Rượu mới bầu da mới

Kính thưa quý vị, các bạn thân mến,

Dân gian ta thường nói “Có mới thì nới cũ ra. Mới để trong nhà, cũ bỏ ngoài sân”. Câu nói trên có ý phê phán những người hay thay lòng đổi dạ, vất bỏ cái cũ khi có cái mới. Khái niệm “mới” và “cũ” ở đây dựa trên mốc thời gian. Cái đến sau thường được xem là cái mới, nó được yêu quý đón nhận, còn cái cũ thì bị đào thải, vất bỏ.

Người dân Do Thái xưa, nhất là những người Pharisêu thường hay tự mãn về quá khứ với những truyền thống tôn giáo hào hùng. Họ ăn chay cầu nguyện giữ luật nghiêm ngặt để biểu hiện lòng trung thành với tổ tiên. Vì thế, khi thấy các môn đệ của Đức Giêsu không giữ luật ăn chay, họ cảm thấy khó chịu và chất vấn Đức Giêsu: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” (Mt 9, 14). Để giải thích về tinh thần của việc giữ luật ăn chay, Đức Giêsu khẳng định “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ”(Mt 9, 15)Đức Giêsu so sánh việc giữ chay giống như niềm vui của thực khách dự tiệc cưới. Theo quan niệm của người phương Đông, hôn lễ là ngày đại hỷ, vì thế khách mời dự tiệc cưới không phải ăn chay. Đức Giêsu ví mình như Tân Lang đem niềm hạnh phúc đến cho Tân Nương là Giáo hội. Người sẽ thiết lập trời mới đất mới, lúc ấy mọi thụ tạo sẽ reo vui vì không còn phải “rên xiết mong ngóng đợi chờ”.

Đức Giêsu dùng hình ảnh rất quen thuộc về cách chứa rượu của người Dothái. Thời đó người ta chưa có một loại bình chuyên dùng để đựng rượu nên họ thường chứa trong một cái bầu làm bằng da thú. Nếu rượu cũ đổ vào bầu da mới, rượu lên men, thải ra lượng khí carbon độc hại làm cho túi da bị rách và rượu chảy ra. Trái lại rượu mới phải chứa trong bầu da mới, vì da mới có tính đàn hồi nên sẽ không bị rách. Đức Giêsu dùng hình ảnh vá áo để diễn tả về một cái nhìn mới, đó là sự tôn trọng và yêu thương con người, giúp họ không bị héo mòn trong mớ luật nặng nề mà vươn lên tầm cao mới của tình yêu mến. Việc ăn chay, đi lễ, đọc kinh mà thiếu đức ái thì chẳng có ích gì. Nếu giữ luật mà trong lòng còn chất chứa lòng hận thù ghen ghét, đối xử bất công với người khác thì việc ăn chay cũng chỉ là thái độ giả hình.

Qua ba hình ảnh tiệc cưới, bầu rượu và việc vá áo, Đức Giêsu muốn các môn đệ tiến xa hơn trong việc giữ luật để đi vào sự kết hợp thân tình với Thiên Chúa. “Rượu mới, bầu cũng phải mới”, cái mới ở đây không phá bỏ cái cũ nhưng đã được chắt lọc từ sự tinh hoa của cái cũ. Tin Mừng của Chúa phải được đón nhận bằng tất cả lòng quảng đại và yêu mến. Thiên Chúa là một ngôi vị, Người không bị lệ thuộc vào thời gian và không gian. Người là khởi nguyên và cùng đích, hôm qua hôm nay và mãi mãi cho đến muôn đời. Khi sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, con người sẽ được hoán cải nhờ ân sủng và tình yêu. Chính ân sủng và tình yêu tinh ròng của Thiên Chúa tôi luyện chúng ta trở nên mạnh mẽ thắng vượt con người yếu hèn tội lỗi. Thời ăn chay chính là lúc chờ đợi. Khi đã gặp được Đức Lang Quân lòng chúng ta sẽ vui mừng hớn hở, sẽ không còn bị lệ thuộc vào luật lệ mà quảng đại hiến thân cho Chúa và dấn thân cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. 

Đức Giêsu đến không phải để phá bỏ cái cũ nhưng kiện toàn và thổi vào đó một tinh thần mới, tinh thần yêu thương trọn vẹn. Người đến giải thoát chúng ta khỏi sự trói buộc của mọi tính hư nết xấu, khỏi cái nhìn hạn hẹp cá nhân. Nhờ đó, chúng ta có thái độ sống đạo linh hoạt, phù hợp với chân lý đức tin và đạo hiếu con người. Tin Mừng, lề luật của Chúa phải là hơi thở, là niềm vui hy vọng lan tỏa đến với mọi người.

Lạy Chúa, xin tình yêu và ân sủng Chúa thánh hóa tâm hồn chúng con trở nên thanh khiết, giúp chúng con nhận biết dung mạo và tình thương của Thiên Chúa ngang qua từng biến cố của cuộc sống, để mỗi ngày chúng con sống tin yêu phó thác, quảng đại dấn thân loan báo Tin Mừng. Amen.

Nguồn: vietnamese.rvasia.org

Phút Cầu Nguyện, Thứ Bảy 22/06/2024: Rượu mới bầu da mới

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/6: Lễ Vọng Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, tông đồ

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng