Muốn an ủi Đức Trinh Nữ Maria, điều đó có thực sự hợp lý không?

MUỐN AN ỦI ĐỨC TRINH NỮ MARIA, ĐIỀU ĐÓ CÓ THỰC SỰ HỢP LÝ KHÔNG?

Jean-Michel Castaing

WHĐ (24.07.2023) – Trong tất cả các sứ mạng mà người môn đệ Chúa Giêsu vinh dự hoàn thành, có sứ mạng mà người môn đệ phải làm là an ủi và làm vui lòng Đấng mà Chúa Giêsu đã ban cho người môn đệ ấy làm mẹ: Đức Trinh Nữ Maria.

Chúng ta thường hình thành một ý tưởng quá hạn hẹp về Đức Trinh Nữ Maria bằng cách hình dung Mẹ trong tâm trí mình như một người thuộc cõi thần thiêng, cao cả đến mức Mẹ không thể cảm nhận được những cảm xúc cơ bản của con người, chẳng hạn như vui mừng hoặc đau đớn. Một số người lầm tưởng rằng việc sống trong thế giới thánh thiêng sẽ làm cho công dân hạnh phúc của Nước Trời không còn cảm xúc. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng Mẹ Maria quá cao cả đến mức những hành động và suy nghĩ của chúng ta ở dưới trần gian này, dù đó là điều tốt lành hay điều xấu xa, đều không thể chạm tới Mẹ được. Đây là một quan niệm sai lầm về cuộc sống trên thiên đàng vốn là cuộc sống của Đức Trinh Nữ kể từ khi Mẹ Lên Trời.

Đức Trinh Nữ có trái tim nhạy cảm và dễ bị tổn thương

Mẹ Maria vẫn là một người nhạy cảm. Giống như Con của mình, trên Thiên Đàng Mẹ vẫn giữ một trái tim dễ bị tổn thương trước tình yêu và nỗi đau. Do đó, con người có thể làm tổn thương Mẹ bằng những hành vi xúc phạm của họ, nhưng cũng có thể an ủi và làm Mẹ vui mừng bởi tình cảm và những việc làm tốt lành của họ. Ngược lại, liệu Mẹ có phải là Mẹ của chúng ta không nếu Mẹ không cảm được gì trước tội lỗi của chúng ta hay trước lòng kính trọng yêu thương của chúng ta? Nếu vậy, Mẹ sẽ là một thứ ngẫu thần quá khép kín trong sự hoàn hảo của mình đến mức không còn có thể động lòng về những âu lo của chúng ta hoặc cảm động trước những rung động yêu thương của chúng ta, hoặc bận lòng trước những bất đồng đang thống trị giữa các con cái của Mẹ.

Đây là lý do tại sao không có gì là vô lý khi nghĩ rằng chúng ta có thể an ủi Đức Trinh Nữ. Bởi vì chúng ta là con cái của Mẹ, những người mà Mẹ đã sinh ra trong đau đớn trên đồi Canvê, nên chúng ta có khả năng làm Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ vui mừng hoặc buồn sầu. Thật là một đặc quyền vô cùng lớn lao! Hơn nữa, Chúa Giêsu trên Thánh Giá, sau khi trao phó Mẹ của Ngài cho chúng ta, như một di chúc, khi nói với thánh Gioan: “Đây là mẹ của anh” (Ga 19:27) vừa nhìn vào người môn đệ yêu dấu của mình, hình bóng của mọi môn đệ, Ngài hoàn tất việc trao phó chính chúng ta - trong tay Đức Trinh Nữ bằng cách mặc khải cho chúng ta rằng từ nay trở đi chúng ta là con của Mẹ của Ngài khi nói với Mẹ: “Thưa Bà, đây là con của Bà” (Gioan 19:26). Vì được đặt làm con cái Đức Maria, nên môn đệ Đức Kitô có trách nhiệm đối với Mẹ.

Làm con cái không chỉ là được mẹ giúp đỡ, mà địa vị này còn liên quan đến bổn phận. Ví dụ, giúp đỡ cha mẹ khi cha mẹ già yếu hoặc tật nguyền. Đây là cách Thánh Gioan đã không chậm trễ trong việc thực thi lệnh truyền phụng dưỡng người Mẹ mới của mình bằng cách dành ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, một ngày sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, ở gần bên Mẹ khi Chúa Kitô ở trong mồ. Do đó, người môn đệ Chúa yêu đã trở thành người đầu tiên an ủi Đức Trinh Nữ khi Chúa Giêsu vắng mặt. Thật vậy, an ủi có nghĩa là “ở với người cô đơn”. Vào Thứ Bảy Tuần Thánh, Mẹ Maria vừa mất đi người thân yêu hơn cả chính mình: người con trai yêu dấu của Mẹ. Vì vậy, nhiệm vụ đầu tiên của Gioan là ở cùng với Đấng mà nếu không có ông, hẳn sẽ phải nếm trải một nỗi cô quạnh ghê gớm.

An ủi Đức Mẹ bằng tin yêu

Chúng ta cũng vậy, theo hình ảnh của Thánh Gioan, trong một xã hội phủ nhận Chúa Kitô hoặc coi Ngài như một con người, dù hẳn là đáng ngưỡng mộ, nhưng thật sự bị nhận chìm trong quá khứ, chúng ta được ủy thác an ủi Đức Trinh Nữ bằng cách làm chứng cho Sự Phục Sinh của Người Con của Chúa Cha, khi đối mặt với một thế giới vô tín. Tuy nhiên, không phải chỉ nhờ đức tin mà chúng ta sẽ an ủi được Đức Trinh Nữ mà còn nhờ các hành vi nhân ái độ lượng của chúng ta nữa. Thật vậy, trái tim của Đức Trinh Nữ rất trong sáng và yêu thương đến nỗi bất cứ tội lỗi nào, bất cứ sự vô ơn nào, bất cứ suy nghĩ ô uế nào đều làm tổn thương Mẹ sâu sắc. Đây là một mầu nhiệm mà chỉ những trái tim yêu thương, theo chuẩn mực của Thiên Chúa mới hiểu được. Trái tim càng yêu thương thì càng dễ bị tổn thương bởi những vết thương do ích kỷ, ô uế, vô ơn gây ra. Đó là trường hợp Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Chính Mẹ Maria đã cho chúng ta thấy sự dễ bị tổn thương của Mẹ khi yêu cầu các thị nhân Fatima đọc lời cầu khẩn sau đây sau khi các em đã thực hiện một việc hy sinh (cuộc hiện ra ngày 13 tháng 7 năm 1917):

Lạy Chúa Giêsu, con xin dâng những hy sinh này để đáp lại tình yêu Chúa, để cầu nguyện cho kẻ có tội được ăn năn trở lại và để đền tạ những tội xúc phạm đến Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria.

Những việc làm xấu xa của chúng ta chạm đến và làm tổn thương Đức Trinh Nữ vì Mẹ trong sạch không vương tội lỗi và trái tim Mẹ nên một với Trái Tim Chúa Giêsu, mặc dù Mẹ Maria và Chúa Giêsu là hai ngôi vị khác biệt.

Cũng như chúng ta có khả năng làm tổn thương Đức Trinh Nữ Maria, thì chúng ta cũng có khả năng an ủi và làm vui lòng Mẹ bằng cách tuân theo các lệnh truyền của Chúa Giêsu, bằng cách cư xử như anh em của Chúa Giêsu, như con cái của Chúa Cha và như đền thờ của Chúa Thánh Thần. Bằng cách rao truyền chung quanh chúng ta sự hiệp nhất của những trái tim và khối óc, bằng cách hòa giải với kẻ thù của chúng ta hoặc bằng cách nỗ lực khôi phục một mối tương quan đã rạn nứt. Làm vui lòng người mẹ cũng là chấp nhận một thái độ anh em với nhau. Chúng ta là con cái của Mẹ và một người mẹ không bao giờ hạnh phúc cho bằng khi bà nhận thấy sự thấu hiểu cảm thông tốt lành giữa những người con, trai và gái, của mình.

An ủi bằng một sự hiện diện đơn thuần

Cuối cùng, có một cách thậm chí còn đơn giản hơn để xức dầu thơm lên Trái tim Đức Maria: chỉ cần ở đó, gần Mẹ, dâng cho Mẹ một suy nghĩ, một lời cầu nguyện, giống như Thánh Gioan đã an ủi Mẹ vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh bằng cách đứng cùng với Mẹ – giống như cách mà chính Mẹ đã an ủi Trái Tim Chúa Giêsu khi đứng gần Thánh Giá. An ủi Đức Trinh nữ không đòi hỏi bất cứ một kỹ năng đặc biệt nào, ngoại trừ một tình yêu luôn có sẵn.

Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: fr.aleteia.org (07.07.2023)

Nguồn: hdgmvietnam.com

 

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 29/4: Thánh Giuse Nguyễn Duy Tuân. Linh mục, tử đạo (1811 - 1861)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng