô Xavier ở trên biển ba năm bảy tháng, tức là cứ ba ngày thì có một ngày trên biển, và mỗi ngày di chuyển trung bình 60 km. Ngài tự coi mình là người mở đường cho anh em, Dòng Tên cũng như các thừa sai khác. Và khi mở ra được một con đường, ngài vui mừng, rồi lại đi mở con đường khác. Một cha Dòng Tên cùng ở Ấn Độ với ngài nói: ngài không ở đâu yên được quá hai tuần lễ! Một cha khác nói: ngài không ngồi yên được bao giờ!

Chúng ta chỉ có thể lấy lời của Thánh Phaolô để hiểu được sự thôi thúc thâm sâu và mãnh liệt trong trái tim thánh Phanxicô Xavier: “Chúng tôi có điên thì cũng vì Thiên Chúa; chúng tôi có khôn thì cũng vì anh em: Tình Yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5, 13-14)

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 18/5: Thánh Gioan I, giáo hoàng tử đạo

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng