Nguồn Gốc Chuỗi Mân Côi

Ngoại trừ Kinh Lạy Cha, không có lời cầu nguyện hoặc lòng sùng kính nào của Công Giáo được tôn sùng hơn Kinh Mân Côi.

Nhiều người đọc Kinh Mân Côi hằng ngày, đọc lời cầu nguyện này không chỉ trong nhà thờ mà còn trong những thời điểm và địa điểm đặc biệt mà chúng ta dành riêng. Nhiều người giữ tràng hạt trong túi, treo trong xe hơi, đặt trên cột giường. Tràng hạt có thể là một trong những vật dụng thiết yếu hằng ngày – chẳng hạn như chìa khóa, cái ví hoặc túi xách. Khi mất hoặc thất lạc, nhiều người có thể cảm thấy không trọn vẹn cho đến khi thấy lại tràng hạt hoặc có chuỗi mới trong tay. Ý tưởng đếm hạt khi cầu nguyện bắt đầu từ khi nào? Kinh Mân Côi bắt nguồn từ đâu?

Trong nhiều thế kỷ trước Công Nguyên, các tín hữu đã cầu nguyện theo cách lặp đi lặp lại và tìm ra nhiều phương pháp khác nhau để đếm, thường là bằng cách sử dụng đá hoặc sỏi. Ít nhất là vào thế kỷ IX, các tu sĩ đã đọc thuộc lòng tất cả 150 Thánh Vịnh, lúc đầu là mỗi ngày, nhưng sau đó là mỗi tuần như một phần của lời cầu nguyện và lòng sùng kính của họ. Một cách họ theo dõi là đếm 150 viên sỏi và sau đó đặt một viên sỏi vào một hộp đựng hoặc túi khi họ đọc mỗi Thánh Vịnh. Những người sống gần các tu sĩ muốn bắt chước cách sùng kính này, nhưng do ít học nên họ không thể nhớ tất cả các Thánh Vịnh. Các bản in, ngay cả khi cá nhân có thể đọc, vẫn không có sẵn vì máy in còn cách xa hàng thế kỷ. Vì vậy, các Kitô hữu mỗi tuần bắt đầu đọc 50 hoặc 150 Kinh Lạy Cha (Paternosters) thay vì các Thánh Vịnh. Để đếm Kinh Lạy Cha, họ thường sử dụng dây có thắt nút thay vì đếm đá. Sau đó, các nút thắt nhường chỗ cho những mảnh gỗ nhỏ, và cuối cùng là dạng hạt.

THÁNH ĐAMINH

Từ lâu, trong Giáo Hội đã có truyền thống rằng Thánh Đaminh (Dominic de Guzman, 1170-1221) là nguồn gốc của Kinh Mân Côi. Vào thế kỷ XII, tà thuyết Albigenses đã lan rộng khắp Âu châu, đặc biệt là ở miền nam nước Pháp và Ý. Những người theo tà thuyết Albigenses phủ nhận Mầu Nhiệm Nhập Thể, từ chối các bí tích của Giáo Hội và dung túng cho nhiều hoạt động thế tục đối nghịch với đức tin Công Giáo. Trong số những nỗ lực của Giáo Hội chống lại tà thuyết này là tổ chức các dòng tu hành khất, có một dòng do Thánh Đaminh lãnh đạo. Các tu sĩ Đaminh đã cố gắng đảo ngược những lời dạy đồi bại của tà thuyết Albigenses bằng cách đi khắp vùng nông thôn rao giảng chống lại tà thuyết, cố gắng ảnh hưởng đến những người sa ngã và giúp họ trở về với Giáo Hội. Truyền thống kể rằng các nỗ lực của Thánh Đaminh có hiệu quả nhất sau chuyến viếng thăm của Đức Trinh Nữ Maria năm 1214. Thánh Đaminh và dòng của ngài không hề nói về điều đó.

Truyền thuyết lan truyền từ một giấc mơ được cho là của Chân phước Alan de la Roche hồi thế kỷ XV, hơn 250 năm sau khi Thánh Đaminh qua đời. CP Roche là văn sĩ và thần học gia được kính trọng vào thời đó (khoảng năm 1428-1478) và là người có công truyền bá lòng sùng kính Kinh Mân Côi khắp Giáo Hội Tây phương. Trong giấc mơ, Đức Mẹ đã trao Chuỗi Mân Côi cho Thánh Đaminh và hướng dẫn ngài truyền bá Kinh Mân Côi như một phần trong nỗ lực ngăn chặn tà thuyết. Theo CP Roche, Đức Mẹ đã nói với Thánh Đaminh: “Nếu con muốn tiếp cận những tâm hồn chai đá và giành họ về cho Chúa, hãy rao giảng Thánh Vịnh của Mẹ”. Thánh Vịnh ám chỉ Lời Chào Thiên Thần – Kinh Kính Mừng. Trong số những người kể lại câu chuyện đẹp này có Thánh Louis Maria Montfort trong cuốn “God Alone: The Collected Writings of Saint Louis Marie de Montfort” (Chỉ có Chúa: Bộ Sưu Tập của Thánh Louis Maria Montfort).

Trong khi nhiều học giả của Giáo Hội không tin vào câu chuyện của CP Roche, nhiều giáo hoàng ủng hộ Thánh Đaminh thực sự là nguồn gốc của Kinh Mân Côi. Thế kỷ XVIII, Hội Bollandist là cộng đồng tôn giáo nghiên cứu và xác minh các sự kiện của Giáo Hội và các cáo buộc lịch sử, đã đặt câu hỏi về vai trò của Thánh Đaminh trong câu chuyện Kinh Mân Côi. Khi còn là Hồng Y thành viên của Thánh Bộ Nghi Lễ Vatican, Đức Bênêđíctô XIV (triều đại 1740-1758) đã trả lời Hội Bollandist: “Quý vị hỏi liệu Thánh Đaminh có thực sự là người minh họa cho Kinh Mân Côi hay không, quý vị nói rằng quý vị bối rối và đầy nghi ngờ về vấn đề này. Nhưng quý vị giải thích thế nào về quyết định của rất nhiều giáo hoàng có chủ quyền – các ĐGH Lêô X, Piô V, Grêgôriô XIII, Sixtô V, Đức Clêmentê VIII, Alexander VII, Innôcentê XI, Clêmentê XI, Innôcentê XIII, Bênêđíctô XIII, và của nhiều người khác, đều nhất trí tuyên bố rằng Kinh Mân Côi đã được chính Thánh Đaminh thiết lập?” (Augusta T. Drane, “Lịch sử Thánh Đaminh, sáng lập Dòng Thuyết Giáo”, Longmans, Green and Co., London, 1891, tr. 136, và các nguồn khác).

PHÁT TRIỂN KINH MÂN CÔI

Mặc dù có sự ủng hộ của giáo hoàng đối với vai trò của Thánh Đaminh, vẫn có những quan điểm khác nhau về sự phát triển của lòng sùng kính đẹp nhất này đối với Đức Mẹ. Nhiều học giả và thần học gia kết luận rằng đó là sự phát triển từ các tu sĩ đầu tiên đọc Thánh Vịnh, nhưng một số khác lại khác nhau về danh tính của những người góp phần vào sự phát triển trong nhiều thế kỷ. Có những quan điểm khác nhau nhưng vẫn có sự đồng thuận rộng rãi về một số sự kiện nhất định.

Kinh Mân Côi bao gồm sáu lời cầu nguyện quen thuộc nhất của Công Giáo: Kinh Tin Kính (của các Tông Đồ), Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh, Lời Nguyện Fatima (“Lạy Chúa Giêsu của con”) và Kinh Kính Mừng Nữ Vương. Việc đưa những lời cầu này vào Kinh Mân Côi không phải diễn ra trong một sớm một chiều mà là một quá trình phát triển lâu dài qua nhiều thế kỷ. Ban đầu, Kinh Lạy Cha được đọc 150 lần để thay thế cho các Thánh Vịnh, đọc lời nguyện trên mỗi hạt của chuỗi Kinh Mân Côi. Kinh Sáng Danh thường là một phần của lời nguyện. Vào thế kỷ XI, Thánh Phêrô Đamianô (+ 1072) đã đề xuất cầu nguyện 150 Lời Chào Thiên Thần, tức là Kinh Kính Mừng, như một lời nguyện thay thế cho Kinh Lạy Cha. Lúc đó Kinh Kính Mừng gồm lời chào của Sứ Thần Gabriel dành cho Đức Maria:“Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà” (x.Lc 1, 28-31) và lời trao đổi giữa Đức Maria và bà Êlidabét trong cuộc viếng thăm: “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Con lòng bà gồm phúc lạ” (Lc 1, 39-45). Tên của Chúa Giêsu được thêm vào sau đó. Năm 1365, một tu sĩ dòng Carthusian tên là Henry of Kalkar (1328-1408) đã chia 150 kinh Kính Mừng thành 15 nhóm, mỗi nhóm 10 hạt. Ông đặt một Kinh Lạy Cha giữa mỗi nhóm hoặc mỗi chục kinh (10 hạt); do đó, lời cầu nguyện bao gồm 10 kinh Kính Mừng, lặp lại 15 lần với một Kinh Lạy Cha giữa mỗi bộ.

Giữa thế kỷ XV, một tu sĩ dòng Carthusian khác là Dominic Prussia (1382-1461) đã giới thiệu lòng sùng kính tương tự bao gồm 50 Kinh Kính Mừng với 50 suy niệm về Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria. Một suy niệm khác nhau sẽ đi kèm với mỗi Kinh Kính Mừng.

Khoảng năm 1480, sự phát triển tiếp tục khi “một linh mục dòng Đaminh ẩn danh…giữ lại mô hình các chục kinh mà Henry xứ Kalkar đã đề xuất, nhưng tập trung vào 15 giai đoạn trong cuộc đời và công việc của Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu, chứ không phải 50 hay 150 giai đoạn. Thay vì suy ngẫm về một mầu nhiệm trong một Kinh Kính Mừng, mọi người có thể suy ngẫm sâu hơn trong thời gian đọc mười Kinh Kính Mừng một cách thành kính, và thay vì xoay quanh mầu nhiệm bằng cách suy ngẫm về vô số chi tiết thì sẽ tiếp cận các chi tiết bằng cách tập trung vào chính cốt lõi của mầu nhiệm đó” (Kevin O. Johnson, “Rosary: Mysteries, Meditations and the Telling of the Beads”, Pangaeus Press, Dallas, 1997, tr.199). Đến nay đã có 15 nhóm gồm 10 hạt, tức là 15 chục. Mỗi chục, thay vì mỗi hạt, được đi kèm với một bài suy ngẫm về cuộc đời Chúa Kitô và Mẹ Maria.

HOÀN TẤT KINH KÍNH MỪNG

Đầu thế kỷ XV, Kinh Kính Mừng gồm: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ”. Phần thứ ba, được gọi là lời nguyện (“Lạy Mẹ Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con…”) có nguồn gốc từ Công Đồng Êphêsô năm 431. Khi đó, các nhà lãnh đạo Giáo Hội chính thức xác định Đức Maria không chỉ là Mẹ của Chúa Giêsu mà còn là Theotokos – người mang Thiên Chúa, tức là Mẹ Thiên Chúa.

Lời nguyện “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử” trở thành một phần lời nguyện vào thời gian Đức Piô V (triều đại 1566-1572) ban hành tông sắc “Consueverunt Romani Pontifices” năm 1569, khuyến khích việc đọc Kinh Mân Côi trên toàn thế giới.

Từ khi Đức Piô V ban hành văn kiện đó, chỉ có Lời Nguyện Fatima được thêm vào Kinh Mân Côi. Lời Nguyện Fatima được ban cho ba trẻ trong một lần hiện ra ở Fatima năm 1917, được sử dụng rộng rãi, nhưng chưa phổ biến. Kinh Mân Côi gồm 150 hạt, do Đức Piô V thúc đẩy, vẫn được Giáo Hội tuân thủ nhưng khác với Kinh Mân Côi phổ biến với 50 hạt mà nhiều người trong chúng ta mang theo trong túi.

Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 21, có ba mầu nhiệm: Vui, Mừng và Thương. Năm 2002, Đức Gioan Phaolô II đã thêm Mầu Nhiệm Sáng, gồm các suy niệm về thời gian trong cuộc đời của Chúa Giêsu giữa sự nhập thể của Ngài (Mầu Nhiệm Vui) và cuộc khổ nạn của Ngài (Mầu Nhiệm Thương).

Người Công giáo chúng ta theo bản năng tìm đến Kinh Mân Côi trong những lúc khủng hoảng và đau khổ của cuộc sống, giữa những bi kịch cá nhân và thậm chí là bi kịch cộng đồng.

Có bao nhiêu người lính đã lặp đi lặp lại Kinh Kính Mừng trên chiến trường? Trong giờ phút đen tối nhất, thậm chí là giờ chết, chúng ta cầu xin sự chuyển cầu, phúc lành và sự an ủi của Đức Mẹ bằng cách sử dụng lòng sùng kính của 700 năm này, và kết thúc: “Nguyện xin Đấng bảo trợ nhân từ nhất hướng mắt thương xót về phía chúng con…”

D.D. EMMONS

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)

Tháng Mân Côi – 2024

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 24/11: Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng