Sách Giáo Lý HTCG : Phần II Cử hành Mầu nhiệm Kitô Giáo - Các cử hành khác

CHƯƠNG BỐN
NHỮNG CỬ HÀNH PHỤNG VỤ KHÁC

Mục 1

CÁC Á BÍ TÍCH

1667.
"Mẹ Hiền Hội Thánh đã thiết lập những á bí tích. Đây là những dấu chỉ thánh, vì một phần nào phỏng theo những bí tích, nhờ đó biểu trưng những hiệu quả - nhất là những hiệu quả thiêng liêng - và thông ban hiệu quả đó nhờ lời bầu cử của Hội Thánh. Nhờ các á bí tích, con người chuẩn bị lãnh nhận hiệu quả chính yếu của các bí tích và thánh hóa những hoàn cảnh khác biệt trong cuộc sống" (x. SC 60; CIC 1166; CCEO 867).

Những đặc điểm của Á bí tích

1668 699,2157.
Hội Thánh thiết lập các á bí tích để thánh hoá một số thừa tác vụ trong Hội Thánh, một số bậc sống, những hoàn cảnh rất đa dạng của đời ki-tô hữu, và cả việc sử dụng những vật hữu ích cho con người. Theo quyết định mục vụ của các giám mục, á bí tích còn được dùng để đáp ứng với những nhu cầu, với văn hóa và lịch sử riêng của dân Ki-tô giáo trong một vùng hay một thời đại. Á bí tích luôn luôn gồm một kinh nguyện, kèm theo thường là một dấu chỉ xác định như đặt tay, dấu thánh giá, rẩy nước thánh (để nhắc lại bí tích Thánh Tẩy).

1669 784 2626.
Các á bí tích bắt nguồn từ chức tư tế cộng đồng : mọi Ki-tô hữu đều được mời gọi trở nên một lời "chúc lành" (x. St 12,2) của Thiên Chúa và có khả năng chúc lành (x. Lc 6,28; Rm 12,14; 1Pr 3,9). Vì thế, người giáo dân có thể chủ sự một số nghi thức chúc lành (x. SC 79; CIC 1168). Các nghi thức chúc lành càng liên quan đến đời sống Hội Thánh và bí tích, càng dành riêng cho các thừa tác viên có chức thánh chủ sự ( giám mục, linh mục và phó tế (x. Gv 16;18).

1670 1218,2001.
Các á bí tích không ban ơn Thánh Thần như các bí tích, nhưng nhờ lời cầu của Hội Thánh, chuẩn bị chúng ta đón nhận ân sủng và giúp chúng ta "cộng tác với ân sủng". "Đối với các tín hữu đã được chuẩn bị chu đáo, hầu hết mọi biến cố trong cuộc đời đều được thánh hóa nhờ thánh ân xuất phát từ mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Ki-tô, Đấng đã chịu nạn, chịu chết và sống lại. Chính người là nguồn mạch ban năng lực cho tất cả các bí tích và á bí tích. Hầu như không có việc sử dụng của cải vật chất chính đáng nào lại không thể đưa tới mục đích thánh hóa con người và ca ngợi Thiên Chúa" (x. SC 61).

Những hình thức đa dạng của á bí tích

1671 1078.
            Trong số các á bí tích, đứng đầu là các sự chúc lành (cho con người, cho bàn ăn, cho các sự vật và các nơi chốn). Bất cứ sự chúc lành nào cũng đều là lời ngợi khen Thiên Chúa và là lời cầu xin các hồng ân của Ngài. Trong Chúa Kitô, các kitô hữu được chúc lành bởi Thiên Chúa Cha “bằng tất cả mọi thứ chúc lành thiêng liêng” (Ep 1,3). Bởi vậy Giáo hội ban phép lành bằng cách kêu cầu Danh thánh Chúa Giêsu và thường có kèm dấu Thánh Giá của Chúa Kitô.

1672 923 925, 903.
            Một số những chúc lành có tầm vóc lâu dài: đó là để thánh hiến cho Thiên Chúa những con người, và để dành một số đồ vật và nơi chốn cho việc cử hành phụng vụ. Trong số những chúc lành cho con người (đừng lộn với sự truyền chức thánh là một bí tích) có: sự chúc lành cho một viện phụ (hoặc một nữ viện phụ) của một đan viện, - sự thánh hiến các trinh nữ, - nghi thức tuyên khấn dòng, - và những chúc lành cho một số thừa tác vụ trong Giáo Hội (chức đọc sách, chức giúp lễ, các giáo lý viên…). Về sự chúc lành cho các đồ vật, có thể nêu ra sự cung hiến hoặc làm phép một nhà thờ hay một bàn thờ, làm phép các dầu thánh, các quả chuông, v.v.

1673 395 550 1237.
Trong nghi thức Trừ Tà, nhân danh Chúa Ki-tô, Hội Thánh công khai và có thẩm quyền cầu xin để một người hay một sự vật được Thiên Chúa bảo vệ khỏi quyền lực của ác thần Xa-tan và giải thoát khỏi ách thống trị của nó. Chúa Giê-su đã từng trục xuất thần dữ (x. Mc 1,25 tt); chính Người ban cho Hội Thánh quyền và nhiệm vụ trừ tà (x. Mc 3, 15;6,7.13;16,17). Nghi thức cử hành bí tích Thánh Tẩy có công thức Trừ Tà đơn giản. Nghi Thức Trừ Tà trọng thể phải do một linh mục cử hành với phép của giám mục. Linh mục trừ tà phải thận trọng và giữ nghiêm ngặt các qui định của Hội Thánh. Nghi thức Trừ Tà nhằm trục xuất ác thần Xa-tan và giải thoát khỏi ảnh hưởng của nó, nhờ quyền thiêng liêng Chúa Giê-su đã ủy thác cho Hội Thánh. Mục đích này khác hẳn với các việc chữa bệnh, nhất là các bệnh tâm thần : chữa bệnh là công việc của y khoa. Do đó, trước khi cử hành nghi thức Trừ Tà, phải điều tra cẩn thận để chắc chắn đây là trường hợp quỷ ám chứ không phải một dạng bệnh lý (x. CIC 1172).

1674 688 2669,2678.
Ngoài phụng vụ bí tích và các á bí tích, huấn giáo còn phải kể đến những hình thức đạo đức của các tín hữu. Trong mọi thời, cảm thức của dân thánh được diễn đạt bằng những hình thức đạo đức đa dạng, quy tụ quanh đời sống bí tích của Hội Thánh, như tôn kính các thánh tích, viếng các thánh điện, hành hương, rước kiệu, đàng thánh giá, các vũ điệu tôn giáo, lần chuỗi, đeo ảnh thánh... (x. CĐ Ni-xê-a 2: DS 601;603; CĐ Trentô: DS 1822)

1675
Những hình thức đạo đức này nối dài chứ không thay thế đời sống phụng vụ của Hội Thánh : "Phải chiếu theo các mùa phụng vụ mà xếp đặt các việc ấy hòa hợp với Phụng Vụ Thánh, để có thể coi là phát xuất từ phụng vụ và tiến dẫn dân chúng đến với phụng vụ; vì tự bản chất, phụng vụ vượt xa các việc ấy" (x. SC 13).

1676 426.
Các mục tử phải nhận định để nâng đỡ và cổ vũ những việc đạo đức; trong trường hợp cần thiết, phải thanh luyện và điều chỉnh cảm thức tôn giáo ẩn tàng dưới những hình thức này, để dân thánh hiểu rõ hơn mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Khi thi hành những hình thức đạo đức này, phải tuân theo các chỉ thị của giám mục và hợp với những tiêu chuẩn chung của Hội Thánh (x. CT 54).


"Các việc đạo đức chủ yếu là một tập hợp những giá trị nhằm đáp ứng các vấn nạn lớn của cuộc sống, theo sự khôn ngoan Ki-tô giáo. Óc thực tiễn của người dân Ki-tô có khả năng nhận định tổng quát về cuộc sống. Do đó, họ có thể hòa hợp một cách sáng tạo những gì thuộc về Thiên Chúa và những gì thuộc về con người, Chúa Ki-tô và Đức Ma-ri-a, tinh thần và thể xác, hiệp thông và định chế, cá nhân và cộng đoàn, đức tin và tổ quốc, lý trí và tình cảm. Nguồn khôn ngoan này là một nền nhân bản Ki-tô giáo khẳng định triệt để phẩm giá con Thiên Chúa của từng người, xây dựng một tình huynh đệ căn bản, dạy chúng ta sống hòa hợp với thiên nhiên, cũng như hiểu giá trị lao động, đem lại cho ta những lý do để sống vui và thoải mái ngay giữa các cam go của cuộc đời. Đối với dân thánh, nguồn khôn ngoan này còn là một nguyên lý để nhận định, một "bản năng Tin Mừng" giúp dân thánh nhận ra ngay tức khắc. Khi nào Hội Thánh phục vụ cho Tin Mừng và khi nào Hội Thánh dùng Tin Mừng để phục vụ cho những bận tâm khác" (x. Văn kiện
Puebla; x. EN 48).

TÓM LƯỢC

1677.
Á bí tích là những dấu chỉ thánh, được Hội Thánh thiết lập để chuẩn bị cho con người đón nhận hiệu quả của các bí tích và thánh hóa những hoàn cảnh đa dạng của cuộc sống.

1678.
Trong những á bí tích, các phép lành có một vị trí đặc biệt : vừa là lời ca ngợi Thiên Chúa vì những kỳ công và hồng ân Người dành cho chúng ta; vừa là lời Hội Thánh chuyển cầu để chúng ta sử dụng những hồng ân của Thiên Chúa theo tinh thần Tin Mừng.

1679.
Ngoài phụng vụ, đời sống Ki-tô hữu còn được nuôi dưỡng bằng những việc đạo đức đa dạng, bắt nguồn từ những nền văn hóa khác biệt. Hội Thánh luôn tỉnh thức, dùng ánh sáng đức tin soi sáng những việc đạo đức này. Hội Thánh cổ vũ những việc đạo đức có tinh thần Tin Mừng và sự khôn ngoan nhân bản, góp phần làm phong phú đời sống Ki-tô hữu.


Mục 2

LỄ NGHI AN TÁNG KITÔ GIÁO

1680 1525.
Tất cả các bí tích, nhất là các bí tích khai tâm Ki-tô giáo, đều hướng tới mục tiêu là cuộc Vượt Qua cuối cùng dẫn đưa người con Thiên Chúa vượt qua sự chết, vào Đời Sống trong Nước Trời. Những điều người tín hữu tuyên xưng trong đức tin và hy vọng"tôi đợi trông ngày kẻ chết sống lại, và sự sống đời sau", lúc đó được hoàn tất trọn vẹn (x. Kinh Tin Kính của CĐ Ni-xê-a Công-tăng-ti-nô-pô-li).

I. CUỘC VƯỢT QUA CUỐI CÙNG CỦA KI-TÔ HỮU

1681 1010-1014.
Đối với Ki-tô hữu, ý nghĩa sự chết được mặc khải trong ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô, Đấng đem lại cho chúng ta niềm hy vọng duy nhất. Người ki-tô hữu được cùng chết với Đức Ki-tô, "lìa bỏ thân xác này để được ở bên Chúa" (x. 2 Cr 5,8).

1682.
Đối với Ki-tô hữu, chết là kết thúc đời sống bí tích, là khởi đầu sự viên mãn của cuộc tái sinh đã bắt đầu nơi bí tích Thánh Tẩy, là nên "giống" hoàn toàn với "hình ảnh Con Thiên Chúa" nhờ Thánh Thần xức dầu và nhờ tham dự Bàn Tiệc Nước Trời đã được tiền dự trong bí tích Thánh Thể; cho dù người đó còn cần thanh luyện trước khi được mặc áo tinh tuyền vào dự tiệc cưới Con Chiên.

1683 1020 627.
Như người mẹ hiền, Hội Thánh đã dùng các bí tích cưu mang người tín hữu suốt cuộc lữ hành trần thế, nay cũng đồng hành đến cuối đường để trao họ lại "trong tay Chúa Cha". Trong Đức Ki-tô, Hội Thánh dâng lên Chúa Cha đứa con của ân sủng, và trong hy vọng gửi lại lòng đất hạt giống thân xác sẽ chỗi dậy vinh quang (x. 1Cr 15,42-44). Nghi thức phó dâng này được cử hành long trọng trong thánh lễ; kèm theo các á bí tích là những nghi thức làm phép trước và sau thánh lễ.

II. CỬ HÀNH LỄ NGHI AN TÁNG

1684.
Lễ an táng theo nghi thức Ki-tô giáo là một cử hành phụng vụ của Hội Thánh. Chính vì vậy Hội Thánh muốn vừa diễn tả sự hiệp thông hữu hiệu với người đã qua đời, vừa giúp cộng đoàn tham dự mầu nhiệm hiệp thông này và công bố niềm tin vào sự sống đời sau.

1685.
Trong Hội Thánh, để diễn tả đặc tính Vượt Qua nơi cái chết của Ki-tô hữu, có những lễ nghi an táng khác nhau, tùy theo những hoàn cảnh và truyền thống từng miền, ngay cả về màu sắc phụng vụ (x. SC 81).

1686.
Sách Lễ Nghi An Táng của Phụng vụ Rô-ma đề ra ba mẫu cử hành, tương ứng với ba địa điểm (tại nhà tang, tại nhà thờ và ở nghĩa trang), và để tùy theo tâm tình của gia đình, theo các phong tục địa phương, theo văn hóa và lòng đạo đức. Tuy nhiên, tất cả các truyền thống phụng vụ đều có chung diễn tiến, gồm bốn thì chính :

1687.
Đón Tiếp. Khởi đầu nghi thức là một lời chào đầy lòng tin tưởng. Vị chủ sự đón tiếp thân nhân người quá cố bằng một lời "an ủi" (theo Tân Ước : Sức mạnh của Thánh Thần đem lại niềm an ủi trong hy vọng) (x. 1Tx 4,18). Cộng đoàn tập họp để cầu nguyện, chờ đợi "những lời ban phúc trường sinh" (x. Ga 6,68). Cái chết của một thành viên trong cộng đoàn (hay ngày giỗ tính theo tuần, tháng, hay năm của người đó) là một biến cố nhắc nhở các tín hữu phải vượt qua những cách nhìn của "thế gian này" và hướng đến những viễn ảnh chân thực trong đức tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh.

1688.
Phụng vụ Lời Chúa trong lễ nghi an táng, cần được chuẩn bị chu đáo, vì cộng đoàn hiện diện có thể gồm các tín hữu ít tham dự phụng vụ, và cả những thân hữu của người quá cố không phải Ki-tô hữu. Đặc biệt, bài giảng "không được theo hình thức điếu văn" (x. Sách Lễ Nghi An Táng 41), và phải trình bày mầu nhiệm sự chết dưới ánh sáng Đức Ki-tô Phục Sinh.

1689 1371 958.
Phụng vụ Thánh Thể khi lễ nghi an tang cử hành trong nhà thờ, bí tích Thánh Thể là tâm điểm của thực tại Vượt Qua nơi cái chết của Ki-tô hữu (x. Sách Lễ Nghi An Táng 1). Trong thánh lễ, Hội Thánh bày tỏ sự hiệp thông hữu hiệu của mình với người quá cố : khi dâng lên Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, hy tế cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô, Hội Thánh cầu xin Cha cho người con của mình được thanh luyện khỏi mọi tội lỗi, được tha mọi hình phạt, và được nhận vào bàn tiệc trong nước Chúa (x. Sách Lễ Nghi An Táng 57). Nhờ bí tích Thánh Thể, cộng đoàn tín hữu, nhất là gia đình người quá cố, học sống hiệp thông với người "đã an nghỉ trong Chúa", bằng cách rước Mình Thánh Chúa mà người đó đang là một chi thể sống động, để rồi cầu nguyện cho và cùng với người đó.

1690 2300.
Nghi thức từ biệt người quá cố lần cuối cùng là lời Hội Thánh "phó dâng người này cho Chúa". "Cộng đoàn Ki-tô hữu chào từ biệt lần cuối cùng một chi thể của mình, trước khi xác người đó được mai táng" (x. Sách Lễ Nghi An Táng 10). Truyền thống By-zan-tin diễn tả ý nghĩa này bằng cái hôn từ biệt người quá cố :

"Bằng lời chào cuối cùng này, chúng tôi hát tiễn người ra đi khỏi cuộc đời này và hát bài chia ly, cũng là bài hiệp thông và tái ngộ. Đúng vậy, cái chết không hề chia lìa chúng tôi, vì tất cả chúng tôi đang đi cùng một đường và sẽ gặp lại nhau ở cùng một nơi. Chúng tôi sẽ không bao giờ bị chia cách, vì đang sống cho Đức Ki-tô và giờ này đang được kết hiệp với Người, đang đi gặp Người...Tất cả chúng tôi sẽ đoàn tụ trong Đức Ki-tô" (x. Thánh Si-mê-on thành Thê-xa-lô-ni-ca, Sep. ).

bài liên quan mới nhất

Nét đẹp của sự tử tế nơi người mục tử nhân lành

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng