Những điều Đức Thánh Cha Phanxicô gợi ý cho Mùa Chay 2024

Vào Mùa Chay 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi người Công giáo hãy suy nghĩ lại về lối sống và để niềm vui tràn ngập cuộc sống hàng ngày của họ.

Năm nay, trong thời gian phụng vụ Mùa Chay – bốn mươi ngày trước Lễ Phục Sinh – Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các Kitô hữu dành thời gian “suy nghĩ lại lối sống của mình” và dấn thân vào khu phố của mình để “làm cho nó tốt hơn”, trong Sứ điệp truyền thống của ngài được công bố vào ngày 1 tháng 2 năm 2024. Sứ điệp có chủ đề “Qua sa mạc, Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta đến tự do”, sẽ được minh họa mỗi tuần bằng một bức vẽ của Maupal, nghệ sĩ đường phố nổi tiếng trên toàn thế giới với những bức tranh tường diễn tả Đức Thánh Cha Phanxicô trên đường phố Rôma.

Trong Sứ điệp này, Đức Phanxicô mong muốn rằng Mùa Chay, bắt đầu vào Thứ Tư Lễ Tro, ngày 14 tháng 2, sẽ là “thời gian của những quyết định cộng đoàncủa những lựa chọn ngược dòng lớn nhỏ, có khả năng thay đổi cuộc sống hàng ngày của con người và cuộc sống của một khu phố”.

Trái đất, không khí và nước bị ô nhiễm, nhưng tâm hồn cũng bị ô nhiễm”, Đức Thánh Cha nhắc nhở trong Sứ điệp này. Ngài mời gọi chúng ta xem xét cụ thể “thói quen mua sắm, chăm sóc công trình tạo dựng, hòa nhập những người không được nhìn thấy hoặc những người bị coi thường”. Ngài cũng mong ước rằng “chúng ta nhìn thấy niềm vui trên những khuôn mặt”. Trong bốn mươi ngày Mùa Chay, cho đến Lễ Phục sinh, sẽ được cử hành vào ngày 31 tháng 3, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy “dừng lại để cầu nguyện” và hãy “chậm lại”. Ngài kêu gọi các tín hữu hãy tìm “những thời điểm để suy nghĩ lại về lối sống của mình; dành thời gian để kiểm tra sự hiện diện của họ trong khu phố và sự đóng góp của họ để làm cho nó tốt hơn”.

Nói không với “sự an toàn của những thứ an toàn quen thuộc”

Đức Phanxicô mời gọi thoát khỏi thân phận nô lệ nội tâm, điều mà ngài coi là “một sự thu hút hướng tới sự an toàn của những thứ an toàn quen thuộc, gây tổn hại đến tự do”. Ngài giải thích, vấn đề là bắt đầu bằng việc “nhìn thấy thực tại”, nghe “tiếng kêu của rất nhiều anh chị em bị áp bức”, và giải phóng mình khỏi “những thỏa hiệp với thế giới cũ”.

Đức Thánh Cha lưu ý “sự thiếu hy vọng”, nơi một nhân loại đã đạt đến “những trình độ phát triển khoa học, kỹ thuật, văn hóa và pháp lý có khả năng bảo đảm phẩm giá của tất cả mọi người”, nhưng lại “đang mò mẫm trong bóng tối của những bất bình đẳng và xung đột”. Bất chấp bối cảnh của “cuộc chiến tranh thế giới thứ ba phân mảnh”, hướng đến “niềm hy vọng mới”, ngài kêu gọi chúng ta “hãy mạo hiểm nghĩ rằng chúng ta không phải đang cơn hấp hối, nhưng trái lại đang trong cuộc sinh nở; không phải ở cuối, mà là ở khởi đầu của một chương trình tuyệt vời”.

Xuyên suốt Sứ điệp, Đức Thánh Cha cũng cảnh giác và chiến đấu chống lại những “thần tượng” và “sự quyến rũ” nội tâm. Ngài nói : “Chúng ta có thể bám vào tiền bạc, vào những dự án nào đó, vào những ý tưởng, vào những mục tiêu, vào quan điểm của chúng ta, vào một truyền thống, thậm chí vào một số người”. Và đồng thời cảnh báo: “Thay vì đưa chúng ta tiến về phía trước, chúng sẽ làm chúng ta tê liệt. Thay vì đưa chúng ta đến với nhau, chúng sẽ khiến chúng ta chống lại nhau”.

Họa sĩ Maupal và những bức vẽ Mùa Chay

Để minh họa cho Sứ điệp của Đức Thánh Cha, Bộ Phục vụ sự Phát triển Con người Toàn diện, do Đức Hồng y Michael Czerny đứng đầu, năm nay đã kêu gọi Mauro Pallotta – Maupal theo nghệ danh của ông –, người đã được đưa lên trường quốc tế nhờ những bức vẽ đường phố diễn tả Đức Thánh Cha đặc biệt là một siêu anh hùng.

Người thích “gửi thông điệp” thông qua nghệ thuật của mình, giải thích trong một cuộc họp báo rằng ông đã cố gắng “thể hiện ngôn từ” của Đức Phanxicô bằng “một ngôn ngữ hình ảnh với phong cách đơn giản, dễ hiểu”, tuy nhiên không làm cho chúng trở nên “hời hợt hay tầm thường”. Tổng cộng có bảy bức vẽ sẽ được Bộ công bố vào mỗi Thứ Hai của Mùa Chay. Bức đầu tiên, đã được tiết lộ, diễn tả Đức Thánh Cha Phanxicô đang đẩy một chiếc xe cút kít chở đầy một túi “đức tin”, mở ra một con đường xuyên qua sa mạc rải đầy đinh, tượng trưng cho “các thần tượng cũ và mới của chúng ta, tất cả các nhà tù của chúng ta”, nghệ sĩ nhấn mạnh như thế. Ông giải thích thêm: “Khi đi theo Đức Thánh Cha Phanxicô, người mở đường bằng sức mạnh đức tin, chúng biến mất: con đường trở nên dễ đi cho tất cả mọi người”.

Đối với công việc mà ông cống hiến một tháng này, Maupal cũng rút ra kinh nghiệm hoạt động nghệ thuật của mình với các tù nhân. Ông nói với báo chí: “Ở đó tôi đã gặp những người đã từng trải qua địa ngục […]. Tôi đã biết những người đã vượt qua sa mạc và, nghịch lý thay, họ đã tìm thấy sự tự do nội tâm, sự tự do mà Thiên Chúa ban tặng”.

Tý Linh chuyển ngữ

(theo Aleteia)

Nguồn: xuanbichvietnam.net

 

bài liên quan mới nhất

Kinh Truyền Tin 22/12: Ngạc nhiên và biết ơn trước mầu nhiệm sự sống

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng