Sách Giáo Lý HTCG : Phần III Sống trong Chúa Kitô - Cộng đồng nhân loại

CHƯƠNG HAI
CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI


1877 355.
Ơn gọi của nhân loại là biểu hiện hình ảnh của Thiên Chúa và được biến đổi theo hình ảnh Người Con duy nhất của Chúa Cha. Ơn gọi này vừa được ban cho từng cá nhân, vì mỗi người đều được mời gọi vào hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa, vừa được ban cho toàn thể cộng đồng nhân loại.

Mục 1
CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI

I.TÍNH CÁCH CỘNG ĐỒNG CỦA ƠN GỌI LÀM NGƯỜI

1878 1702.
Tất cả mọi người đều được mời gọi tiến đến cùng đích là chính Thiên Chúa. Có một sự tương đồng nào đó giữa sự hiệp nhất Ba Ngôi Thiên Chúa và tình huynh đệ mà loài người phải kiến tạo cho nhau trong chân lý và tình yêu. Yêu người không thể tách rời khỏi mến Chúa.

1879 1936.
Con người cần đến đời sống xã hội. Đời sống này không phải là một cái gì được thêm vào nhưng là một đòi hỏi của bản tính con người. Nhờ trao đổi với người khác, nhờ phục vụ lẫn nhau và nhờ đối thoại với anh em, con người phát triển các tiềm năng; nhờ đó họ đáp lại ơn gọi của mình (GS 25,1).

1880 771.
Xã hội là tập thể những người sống liên kết với nhau cách hữu cơ theo một nguyên lý hợp nhất, vượt lên trên từng cá nhân. Là một cộng đồng vừa hữu hình, vừa thiêng liêng, xã hội tồn tại mãi : tiếp nhận dĩ vãng và chuẩn bị tương lai. Nhờ xã hội, mỗi người trở thành "người thừa tự", lãnh nhận các "nén bạc" để làm giàu căn tính mình và phải phát triển các "nén bạc" ấy (x. Lc 19.13.15 ). Mỗi người phải đóng góp cho các cộng đồng mà mình là thành viên, và phải tôn trọng các người cầm quyền có trách nhiệm mưu cầu công ích.

1881 1929.
Mỗi cộng đồng được định nghĩa theo mục đích của nó; do đó, phải tuân theo những quy tắc đặc thù, nhưng "nhân vị con người chính là và phải là nguyên lý, chủ thể và cứu cánh của mọi định chế xã hội" (x. GS 25,1 ).

1882 1913.
"Có những mối liên hệ xã hội đáp ứng trực tiếp được bản tính sâu xa của con người, đó là gia đình và nhà nước" (x. GS 25,2 ). Chúng cần thiết cho con người. Để đa số có thể tham gia đời sống xã hội, nên khuyến khích thành lập các hiệp hội và những tổ chức "nhằm các mục đích kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao, giải trí, nghề nghiệp, chính trị...trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế" (x. MM :Thông điệp Mẹ và Thầy. 60 ). Công cuộc "xã hội hóa" này đặt nền tảng trên xu hướng tự nhiên thúc đẩy con người hợp tác với nhau, để đạt tới những mục tiêu vượt quá khả năng của từng người. Công cuộc này giúp phát triển các đức tính của con người, nhất là óc sáng kiến và tinh thần trách nhiệm, cũng như giúp bảo đảm các quyền của con người ( x. GS 25; CA 12 ).

1883 2431.
Công cuộc xã hội hóa cũng kèm theo những nguy hiểm. Sự can thiệp quá đáng của Nhà Nước có thể đe dọa tự do và sáng kiến cá nhân. Hội Thánh đề ra nguyên tắc hỗ trợ : "một tập thể cấp cao không được can thiệp vào nội bộ tập thể cấp thấp đến độ tước mất các thẩm quyền của nó, nhưng đúng hơn phải nâng đỡ nó khi cần thiết, và giúp nó phối hợp hoạt động với những tập thể khác, để mưu cầu công ích" ( x. CA 48; Đức Pi-ôXI ).

1884 307 302.
Thiên Chúa không muốn dành cho riêng mình việc thực thi mọi quyền hành. Người trao lại cho mỗi thụ tạo những phận vụ nó có thể thi hành theo khả năng của bản tính riêng. Xã hội loài người phải bắt chước cách lãnh đạo này. Cách Thiên Chúa cai trị thế giới cho thấy Người rất tôn trọng quyền tự do của con người. Đó phải là đường hướng chỉ đạo cho những ai cầm quyền trong các cộng đồng nhân loại. Họ phải xử sự như những thừa tác viên của Chúa quan phòng.

1885.
Nguyên tắc bổ trợ nghịch với mọi hình thức duy tập thể, xác định giới hạn cho việc can thiệp của Nhà Nước, hòa hợp các tương quan giữa cá nhân và xã hội, hướng tới việc thiết lập một trật tự quốc tế đích thực.

II. HOÁN CẢI VÀ XÃ HỘI

1886 1779
Con người cần đến xã hội để thực hiện ơn gọi làm người. Để đạt tới mục tiêu này, cần phải tôn trọng bậc thang đúng đắn của các giá trị : "các chiều kích thể lý và bản năng phải lệ thuộc các chiều kích nội tâm và thiêng liêng" ( x. CA 36 ).

2500
Đời sống xã hội trước hết phải được coi là một thực tại tinh thần. Thực tại này bao gồm việc trao đổi các kiến thức trong ánh sáng chân lý. Thực thi các quyền và chu toàn các bổn phận, cùng nhau tìm hiểu sự thiện hảo luân lý, chung hưởng cái đẹp thanh cao dưới mọi hình thức chính đáng, luôn sẵn sàng chia sẻ cho tha nhân những gì tốt đẹp nhất của mình và mong ước cho nhau được ngày càng phong phú về mặt tinh thần. Đây là những giá trị phải nuôi dưỡng và định hướng cho những sinh hoạt văn hóa, kinh tế, tổ chức xã hội, các phong trào và các thể chế chính trị, pháp luật và mọi sinh hoạt khác nữa của đời sống xã hội trong tiến trình chuyển biến không ngừng của nó ( x. PT 35 ).

1887 909 1869
Việc lẫn lộn giữa phương tiện và mục đích (x.CA 41) dẫn tới việc coi phương tiện như cùng đích tối hậu, hay xem những con người chỉ là phương tiện để đạt mục đích. Điều này tạo ra những cơ cấu bất công "làm cho người Ki-tô hữu gặp khó khăn hay không thể sống phù hợp với các giới răn của Đấng Lập Luật Thần Linh" ( x. Đức Pi-ô XII,bài giảng ngày 1-6-1941 ).

1888 787,1430.
Để đạt được những cải tổ giúp xã hội thực sự phục vụ con người, chúng ta cần nhờ đến các khả năng tinh thần và luân lý của con người và việc thường xuyên hoán cải nội tâm. Việc hoán cải nội tâm chiếm vị trí ưu tiên. Điều này không loại trừ, mà trái lại, càng củng cố trách nhiệm phải lành mạnh hóa các cơ chế và điều kiện sống khi chúng gây nên dịp tội, để chúng phù hợp với tiêu chuẩn của công bình và giúp phát huy điều thiện thay vì ngăn trở ( x. LG 36 ).

1889 1825.
Không có ân sủng trợ lực, con người không thể "khám phá ra con đường thường là nhỏ hẹp, giữa việc hèn nhát nhượng bộ sự dữ và việc dùng bạo lực để đấu tranh nhưng lại làm cho sự dữ thêm trầm trọng ( x. CA 25 )". Đó là con đường đức mến, yêu Chúa và yêu người. Đức mến là điều răn mang tính xã hội cao nhất. Đức mến tôn trọng tha nhân và các quyền lợi của họ, đòi buộc thực thi công bình mà chỉ có đức mến mới giúp ta thực hiện được. Đức mến thúc đẩy chúng ta sống dấn thân : "Ai tìm cách giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống" (Lc 17, 33).

TÓM LƯỢC

1890.
Có một sự tương đồng nào đó giữa sự hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi với tình huynh đệ mà loài người phải kiến tạo cho nhau.

1891.
Con người cần đến đời sống xã hội để tự phát triển theo đúng bản tính. Có những mối liên hệ xã hội như gia đình và Nhà Nước, đáp ứng trực tiếp được bản tính con người.

1892.
"Nhân vị chính là và phải là nguyên lý, chủ thể và cứu cánh của mọi định chế xã hội" ( x. GS 25,1 ).

1893.
Nên khuyến khích mọi người tích cực tham gia các hiệp hội và các tổ chức.

1894.
Theo nguyên tắc bổ trợ, Nhà Nước hay một tập thể lớn, không có quyền lấn át sáng kiến và trách nhiệm của những cá nhân và các tổ chức nhỏ.

1895.
Xã hội không được gây trở ngại, nhưng phải giúp con người thực thi những điều thiện hảo. Vì thế, xã hội phải tôn trọng bậc thang đúng đắn của các giá trị.

1896.
Tội lỗi càng làm băng hoại xã hội, con người cần phải hoán cải nội tâm và nhờ đến ân sủng của Thiên Chúa. Đức mến thúc đẩy thực hiện những cuộc cải tổ chính đáng. Không có giải đáp nào cho các vấn đề xã hội ngoài Tin Mừng Chúa Giê-su ( x. CA 3).

Mục 2

THAM DỰ VÀO SINH HOẠT XÃ HỘI

I. QUYỀN BÍNH

1897 2234.
"Xã hội loài người sẽ không có trật tự và phồn vinh nếu thiếu những người cầm quyền hợp pháp để bảo tồn các định chế và phục vụ công ích một cách đầy đủ" ( x. PT 46 )

"Quyền bính" là đặc tính của những con người, hay định chế, nhờ đó, họ ban hành lề luật và mệnh lệnh cho con người, và buộc phải tuân phục.

1898.
Mọi cộng đoàn nhân loại đều cần có một quyền bính để quản trị nó ( x. T.Lê-ô XIII thông điệp "Immortale Dei", thông điệp "Diuturnum illud" ). Quyền bính này đặt nền tảng trên bản tính con người. Quyền bính cần thiết để tạo ra sự thống nhất cho cộng đoàn. Vai trò của nó là bảo đảm tối đa cho công ích xã hội.

1899 2235.
Quyền bính, theo trật tự luân lý đòi hỏi, phát xuất từ Thiên Chúa :"Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án phạt"(Rm 13,1-2) ( x. 1Pr 2, 13-17 ).

1900 2238.
Bổn phận vâng phục đòi buộc mọi người phải tôn trọng quyền bính cho xứng hợp; đối với những người đang thi hành công vụ, phải tôn trọng và tùy công trạng của họ mà tỏ lòng biết ơn và quí mến.

Hội Thánh còn giữ được bản kinh của thánh Giáo Hoàng Clê-men-tê thành Rô-ma cầu cho chính quyền (x.1Tm 2,1-2):
2240
"Lạy Chúa, xin ban cho họ sức khỏe, bình an, hòa thuận và ổn định, để họ thực thi đúng đắn quyền hành Chúa đã trao cho họ. Lạy Chúa là Chủ tể, là Vua trời vĩnh cửu, chính Chúa ban cho con cái loài người vinh quang, danh dự và quyền lực trên mọi vật trần thế. Xin Chúa hướng dẫn những dự định của họ theo điều thiện hảo, theo những gì hợp ý Ngài, để khi thi hành nhiệm vụ mà Ngài đã trao cho, với lòng đạo đức, trong an bình và quảng đại, họ nhận được ơn Ngài phù hộ" (Clémente de Rome, Cor 61,1-2).

1901.
Có quyền bính là "do Thiên Chúa an bài, nhưng việc định đoạt những thể chế chính trị hay cắt cử người cầm quyền, vẫn là quyền tự do của mọi công dân" ( x. GS 74,3 ).
2242
Về mặt luân lý, các thể chế chính trị có thể khác nhau, miễn sao các thể chế này mang lại lợi ích chính đáng cho cộng đoàn đã thừa nhận chúng. Các thể chế có bản chất trái ngược với luật tự nhiên, với trật tự công cộng và các quyền căn bản của con người, thì không thể đem lại công ích cho những quốc gia đang theo thể chế đó.

1902 1930.
Về mặt luân lý, không phải người cầm quyền làm gì cũng hợp pháp. Họ không được xử sự cách chuyên chế, nhưng phải hành động cho công ích vì quyền bính là một sức mạnh tinh thần đặt nền tảng trên tự do và ý thức trách nhiệm" ( x. GS 74,2 ):
1951
"Luật pháp của loài người chỉ là luật khi phù hợp với lẽ phải; có hiệu lực là nhờ "luật vĩnh cữu"; khi xa lìa lẽ phải, nó không còn là luật nữa, nhưng là một sự bất công, thậm chí chỉ là một hình thức bạo lực (T.Tô-ma A-qui-nô, Tổng Luận Thần Học 1-2,93,3.2 ).

1903 2242.
Quyền bính chỉ được hành xử hợp pháp khi mưu cầu công ích cho tập thể liên hệ và đạt tới mục đích ấy bằng các phương thế mà luân lý cho phép. Nếu các nhà lãnh đạo đưa ra những luật bất công hay sử dụng những biện pháp trái luân lý, lương tâm không buộc phải tuân theo. "Trong trường hợp này, quyền bính không còn là quyền bính nữa mà thoái hóa thành áp bức ( x. PT 51 )."

1904.
"Tốt nhất là mọi quyền lực đều giữ thế quân bình nhờ những quyền lực và những cơ quan hữu trách khác để giữ nó trong giới hạn chính đáng. Đó là nguyên tắc "Nhà Nước pháp quyền"; theo đó luật pháp chi phối tất cả chứ không phải ý muốn độc đoán của một số người" ( x. CA 44 ).

II. CÔNG ÍCH

1905 801 1881.
Con người có tính xã hội, nên lợi ích cá nhân phải đặt trong tương quan với lợi ích chung. Lợi ích chung chỉ có thể được xác định trong tương quan với nhân vị :

"Các bạn đừng sống riêng lẻ hay khép kín, như thể các bạn đã được công chính hóa rồi, nhưng hãy hợp lại để cùng tìm kiếm lợi ích chung" ( x. Thư Ba-na-bê 4,10 ).

1906.
Phải hiểu "công ích" là "toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể hay những phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo riêng một cách đầy đủ và dễ dàng hơn ( x. GS 26,1; 74,1 )". Công ích liên quan đến đời sống của mọi người, đòi hỏi mỗi người phải thận trọng, nhất là những ai đang cầm quyền. Công ích gồm

1907 1929 2106.
* Trước hết, công ích phải tôn trọng con người với tư cách là người. Nhân danh công ích, chính quyền có bổn phận tôn trọng các quyền căn bản và bất khả nhượng của con người. Xã hội phải giúp cho các thành viên thực hiện ơn gọi của mình. Đặc biệt, công ích cho con người thực thi các quyền tự do tự nhiên không thể thiếu để phát triển ơn gọi làm người "như quyền hành động theo qui tắc ngay thẳng của lương tâm mình, quyền bảo vệ đời tư và quyền được tự do chính đáng, cả trong phạm vi tôn giáo nữa" ( x. GS 26,2 ).

1908 2441
* Kế đến, công ích đòi phải có phúc lợi xã hội và sự phát triện của bản thân xã hội. Phát triện và tóm tắt của tất cả các bổn phận của xã hội. Tất nhiên quyền bính có nhiệm vụ làm trọng tài, nhân danh công ích, để phân xử các tranh chấp quyền lợi riêng tư. Nhưng quyền bính phải liệu cho mọi người có thể đạt được những gì mà mỗi người cần phải có mà sống một cuộc đời xứng đáng của con người, đó là: của ăn, áo mặc, sức khoẻ, công ăn việc làm, giáo dục và văn hoá, được thông tin xứng hợp, quyền lập gia đình. v.v (xem GS 26, bài 2).

1909 2304 2310.
* Sau hết, công ích còn phải kiến tạo hòa bình, bảo tồn một trật tự đúng đắn được lâu bền và ổn định. Điều này giả thiết rằng quyền bính phải bảo đảm an ninh cho xã hội và cho các thành viên của xã hội bằng những phương thế liêm chính. Công ích đặt nền tảng cho quyền tự vệ chính đáng của cá nhân và tập thể.

1910 2244
Mỗi tập thể theo đuổi một công ích để thể hiện căn tính của mình, nhưng chỉ trong cộng đồng chính trị, công ích mới được thực hiện trọn vẹn nhất. Nhà Nước có nhiệm vụ bảo vệ và thăng tiến công ích của xã hội dân sự, của các công dân và các tập thể nhỏ hơn.

1911 2438.
Con người trên địa cầu ngày càng lệ thuộc lẫn nhau. Gia đình nhân loại gồm những con người có phẩm giá bình đẳng, một nền công ích toàn cầu. Nền công ích này cần có một tổ chức hiệp nhất và liên quốc gia, "có khả năng đáp ứng những nhu cầu muôn mặt của con người trong lãnh vực xã hội ( như thực phẩm, sức khỏe, giáo dục...) cũng như để đối phó với bao hoàn cảnh đặc biệt có thể xảy ra nơi này nơi khác (Cứu trợ những người tị nạn, giúp đỡ cho những người di dân và gia đình họ...)" ( x. GS 84,2 ).
1912 1881.
Công ích luôn hướng tới việc thăng tiến con người : "trật tự của muôn vật phải lệ thuộc vào trật tự của các nhân vị chứ không ngược lại" ( x. GS 26,3 ). Trật tự này đặt nền tảng trên chân lý, được thiết lập trong công bình, được sinh động bởi tình yêu.

III. TRÁCH NHIỆM VÀ THAM GIA

1913.
Tham gia là sự dấn thân tự nguyện và quảng đại của con người vào những giao dịch xã hội. Tất cả mọi người phải tham gia, tùy theo địa vị và vai trò của mình, để mưu cầu công ích. Bổn phận này gắn với phẩm giá con người.

1914 1734.
Con người tham gia bằng cách làm tròn các trách nhiệm cá nhân của mình : khi chăm lo giáo dục gia đình mình và làm việc có lương tâm, con người góp phần mưu ích cho tha nhân và xã hội.

1915 2239.
Các công dân phải tích cực tham gia càng nhiều càng tốt vào đời sống xã hội. Các phương thức tham gia có thể thay đổi tùy từng nước, từng nền văn hóa. "Phải ca tụng đường lối của những quốc gia đang để cho các công dân được tham gia càng đông càng tốt vào việc nước trong sự tự do đích thực" ( x. GS 31,3 ).

1916 1888 2409.
Cũng như mọi bổn phận luân lý khác, việc mọi người tham gia vào công trình công ích, cũng đòi hỏi các thành viên của xã hội hoán cải không ngừng. Phải kết án nghiêm khắc những thủ đoạn dùng để tránh né luật pháp và tránh né trách nhiệm đối với xã hội, vì chúng trái với những đòi hỏi của công bình. Cần chăm lo phát triển những định chế nhằm cải thiện điều kiện sinh sống của con người ( x. GS 30,1 ).

1917 1818.
Những người cầm quyền có bổn phận củng cố những giá trị đem lại sự tín nhiệm nơi các thành viên trong cộng đồng và khuyến khích họ tham gia phục vụ đồng bào. Sự tham gia bắt đầu từ công tác giáo dục và văn hóa. Chúng ta có lý do chính đáng để nghĩ rằng : "tương lai nhân loại nằm trong tay những người có khả năng trao cho hậu thế ý nghĩa cuộc sống và những cơ sở để hy vọng" ( x. GS 31,3 ).

TÓM LƯỢC

1918.
"Không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập" (Rm 13,1)

1919.
Mọi cộng đoàn nhân loại đều cần có một quyền bính để duy trì và phát triển.

1920.
"Cộng đoàn chính trị và công quyền đặt nền tảng trên bản tính con người, cho nên cũng nằm trong trật tự do Thiên Chúa ấn định".

1921.
Quyền bính được hành xử hợp pháp khi mưu cầu công ích cho xã hội và đạt tới mục đích ấy bằng những phương thế luân lý cho phép.

1922.
Các thể chế chính trị có thể khác nhau, miễn sao các thể chế này mưu cầu lợi ích chính đáng cho cộng đoàn.

1923.
Công quyền phải được hành sử trong những giới hạn của trật tự luân lý và bảo đảm những điều kiện giúp thực thi quyền tự do.

1924.
Công ích là : " toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể hay những phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo riêng một cách đầy đủ và dễ dàng hơn".

1925.
Công ích gồm ba yếu tố cơ bản : tôn trọng và thăng tiến các quyền cơ bản của con người, phát triển các lợi ích tinh thần và vật chất của xã hội, kiến tạo hòa bình và an ninh cho tập thể và các thành viên.

1926.
Phẩm giá của con người đòi hỏi mưu cầu công ích. Mỗi người phải quan tâm cổ võ và yểm trợ những tổ chức nhằm cải thiện điều kiện sinh sống của con người.

1927.
Nhà nước có bổn phận bảo vệ và thăng tiến công ích của xã hội dân sự. Công ích của toàn thể gia đình nhân loại cần đến một tổ chức quốc tế.




Mục 3

CÔNG BẰNG XÃ HỘI

1928 2832.
Xã hội bảo đảm công bằng xã hội khi tạo ra những hoàn cảnh thuận lợi để các đoàn thể cũng như mỗi cá nhân có được những gì họ có quyền hưởng theo bản tính và ơn gọi của họ. Công bằng xã hội liên hệ mật thiết với công ích và với việc thực thi quyền bính.

I. TÔN TRỌNG NHÂN VỊ

1929 1881.
Chỉ có được công bằng xã hội khi phẩm giá siêu việt của con người được tôn trọng. Con người là mục đích tối hậu của xã hội, vì xã hội nhằm phục vụ con người :

"Đấng Tạo Hóa đã trao cho chúng ta trách nhiệm bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người. Trong mọi hoàn cảnh lịch sử, mọi người nam cũng như nữ, đều phải đảm nhận trọng trách này" ( x. SRS 47 ).

1930 1700 1902.
Tôn trọng nhân vị gồm cả việc tôn trọng các quyền phát sinh từ phẩm giá của thụ tạo là con người. Các quyền này không do xã hội ban cho và xã hội phải công nhận chúng. Các quyền ấy là cơ sở để mọi quyền bính có được hợp pháp về mặt luân lý ( x. PT 65 ). Khi chà đạp hay phủ nhận các quyền ấy trong luật pháp hiện hành của mình thì xã hội tự phá hoại tính hợp pháp về mặt luân lý của chính mình. Không có sự tôn trọng nhân vị, quyền bính chỉ có thể dựa trên sức mạnh hay bạo lực, để bắt buộc các thành viên phải tùng phục. Hội thánh có bổn phận nhắc nhở những người thiện chí về những quyền này và phân biệt chúng với những đòi hỏi quá đáng hay sai lầm.

1931 2212 1825.
Để tôn trọng nhân vị phải tôn trọng nguyên tắc : "Mỗi người đều phải xem người đồng loại, không trừ một ai, như "cái tôi thứ hai", nên phải quan tâm đến sự sống của họ và những phương tiện cần thiết giúp họ sống xứng đáng nhân phẩm" ( x. GS 27,1 ). Không một luật pháp nào tự mình có thể xóa bỏ được các nỗi sợ hãi, những thành kiến, những thái độ kiêu căng và ích kỷ, ngăn trở việc xây dựng những xã hội thực sự huynh đệ. Chỉ có đức ái Ki-tô giáo mới có thể lướt thắng những thái độ đó, vì giúp chúng ta đón nhận người khác như một người "thân cận", một người anh em.

1932 2449.
Bổn phận "trở nên người thân cận" của tha nhân và hết lòng phục vụ họ khẩn thiết hơn khi có người gặp khốn khổ trong bất kỳ lãnh vực nào. "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" ( x. Mt 25,40 ).

1933.
Bổn phận này cũng được thực thi đối với những kẻ suy nghĩ hay hành dộng khác chúng ta.Giáo huấn của Đức Ki-tô đòi buộc chúng ta phải tha thứ mọi xúc phạm ( x. Mt 5,43-44 ). Giới răn của luật mới dạy chúng ta yêu thương cả kẻ thù. Sống theo Tin Mừng, chúng ta không được oán ghét kẻ thù, dù ghét điều ác do họ gây ra.

II. CON NGƯỜI : DỊ BIỆT NHƯNG BÌNH ĐẲNG


1934 225.
Mọi người có cùng một bản tính và cùng một nguồn gốc, vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa duy nhất, và được ban cho một linh hồn. Nhờ hy tế của Đức Ki-tô cứu chuộc, mọi người được mời gọi đến hưởng vinh phúc của Thiên Chúa, nên bình đẳng về phẩm giá.

1935 357.
Con người bình đẳng với nhau chủ yếu dựa trên nhân phẩm và các quyền phát xuất từ nhân phẩm:

"Phải vượt lên trên và loại bỏ mọi hình thức kỳ thị về những quyền lợi căn bản của con người, trong phạm vi xã hội hoặc văn hóa, phái tính, chủng tộc, màu da, địa vị xã hội, ngôn ngữ hay tôn giáo, vì như vậy là trái với ý định của Thiên Chúa" ( x. GS 29,2 ).

1936 1879.
Khi chào đời, con người không có sẵn trong tay tất cả những gì cần thiết để phát triển đời sống thể xác và tinh thần của mình. Con người cần đến tha nhân. Con người khác nhau về tuổi tác, thể lực, những năng lực trí tuệ và tinh thần, những cơ hội mỗi người có được và của cải được phân phối. Thiên Chúa không trao cho mỗi người số "nén bạc " như nhau.

1937 340 791 1202.
Những dị biệt này nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn mỗi người đón nhận điều mình cần từ người khác. Ai lãnh được những "nén bạc" đặc biệt, phải biết thông truyền những lợi ích của các tài năng đó cho những ai cần đến. Các dị biệt khuyến khích và thường đòi buộc mọi người sống độ lượng, hảo tâm và chia sẻ, kích thích các nền văn hóa trao đổi, làm phong phú cho nhau :
"Ta không ban cho mọi người các đức tính như nhau, nhưng kẻ này được đức tính này, kẻ khác được đức tính khác... Ta ban cho người này đức ái, kẻ khác được đức công chính, sự khiêm nhường hay đức tin sống động... Còn về những điều cần thiết cho đời sống con người, Ta đã không phân phối đồng đều, không muốn mỗi người có đủ mọi sự, để buộc họ phải thực thi đức ái. Ta muốn họ cần đến nhau và trở thành những thừa tác viên của Ta để phân phát những ân sủng và mọi thứ Ta đã quảng đại ban cho họ" (T. Ca-ta-ri-na thành Si-ên-na 1,7).

1938 2437.
Tuy nhiên có hàng triệu người nam cũng như nữ bị đối xử bất bình đẳng. Điều này rõ ràng nghịch với Tin Mừng.

2317
"Sự bình đẳng về nhân phẩm đòi hỏi người ta phải tiến tới mức sống nhân đạo hơn và xứng hợp với con người hơn. Thực vậy, những chênh lệch quá đáng về kinh tế và xã hội giữa những thành phần hay giữa những dân tộc trong cùng một gia đình nhân loại thực là những gương xấu và đi ngược với công bằng xã hội, lẽ phải, nhân phẩm và nền hòa bình xã hội cũng như quốc tế ( x. GS 29,3 ).

III. TÌNH LIÊN ĐỚI NHÂN LOẠI

1939 2213
Nguyên tắc liên đới, còn gọi là "thân hữu" hay "bác ái xã hội", là một đòi hỏi xuất phát trực tiếp từ tình huynh đệ nhân bản và Ki-tô giáo ( x. SRS 38-40;CA 10 ).
360


"Một sai lầm phổ biến của thời đại là người ta lãng quên quy luật của tình liên đới và của đức mến. Quy luật này được thiết đặt và khắc ghi nơi mỗi người bất kể họ thuộc dân tộc nào, do việc mọi người cùng chung một nguồn gốc, cùng có lý trí và cùng được cứu độ nhờ hy tế Đức

1940 2402.
Tình liên đới biểu lộ trước tiên qua việc phân phối của cải và trả lương lao động. Tình liên đới đòi phải có một nỗ lực xây dựng trật tự xã hội công bình hơn, trong đó những căng thẳng có thể dàn hòa tốt đẹp và những xung khắc được giải quyết dễ dàng nhờ thương lượng.

1941 2317.
Những vấn đề kinh tế xã hội chỉ có thể được giải quyết nhờ các hình thức liên đới : liên đới giữa những người nghèo với nhau, giữa giàu với nghèo, giữa những người lao động, giữa chủ và thợ, giữa các quốc gia và dân tộc. Tình liên đới quốc tế là một đòi hỏi của trật tự luân lý. Hòa bình thế giới cũng tùy thuộc một phần vào tình liên đới này.

1942 1887 2632.
Tình liên đới không chỉ nhằm vào của cải vật chất. Khi phân phát các ân huệ thiêng liêng của đức tin, Hội Thánh giúp con người phát triển những lợi ích trần thế, bằng cách khai mở những con đường mới cho cuộc phát triển này. Như thế, Lời Chúa được ứng nghiệm qua dòng thời gian : "Trước hết phải lo tìm kiếm Nước Chúa và ăn ở ngay lành như Người đòi hỏi, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho"(Mt 6,33):

Hai ngàn năm qua, trong lòng Hội Thánh vẫn có một tâm tình sống động đã và đang thúc đẩy nhiều người sống đời tận hiến đến mức anh hùng - các đan sĩ cày sâu cuốc bẫm, những nhà giải phóng nô lệ, những người chữa trị bệnh nhân, các sứ giả mang đức tin văn minh và khoa học đến với mọi thế hệ và dân tộc, nhằm tạo ra những hoàn cảnh xã hội khả dĩ giúp mọi người có được một đời sống xứng đáng với phẩm giá con người và phẩm giá của một ki-tô hữu ( x. Pi-ô XII, diễn từ ngày 1-6-1991).

TÓM LƯỢC

1943.
Xã hội bảo đảm công bằng xã hội bằng cách tạo ra những hoàn cảnh giúp các tập thể và cá nhân nhận được những gì họ có quyền hưởng.

1944.
Tôn trọng nhân vị là coi kẻ khác như chính mình. Điều này đòi buộc phải tôn trọng những quyền căn bản phát xuất từ phẩm giá đích thực của con người.

1945.
Mọi người đều bình đẳng dựa trên nhâm phẩm và các quyền xuất phát từ nhân phẩm.

1946.
Những dị biệt giữa con người nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Người muốn chúng ta cần đến nhau. Những dị biệt ấy đòi con người sống bác ái với nhau.

1947.
Vì con người bình đẳng về nhân phẩm nên phải cố gắng giảm thiểu những chênh lệch quá đáng về xã hội và kinh tế, xóa bỏ bất bình đẳng.
1948.
Tình liên đới là một đức tính nổi bật của Ki-tô giáo. Tình liên đới thúc bách chúng ta chia sẻ của cải vật chất và hơn nữa, cả của cải tinh thần.

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 10/5: thánh Gioan Avila, linh mục, tiến sĩ hội thánh(1500-1569)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng