Thứ Bảy Tuần 3 Thường Niên, Thánh Toma Aquino, Tiến sĩ Hội thánh

THỨ BẢY TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Thánh Toma Aquino, Tiến sĩ Hội thánh

"Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?"

* Sinh năm 1225 trong một gia đình quý tộc ở Aquinô, rồi theo học tại đan viện Montê Cátxinô, tiếp đến tại đại học Napôli, cuối cùng Tôma nhập dòng Anh Em Thuyết Giáo và hoàn tất việc học tại Pari và Côlônhơ, dưới sự dẫn dắt của một bậc thánh sư là Anbêtô Cả. Thánh Tôma đã thể hiện trọn vẹn lý tưởng dòng thánh Đaminh là chiêm niệm và truyền đạt cho tha nhân điều mình đã chiêm niệm. Vừa là triết gia, vừa là thần học gia, trong vai trò giáo sư, thánh nhân đã suy nghĩ, giảng dạy và viết rất nhiều. Nhưng trước hết và trên hết, thánh nhân là người chiêm niệm, người đã cầu nguyện nhiều và đã tuân thủ một kỷ luật nghiêm khắc để có thể đạt tới ánh sáng tinh tuyền. Thánh nhân qua đời ngày 7 tháng 3 năm 1274 tại đan viện Xitô ở Phốtxanôva. Ngày 28 tháng Giêng là ngày thi hài thánh nhân được cải táng đưa về Tuludơ năm 1369.

LỜI CHÚA: Mc 4, 35-41

Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ". Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người.

Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: "Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?"

Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: "Hãy im đi, hãy lặng đi". Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: "Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?" Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: "Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?"

CHƯA CÓ LÒNG TIN

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Biển khơi là một sức mạnh đáng sợ. Nhất là khi biển nổi sóng gió. Các môn đệ sợ hãi là bình thường. Tại sao Chúa mắng các ông: “Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao”. Vì đã trải qua nhiều sự kiện như phép lạ hoá bánh ra nhiều, Chúa Giê-su đi trên mặt nước. Tất cả chứng tỏ Chúa làm chủ vật chất. Là Chúa Tể muôn loài. Đã được chứng kiến những phép lạ như thế mà các ông vẫn còn chưa có lòng tin. Đó là điều khiến Chúa buồn. Và hôm nay nữa. Sau khi Chúa quát mắng “ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ”. Thế mà các ông vẫn chưa nhận biết Chúa. Lại còn thắc mắc hỏi nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

Chẳng sánh được với tổ phụ Áp-ra-ham. Luôn tin tưởng nơi Chúa. Tin vào lời Chúa hứa cho một miền đất chảy sữa và mật. Nên sẵn sàng ra đi. “Ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu”. Tin vào lời Chúa hứa cho một dòng dõi đông như sao trên trời như cát dưới biển. nên “bà Xa-ra, vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín”. “Tất cả các ngài đã chết, lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa hứa”. Dám sát tế I-xa-ác, đứa con duy nhất. “Quả thật, ông Áp-ra-ham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy”. Quả là một đức tin lớn lao. Trọn vẹn. Không lay chuyển (năm lẻ).

Có lẽ Đa-vít gần gũi với ta hơn. Vì tuy tin Chúa. Nhưng có lúc yếu đuối mất đức tin. Ông đã cư xử như người không có đức tin. Đã chiếm đoạt vợ của U-ri-gia. Lại còn giết chết ông này nữa. Nhưng khi được tiên tri Na-than cảnh tỉnh, ông đã ăn năn sám hối. Ông chấp nhận những hình phạt của Chúa với tinh thần sám hối, vâng phục sâu xa. “Đa-vít nói với ông Na-than: “Tôi đắc tội với Đức Chúa”. Ông đã biểu lộ đức tin sâu xa. Khi đứa trẻ bị bệnh nặng, “Vua Đa-vít cầu khẩn Thiên Chúa cho đứa trẻ, vua ăn chay nhiệm nhặt, và khi về nhà ngủ đêm thì nằm dưới đất”. Cũng như Áp-ra-ham, vua Đa-vít tin tưởng, dù không hi vọng gì. Đó cũng là một đức tin lớn lao (năm chẵn).

Xin cho chúng ta có một đức tin vững vàng vì “đức tin là bảo đảm cho những điều ta hi vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy”. Để ta an vui sống giữa dòng đời đầy biến động thăng trầm này.

CÓ CHÚA, SẼ BÌNH AN

(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

Trong một trại tù nọ, người ta nhận thấy có một vị giám mục khoảng ngoài 60 tuổi. Họ thấy ngài rất bình an và vui tươi, mặc dù bản án dành cho ngài là bất công, và hình khổ mà ngài phải chịu quả là đớn đau.

Khi được hỏi: “Thưa đức cha, tại sao đức cha bình an đến như vậy? Người ta bỏ vạ, vu khống đức cha mà đức cha vẫn vui tươi??”

Đức cha trả lời rằng: “Thưa, tôi làm gì và ở đâu đều có Chúa. có Chúa là niềm vui và bình an. Hạnh phúc của đời người là khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa và được sống với Ngài. Tôi được sống với Ngài và trong Ngài, lẽ nào tôi không vui!”.

Hôm nay, bài Tin Mừng trình thuật việc Đức Giêsu và các môn đệ đang trèo thuyền sang bờ bên kia. Đang khi thuyền ra giữa biển thì bị trận cuồng phong ập tới, khiến thuyền của họ đầy nước và có nguy cơ chìm. Các môn đệ thi nhau tát nước và trèo trống... Đến khi họ không còn trụ nổi nữa, lúc đó, họ gọi Đức Giêsu và trách móc Ngài: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”. Đức Giêsu liền thức dạy và ngăm đe gió, tức thì thuyền yên biển lặng. Mọi người ngỡ ngàng và thốt lên: “Ông này là ai mà gió và biển cũng phải tuân lệnh?”

Trong hành trình theo Chúa, có nhiều lúc chúng ta gặp phải những thử thách gian nan, những đêm tối đức tin, làm cho chúng ta hoang mang! Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng: trong con thuyền cuộc đời của mỗi người luôn có Chúa ở cùng, điều quan trọng là chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Chúa hay không? Nếu chúng ta nhận ra Chúa có mặt thì hẳn tất cả những điều nghịch cảnh đến với ta, ta không hoang mang, hốt hoảng như các môn đệ của Ngài khi xưa, ngược lại, chúng ta khám phá ra giá trị và ý nghĩa của nó, lúc đó, chúng ta sẽ vui tươi và bình an ngay trong những thử thách của cuộc đời, vì có Chúa là có tất cả.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con niềm tin vào Chúa. Xin cho chúng con biết Chúa quyền năng để chúng con nương tựa vào Chúa trong mọi nơi, mọi lúc của cuộc đời chúng con. Amen. 

SÓNG GIÓ CUỘC ĐỜI

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Sự kiện Chúa Giêsu và các môn đệ sang bên kia biển hồ, như được trình thuật trong Tin Mừng hôm nay, không phải chỉ có ý nghĩa địa lý: di chuyển từ nơi này sang nơi nọ, cũng như sóng gió nổi lên không chỉ mang ý nghĩa về khí tượng thuần tuý; nhưng các biến cố đó còn mang ý nghĩa thần học nữa. Chúa Giêsu và các môn đệ rời bỏ miền đất Israel để đi sang phía dân ngoại, điều đó mang ý nghĩa truyền giáo; sóng gió nổi lên tượng trưng cho sức mạnh của sự dữ, của ma quỷ nổi lên chống lại Chúa và các môn đệ.

Tuy nhiên, như trình thuật Tin Mừng cho thấy, lúc đó Chúa Giêsu đang ở đàng lái, gối đầu mà ngủ. Giấc ngủ ấy khiến ta liên tưởng đến cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá. Trong cái chết đó, Chúa Giêsu dường như đã thất bại, trong khi đó các quyền lực sự dữ tưởng chừng như đã thành công, vì đã thủ tiêu được người mà họ coi như kẻ thù, như kẻ quấy rầy nền đạo đức tôn giáo của họ. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã thức dậy, nghĩa là Ngài đã phục sinh, và sự Phục Sinh của Ngài loan báo cuộc chiến thắng vĩ đại của Ngài trên mọi quyền lực của ma quỷ và sự dữ cũng như của bất cứ thế lực nào chống đối Giáo Hội.

Ðời sống của Giáo Hội cũng như của mỗi Kitô hữu được ví như một cuộc ra khơi. Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện, ngay cả khi chúng ta tưởng như Ngài vắng mặt trong những thử thách, phong ba của cuộc đời. Ðiều quan trọng là chúng ta biết chạy đến cầu nguyện với Chúa để Ngài làm yên cơn sóng gió và dẫn đưa con thuyền cuộc đời chúng ta về tới bến bờ bình an.

Ước gì chúng ta luôn có được xác tín của thánh Phaolô Tông đồ: Thiên Chúa không để chúng ta bị thử thách quá sức chịu đựng, Ngài sẽ ra tay cứu giúp mỗi khi chúng ta kêu cầu đến Ngài. 

 

bài liên quan mới nhất

Suy niệm thứ Bảy tuần Thánh: Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng