Sự Thương Khó của Chúa Kitô là thụ động

Chúng ta gọi các đoạn Phúc âm kể lại cuộc đời Chúa Giêsu tính từ bữa Tiệc ly cho đến khi Ngài chết và được mai táng là “Sự thương Khó”. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, người đọc sách mở đầu bài Phúc âm: “Cuộc thương khó của Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan”.

Tại sao chúng ta gọi cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trước khi chết là thương khó?

Thường thì chúng ta không hiểu đúng chuyện này. Chúng ta thường nghĩ “thương khó” là đau khổ dữ dội. Nghĩ như thế cũng không sai, nhưng lại bỏ sót một điểm chính. “Thương Khó”,  hay “Passion” trong tiếng Anh, có gốc La Tinh là PASSIO, nghĩa là thụ động, không hoạt động, hấp thụ hơn là làm gì đó. Vì vậy, “Thương khó” của Chúa Giêsu là nói đến thời gian trong cuộc đời mà ý nghĩa của Ngài đối với chúng ta không được xác định bằng những gì Ngài làm nhưng qua những gì đến với Ngài. Như thế có nghĩa là gì?

Cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu có thể chia thành hai phần riêng biệt, các học giả ước tính Chúa Giêsu có khoảng ba năm rao giảng và dạy dỗ trước khi bị giết. Phần lớn thời gian đó, thật ra chỉ trừ ngày cuối cùng, Ngài rất năng động, chỉ đạo, dạy dỗ, chữa bệnh, làm phép lạ, khuyên nhủ, ăn uống cùng tội nhân, tranh luận với các giới chức trong hội đường, và Ngài thường làm bằng đủ  hoạt động, Ngài mời gọi những người cùng thời với Ngài đến với sự sống của Thiên Chúa. Và Ngài quá bận rộn, quá áp lực đến nỗi không có thời gian để ăn. Hầu hết quãng đời công khai của mình, Chúa Giêsu tích cực làm việc.

Tuy nhiên, từ lúc Ngài bước ra khỏi phòng tiệc ly, sự hoạt động đó dừng lại. Ngài không còn là người làm việc này việc kia cho người khác, mà là người bị người khác làm gì đó với mình. Trong vườn, họ bắt Ngài, trói tay Ngài, dẫn Ngài đến chỗ thượng tế, rồi đến dinh Philatô. Ngài bị đánh đập, bị sỉ nhục, bị lột áo quần, và cuối cùng bị đóng đinh trên thập giá rồi chết. Điều này cấu thành nên “sự thương khó” của Chúa Giêsu, thời gian trong cuộc đời và sứ vụ mà Ngài không còn là người hành động mà là người nhận lấy hành động.

Điều đặc biệt qua chuyện này, chính đức tin dạy chúng ta, chúng ta  được cứu rỗi nhờ sự thương khó của Chúa Giêsu (nhờ cái chết và đau khổ của Ngài) hơn là nhờ mọi hoạt động rao giảng và phép lạ của Ngài. Sao lại như thế?

Tôi xin phép được minh họa một chút: vài năm trước, em gái Helen của tôi, một nữ tu dòng Ursuline qua đời vì ung thư. Làm nữ tu hơn 30 năm, Helen yêu ơn gọi của mình, và cũng được yêu thương trong ơn gọi đó. Trong hầu hết 30 năm đó, Helen như người mẹ bảo bọc cho hàng trăm cô gái trẻ vào học viện mà Dòng của em mở. Em yêu quý những cô gái này và là người mẹ, người chị, người thầy cho các cô. Trong 20 năm cuối đời, sau khi mẹ chúng tôi mất, em còn đảm nhận vai trò này trong gia đình tôi, sắp xếp mọi thứ và giữ chúng tôi gắn kết với nhau. Suốt bao năm đó, em là người năng động, người làm việc tuyệt vời, người mà ai cũng muốn giao cho em nhiệm vụ đảm trách. Và em có thiên bẩm trong vai trò này, em thích làm việc gì đó cho người khác.

Rồi chín tháng trước khi mất, căn bệnh ung thư đã tàn phá quá đỗi,  em phải nằm liệt giường trong nhiều tháng. Bây giờ em cần có người làm gì đó cho mình. Các bác sĩ, điều dưỡng, các chị em trong Dòng và những người khác luân phiên chăm sóc em. Và như Chúa Giêsu từ khi bị bắt cho đến lúc chết, cơ thể em xuống sức, em phải để người khác dìu dắt, thay áo quần, di chuyển và bị người đi ngang qua tò mò nhìn. Như Chúa Giêsu, em chết khát, phải có người dùng miếng bọt biển thấm vào môi để nhấp chút nước.

Đó là sự thương khó của em. Em đã dành nhiều năm cuộc đời để làm việc cho người khác, giờ em phải chấp nhận để người khác làm việc cho em. Nhưng mấu chốt là ở đây, như Chúa Giêsu, trong giai đoạn cuộc đời, khi bất lực và không còn là người đảm trách, em lại đem lại sự sống và ý nghĩa cho người khác một cách thâm sâu hơn những gì em đã làm trong những năm hoạt động tích cực và làm quá nhiều việc cho người khác.

Đó là mầu nhiệm sinh hoa trái của thụ động, của bất lực. Và ở đây có một bài học quan trọng, đó là hoa trái tiềm tàng của căn bệnh nan y, của sự khuyết tật nghiêm trọng và của bệnh tật. Còn có một bài học nữa về cách chúng ta hiểu được mình có gì để cho người khác trong lúc bản thân đau đớn bệnh tật, bất lực, cần người khác chăm sóc.

Sự thương khó của Chúa Giêsu dạy cho chúng ta, như Chúa Giêsu, chúng ta trao cho người khác lúc bị động cũng nhiều như lúc chúng ta năng động. Khi chúng ta không còn là người đảm trách, khi chúng ta bị đánh gục, bị hạ nhục, bị đau khổ và có khi người thân yêu cũng không hiểu chúng ta, thì đó là lúc chúng ta đang trải qua sự thương khó, và như Chúa Giêsu, chúng ta có cơ hội để trao đi tình yêu của mình một cách rất đỗi thâm sâu.

Ronald Rolheiser,  2024-03-24

J.B. Thái Hòa dịch

Nguồn: phanxico.vn

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Ba tuần V Phục Sinh: "Thầy ban bình an của Thầy cho các con"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng