Một linh mục trong phòng cấp cứu, bác sĩ của linh hồn và của thể xác

Damien Guillot, bác sĩ cấp cứu và linh mục của giáo xứ Givors tại một trong những phòng dành riêng cho khoa chấn thương của một bệnh viện công ở Lyon tháng 1 năm 2024.  BASTIEN DOUDAINE/HANS LUCAS POUR LA VIE

Linh mục Damien Guillot, giáo xứ Givors, gần Lyon cũng là bác sĩ cấp cứu tại một bệnh viện Lyon, Pháp. Một lựa chọn đặt ra câu hỏi về vị trí của các linh mục trong các giáo phận và sự cân bằng trong cuộc sống của họ.

Bây giờ là 11:29 sáng, chắc chắn linh mục sẽ lỡ chuyến tàu. “Tôi tới liền!”, Một giọng nói phát ra từ cuối cầu thang dẫn đến sân ga K của ga Lyon-Perrache. Chiếc xe đạp trên vai, linh mục nhảy lên tàu trước khi cánh cửa đóng lại. “Damien rất vui gặp các bạn!”, linh mục chào khi bước vào toa xe. Mỗi sáng thứ ba hàng tuần, linh mục Damien Guillot, 46 tuổi, chơi quần vợt với bạn trước khi về giáo xứ.

Linh mục thuộc lòng đường tàu này, từ giáo xứ Givors, nơi cha làm việc ba năm nay đến Lyon, nơi cha làm ở khoa cấp cứu tại một bệnh viện công. Một chồng chéo khá hiếm hoi trong Giáo hội công giáo cũng như trong môi trường y khoa. Linh mục cười nói: “Ở phòng cấp cứu, công việc bán thời gian ở đây ai cũng biết. Nhưng những gì tôi làm trong nửa thời gian còn lại thì họ chưa bao giờ biết!” Lời kêu gọi của Chúa đến trước. Lớn lên trong gia đình giữ đạo, chính trong thời gian cầu nguyện thi hoặc lớp bốn, linh mục cảm thấy ơn gọi thánh hiến cuốn hút mình. Cha mô tả: “Tôi nhận thấy có điều gì đó trong đời sống thiêng liêng của mình sẽ trở nên vô cùng to lớn.” Còn với y khoa, ý tưởng này manh nha ở trường trung học khi linh mục nói chuyện với ông nội, người rất thân thiết với linh mục.

Thánh lễ sáng thứ tư tại nhà thờ Thánh Nicôla ở Givors. BASTIEN DOUDAINE/HANS LUCAS

Sự kết nối hai ơn gọi này được hình thành ở Tu viện Tamié nép mình trong khối núi Bauges ở Savoie. Từ khi 9 tuổi, Damien Guillot thường đến đây. Đến tuổi thiếu niên, trong một lần ở đây, anh hiểu trước tiên mình phải rời tổ ấm gia đình trước khi chọn chức linh mục. Còn về y khoa, anh sống suốt đời sinh viên của mình. Những bữa tiệc, rất nhiều công việc và một khám phá: “Tôi đã gặp những người tốt và hạnh phúc nhưng không có đức tin và điều đó đã thay đổi cách nhìn của tôi về thế giới. Nó đã giúp tôi rất nhiều.” Dần dần anh nhận thấy khả năng theo đuổi cả hai con đường nhờ nhóm đào tạo đại học GFU, cho phép chương trình ở chủng viện kéo dài 6 năm thay vì 2 năm. Và thế là anh trở thành bác sĩ Guillot. Và kế đó là linh mục Damien. Mọi người thắc mắc làm sao một người có thể làm được hai việc này. Linh mục chân thành nói, không chút tự hào: “Chắc chắn là rất gay, nhưng tôi thích gay!”

Cha Damien

Thị trấn Givors. Để đến nhà thờ, Damien phải đi qua bãi đậu xe của cửa hàng Hành động, sau đó đi qua một cây cầu bắc qua Gier. Damien Guillot tiếp tục nói, một tay trên gui-đông xe đạp. Khi chúng tôi cùng đi với cha, cha nói với chúng tôi về giáo xứ của cha. Một khu dân cư trong khu vực lao động, 70% người dân không có lợi tức để đóng thuế, sự hiện diện của hồi giáo rất mạnh với ba nhà thờ hồi giáo, một theo phái sunnit có  2.000 giáo dân trong các ngày thứ sáu, một nhà thờ Thổ Nhĩ Kỳ, một nhà thờ theo phái chiite, với cả ba, linh mục có mối quan hệ thân hữu bền chặt. Linh mục cho biết: “Các kitô hữu có tối đa 200 người trong tất cả các thánh lễ cuối tuần ở hai thị trấn và hai ngôi làng”. Bốn tháp chuông ngủ quên một chút khi linh mục Guillot đến: “Givors hơi giống dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ của giáo phận Lyon. Nhưng chúng tôi chăm sóc tốt!”

Nhà xứ là căn nhà nhỏ, mặt tiền màu xám nứt nẻ, nằm giữa quán Fast Pizza và nhà thờ, hơi lùi về phía sau. Phòng chính của nhà xứ vừa làm văn phòng, vừa nhà nguyện và phòng họp. Thứ ba tuần này, có ba người ngồi quanh bàn… Bà Juliana Vanel-Noble, giáo dân 37 tuổi làm tuyên úy; bà Charlotte Forget, 36 tuổi, điều phối viên mục vụ từ hai năm nay, và cha Damien. Họ thành lập “nhóm điều phối” gặp nhau mỗi tuần một lần để thảo luận các công việc trong giáo xứ. Các chủ đề lướt nhanh, đôi khi hơi quá nhiều. Bà Charlotte nói: “Đợi chút Damien, để tôi nói xong đã.” Damien xin lỗi. Từ bên kia bàn, bà Juliana nói: “Damien luôn xin lỗi.”

Hàng tuần, linh mục Damien gặp các nhân viên của giáo xứ, Juliana Vanel-Noble và Charlotte Forget trong cuộc họp điều phối. BASTIEN DOUDAINE/HANS LUCAS LA VIE

Người phụ nữ trẻ này đã làm việc cho giáo xứ vào thời điểm giáo xứ chỉ có khoảng 20 tín hữu bên cạnh một linh mục già. Bà chờ một linh mục năng động và bà không thất vọng. Bà kể: “Damien hơi giống xe ủi đất. Chúng tôi nói với cha không được, cha ‘nhảy qua cửa sổ’, cha tìm đủ mọi cách, cha mang đến nghị lực nhưng vẫn ưu tiên cho những người thiếu thốn nhất, mối quan tâm lớn của cựu linh mục”. Trong đường lối quan tâm chung, giáo xứ cũng ghi các ưu tiên của mình, được gói gọn trong một dòng: “Xin Chúa giúp chúng còn thành giáo xứ hiếu khách và huynh đệ, phục vụ những người mong manh nhất và dễ dàng gặp Chúa Giêsu”.

Trong nhóm, mọi người ý thức phải điều chỉnh khí chất linh mục của mình. Bà Forget đảm nhận vai trò đặc biệt này. Rất quan tâm đến vị trí của phụ nữ trong Giáo hội, bà suy nghĩ kỹ trước khi rời bỏ vị trí đại diện phát triển địa phương tại các trung tâm xã hội ở Lyon. Bà lập luận: “Chủ đề về vị trí của phụ nữ trong Giáo hội luôn gây căng thẳng. Trên thực tế, các linh mục vẫn giữ mọi quyền lực. Nhưng Damien đã thành lập nhóm sinh hoạt giáo xứ (EAP) rất đa dạng, với những người không phải lúc nào cũng đồng ý với linh mục. Linh mục không bao giờ làm trái lời khuyên của nhóm, dù có thể, đó là lý do vì sao tôi nhận lời làm việc. Damien có tính khí liều lĩnh. Nhưng chúng tôi thảo luận chung. Mục tiêu chung của chúng tôi là sống một Giáo hội, nơi mọi người đều có một vị trí quý giá.” Bà là người duy nhất làm việc toàn thời gian cho giáo xứ và tự xem mình là phản ảnh giáo dân của linh mục. Giáo dân đã quen với việc linh mục không phải là người đối thoại duy nhất của họ, bà cho biết: “Điều này giúp chúng tôi làm việc về chủ nghĩa giáo sĩ trị. Trong giáo xứ chúng tôi, chúng tôi có thể sống mà không cần Damien”.

Guillaume Cail, người cha gia đình của sáu người con đến định cư ở Givors khi linh mục Damien về đây. Ông biết linh mục là bác sĩ: “Cha ở trong thực tế. Các trường hợp khẩn cấp là có thật với sức mạnh 1.000%!” Cũng như nhiều người khác, để mô tả cha Damien, ông dùng từ “tăng động”. Ông nhấn mạnh: “Nhưng cha rất cẩn thận để không bỏ ai phía sau. Nếu phải mô tả cha, tôi có thể nói cha có khuynh hướng kitô giáo cánh tả nhiều hơn, nhưng cha kết hiệp được nhiều người, những người ở giáo xứ  Thánh Georges theo chủ nghĩa truyền thống ở Lyon, họ có chỗ đứng của họ ở Givors”.

Các tối thứ ba, linh mục Damien tổ chức giờ vui chơi cho học sinh trước khi học giáo lý.  BASTIEN DOUDAINE/HANS LUCAS – LA VIE

6 giờ. Áo vàng trên lưng, trên tay cầm tấm biển có dòng chữ “Kid Cat” (Giáo lý cho trẻ em), Damien Guillot cùng phụ huynh chờ ở lối ra của một trường tiểu học. Vào các ngày thứ ba, cha đón một vài em về

giáo xứ để vui chơi, dạy giáo lý và giúp làm bài tập về nhà. Hai năm trước, khoảng hai mươi em tham gia Kid Cat, nay đã có 60 em. Trên bãi đất nhỏ lầy lội cạnh nhà thờ, một trận bóng đá hào hứng với các em. Đồng phục trường tư và bộ đồ thể thao thời trang bên nhau, một giáo xứ của tầng lớp lao động, trong những ngày gần đây, ngày càng có nhiều gia đình truyền thống đến định cư. Trong hội trường rộng lớn của giáo xứ, bà Bernadette, 75 tuổi, đang phát đồ ăn nhẹ cho học sinh. Bà đã rời giáo xứ khi giáo xứ xuống cấp, bây giờ bà vui vẻ trở lại: “Chúng tôi biết Damien phải vào bệnh viện làm việc, nhưng cha đã quản lý tốt mọi việc. Chúa Thánh Thần chắc chắn phải có công việc gì ở đây…”

Bác sĩ Guillot

7 giờ. Ở ca đoàn giáo xứ Givors, bà Charlotte Forget và cha Damien Guillot hát bài ca ngợi như họ vẫn làm mỗi sáng. Một phụ nữ đến hát với họ trước khi đi làm. Linh mục Damien vừa uống cà phê vừa giải thích cho chúng tôi: “Thời gian cầu nguyện này rất cần thiết với tôi. Chính vì Ngài mà tôi làm tất cả những việc này, nếu không thì chẳng có ý nghĩa gì, tôi mong có nhiều giây phút kết nối với Chúa hơn trong ngày để lắng nghe Ngài.” Đã đến giờ linh mục phải đi. Sau thánh lễ 8 giờ sáng ở một nhà thờ khác trong giáo xứ, mỗi thứ tư cha về Lyon và phòng cấp cứu. Trước tủ áo quần của cha trong phòng áo của bệnh viện, Damien tháo cây thánh giá trên cổ, mang ống nghe và mặc chiếc áo trắng bệnh viện. Một y tá vui tính nói: “Tôi hy vọng cha đã cất đôi giày thể thao, nếu không cha sẽ chạy như bay ở đây.”

Ở đây, các nhân viên chăm sóc đều biết Damien là linh mục, không còn là bí mật, không còn là đề tài để bàn tán. Nhưng bước đầu không dễ dàng chút nào. Cha phải chận những người chào cha là “thưa cha” và chịu đựng những câu nói đùa không đúng cách. Arthur, một sinh viên nội trú vừa được vài tháng cho biết: “Chuyện này làm mọi người thắc mắc, nhưng chúng tôi không còn nói nhiều nữa. Vì cha hơi nhanh, vì đó không phải là hình ảnh chúng tôi có về… linh mục.”

Hình ảnh – BASTIEN DOUDAINE/HANS LUCAS – LA VIE

Trong môi trường công giáo cũng vậy, việc đón nhận hơi khác nhau. Hồng y Philippe Barbarin, lúc đó là tổng giám mục Lyon sợ linh mục Damien sẽ bị phân tán giữa hai nhiệm vụ. Nhưng ý tưởng và cách làm việc của Damien rất rõ ràng. Cha là linh mục quản xứ 100% và không xem mình như các “linh mục thợ”, các linh mục muốn đến với những người đã xa lánh Giáo hội. Cha muốn tách biệt hai thế giới. Bệnh nhân của cha sẽ không bao giờ biết cha là linh mục.

Trong phòng khám nhỏ, bác sĩ Damien bắt đầu lần khám đầu tiên trong ngày của mình. Dây thần kinh bị tắc nghẽn, đau nhói, khó chịu. Bác sĩ trấn an: “Việc mất ý thức không nghiêm trọng, tôi không lo lắng.” Người bệnh tìm lại được nụ cười. Cuộc khám kéo dài 10 phút. Người ta nghĩ linh mục sẽ mất nhiều thì giờ để thuyết phục bệnh nhân nói chuyện, nhưng bác sĩ đã nhanh chóng khám hết người này đến người khác. Cha nói “vì để những bệnh nhân khác khỏi chờ lâu”. Đó là cách cha giúp công việc, cha không bỏ thì giờ để làm thay đổi hệ thống làm việc của bệnh viện. Cha thừa nhận: “Bệnh viện là nơi tôi chạm đến giới hạn yêu thương của tôi nhiều nhất”. Tôi không ngừng tự hỏi: “Làm thế nào để chịu được sức ép của các phòng cấp cứu, một hệ thống không đối xử tốt với gia đình, bệnh nhân, nhân viên?”

Dù chỉ làm bán thời gian, năng lượng này đã làm cho cha Damien trở thành trụ cột phòng cấp cứu của bệnh viện. Bác sĩ trưởng khoa Roamin Hernu nói: “Tôi yêu nhân vật này. Khi đến nơi, tôi thấy cái nhìn của bác sĩ hồi sức này có vẻ hơi ưu tú, tôi nghĩ, ông khám hết bệnh nhân này đến bệnh nhân khác, ông không bỏ thì giờ để đi xa hơn. Trên thực tế, ở phòng cấp cứu, đó là những gì chúng tôi cần, đặc biệt linh mục rất quan tâm đến việc trau dồi kỹ năng của mình”.

Hai thế giới đối thoại

Đôi khi hai thế giới này va chạm với nhau. Tại bệnh viện Roanne, nơi bác sĩ linh mục làm việc trước đây, một bệnh nhân đến phòng cấp cứu trong tình trạng nghiêm trọng. Gia đình đi theo và bác sĩ Guillot nhận ra một số giáo dân. Họ hỏi cha có xức dầu cho người nhà sắp chết của họ được không. Cha trả lời: “Tôi tôn trọng quy tắc và tôi sẽ gọi cho cha tuyên úy bệnh viện vì tôi biết anh có thể cầm cự. Nhưng nếu tình trạng của anh xấu đi, tôi sẽ xức dầu”.

Đúng là với các đồng nghiệp, khía cạnh linh mục của cha nổi lên. Damien Guillot đoán: “Đôi khi, tôi thấy họ không nói chuyện với bác sĩ. Một ngày nọ, một bác sĩ hồi sức đến gặp tôi. Tôi nghĩ: ‘Mẹ kiếp, mình làm chuyện gì ngu ngốc rồi!’. Khi cánh cửa vừa đóng lại, người đồng nghiệp nói: ‘Tôi là người hồi giáo, vợ tôi theo đạo công giáo, tôi muốn anh đến nói chuyện với các con tôi về Chúa, tôi tin anh.” Một đồng nghiệp khác mời linh mục về nhà vì họ đang gặp khó khăn trong hôn nhân, đồng nghiệp thứ ba mời linh mục đến dự đám tang mẹ của họ. ‘Chúng tôi ở trong khuôn khổ tình bạn với đồng nghiệp, điều này đã được điều chỉnh!”

Trong khoa cấp cứu của một bệnh viện công ở Lyon.  BASTIEN DOUDAINE/HANS LUCAS – LA VIE

Dù Damien Guillot gặp nhiều người khác nhau nhưng cha không có chỗ cho những cuộc gặp gỡ ngẫu hứng: “Lịch làm việc của tôi rất nghiêm ngặt. Tôi hiếm khi rảnh, nhưng khi ai cần gặp tôi, tôi đến ngay.” Ông Guillaume Cail, giám đốc trường truyền giáo Pierre ở thành phố Lyon, nói: “Mỗi lần chúng tôi hứng mời anh đi ăn trưa, anh đều từ chối. Nhưng không có một tin nhắn nào mà anh không trả lời. Chỉ cần tổ chức tốt lịch làm việc.” Một lỗi lầm mà theo ông cũng là một nhân đức vì ông đã từng gặp nhiều linh mục kiệt sức trong công việc của họ: “Trong ba năm qua, tôi thấy nhiều linh mục chán nản, kiệt sức hoặc bỏ chức vụ của mình. Chúng tôi bàn với nhau rất nhiều để cuộc sống của họ dễ dàng hơn, nhưng tôi ngạc nhiên thấy, chúng tôi không tìm ra một con đường nào khác, đặc biệt trong công việc. Damien có thì giờ thực sự cho giáo xứ, cho bệnh viện và cho bản thân”.

Con người của Damien là mối quan tâm của những người chung quanh cha. Bác sĩ trưởng khoa cấp cứu cho biết: “Anh làm mọi thứ 200%, đôi khi tôi phải nói với anh: ‘Anh phải lo cho anh chứ’!” Ở giáo xứ trước đây của cha, chính các giáo dân chăm sóc chế độ ăn uống cho cha sau khi cha gặp vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, bác sĩ linh mục nghĩ, đời sống của ông không bận rộn hay căng thẳng hơn đời sống của cha mẹ mình. Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng những trường hợp khẩn cấp lại giúp cho linh mục… thở. Cha công nhận: “Làm cha xứ, bạn quen với những gì xảy ra trong giáo xứ, chuyện vui cũng như chuyện buồn đều tác động đến cá nhân mình. Ở đó, tôi thấy mình không tồn tại nếu tôi không sống ở đó. Công việc này giúp tôi thoát được căng thẳng để trở về làm việc năng động hơn”.

Trên hết, Cha cho ấn tượng là cha đã áp dụng các biện pháp để tự bảo vệ mình một cách có phương pháp. Mỗi tháng một lần, cha đến Tu viện Tamié. Mỗi kỳ nghỉ, cha đến đó năm ngày. Ngày thứ hai cha không làm việc. Thỉnh thoảng cha đạp xe với Guillaume Cail. Vượt qua từng cây số, hai người là bạn của nhau, một tình bạn “ngang hàng”, chứ không bị “hạ thấp” như những người cha gia đình thường than phiền về mối liên hệ của họ với các linh mục. Ông nói: “Damien chân thật, anh không che giấu khuyết điểm của mình. Thời gian chúng tôi đạp xe với nhau là thời gian anh cho tôi biết tình trạng của anh như thế nào! Nếu một ngày nào đó anh gặp khó khăn, tôi biết anh sẽ có thể nói chuyện với tôi. Sẽ không có những lớp băng giá để vượt qua. Người đàn ông không biến mất phía sau người linh mục”.

Chúng ta để bác sĩ Guillot ở phòng cấp cứu, bác sĩ sẽ khám các bệnh nhân đến khuya. Ngày mai bác sĩ Damien sẽ có mặt tại giáo xứ. Linh mục định để ra một năm nghỉ ngơi trong thinh lặng của thung lũng Tamié…Liệu linh mục có làm được không?

lavie.fr, Laurence Desjoyaux, 2024-03-28

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxico.vn

 

bài liên quan mới nhất

Chạnh lòng trước nỗi đau của tha nhân

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng