THỨ BA TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN
"Chúng tôi là đầy tớ vô dụng: vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm".
Lời Chúa: Lc 17, 7-10
Khi ấy, Chúa Giêsu phán: "Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về liền bảo nó rằng: "Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa", mà trái lại không bảo nó rằng: "Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống"? Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng không.
"Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: "Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm".
TÔI TỚ VÔ DỤNG
(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)
Vào thời Chúa Giê-su tồn tại chế độ nô lệ. Nô lệ không có quyền làm người. Không có quyền sống. Nô lệ được sống là nhờ chủ mua về. Vì thế anh thuộc về chủ. Biết ơn chủ ban cho sự sống. Và toàn tâm toàn ý phục vụ chủ. Vui mừng vì được phục vụ. Vì như thế anh được sống. Vì thế khi làm việc rồi anh không có gì tự hào. Đó là nhiệm vụ. Hơn nữa đó là sự sống của anh. Chỉ làm những việc phải làm thôi.
Con người phải tuỳ thuộc Thiên Chúa như thế. Vì chính Chúa ban sự sống cho con người. Và hơn nữa đã chuộc lại sự sống. Khi con người tội lỗi đánh mất sự sống. Mọi sự trong ta là của Chúa. Vì thế phải làm việc phụng sự Chúa là bổn phận của ta. Là vinh dự cho ta. Là sự sống cho ta.
Nhưng trần gian cho như thế là khờ dại. Sự khôn ngoan trần gian muốn tự khẳng định mình. Muốn chối bỏ Thiên Chúa. Muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Thiên Chúa. Nên họ coi những kẻ phụng sự Thiên Chúa là khờ dại. Những người hiến dâng mạng sống cho Thiên Chúa là bị trừng phạt. Sách Khôn ngoan khuyên ta hãy kiên trì chịu gian khổ vì Thiên Chúa. Đó là những thử thách mau qua. Như lửa thử vàng. Rồi vàng ròng sẽ xuất hiện. Tôi trung của Thiên Chúa sẽ được vinh quang. “Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy. Họ sẽ xét xử muôn dân, và thống trị muôn nước. Và Đức Chúa sẽ là Vua của họ đến muôn đời” (năm lẻ).
Một trong những thử thách là bổn phận nhàm chán hằng ngày. Người tôi trung của Thiên Chúa phải biết kiên trì và khiêm nhường chu toàn bổn phận. “Các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại. Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành”. “Vợ trẻ biết yêu chồng, thương con…Các thanh niên phải giữ chừng mực trong mọi sự…”. Sống như những người tôi trung. Vì Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho ta. “Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang” (năm chẵn).
Là tôi tớ. Nhưng chúng ta được yêu mến. Được có một định mệnh cao quí đang chờ đợi. Trong niềm hi vọng đó, hãy trung tín chu toàn bổn phận của ta.
ĐẾN ĐỂ PHỤC VỤ
(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)
Qua những nguồn tin trên các trang mạng, chúng ta thấy: Đức Thánh Cha Phanxicô đang được cả thế giới tôn vinh và khen ngợi. Nhân loại ca ngợi ngài không phải ở khả năng tri thức vượt trội, cũng không phải vì những triết thuyết cao siêu, hay uy tín vốn được gắn với tước vị Giáo hoàng từ bao đời...! Nhưng người ta kính nể vì Đức Giáo Hoàng là một con người bình dân. Ngài sẵn sàng xuống đường để ôm hôn một người dị tật, lắng nghe một em bé đang muốn tâm sự. Ngài cũng khước từ những điều sang trọng cần có đối với một vị lãnh tụ tinh thần của Giáo Hội. Ngài cũng không ngần ngại đứng xếp hàng để nhận cơm tại một quán ăn và cũng không có khoảng cách khi cùng ngồi ăn với những công nhân sửa ống nước tại Vatican. Ngài còn là một người sống tinh thần nghèo khó khi lựa chọn những phương tiện đơn giản nhất, hoặc công cộng để di chuyển...
Tất cả những điều đó cho thấy: Đức Giáo Hoàng Phanxicô không ưa được dành quyền đặc lợi cho mình, mà sẵn sàng trong thái độ của người phục vụ... Ngài đã làm những chuyện đó là vì ngài muốn làm mọi việc cho vinh quang Chúa chứ không phải cho mình được nổi trội.
Thực ra trong thế giới hôm nay, sự mong muốn được an thân, khao khát được sung sướng và thái độ cầu an cũng như mong muốn được phục vụ đang kéo dần người Kitô hữu đi theo như cơn lũ bão... Nhưng thử hỏi: liệu những cung cách đó có làm cho khuôn mặt của Đức Giêsu được sáng tỏ hay không? Phải chăng nó đã làm cho Ngài bị lu mờ qua những cái bóng của sự tự kiêu, ích kỷ...
Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy cố gắng sống tốt đúng với tư cách là môn đệ của Chúa. Luôn noi gương Chúa đến để phục vụ chứ không phải để được người khác phục vụ. Luôn yêu mến đời sống đơn giản vì ích lợi cho mình và người khác. Luôn chu toàn bổn phận của mình trong tư cách là người tôi tớ.
Cần nhớ một điều rằng: chỉ khi nào chúng ta từ bỏ mình, sống tinh thần phục vụ, chúng ta mới trở nên mình hơn và giống hình ảnh của một vị Thiên Chúa đến để phục vụ vì ích lợi của con người.
Chính Công Đồng Vaticanô II trong Hiến chế "Vui mừng và hy vọng" đã để lại một châm ngôn đáng được chúng ta Suy niệm và đem ra thực hành: “Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến thân vô vị lợi mà thôi”. Điều này cũng được thánh Phanxicô Assisi đã tâm nguyện qua kinh hòa bình: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức được vai trò của người môn đệ, và xin cho chúng con biết can đảm lựa chọn trong tinh thần của người tôi tớ. Amen.
TINH THẦN PHỤC VỤ ÐÍCH THỰC
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Nhân vật nổi tiếng trong Giáo Hội hiện nay được thế giới nhắc nhớ và thương mến nhất, hẳn phải là Mẹ Terêsa Calcutta, một người đã được nhiều giải thưởng nhất: giải Magsaysay do chính phủ Phi Luật Tân dạo thập niên 60; đầu năm 1971, Mẹ lại được Ðức Phaolô VI trao giải Gioan XXIII vì hòa bình; giải thưởng Kenedy do chính phủ Hoa Kỳ tặng, tất cả số tiền nhận được, Mẹ đã dùng để xây dựng trung tâm Kenedy tại một khu ổ chuột ở ngoại ô Calcutta; tháng 12/1972 chính phủ Ấn nhìn nhận sự đóng góp của Mẹ và trao tặng Mẹ giải Nêru; nhưng đáng kể hơn nữa là giải Nobel Hoà bình năm 1979, đây là giải thưởng đã làm cho tên tuổi Mẹ Têrêsa được cả thế giới biết đến, cũng như những lần khác, khi một viên chức chính phủ Ấn gọi điện thoại để chúc mừng, Mẹ đã trả lời: "Tất cả vì vinh quang Chúa".
"Tất cả vì vinh quang Chúa", đó là động lực đã thúc đẩy Mẹ Têrêsa dấn thân phục vụ người nghèo trên khắp thế giới. Với bao nhiêu danh vọng và tiền bạc do các giải thưởng mang lại, Mẹ vẫn tiếp tục là một nữ tu khiêm tốn, nghèo khó, làm việc âm thầm giữa những người nghèo khổ nhất. Thông thường, các giải thưởng cho một người nào đó như một sự nhìn nhận vào cuối một cuộc đời phục vụ làm việc hay một công trình nghiên cứu; nhưng đối với Mẹ Têrêsa, mỗi giải thưởng là một bàn đạp mới, một khởi đầu cho một công trình phục vụ to lớn hơn và làm cho nhiều người biết đến và ngợi khen Thiên Chúa nhiều hơn.
Qua cuộc đời của Mẹ Têrêsa, chắc chắn thế giới sẽ hiểu hơn thế nào là tinh thần phục vụ đích thực trong Giáo Hội. Một Giáo Hội càng phục vụ thì bộ mặt của Chúa Kitô phục vụ càng sáng tỏ hơn; trái lại, khuôn mặt Chúa Kitô sẽ lu mờ đi, nếu Giáo Hội chưa thể hiện được tinh thần phục vụ đích thực của Ngài.
Tin Mừng mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay mời gọi chúng ta nhìn nhận những thiếu sót của chúng ta: có lẽ dung mạo của một Chúa Kitô phục vụ và phục vụ cho đến chết chưa được phản ảnh trên gương mặt của các Kitô hữu; tinh thần phục vụ đích thực của Kitô giáo vẫn chưa được sáng tỏ và thể hiện qua cách sống của các Kitô hữu. Chúa Giêsu đã khẳng định: "Khi làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm những việc bổn phận mà thôi". Ðầy tớ là người làm tất cả những mọi sự vì chủ, đầy tớ là người hoàn toàn sống cho chủ. Dĩ nhiên, ở đây, Chúa Giêsu không có ý đề cao quan hệ chủ tớ trong xã hội. Ngài đã xem quan hệ trong xã hội con người và Thiên Chúa như một quan hệ chủ tớ; Ngài đã chẳng mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa như một người Cha và mời gọi chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha đó sao?
Như vậy, ở đây, Chúa Giêsu chỉ muốn dùng hình ảnh người đầy tớ vốn có trước mắt người Do thái, để nói lên tương quan đích thực giữa con người và Thiên Chúa, đó là con người chỉ sống thực sự khi nó sống cho Thiên Chúa mà thôi. Cái nghịch lý lớn nhất mà Kitô giáo đề ra là càng tìm kiếm bản thân, càng sống cho riêng mình, con người càng đánh mất chính mình; trái lại, càng sống cho Thiên Chúa, càng tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa, nghĩa là càng phục vụ vô vị lợi, con người càng lớn lên và càng tìm lại được bản thân; giá trị đích thực của con người như Chúa Giêsu đã dạy và đã sống chính là phục vụ một cách vô vị lợi. Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến Chế "Vui Mừng và Hy Vọng" đã để lại một châm ngôn đáng được chúng ta Suy niệm và đem ra thực hành: "Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến thân vô vị lợi mà thôi".
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại định hướng cơ bản trong cuộc sống chúng ta: đâu là mục đích và ý nghĩa cuộc sống chúng ta? đâu là giá trị đích thực mà chúng ta đang tìm kiếm và xây dựng trong cuộc sống hiện tại.