Thứ Bảy Tuần 30 Thường Niên

THỨ BẢY TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

"Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên". 

Lời Chúa: Lc 14, 1. 7-11

Khi ấy, Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:

"Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: "Xin ông nhường chỗ cho người này", bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến nói với ngươi rằng: "Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên", bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. "Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".

NÂNG LÊN – HẠ XUỐNG

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Bữa tiệc bộc lộ những khuynh hướng của xã hội. Rõ nét là khuynh hướng thể hiện đẳng cấp. Đẳng cấp của chủ tiệc. Đẳng cấp của khách mời. Thế gian kiêu ngạo. Ai cũng muốn thể hiện mình. Nhưng chỗ ngồi có hạn. Quyền định đoạt là do gia chủ.

Chúa dùng hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời. Vị thế trong Nước Trời do Chúa quyết định. Theo những tiêu chí ngược hẳn với trần gian. Cũng như bữa tiệc trần gian, bữa tiệc Nước Trời cũng thể hiện cuộc chiến. Trần gian thể hiện mình bằng đấu tranh với người khác. Nước Trời thể hiện bằng đấu tranh với chính mình. Đấu tranh với người khác để chiến thắng. Thắng về tiền tài, danh vọng, chức quyền. Đấu tranh với chính mình để thắng chính mình. Thắng bằng hạ mình, quên mình, huỷ mình. Chủ tiệc trần gian căn cứ vào tiền tài, địa vị, chức quyền mà xếp chỗ. Chúa căn cứ vào việc chiến thắng chính mình. Và theo tiêu chí: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

Thư Rô-ma cho biết giáo huấn của Chúa ứng với dân Ít-ra-en. Họ tự tôn vì là dân tộc được Chúa chọn. Nhưng vì tự tôn nên họ không tin Chúa Giê-su. Không ăn năn sám hối. Họ sẽ bị loại trừ. Vì họ bị loại trừ. Nên dân ngoại được Chúa mở rộng cửa đón tiếp. “Thiên hạ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa…con cái bị loại ra”(Lc 13,29). Nhưng thánh Phao-lô tin tưởng rằng sau khi dân ngoại được đón nhận, Chúa lại thương đưa dân được tuyển chọn vào Nước Trời. Đó là lòng thương xót vô biên của Chúa (năm lẻ).

Hiểu được điều đó nên thánh Phao-lô không còn đấu tranh theo ý riêng. Chỉ biết theo ý Chúa. Chỉ gắn bó với Chúa Ki-tô. Quên mình để phục vụ Chúa. Và phục vụ anh em, “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi. Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em. Và tôi biết chắc rằng tôi sẽ ở lại và ở bên cạnh tất cả anh em để giúp anh em tấn tới và được hưởng niềm vui đức tin mang lại cho anh em” (năm chẵn).

Hãy theo gương thánh Phao-lô. Hoàn toàn quên mình. Thuận theo ý Chúa. Phục vụ Chúa. Phục vụ lợi ích linh hồn anh em. Không tính toán gì cho mình. Ta sẽ được Chúa trả lại gấp bội. “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

THẾ NÀO LÀ NGƯỜI KHIÊM NHƯỜNG

(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

Có một lần, trên xe buýt có hai linh mục, hai giáo dân. Vị linh mục lớn tuổi hỏi một bác đang cùng lộ hành với ngài rằng: theo ông, thế nào được gọi là người khiêm nhường?

Tưởng rằng với tuổi đời khá cao và đã từng trải, mình sẽ trả lời “ngọt như đường mía lau”. Bác ta trả lời rằng: “Thưa cha, người khiêm nhường là người không có bon chen với ai; luôn nghe lời của người khác và làm theo; và người khiêm nhường là luôn cho mình bất xứng!”. Vị linh mục kia trả lời: “Không đúng! Vì nếu người khiên nhường chỉ mong cho được bình yên thì họ thuộc về hạng người bị thụ động, mềm yếu; hay luôn làm theo ý người khác là người trốn tránh trách nhiệm, thiếu tự chủ, chứ thực chất không phải khiêm nhường; hoặc luôn coi mình là bất xứng thì không chừng, khiêm nhường kiểu này chẳng khác gì ‘một lần khiêm tốn bằng bốn lần kiêu ngạo’ vì họ có thể dùng chiêu thức này để người khác đề cao, khen ngợi và đánh giá mình đạo đức trước mặt mọi người”. Bác kia hỏi lại: “Vậy ai là người khiêm nhường thật?” Linh mục trả lời: “Người khiêm nhường là người sống đúng sự thật, biết nhận ra sự thật và tôn trọng sự thật”.

Thật vậy, theo tinh thần Tin Mừng, người khiêm nhường thật chính là người biết nhận ra sự thật hữu hạn của mình và nhận thấy Chúa quyền năng. Nhận ra mình yếu hèn, tội lỗi và Thiên Chúa yêu thương. Người khiêm nhường cũng là người biết mở rộng tâm hồn để đón nhận hồng ân của Thiên Chúa, sự góp ý của anh chị em.

Nói chung, người khiêm nhường là người biết ý thức rằng: mọi sự mình có là do Chúa yêu thương. Vì thế, sống khiên nhường là luôn biết hạ mình trước mặt Chúa và tha nhân. Luôn biết sám hối, canh tân để được Thiên Chúa nâng lên trong ân sủng của Ngài, bởi vì: "... hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con học được bài học khiêm nhường của Chúa để chúng con được thuộc về Chúa cách trọn vẹn. Amen. 

BÀI HỌC KHIÊM NHƯỜNG

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Sống trong xã hội ngày càng tiến bộ, con người tự nhiên muốn vượt lên khỏi những cái tầm thường hiện tại. Họ muốn tìm cho mình một địa vị nào đó để đảm bảo cho cuộc sống; họ ham muốn giàu sang, uy quyền, muốn chiếm cho mình chỗ nhất nơi công hội, tiệc tùng. Nhưng Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lại đề ra nét đặc thù của Kitô giáo đi ngược với thái độ hám danh và cũng là bài học cho mỗi người, đó là bài học khiêm nhường.

Thật thế, theo Tin Mừng thuật lại, hôm đó Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà một đầu mục nhóm Biệt phái. Nhận thấy ở đó có những thực khách háo hức chọn chỗ nhất, Chúa Giêsu liền nói với họ một dụ ngôn, trong đó Ngài mời gọi người ta hãy sống khiêm nhường bằng cách chọn lấy địa vị sau chót: khi anh được mời đi ăn cưới, anh đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng cũng được mời... Trái lại, khi được mời, anh hãy ngồi vào chỗ cuối.

Xét bề ngoài, thì đây chỉ là một vấn đề lịch sự, bởi vì xếp chỗ ngồi là việc của chủ nhà, chứ không phải của người dự tiệc. Tuy nhiên, việc chọn chỗ cuối như thế phải được thực hiện một cách đơn sơ, tự nhiên, chứ nếu tìm chỗ cuối với hậu ý và hy vọng được mời lên chỗ cao hơn, thì đó là một sự khiêm nhường giả tạo, một sự kiêu ngạo tinh tế.

Lời khuyến cáo của Chúa Giêsu còn tiềm ẩn một ý nghĩa sâu sắc hơn. Ðối với Ngài, tiệc cưới tượng trưng cho Nước Thiên Chúa, trong đó kẻ nào nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, còn kẻ hạ mình xuống sẽ được nhắc lên. Vượt ngoài tầm đòi hỏi của xã giao, lời nói của Chúa làm cho con người đi xuống chiều sâu của khiêm nhường và tiến lên chiều cao của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là một vinh dự, một ân ban, mà chỉ những ai tự hạ và ý thức mình là hư vô mới có thể lãnh nhận. Còn kẻ tưởng mình cao trọng, chắc chắn không thể chiếm hữu Nước Thiên Chúa, và Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường.

Với lời mời gọi và gương sống tự hạ, khiêm nhường của Chúa từ lúc sinh ra cho đến lúc chết trên Thập giá, chúng ta hãy quyết đi vào con đường khiêm nhường bằng cách sống đúng với giới hạn của một thụ tạo nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa vô biên, để nhờ đó Ngài sẽ là tất cả cho chúng ta. 

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Bảy tuần IV Phục Sinh: "Ai thấy Thầy là xem thấy Cha"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng