Tâm lý cầu toàn và sự giáo dục sai lầm của phụ huynh

-Sầu Đông hôm qua đem sổ điểm về em la cho nó một mẻ.

-Nó phạm lỗi gì mà em la nó?

-Nó bị một con B.

-Em không biết là thang điểm, B đứng hạng nhì không? A,B,C. Làm gì phải la nó, vả lại chỉ có một con B thôi mà.

-Em muốn nó được A tất cả. Em muốn nó phải vào được trường giỏi, ra trường thủ khoa và có tương lai. Em một mình nuôi nó ăn học, em có quyền hy vọng điều đó.

Câu chuyện giữa tôi và cô em trên chắc cũng là giấc mơ của nhiều phụ huynh. Họ cho rằng mình “có quyền” đòi hỏi con họ phải học giỏi, phải đứng nhất lớp, phải tốt nghiệp thủ khoa, và phải dành được những học bổng danh dự cấp quốc gia. Sau khi ra trường phải có việc làm tốt, phải kiếm được nhiều tiền…

Phải, phải, phải…Thật ra, những ước mơ như vậy không có gì sai, trái, nhưng chỉ đáng tiếc là nếu không biết cách nuôi dưỡng, nó sẽ trở thành những ác mộng cho cả con cái lẫn cha mẹ. Bác sỹ Tâm Thần Jingduan Yang, một bác sỹ nổi tiếng với những kinh nghiệm và nghiên cứu tại các Đại Học trên thế giới như the Fourth Military Medical University, China; Oxford University, UK; Thomas Jefferson University và Arizona University tại Hoa Kỳ…Trong bài phân tích “Những người thành đạt có nguy cơ tự tử cao hơn”[1], ông đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể như trường hợp của Alexandra Robbins tốt nghiệp xuất sắc – danh hiệu cao nhất – từ Đại học Yale, nhưng ngày ra trường cô đã nhận ra thực tế phũ phàng là những gì mà cô đạt được chẳng có ý nghĩa gì, vì việc theo đuổi thành công không dẫn đến hạnh phúc. Tóm lại, theo ông trong hành trình tìm kiếm thành công theo chủ nghĩa hoàn hảo, những người thành đạt quá mức có thể dẫn đến hiện tượng trầm cảm và ý nghĩ tự tử.

THÀNH TÍCH VÀ CĂNG THẲNG

Theo Bác sỹ Yang, các yếu tố về môi trường đóng vai trò quan trọng gây ra trầm cảm. Hiện tượng này xuất hiện phổ biến ở các trường đại học, đặc biệt là đối với những sinh viên có thành tích quá cao. Áp lực phải đạt điểm tối đa, được vào trường nổi tiếng… có thể tạo ra gánh nặng tâm lý đối với những sinh viên luôn hướng đến thành tích tuyệt đối.

Viện Y Tế Quốc Gia, ước tính có 1.100 sinh viên đại học tự tử mỗi năm và gần 24.000 người cố gắng tự tử. Phân tích dữ liệu cho thấy khi sự cạnh tranh, học phí và áp lực để vào được những trường tốt nhất tăng, tỷ lệ tự tử ở thanh niên tuổi từ 15-24 đã tăng gấp ba lần kể từ những năm 1950. Sau đây là những con số tiêu biểu dựa theo tài liệu khảo cứu của Bác sỹ Yang:

Theo Philly Voice:

  • Tại University of Pennsylvania năm 2017, sáu sinh viên đã qua đời vì tự tử trong khoảng thời gian 13 tháng.
  • Cornell University có sáu vụ tự tử trong năm học 2009-2010.
  • Năm 2003-2004, năm sinh viên Đại học New York đã nhảy lầu tự tử.
  • Năm 2018, một sinh viên y khoa năm thứ tư và một bác sĩ nội trú tại NYU đã tự sát cách nhau 5 ngày.

Cũng theo Viện Y Tế Quốc Gia, mặc dù tự tử có nhiều khả năng cướp đi sinh mạng của những người trẻ tuổi, nhưng trong toàn bộ dân số Hoa Kỳ, tỷ lệ trầm cảm và tự tử đã tăng 28% trong khoảng thời gian 17 năm từ 1999 đến 2016. Những người thành đạt quá mức chiếm tỷ lệ cao hơn. Tài liệu của Business Insider từ Viện An Toàn và Sức Khỏe Lao Động Quốc Gia cho biết, kỹ sư hàng hải, bác sĩ, nha sĩ, bác sĩ thú y và nhân viên tài chính có nhiều khả năng tự tử tại nơi làm việc nhất.

Tại Việt Nam trong số những người tự tử vì trầm cảm, nhóm tuổi gây tử vong hàng đầu nằm trong khoảng 15 – 29 tuổi. Theo báo Tiền Phong, nguyên nhân học sinh tự tử là do áp lực học tập. Cũng theo tài liệu báo này trích dẫn dựa trên nghiên cứu của Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8-29% trẻ em trong tuổi vị thành niên ở Việt Nam nói chung, ước tính ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên mắc các bệnh liên quan về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% trong số này nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết[2].

Thống kê năm 2019, số người tự tử tại Việt Nam khoảng 7,5 trong số 100.000. Mặc dù con số này có phần giảm trong những năm gần đây, nhưng vẫn cao hơn so với trước năm 2000[3].

TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM

Trầm cảm dễ nhận ra vì nó là một cảm xúc rất mạnh. Trong một số trường hợp, trầm cảm sẽ biểu hiện ra bằng một hoặc nhiều triệu chứng sau đây:

Tâm lý:

  • Tâm trạng buồn bã, lo lắng hoặc “trống rỗng”.
  • Bồn chồn, khó chịu.
  • Cảm giác tuyệt vọng, bi quan, vô giá trị, bất lực.
  • Cảm giác tội lỗi.
  • Mất hứng thú với các hoạt động và sở thích.
  • Nghĩ về cái chết.

Thể lý:

  • Khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
  • Lên cân, xuống ký, ăn uống bất thường.
  • Trong người mệt mã, đau nhức cơ thể, nhức đầu.
  • Tự tử hoặc cố gắng tự tử.

Trên đây là những triệu chứng điển hình của trầm cảm, các triệu chứng này có thể xuất hiện rất đa dạng ở mỗi cá nhân.

NGUYÊN NHÂN

-Rối loạn methyl hóa

Theo khảo cứu của Bác sỹ Yang, những người thành đạt vượt trội thường bị ảnh hưởng do rối loạn methyl hóa. Thiếu methyl hóa, đặc biệt là serotonin và dopamine thấp, phù hợp với tính cách người thành đạt, nhiều năng lực, cầu toàn và có tính cạnh tranh trong thể thao và cuộc sống nói chung.   Bác sỹ Yang đã đưa ra dẫn chứng từ cuộc khảo cứu của Tiến sỹ William Walsh căn cứ trên nghiên cứu 30.000 bệnh nhân tâm thần. Kết quả cho thấy có sự liên kết giữa trầm cảm và rối loạn methyl hóa. Ước tính có 38% những người bị trầm cảm nặng do thiếu methyl hóa, trong khi 20% khác bị methyl hóa quá mức do thiếu folate[4].

-Ái Kỷ

Ái kỷ (Narcissistic) là triệu chứng tâm lý của một người luôn luôn có cảm nghĩ tuyệt đối về mình: Đẹp nhất, thông minh nhất, thành công nhất, giầu sang nhất…

Triệu chứng căn bệnh gồm nhu cầu cực kỳ cao về sự sùng bái cá nhân, và một cảm giác cầu toàn tuyệt đối. Người ái kỷ thường từ chối mọi cảm nghĩ mà họ cho là tiêu cực về mình đến từ người khác, không có khả năng để chấp nhận bất cứ sự chỉ trích, phê bình hoặc góp ý nào, và tỏ ra rất thiếu tình cảm đối với những người khác.

Do tính cầu toàn, đối với những người thành đạt vượt trội, việc tìm kiếm sự giúp đỡ có vẻ giống như thất bại và không thể chấp nhận được. Họ thà bắt ép mình phải cố gắng đến kiệt quệ tâm lực cũng như sức lực để không bị rơi vào những yếu đuối, thất bại. Nhưng điều này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần của họ.

Hội chứng này cần được thẩm định do những nhà chuyên môn và phải được tâm lý trị liệu giúp đỡ.

-Áp lực của phụ huynh

Trẻ em, học sinh, sinh viên bị trầm cảm hay gặp các vấn đề về tâm lý và chọn tự tử như một cách để giải thoát khi bị áp lực học tập từ nhà trường, gia đình và chính bản thân.

Trẻ tuổi, đa số là học sinh, sinh viên rơi vào tình trạng trầm cảm, nguyên nhân chính là do thường xuyên gặp áp lực học hành, thi cử, cũng như sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ. Một điều rất đáng lưu ý là phần đông phụ huynh không hề quan tâm hoặc hay biết tình trạng trầm cảm này của con cái.

-Áp lực của chính mình

Những cái chết của các học sinh, sinh viên, ngoài những áp lực và đòi hỏi quá mức của cha mẹ, phần đông cũng là do tự áp lực chính mình. Nguyên nhân những cái chết tự tử liên quan đến học hành, mà trong đó hội chứng ái kỷ cũng ảnh hưởng rất lớn. Không muốn mình bị thua kém, không muốn bị bạn bè coi thường, hoặc không muốn mình trở thành kẻ thua cuộc…

GÓP Ý VÀ HƯỚNG DẪN

Trong cái nhìn của tâm lý phát triển và tâm lý giáo dục, có hai loại phụ huynh cần được lưu ý, vì suy nghĩ và hành động của họ sẽ ảnh hưởng đến tương lai sau này của con cái: Khoán trắng cho học đường, hoặc Đòi hỏi và kỳ vọng quá mức.

Khoán trắng cho học đường

Không chỉ các nước phát triển và tiến bộ hiện nay ở Âu Mỹ, mà ngay cả ở Việt Nam lúc này cũng thế, việc khoán trắng tương lai con cái mình cho học đường là một sai lầm rất trầm trọng. Nên nhớ điều này tư cách con người mới làm nên tương lai và tạo cơ hội cho hạnh phúc tương lai: “Đức nhân thắng số”. Việc làm này là việc làm của cha mẹ, của phụ huynh. Học đường chỉ giúp con cái họ phát triển về trí tuệ, khả năng chuyên môn. Hậu quả của một người có trí khôn thông minh và tài năng chuyên môn mà thiếu đạo đức, tư cách sẽ như thế nào điều này phụ huynh nào cũng biết.

Đòi hỏi và kỳ vọng quá mức

Ngược lại với quan niệm khoán trắng tương lai con cái cho học đường là thái độ đòi hỏi và kỳ vọng quá mức về thành quả cũng như tương lai con cái của một một số phụ huynh. Những đòi hỏi và kỳ vọng này với cái nhìn tâm lý và giáo dục là những đòi hỏi, kỳ vọng vô lý mà ảnh hưởng tiêu cực sẽ dẫn đến những cái chết oan nghiệt của con cái.

Trí óc thông minh, tài năng là tặng ân Thượng Đế ban cho từng người. Nó tùy thuộc vào bản năng di truyền, môi trường giáo dục, cũng như sự cố gắng của mỗi người. Trong khả năng giáo dục của cha mẹ là hướng dẫn, khích lệ và nâng đỡ. Để làm được việc này, phụ huynh cần phải dựa trên những nguyên tắc: thể lý, cảm xúc, xã hội và nhận thức của chính mình trong việc áp dụng giáo dục trên con cái. Cha mẹ phải hiểu được sức khỏe thể lý, cảm xúc, và những môi trường xã hội nào đang ảnh hưởng con mình, cũng như phải căn cứ vào khả năng trí tuệ của mỗi đứa con để nâng đỡ và khích lệ. Nâng đỡ và khích lệ chứ không phải đòi hỏi, và kỳ vọng quá mức.

Ts. Trần Mỹ Duyệt


[1]https://baomai.blogspot.com/2024/05/nhung-nguoi-thanh-at-co-nguy-co-tu-tu.html

[2]https://tienphong.vn/hoc-sinh-tu-tu-vi-ap-luc-hoc-tap-do-nguoi-lon-stress-post1428466.tpo

[3]https://www.statista.com/statistics/702116/vietnam-crude-suicide-rate/

 

[4]https://baomai.blogspot.com/2024/05/nhung-nguoi-thanh-at-co-nguy-co-tu-tu.html

 

bài liên quan mới nhất

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật XI Thường niên, năm B

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng