Ngày 23 tháng 7
THÁNH BRIGITTA, NỮ TU
Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ thánh BRIGITTA nữ tu một vị thánh sống xa chúng ta cả mấy trăm năm, thế nhưng cuộc sống thánh thiện của Ngài vẫn còn là một bài học thật sống động cho mọi người chúng ta
Ngày 27 tháng 10 năm 2010 trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã có bài chia sẻ về cuộc đời của thánh nữ Brigita người Thuỵ Điển rất hay sau đây: (bài hơi dài nhưng xin được đăng nguyên văn để tùy nghi sử dụng.)
Anh chị em thân mến,
Trong đêm canh thức hân hoan mừng Đại lễ Năm thánh 2000, Đức Gioan Phaolô II, vị tôi tớ đáng kính của Thiên Chúa đã tuyên bố Thánh Brigitta của Thụy Điển là người đồng bảo trợ của toàn cõi châu Âu. Sáng hôm nay, tôi muốn giới thiệu khuôn mặt và thông điệp của thánh nữ đã truyền đạt, cùng lý do tại sao người phụ nữ thánh thiện này có rất nhiều điều giảng dạy mà cho đến hôm nay vẫn còn đáng để cho Giáo hội và cho thế giới học hỏi.
Chúng ta biết được những biến cố trong cuộc đời thánh nữ Brigita vì các cha linh hồn đã viết tiểu sử của bà hầu xúc tiến việc phong thánh ngay sau khi bà vừa mới qua đời vào năm 1373. Trước đó 70 năm, vào năm 1303, Brigita chào đời tại Finster Thuỵ Điển, một quốc gia miền Bắc Âu đã từ ba thế kỷ nhiệt thành đón nhận đức tin Công Giáo cũng như thánh nữ đã từng hấp thụ lòng đạo sốt sắng nơi cha mẹ mình, các ngài là những người rất ngoan đạo thuộc dòng quý tộc gần gũi với giới cầm quyền
Ta có thể phân biệt hai giai đoạn trong cuộc đời của vị thánh này:
+ Nét đặc biệt của giai đoạn đầu là đời sống hôn nhân hạnh phúc. Ulf là chồng bà, làm thống đốc một lãnh thổ quan trọng của Vương quốc Thụy Điển. Cuộc hôn nhân kéo dài hai mươi tám năm cho đến khi Ulf qua đời. Hai ông bà có với nhau tám người con, mà người con thứ chính là Karin (Catherine) được tôn vinh là một vị thánh. Đây là một bằng chứng hùng hồn về việc Brigita tận tuỵ giáo dục con cái. Đàng khác, cách dạy dỗ khôn khéo của bà chuẩn mực đến mức được nhà vua Thụy Điển, Magnus, đã triệu bà vào cung trong một thời gian nhằm giới thiệu nền văn hoá giáo dục Thuỵ Điển với nữ hoàng trẻ tuổi là Blanche de Namur.
Brigita đã được một tu sĩ uyên bác hướng dẫn tinh thần giúp bà nghiên cứu Kinh Thánh, vì vậy gia đình bà đã chịu ảnh hưởng rất lớn lao, trở nên như một «Hội Thánh tại gia». Cùng với chồng, bà gia nhập Dòng Ba thánh Phanxicô. Với lòng quảng đại, bà thực thi những việc bác ái giúp đỡ người nghèo khó: bà lập bệnh viện. Bên vợ mình, Ulf học biết cải thiện tính tình và thăng tiến trong đời sống Kitô hữu. Năm 1341, trở về sau chuyến hành hương dài ngày cùng những người trong gia đình đến Saint-Jacques de Compostelle, hai ông bà đã dự tính sống đời chay tịnh; nhưng ít lâu sau ông lui về sống trong một tu viện thanh bình, nơi đây ông giã từ cuộc đời trần thế.
Thời kỳ đầu tiên trong cuộc đời của Brigita giúp chúng ta nắm vững được những gì mà ngày nay ta có thể định nghĩa là một “tinh thần hôn nhân” đích thực: hai vợ chồng Kitô hữu có thể cùng nhau đi trên con đường thánh thiện, được hỗ trợ bởi bí tích hôn nhân. Thông thường, như trường hợp của Thánh Brigitta và Ulf, chính người phụ nữ, với sự cảm hoá do lòng đạo đức, với sự tinh tế và dịu dàng, đã thành công trong việc khiến chồng mình khám phá ra con đường đức tin để noi theo. Tôi nghĩ phải nhìn nhận rằng có rất nhiều phụ nữ, ngày ngày, vẫn chiếu sáng gia đình họ bằng sống đời chứng nhân Kitô hữu. Nguyện xin Thánh Linh Chúa cũng khơi dậy lòng thánh thiện của các cặp vợ chồng Kitô hữu ngày nay, để cho thế giới thấy vẻ đẹp của hôn nhân được sống theo các giá trị của Tin Mừng: tình yêu, sự dịu dàng, sự tương trợ, khả năng sinh sản và giáo dục con cái, cởi mở và liên đới với thế giới, tham gia vào đời sống của Giáo hội.
+ Trở thành góa phụ, Brigita bắt đầu giai đoạn thứ hai của cuộc đời. Cô đã quay sang với một cuộc hôn nhân khác để qua việc cầu nguyện mà thâm giao kết hiệp với Chúa, đền tội và thực thi các công việc bác ái. Từ đó, các góa phụ Kitô hữu có thể tìm thấy ở vị thánh này một gương mẫu để noi theo.
Trên thực tế, sau cái chết của chồng bà, Brigita, sau khi phân phát hết mọi của cải cho người nghèo, không ngoài ý định lựa chọn đời tận hiến cho Chúa, bà đã vào sống tại tu viện Dòng Thánh Biển Đức ở Alvastra. Chính nơi đây, bà bắt đầu nhận được những điều mặc khải thiêng liêng, lời Chúa mặc khải cùng bà trải dài suốt phần còn lại của cuộc đời. Những điều này đã được Brigita đọc cho các cha giải tội của bà làm thư ký ghi chép, các ngài đã dịch từ tiếng Thụy Điển sang tiếng Latinh và tập hợp lại trong một ấn bản gồm tám cuốn sách, mang tựa đề REVELATIONES (Những Lời Mặc Khải). Những cuốn sách này có kèm thêm một phụ bản bổ túc, chính xác với tiêu đề Lời Mặc Khải Đặc Biệt (những lời mặc khải bổ sung).
Những điều mặc khải của Thánh Brigitta có nội dung và văn phong rất đa dạng. Đôi khi sự mặc khải là một cuộc đối thoại giữa các thần thánh, Đức Trinh nữ, các thánh và cả quỷ dữ; sự mặc khải cũng thể hiện trong các cuộc đối thoại có Brigita tham dự. Ngoài ra có những lần khác kể về một thị kiến đặc biệt; và cũng có những lần kể lại việc Đức Trinh Nữ Maria tiết lộ cho bà về cuộc đời và những bí ẩn của Con Mẹ. Giá trị những điều mặc khải của Thánh Brigitta, đôi khi cũng bị phán đoán hồ nghi, nhưng đã được Đức Gioan Phaolô II đáng kính xác định trong Tông Thư Spes Aedificandi (Hy Vọng Xây Dựng) rằng: “Một khi đã nhìn nhận sự thánh thiện của Brigita, Giáo hội, không vì sự phán đoán nghi ngờ như thế mà công bố những mặc khải khác đi, nhưng Giáo Hội chấp nhận những trải nghiệm nội tâm của bà có tính xác thực hoàn toàn”(no.5).
Thực ra, đọc những điều mặc khải này, chúng ta buộc phải dừng lại lưu tâm đến những vấn đề quan trọng. Chẳng hạn, ta thường thấy bà mô tả, với những chi tiết rất thực tế, về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, mà bà hằng đặc biệt tôn sùng và từ đó chiêm niệm tình yêu vô hạn của Thiên Chúa dành cho con người. Bà mạnh dạn thuật lại những lời cảm động sau đây từ chính miệng Chúa nói ra: “Hỡi các bạn của tôi, tôi yêu những con chiên của tôi đến nỗi, nếu có thể, tôi thà chịu chết nhiều lần thay cho mỗi người trong số chúng để cứu chuộc chúng, hơn là phải chịu cách biệt chúng” (Những Lời Mặc Khải, Quyển I, câu 59). Lòng Mẹ Maria đau đớn, Mẹ trở thành Mẹ trung gian và Mẹ của lòng thương xót, cũng là một đề tài thường xuất hiện trong sách Những Lời Mặc Khải.
Hưởng những đặc sủng này, Brigita nhận ra mình đã được Chúa ban cho ân huệ lớn lao: “Bây giờ, con, ái nữ của Cha – chúng ta hãy đọc bộ sách Lời Mặc Khải, đọc cuốn đầu tiên – mà Cha đã chọn cho Cha […] hãy yêu Cha hết lòng […] nhưng yêu hơn hết mọi loài trên thế gian”(ch.1). Vả lại, Brigitta biết rõ, và bà tin chắc như thế, rằng mỗi đặc sủng Chúa ban là để xây dựng Giáo hội. Chính vì lẽ đó mà Chúa đã mặc khải nhiều điều, như là những nghiêm khắc cảnh báo các tín hữu thời ấy, gồm cả các người nắm quyền cai trị và tôn giáo, để họ kết hợp mật thiết với đời sống Kitô hữu của họ; nhưng bà luôn luôn thực thi lời mặc khải với thái độ tôn trọng và hoàn toàn trung thành với Huấn quyền của Giáo hội, đặc biệt là Người kế vị thánh tông đồ Phêrô.
Năm 1349, Brigitte quyết định rời Thụy Điển và đi hành hương đến La Mã. Ý định của bà không những chỉ dự Năm Thánh 1350, mà còn muốn được Đức Giáo hoàng chấp thuận Quy Luật của một Dòng tu bà dự định thành lập, tận hiến cho Đấng Cứu Thế, dòng sẽ gồm các tu sĩ nam nữ dưới quyền của một nữ tu viện trưởng. Điều này không làm chúng ta ngạc nhiên: ngay từ thời Trung Cổ, đã có các tu viện tuy gồm hai chi nhánh nam và nữ, nhưng đều cùng áp dụng chung một Quy Luật của Dòng, và do một nữ tu viện trưởng trông nom săn sóc. Trên thực tế, hằng noi gương Đức Maria, Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, truyền thống cao cả của Kitô giáo vẫn nhìn nhận phẩm giá của người phụ nữ, họ có một vị trí xứng đáng trong Giáo hội, tuy không mang chức tư tế được tấn phong, nhưng hoàn toàn không kém phần quan trọng cho sự phát triển tâm linh của Cộng đồng. Ngoài ra, Giáo Hội cũng luôn luôn tôn trọng ơn gọi đặc biệt của các nam nữ đã dâng mình cho Chúa, sự cộng tác của họ có tầm quan trọng rất lớn trong thế giới ngày nay.
Tại La Mã, cùng với cô con gái Karin, Brigita tận hiến cho cuộc sống tông đồ và cầu nguyện nhiệt thành. Và từ La Mã, bà đã đi hành hương đến nhiều đền thánh khác của Ý, đặc biệt là Assisi, quê hương của Thánh Phanxicô, đấng sáng lập dòng mà Brigita vẫn hoài bão được gia nhập. Cuối cùng, vào năm 1371, niềm khát vọng lớn nhất của bà được toại nguyện: hành hương đến Thánh địa, đi cùng với những đứa con tinh thần của mình, một nhóm mà Brigita gọi là “những người bạn của Chúa”.
Vào thời ấy, các Giáo hoàng đang ở Avignon, cách xa La Mã: Brigita ôm nỗi buồn bã lớn lao hướng về các ngài, những mong các ngài trở về ngai tòa Phêrô, trong thánh đô bất diệt.
Bà qua đời năm 1373, trước khi Giáo hoàng Gregory XI cuối cùng trở về La Mã. Bà đã được chôn cất tạm thời trong nhà thờ La Mã “San Lorenzo ở Panisperna”, nhưng vào năm 1374, hai con của bà, Birger và Karin đã đưa bà trở về quê hương, đến tu viện Vadstena, trụ sở của Dòng do Thánh Brigitta sáng lập, tu viện sau đó phát triển lạ thường. Năm 1391, Đức Giáo hoàng Boniface IX long trọng tôn vinh Bà lên bậc hiển thánh.
Phác hoạ chân dung tinh thần của Bà, tôi muốn nhắc lại ở đây sự thánh thiện của Bà, đặc trưng bởi vô số những thiên ân và trải nghiệm khiến bà trở thành một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử châu Âu. Là người gốc Scandinavia, Thánh Brigitta là chứng nhân cho hạt giống đức tin Kitô giáo đã thấm sâu vào cuộc sống của mọi dân tộc trên lục địa này. Khi tuyên bố Bà là người đồng bảo trợ của châu Âu, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ước mong rằng Thánh Brigitta – sống ở thế kỷ 14, khi mà Kitô Giáo phương Tây lúc đó chưa bị chia rẽ – có thể can thiệp hiệu quả với Thiên Chúa, để được Người ban ân sủng cho sự hiệp nhất trọn vẹn của mọi Kitô hữu, vốn mong đợi bấy lâu.
Anh chị em thân mến, chúng tôi muốn cầu nguyện với cùng một ý hướng ấy, điều này rất quan trọng đối với chúng tôi, để châu Âu luôn luôn có thể tự nuôi dưỡng nguồn gốc Kitô giáo của mình, đồng thời cầu khẩn sự can thiệp mạnh mẽ của thánh Brigitta Thụy Điển, môn đệ trung thành của Thiên Chúa và là đồng bảo trợ của Châu Âu.
Cảm ơn anh chị em đã lắng nghe. Amen.
(Ben. Đỗ Quang Vinh chuyển ngữ từ nguyên bản Pháp Văn.)