Thứ Ba tuần 7 Thường Niên

THỨ BA TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN

"Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết".

Lời Chúa: Mc. 9, 29-36

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.

Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: "Dọc đàng các con tranh luận gì thế?" Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất.

Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người". Và Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, rồi ôm nó mà nói với các ông rằng: "Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy".

HAI NẺO ĐƯỜNG

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thiên Chúa và thế gian. Hai nẻo đường. Thế gian chiều theo dục vọng. Ham muốn. Khoái lạc. Tiền tài. Danh vọng. Chức quyền. Tất cả dẫn đến xung đột. Từ ngay trong bản thân. Tranh chấp với tha nhân. Bất hoà bất ổn trong xã hội. “Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau”. Theo thế gian là chống lại Thiên Chúa. Vì thế gian đi đến kiêu ngạo. Thiên Chúa dẫn đến khiêm nhường. “Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên” (năm chẵn).

Người đi theo đường của Thiên Chúa chống lại thế gian chắc chắn sẽ gặp nhiều thử thách. “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách… Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục”. Nhưng nếu ta kiên trì Chúa sẽ đến cứu giúp ta “Hãy tin vào Người, thì Người sẽ nâng đỡ con. Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người….Vì Đức Chúa là Đấng nhân từ và hay thương xót: Người thứ tha tội lỗi và cứu vớt trong lúc gian truân” (năm lẻ).

Chính Chúa Giê-su xuống thế làm người nêu cho ta tấm gương luôn tìm thánh ý Chúa Cha. Đi vào con đường khiêm nhường phục vụ. Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết Người sẽ sống lại”.

Các môn đệ của Chúa còn nặng thói thế gian. Nên “khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả”. Chúa Giê-su dạy các môn đệ hãy từ bỏ thói thế gian. Đi vào con đường của Chúa. Đường của Chúa ngược hẳn với đường thế gian: “Ai muốn đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Khiêm nhường sẽ dẫn đến hạ mình. Yêu thích những điều hèn mọn và những người bé nhỏ. Con đường ấy dẫn đến Thiên Chúa. “Rồi Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”.

Xin cho con biết chọn đi vào con đường của Chúa. Để con đạt tới chính Chúa.

“TÔI TỚ CỦA CÁC TÔI TỚ”

(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

Đã từ lâu, chúng ta rất quen với cụm từ: “Tôi tớ các tôi tớ” được ký bởi thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sau mỗi văn kiện hay tông huấn...

Hôm nay, Đức Giêsu cũng mời gọi người môn đệ của mình phải có và giữ được đức khiêm tốn khi nói: “Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người”.

Muốn làm lớn và trở thành người lãnh đạo là cái mộng của con người mọi thời không từ ai. Chính các môn đệ là những người được ở gần Đức Giêsu, nghe và chứng kiến những việc Ngài làm, tất cả toát lên sự khiêm nhường tột cùng. Tuy nhiên, các ông vẫn không thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của quyền lực đầy hấp dẫn đang mời gọi các ông qua con người có tên là Giêsu. Đấng mà các ông vẫn đang hy vọng được hưởng đặc quyền đặc lợi khi Ngài đứng lên lật đổ chế độ và thiết lập một vương quốc theo kiểu trần thế.

Vì thế, khi vừa nghe Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn lần thứ hai, liền sau đó, các ông đã chăm chú vào chuyện bàn tán xem ai là người lớn nhất?

Lẽ ra, khi nghe thấy thầy của mình loan báo về cái chết sắp xảy đến, các ông phải là người an ủi, động viên, chia sẻ..., Không! đằng này sự vụ lợi, thực dụng và ích kỷ đã làm cho họ mờ mắt và vơi cạn đi sự cảm thông, các ông chỉ còn nghĩ đến mình mà thôi.

Nhân cơ hội này, Đức Giêsu đã làm đảo lộn suy nghĩ của các môn đệ khi nói: người làm lớn sẽ là người hầu hạ kẻ khác; muốn làm được điều đó, phải có tâm hồn trẻ thơ.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay cho thấy: Đức Giêsu dạy các môn đệ và cũng là chính mỗi người chúng ta một bài học về sự khiêm nhường và phục vụ. Người lãnh đạo thì phải phục vụ dân, không được lạm quyền, mỵ dân và a dua, nịnh hót, mà làm những việc bất nhất trái lương tâm. Cha mẹ thì phải yêu thương chăm sóc con cái. Con cái phải kính trọng cha mẹ, nhất là khi các ngài lớn tuổi.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa. Amen.

LÀM TÔI TỚ MỌI NGƯỜI

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Ở cuối văn kiện Tòa Thánh, các Ðức Giáo Hoàng thường ghi dòng chữ này cùng với chữ ký của mình: "Tôi tớ của các tôi tớ". Ðây là tinh thần mà Chúa Giêsu muốn tất cả các vị lãnh đạo trong Giáo Hội phải có, như được đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay: "Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người".

Cám dỗ về quyền hành và cám dỗ lạm quyền là sự kiện thường xuyên và mãnh liệt đối với con người mọi thời. Chính những cám dỗ ấy cũng đã xảy ra cho Nhóm Mười Hai Tông đồ. Thật vậy, vào chính lúc Thầy của các ông loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, thay vì dừng lại và chia sẻ với Thầy, hoặc nếu chưa hiểu thì trao đổi với Thầy để am tường hơn, các ông đã có thái độ ích kỷ, vụ lợi; các ông tưởng thời lập quốc của Ðấng Mêsia và ngày vinh quang của các ông đã tới, thế là các ông bắt đầu tranh cãi về địa vị với nhau. Chính các ông cũng cảm thấy sự tranh cãi như thế là đáng trách, bởi vì khi được Chúa Giêsu hỏi, các ông đã làm thinh.

Và rồi sự việc đã diễn biến không như các ông tưởng nghĩ, bởi vì đối với Chúa Giêsu, trong Nước Trời tồn tại ở trần gian này, cho dù vẫn có tôn ti trật tự, nhưng đó là một trật tự lạ lùng: Người làm lớn sẽ là người hầu hạ kẻ khác, người nhỏ nhất phải là đối tượng để được hầu hạ. Rốt cuộc, chúng ta có thể hầu hạ ai chính là vì chúng ta muốn hầu hạ Chúa Giêsu trong họ, và chúng ta có được hầu hạ ai, thì cũng chỉ vì họ đang hầu hạ Chúa Giêsu nơi chúng ta. Như vậy, điều quan trọng không phải là làm lớn hay làm nhỏ trong Nước Trời, chỉ có Thiên Chúa là nhân vật quan trọng trong Nước Trời, và làm lớn hay làm nhỏ, tất cả đều phục vụ Thiên Chúa mà thôi.

Bài Tin Mừng hôm nay vẫn thường được dùng làm kim chỉ nam cho việc thi hành quyền bính trong Giáo Hội. Nếu mọi người, kẻ cầm quyền cũng như người dưới quyền đều hiểu và thực thi giáo huấn này, chắc chắn Giáo Hội sẽ trở nên thu hút hơn đối với nhân loại, nhất là đối với con người hôm nay đã quá mệt mỏi với những hình thức mị dân, lạm quyền, dua nịnh của giới lãnh đạo; người ta sẽ nhận ra nơi đó khuôn mặt của Chúa Kitô một cách rõ ràng hơn, một Chúa Kitô lãnh đạo bằng cách bị nộp, bị giết chết vì người khác.

Bao lâu xã hội loài người còn, thì bấy lâu bài học Chúa dạy hôm nay vẫn còn giá trị, bởi vì cám dỗ về quyền lực và lạm quyền đã ăn sâu trong mỗi người và trong mọi cơ chế xã hội. Nhưng để bài học ấy tác động mạnh mẽ và hữu hiệu, chúng ta cần nghĩ tới hình ảnh của Chúa, Ðấng lãnh đạo dân Chúa, nhưng đã trở thành tôi tớ cho mọi người.

bài liên quan mới nhất

Thứ Ba tuần V Phục Sinh: "Thầy ban bình an của Thầy cho các con"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng