Những điều kiện để lãnh nhận ơn toàn xá trong Năm Thánh

http://xuanbichvietnam.net/trangchu/wp-content/uploads/2024/05/dtc_giaitoi.jpeg

NHỮNG ĐIỀU KIỆN

ĐỂ LÃNH NHẬN ƠN TOÀN XÁ TRONG NĂM THÁNH

Sau khi công bố Sắc chỉ hiệu triệu Năm Thánh 2025, trong lễ Chúa Lên Trời vào Thứ Năm, ngày 9 tháng Năm, ĐHY Angelo De Donatis, Trưởng Tòa Ân Giải, vừa công bố một thông tri nêu rõ các yêu cầu cần thiết để lãnh nhận ơn toàn xá trong Năm Thánh.

Trong ngày lễ Đức Mẹ Fatima, 13/5, Đức Hồng Y Angelo De Donatis, với tư cách là Trưởng Tòa Ân Giải, vừa đưa ra một thông tri liên quan đến các ơn toàn xá sẽ được ban trong khuôn khổ Năm Thánh 2025.

Qua Sắc chỉ Spes non confundit (“Niềm hy vọng không gây thất vọng”), Đức Thánh Cha Phanxicô muốn đặt Năm Thánh 2025 dưới dấu hiệu của niềm hy vọng, một trong ba nhân đức đối thần. Thông tri của Tòa Ân Giải nhấn mạnh rằng ơn toàn xá cho phép khám phá lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa và “do đó là một ân sủng thực sự của Năm Thánh”. Quả thế, ơn toàn xá phục hồi người được hưởng ơn đó trong trạng thái chịu phép rửa của họ, nghĩa là được tẩy sạch mọi tội lỗi.

Lãnh nhận các bí tích

Tòa Ân Giải, định nghĩa mình là “tòa của lòng thương xót”, nhắc lại những điều kiện thông thường: rước lễ, bí tích Hòa Giải và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha.

Các tín hữu thực sự sám hối, thoát khỏi sự ràng buộc với tội lỗi và được thúc đẩy bởi tinh thần bác ái, trong Năm Thánh, được thanh tẩy bằng bí tích Sám hối và được nuôi dưỡng bằng việc rước lễ, sẽ cầu nguyện theo ý của Đức Thánh Cha, sẽ nhận được từ kho tàng của Giáo hội một ơn toàn xá”.

Tuy nhiên, để lãnh nhận ơn toàn xá, các tín hữu phải thực hiện một cuộc hành hương hoặc một hành vi thương xót hoặc sám hối.

Một cuộc hành hương hoặc viếng thăm các nơi thánh

Việc tham gia một thánh lễ hoặc một buổi cử hành ở một nơi gắn liền với Năm Thánh trong chuyến hành hương sẽ cho phép được hưởng ơn toàn xá. Do đó, có thể băng qua cửa thánh ở một trong bốn vương cung thánh đường ở Rôma, ba vương cung thánh đường của Đất Thánh (Mộ Thánh ở Jerusalem, Giáng sinh ở Bêlem và Truyền tin ở Nadarét), hoặc ở bất kỳ địa điểm nào khác được lựa chọn bởi giám mục địa phương. Thông tri nhấn mạnh rằng cuộc hành hương phải duy trì “sức mạnh biểu tượng của nó, đến mức thể hiện nhu cầu thiết tha hoán cải và hòa giải”.

Ngoài những cuộc hành hương, việc viếng thăm một địa điểm Năm Thánh có thể cho phép các tín hữu hưởng nếm lòng thương xót của Thiên Chúa: “Ở đó, họ sẽ sống một thời gian chầu Thánh Thể và suy niệm thích hợp, được kết thúc bằng Kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính và lời cầu xin Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa”. Do đó, thông tri này nhắm đến các địa điểm hành hương đã biết nhưng cũng nhắm đến khoảng 10 nhà thờ ở Rôma, hai vương cung thánh đường ở Assidi, các đền thánh quốc gia và quốc tế và bất kỳ địa điểm nào mà giám mục có thể chọn.

Đối với những người không thể đi lại vì những lý do chính đáng, họ “sẽ được hưởng ơn toàn xá Năm Thánh với cùng những điều kiện, được hiệp nhất về mặt tinh thần với các tín hữu có mặt, đặc biệt khi những lời của Đức Thánh Cha và các Giám mục giáo phận được truyền lại bằng các phương tiện truyền thông”.

http://xuanbichvietnam.net/trangchu/wp-content/uploads/2024/04/prison1.jpegCác công việc của lòng thương xót

Ngoài các chuyến hành hương hoặc viếng thăm các nơi thánh, “các tín hữu sẽ có thể nhận được ơn toàn xá Năm Thánh bằng cách tham gia cách sốt sắng vào các sứ mạng bình dân, các cuộc linh thao hoặc các cuộc gặp gỡ đào tạo về các văn bản của Công đồng Vatican II và Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo”.

Liên quan đến các hành vi thương xót, các tín hữu được mời gọi noi theo “gương mẫu và giới răn của Chúa Kitô” để tái khám phá “các công việc thương xót về mặt thể xác: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ trần truồng mặc, tiếp đón khách lạ, giúp đỡ người bệnh, thăm tù nhân, chôn cất người chết (Misericordiae vultus, 15) cũng như các công việc thương xót về mặt tinh thần: khuyên bảo kẻ nghi ngờ, dạy dỗ kẻ mê muội, cảnh báo kẻ có tội, an ủi kẻ âu sầu, tha thứ kẻ xúc phạm, kiên nhẫn chịu đựng kẻ quấy rầy, cầu xin Thiên Chúa cho kẻ sống và kẻ chết”.

Qua những cử chỉ thương xót này và bằng cách tuân theo những quy định thiêng liêng, các tín hữu sẽ có thể lãnh nhận ơn toàn xá nhiều lần, thậm chí hàng ngày.

Tầm quan trọng của việc xưng tội

Thông tri cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các hành vi sám hối, đặc biệt bằng cách tái khám phá “giá trị sám hối của ngày Thứ Sáu, bằng cách, ít nhất trong một ngày, tránh những giải trí vô ích hoặc tiêu dùng quá mức”.

Các Giám mục cũng được khuyện nên tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận bí tích Hòa giải, chẳng hạn bằng cách phổ biến và kéo dài thời gian các linh mục sẵn sàng giải tội. Cũng cần nhắc lại “cơ hội mục vụ để lắng nghe xưng tội trong khi cử hành Thánh lễ”.

Cuối cùng, ơn toàn xá có thể được xin cho chính mình cũng như cho các linh hồn trong Luyện ngục: “Ơn toàn xá Năm Thánh, nhờ lời cầu nguyện, được dành một cách đặc biệt cho những người đi trước chúng ta để họ nhận được lòng thương xót trọn vẹn”.

Tý Linh chuyển ngữ

(theo Jean-Benoît Harel – Vatican News)

Nguồn: xuanbichvietnam.net

 

bài liên quan mới nhất

Chân phước Carlo Acutis - thầy dạy đời sống và đức tin

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng