Ngày 04/3: Thánh Casimirô

Ngày 4 tháng 3
THÁNH CASIMIRÔ

I. ĐÔI HÀNG TIỂU SỬ

Thánh Casimia (còn gọi là Casimirô) sinh năm 1458, là con trai của Casimia IV, vua nước Ba Lan. Casimia là một trong mười ba người con. Với sự hướng dẫn của người mẹ rất mực đạo hạnh và cũng là người thầy tận tâm tận lực, Casimia nhận được một nền giáo dục thật tuyệt vời.

Khi lên mười ba tuổi, Casimia có cơ hội làm vua nước láng giềng Hungary nhưng ngài đã từ chối. Casimia dùng phần thời giờ còn lại của ngài để sống những lý tưởng Kitô giáo. Casimia sống rất vui vẻ, hòa mình và thân ái với mọi người. Ẩn dưới lớp mặt bên ngoài của cuộc sống bận rộn, Casimia đã cố gắng hết sức để trau dồi đời sống thiêng liêng bên trong. Casimia thường hay ăn chay và ngủ dưới nền nhà để sám hối đền tội. Ngài cầu nguyện mỗi ngày, đôi khi ngay cả giữa lúc đêm khuya thanh vắng. Casimia yêu thích việc cầu nguyện và tưởng niệm về cuộc Thương Khó của Đức Chúa Giêsu. Casimia nhận ra đây là phương thế tuyệt hảo để học biết để yêu mến Đức Chúa Giêsu hơn. Casimia cũng yêu mến Đức Mẹ Đồng Trinh Maria với một mối tình đặc biệt. Để tôn kính Đức Mẹ, Casimia đã năng đọc đi đọc lại bài thánh ca ý vị. Tên của bài ca là: “Ngày ngày, hãy hát mừng Mẹ Maria!” Sau này người ta đã chôn táng Thánh Casimia cùng với bản viết tay bài hát ấy của ngài.

Tuy sức khỏe của Casimia không được khá lắm nhưng ngài có tính khí thật can đảm và mạnh mẽ. Casimia luôn luôn làm điều ngài nhận biết là phải. Thậm chí đôi khi Casimia đề nghị với thân phụ của ngài, là quốc vương, hãy cai trị thần dân cách công bằng. Casimia luôn luôn bày tỏ việc này với tấm lòng hết sức kính trọng nên vua cha đã làm theo những gì ngài nói.

Thánh Casimia có một tình yêu và niềm tôn trọng đặc biệt đối với đức trinh khiết. Song thân Casimia tìm cho ngài một thiếu nữ đức hạnh trẻ đẹp để làm bạn đường. Tuy thế, Casimia đã quyết định hiến dâng trọn trái tim ngài cho một mình Thiên Chúa. Đang khi ở Lithuania trong chuyến công tác phục vụ cho đất nước này, Casimia đã ngã bệnh vì chứng lao phổi. Ngài qua đời lúc vừa được hai mươi sáu tuổi. Đức Thánh cha Lêô X đã tôn phong Casimia lên bậc Hiển thánh năm 1521. 

Thánh Casimia giúp chúng ta nhận biết rằng dù thân xác chúng ta không được tráng kiện, chúng ta vẫn có thể mạnh mẽ trong tính cách của mình. Chúng ta luôn có thể ủng hộ và bênh vực lẽ phải với cách thức thân thiện tử tế (Theo tinmung.net).

II. BÀI HỌC

Con đường nên thánh của Casimirô thật đơn giản. Tổng Giám mục Gioan Dugloss thời danh đồng thời cũng là thầy dạy của ngài đã tóm gọn con đường nên thánh của Casimirô bằng một câu thật ngắn gọn: “Casimirô nhiệt thành học hỏi và chỉ nghĩ tới việc làm đẹp ý Chúa.” Tất cả những việc ngài làm đều nhắm vào mục đích đó là: Làm đẹp ý Chúa.

Từ việc ăn chay hãm mình sám hối đền tội liên tục, đến việc hạ mình xả thân giúp đỡ những người nghèo khó cho đến những việc cầu nguyện thâu đêm, tất cả đều chỉ muốn làm đẹp ý Chúa.

Là một hoàng tử trẻ trung ngài có quyền được sống một cuộc sống vương giả ơ triều đình thế nhưng Ngài cảm thấy nếp sống như thế không phù hợp với tinh thần nghèo khó của Tin Mừng nên người ta thấy dưới sắc phục sang trọng, Ngài thường mặc thêm áo nhặm và ngủ trên đất, dưới chân giường. Ăn uống thì chỉ muốn ăn bánh và sống trong nghèo khó giữa những vinh dự đến nỗi người ta có thể nói về Ngài như nói về Đức Giám mục Milanô, Thánh Carôlô Borrômêô rằng, Ngài chỉ là con chó tội nghiệp trong nhà chủ mình.

Phần chúng ta, chúng ta thấy: Có rất nhiều cách để nên thánh, nhưng dường như không có một mẫu mực thánh thiện chung cho tất cả mọi người. Có người nên thánh ngay trong bậc sống của mình giữa trần gian. Có người chịu tử đạo. Có người sống trong bậc tu trì. Mỗi một vị thánh là một cách sống.

Tuy nhiên giữa khung khác biệt đó vẫn có một mẫu số chung cho tất cả mọi cuộc sống thánh thiện: đó là Tình Yêu. Thánh Phaolô trong bài ca đức ái đã nói: “Dù tôi có thể nói được các tiếng lạ lùng, dù tôi có thể làm được phép lạ chuyển núi di sông, dù tôi có làm được không biết bao nhiêu công trình... nếu tôi không có tính đức bác ái, tôi chỉ là một thứ thùng rỗng...”

Không có đức bác ái, không có tình yêu thì tất cả tòa nhà đạo đức của chúng ta chỉ được xây dựng trên hão huyền mà thôi. Chúa Giêsu cũng đã nói với chúng ta: “Các con hãy nên trọn hảo như Cha các con trên trời”. Thiên Chúa là Tình Yêu. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người không loại trừ ai. Và cuối cùng vì yêu thương con người, Thiên Chúa đã hóa thân làm người như chúng ta...Đó là tận cùng của Tình Yêu!

Nhưng có dấu chỉ nào chứng tỏ chúng ta yêu Chúa? Thưa dấu chỉ rõ rệt nhất là luôn làm theo ý của Chúa. Thánh Casimirô đã làm thế .

Chúng ta cũng hãy bắt chước làm như thế chắc chắn chúng sẽ đạt tới cùng đích của chúng ta.

Người ta hỏi ý kiến thánh Phanxicô Salê: Cha thích sống lành mạnh hơn, hay thích sống qua ngày đoạn tháng trong cảnh bất toại liệt giường chiếu?

-Tôi không thích điều nào hết. Tôi dửng dưng đối với cả hai. Tôi chỉ mong ước sống theo thánh ý Chúa trong điều này cũng như trong điều nọ.

-Nhưng nếu được khỏe mạnh Cha sẽ làm được nhiều việc thiện hơn?

-Tôi không muốn chọn phương pháp phụng sự Chúa. Trong lúc khỏe mạnh tôi sẽ thờ phượng Chúa trong hoạt động,và khi ốm yếu, tôi sẽ làm tôi Chúa bằng chịu đựng. Duy Chúa có quyền chọn lựa điều Ngài thích. Trong cả hai đàng tôi sẽ làm theo thánh ý Người là tôi chu toàn nhiệm vụ.

-Nhưng sống lâu để thâu tích công phúc và chết sớm bất ngờ Cha ưa điểm nào?

-Tôi không thích ý muốn trong những điểm đó. Sống lâu sống vắn và chết bất ngờ là những điều tôi hoàn toàn giữ thái độ trung lập. Tôi đã phó trót mình cho Chúa quan phòng săn sóc, mà tử trước đời đời người đã định đoạt cuộc sinh tử của tôi.

- Cha thích được thoát ly đời tạm, lên Thiên đàng thẳng băng hay còn phải giam giữ lại trong luyện hình?

-Tôi vui lòng đi tới nơi Chúa định. Dầu nơi đó thế nào tôi vẫn khoái chí sung sướng. Với thánh ý Chúa, luyện ngục sẽ trở nên thiên đàng và thiên đàng sẽ thành luyện ngục cho tôi.

(Con thơ phó thác.Bản dịch của Hoàng Phúc Trinh Chương III, trang 99)

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/4: Thánh Phêrô Channe – Linh mục, tử đạo (1803-1841)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng