Một khát vọng thiêng liêng bẩm sinh nơi trẻ con

Bà Catherine Ulrich nghiên cứu những mong chờ thiêng liêng của trẻ em | Myriam Bettens cath.ch

Bà Catherine Ulrich-Tapparel, phụ tá mục vụ của Giáo hội công giáo Rôma ở Geneva (ECR) nhấn mạnh: “Trong một thời gian dài, bản sắc nhân bản và thiêng liêng của trẻ em ít được ai quan tâm. Trẻ em là hữu thể của mối quan hệ, của ước muốn, về cơ bản đang trong quá trình hình thành, đối diện với lo lắng cơ bản, mở ra với thế giới và cuối cùng nhạy cảm với mầu nhiệm Siêu việt”.Ngày 28 tháng 9 năm 2023, ngày hội thảo liên quan đến luận án của bà Catherine Ulrich-Tapparel về bản sắc nhân bản và thiêng liêng của trẻ em tại Trung tâm Giáo lý Đại kết Geneva đã thu hút rất nhiều thính giả. Dấu hiệu cho thấy nhiều người quan tâm đến việc dạy giáo lý hài hòa với sự phát triển của trẻ em.

Bà nói: “Chỉ từ năm 1989 và khi Công ước Quyền Trẻ em ra đời, chúng ta mới bắt đầu quan tâm đến quyền của trẻ em. Và phải đợi đến những năm 2000-2010 chúng ta mới thấy được một phác thảo suy ngẫm về bản sắc đời sống con người và thiêng liêng của trẻ em. Trước đây điều này không ai quan tâm”.

Bà cho biết: “Với tất cả những gì gần đây chúng ta nghe về vấn đề lạm dụng trong Giáo hội cũng như ở các nơi khác, chúng ta nhận ra trong những năm 1950, việc lạm dụng trẻ em dường như không quá nghiêm trọng với chúng ta. Vì thế việc nghiên cứu về sự toàn diện của trẻ em gần đây chưa hoàn toàn là điều hiển nhiên”.

Các Giáo hội cải cách và công giáo của bang Fribourg hợp tác trong việc dạy giáo lý | © Raphal Zbinden

Dấn thân dạy giáo lý từ năm 2001

Tham gia công tác điều phối việc dạy giáo lý của Giáo hội công giáo Rôma ở Geneva từ năm 2001, bà Catherine Ulrich-Tapparel có thể tự hào về kinh nghiệm dày dặn của bà trong lãnh vực này. Bà đưa ra các giả thuyết này trong luận án được bà làm khi có “giờ rảnh” và bảo vệ tại Đại học Fribourg tháng 4 năm 2023.

Bà là Tiến sĩ Văn chương Quốc gia về nghiên cứu tôn giáo, luận án này bà tiến hành theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, thông qua nghiên cứu chuyên sâu liên ngành về những gì tạo nên “căn tính nhân bản và thiêng liêng đích thực của trẻ em” và từ đó bà đưa ra sáu chiều kích nội tại.

“Đứa trẻ là một thực thể của mối quan hệ, của ham muốn, về cơ bản đang trong quá trình trở thành, đối diện với sự lo lắng cơ bản, mở ra với thế giới và cuối cùng, nhạy cảm với bí ẩn Siêu việt”. Bà ghi nhận các chiều kích này có thể được liên kết với các đặc điểm của tâm linh, dù chưa có một định nghĩa nào thống nhất: “Tuy nhiên, điều nổi lên trong tất cả các định nghĩa này vẫn là nhu cầu về các mối quan hệ, mong muốn sống, tìm kiếm các giá trị và hạnh phúc, việc tìm kiếm hạnh phúc đã được dùng để phân tích kết quả điều tra của tôi”.

Một cuộc điều tra ở Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp

Giai đoạn thứ hai bà làm một cuộc điều tra thực địa đưa bà đi khắp Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp. Bà tập trung nghiên cứu vào tám nhóm ở Geneva, vùng Vaud, Valais và Jura. Bà cho biết: “Còn ở Fribourg, việc dạy giáo lý là một phần trong chương trình học, không thể so sánh với đề xuất của các bang khác. Với tỉnh Neuchâtel, việc dạy giáo lý đang trong quá trình tái cơ cấu”.

Bà quan sát các buổi học giáo lý để có thể hỏi các em “về những gì các em đã thực sự trải qua khi học giáo lý”: tiếp đón, cách bố trí phòng, những khoảnh khắc im lặng, cách giảng dạy, tất cả các khía cạnh của buổi học đều được xem xét.

Các biểu tượng cảm xúc màu vàng

Bà Catherine Ulrich nghiên cứu các mong chờ thiêng liêng của trẻ em | © Myriam Bettens, cath.ch

Cuộc điều tra chủ yếu dựa trên thú nhồi bông biểu tượng cảm xúc, émoji. Bà cầm một quả bóng lông nhỏ màu vàng đang cười với đôi mắt hình trái tim để giải thích cách bà gần với trẻ em: “Tôi dùng các émoji theo cách biểu hiện của các loại đồ chơi mềm để các em thoải mái khi nói lên cảm xúc của mình. Bằng lòng nhiều, bằng lòng trung bình, ngạc nhiên, do dự là một số dấu hiệu các em sẽ gán cho đồ chơi mềm. Và câu trả lời của các em rất nhỏ đã làm mọi người ngạc nhiên. Các em thường nhắc đến bạn bè của chúng, trong khi tôi hỏi chúng một câu hỏi hoàn toàn khác.” Trong số các phản ứng, bà không mong chờ các em sẽ trả lời với bà, “các em cảm thấy vui vẻ, cảm thấy mình được bảo vệ, thích các buổi học giáo lý”. Bà nói: “Tôi luôn nghĩ nên để các em tự đi tìm và tôi vô cùng ngạc nhiên khi các em đặc biệt đánh giá cao các giờ học.” Khi gom lại các từ ngữ các em dùng trong các cuộc phỏng vấn này, bà nhận thấy “tất cả các hoa quả của Chúa Thánh Thần đều được các em nhắc đến”.

Hãy để trẻ em lay động chúng ta

Bà khẳng định với các giáo lý viên có mặt, lý do bà ủng hộ việc dạy giáo lý theo phong cách đồng hành: “Chúng ta phải để trẻ em ‘đánh động’ chúng ta, chúng ta không áp đặt tầm nhìn về mọi thứ lên các em. Tâm lý học phát triển và nghiên cứu tích hợp mới đang thách thức mọi suy nghĩ của chúng ta về trẻ em. Các em học nhanh hơn nhiều so với mong chờ và có sức mạnh nội tại cùng với tiềm năng phát triển bẩm sinh”.

Các giáo lý viên có mặt được mời chia sẻ ấn tượng và kinh nghiệm thực địa của họ dựa trên một số trích đoạn từ các câu trả lời gom trong các cuộc phỏng vấn. Em Fantin “vui mừng vì được nghe nói một chút về tôn giáo và đời sống”, còn các em khác nhấn mạnh đến tầm quan trọng của im lặng, làm mọi người tham dự không giấu được sự ngạc nhiên. Một giáo lý viên ghi nhận đến tầm quan trọng của việc “để cho” những gì nảy mầm trong nội tâm trẻ em và xác nhận nhận xét của bà Catherine Ulrich-Tapparel về tầm quan trọng của việc suy nghĩ theo cách đồng hành tốt nhất cho tâm linh của các em.

cath.ch, Myriam Bettens, 2023-09-29

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxico.vn

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng