Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa

Thánh vịnh 122 (121) diễn tả niềm vui của một người lên Đền Thánh Chúa cùng với các bạn hữu của mình. Đây là một trong mười lăm bài Thánh vịnh Lên Đền được những người cùng lên Giêrusalem hát với nhau. Tác giả thánh vịnh ca ngợi đền thánh Giêrusalem là nơi Chúa ngự, đồng thời cầu nguyện cho thành thánh được hòa bình và thịnh vượng. Dưới ánh nhìn thần học, Giêrusalem tượng trưng cho Hội thánh Chúa Giêsu đã lập và nó cũng tượng trưng cho Giêrusalem Thiên Quốc. Cùng với tác giả thánh vịnh cầu nguyện, chúng ta xin Chúa dạy chúng ta biết hướng lòng về Chúa trong sự hợp nhất với anh chị em đồng loại đang khi cùng nhau hướng về Quê Hương Vĩnh Cửu.

Mở đầu thánh vịnh tác giả kể lại niềm vui thánh thiện:

Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:

“Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa!”

Ông vui vì người khác cũng có cùng một giấc mơ với ông, giấc mơ lên Giêrusalem. Niềm vui đặc biệt này đến từ chính trong nội tâm của tác giả. Chắc chắn, ông đã ấp ủ giấc mơ hành hương từ lâu, ông khao khát và tìm cách thực hiện. Thế nên, khi nhận được lời mời Lên Đền Thánh, con tim đang bừng cháy nơi ông đã reo lên trong niềm vui sướng thiêng liêng. Có lẽ, thú vui của trần thế không phải là câu trả lời thỏa đáng cho tất cả những khao khát trong ông. Con tim của ông chỉ hỉ hoan khi ai đó kéo ông “ra khỏi chính mình” để tiến Lên Đền Thánh, cùng gặp gỡ nhau và cùng nhau ca tụng Chúa. Vậy là, ông đã mang trong mình một niềm hy vọng lớn lao một nội tâm hướng về Thiên Chúa và về Giêrusalem Trên Trời.

Trong hành trình tiến về Giêrusalem, việc đồng hành cùng nhau là một sáng kiến tuyệt vời. Tha nhân, trong một mức độ nào đó, giúp cho lòng trí chúng ta hướng về trời cao làm cho đời sống thiêng liêng được triển nở. Có thể nói: nhờ, với và trong tha nhân mà giấc mơ lên Giêrusalem Vĩnh Cửu của chúng ta được hoàn trọn tốt đẹp. Tác giả không thể vui một mình, ông không hành hương lên Giêrusalem một mình, ông cần tha nhân.

Và giờ đây, Giêrusalem hỡi,

cửa nội thành, ta đã dừng chân.

Giêrusalem khác nào đô thị

được xây nên một khối vẹn toàn.

Từng chi tộc, chi tộc của Chúa,

trẩy hội lên đền ở nơi đây,

để danh Chúa, họ cùng xưng tụng,

như lệnh đã truyền cho Ítraen.

Ông đã mơ lên Giêrusalem và ông đã đạt được ước nguyện. Khi dừng chân bên Thành Thánh, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt ông là khung cảnh phồn thịnh và bình an của Thành. Ông miêu tả Giêrusalem như một khối đá vẹn toàn. Điều này nói một ý nghĩa: Giêrusalem xây dựng trên khối đá kiên vững đó là tình yêu và niềm tin. Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân. Đức ái nối kết con người thành một khối trong Thiên Chúa. Bởi thế, từng chi tộc của Chúa đã trẩy hội lên đền.

Chúa Giêsu cũng đã lên Giêrusalem, nơi đây Ngài đã dâng hiến lễ là thân mình Ngài lên Chúa Cha, nơi đây Ngài đã chết và sống lại, nơi đây Ngài đã hiến mạng sống để “quy tụ con Thiên Chúa về một mối”[1], nơi đây Ngài đã thiết lập Hội thánh và Ngài đã quy tụ Dân Thánh về Đền Thánh là nhà Thiên Chúa qua Thánh Lễ mỗi ngày.

Giêrusalem hôm nay chính là nơi Thiên Chúa hiện diện trong mỗi Thánh Lễ trên toàn thế giới, nơi mà chúng ta quy tụ thành anh chị em trong Chúa.

Cuối bài thánh vịnh, tác giả chia sẻ thêm:

Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu,

tôi nói rằng: “Chúc thành đô an lạc”.

Nghĩ tới Đền Thánh Chúa, Thiên Chúa chúng ta thờ,

tôi ước mong Thành được hạnh phúc, hỡi thành đô.

Ta đọc thấy những suy nghĩ của tác giả giờ đây được chia làm hai, một nghĩ cho tha nhân, một nghĩ về Đền Thánh. Ông dường như xóa mình đi. Ông mất hút trong tha nhân và ẩn dật vào trong Thiên Chúa nơi Đền Thánh.

Phần chúng ta, hành trình lên Giêrusalem Thiên Quốc của chúng ta cũng đi qua những chiều kích tựa hồ như thế. Chúng ta có đang cảm thấy được một thực tại thần linh thu hút hay lòng trí của chúng ta vẫn đang mải mê những sự thế trần? Trên hành trình ấy, chúng ta có đón nhận tha nhân như quà tặng Chúa ban hay chưa? Có lẽ, chúng ta sẽ không có được một niềm vui như tác giả, bao lâu chúng ta chưa sống được cả hai chiều kích hướng tha và hướng thiên cùng một lúc.

Lạy Chúa, xin cho chúng con cảm nhận được niềm vui trong hành trình lên Giêrusalem của mỗi chúng con. Xin lấp đầy niềm khao khát của chúng con bằng niềm vui trong khi được đồng hành với tha nhân, cũng như trong những giây phút hướng lòng và cảm nghiệm về một Thiên Chúa tình yêu.

Lạy Chúa, Giêrusalem trần thế hôm nay dường như đang mất bình an do chiến tranh và xung đột leo thang. Xin cho nơi ấy được bình an để mọi người tìm thấy niềm vui sống cùng nhau nơi đất thánh, cùng nhau ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa mỗi ngày. Amen. 

 

Nguồn: vietnamese.rvasia.org

Phút Cầu Nguyện, Thứ Tư 30/10/2024: Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa

[1]x.Ga 11, 52.

bài liên quan mới nhất

Thứ Sáu tuần XXX TN: Lễ các Thánh Nam Nữ: “Phúc thay ai…Phúc Thay anh em…”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng