Linh mục Thierry de Lesquen: “Di chúc thiêng liêng là hành vi yêu thương”


Theo linh mục Thierry de Lesquen, di chúc thiêng liêng trong truyền thống kitô giáo là hành vi yêu thương để giúp người nhận di chúc sống trong sự thật và hướng đến sự sống vĩnh cửu. SVITLANA – STOCK.ADOBE.COM

Vào giờ chết, một số người cảm thấy cần phải nhìn lại đời mình và để lại di chúc thiêng liêng cho người thân. Linh mục Thierry de Lesquen của địa phận Paris giải thích thế nào là di chúc thiêng liêng trong truyền thống kitô giáo.

Theo cha, di chúc thiêng liêng là gì?

Linh mục Thierry de Lesquen: Trước hết, đó là hành vi yêu thương được thể hiện lúc cuối đời. Một di chúc thiêng liêng luôn là một điều gì đó như “Tôi yêu bạn”. Vì “yêu” là trao cho người thân hàng chữ này để họ hạnh phúc, để họ sống.

Nhưng không phải lúc nào cũng cần phải viết những thư dài để truyền lại di sản thiêng liêng. Gần đây tôi xức dầu cho một trong các dì tôi, cả gia đình quây quần bên bà. Vào lúc cận kề cái chết, trong giây phút cảm động của sự thật, bà nói với cả nhà: “Mẹ yêu các con.”

Với tôi, khả năng yêu thương này vượt lên cuộc sống trần thế của chúng ta. Giống như Thánh Têrêxa Lisiơ, nhiều thánh bày tỏ ước muốn tiếp tục làm “điều tốt trên trái đất” sau khi họ qua đời. Cũng như Chúa Giêsu Kitô đã hứa: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

Theo Thánh Phaolô, tình yêu này vẫn tồn tại và vượt qua cái chết, tình yêu là điều duy nhất “không qua đi” (1 Co 13), tất cả chúng ta đều có trực giác, dù chúng ta không nhận thức được loại hy vọng chúng ta mang trong mình này. Giống như những cặp vợ chồng trẻ đến xin làm đám cưới ở nhà thờ, họ thực sự không biết giải thích tại sao. 

Vậy ai cũng có thể để lại di chúc thiêng liêng?

Với điều kiện là chúng ta đồng ý dùng từ “thiêng liêng”. Với nhiều người, đời sống thiêng liêng là đời sống tinh thần của con người. Trong kitô giáo, đó là đời sống của một tâm hồn được Thánh Thần Thiên Chúa thúc đẩy. Theo tôi, di chúc thiêng liêng đích thực phải giúp người nhận di chúc sống trong sự thật và hướng tới cuộc sống vĩnh cửu.

Việc hướng để nhân loại tính của chúng ta hướng về đời sống vĩnh cửu đòi hỏi sự buông bỏ lớn lao, một tinh thần nghèo khó chỉ gắn bó với những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống ở trần thế này: những gì còn lại mãi mãi. Theo tôi, đây là thử thách của cuộc đời. Vì ngày nay chúng ta đang sống trong một xã hội vô cùng giàu có và con người cảm thấy khó quản lý của cải mà không gắn bó với nó. Nhưng cách duy nhất để tiến tới sự sống vĩnh cửu là ngày hôm nay chết với những gì phải chết, để hôm nay sống với những gì phải sống mãi mãi. Một di chúc thiêng liêng đích thực theo tinh thần kitô giáo luôn theo thứ trật của một đời sống đích thực trong tinh thần khó nghèo, tinh thần bác ái. 

Di chúc thiêng liêng nào đặc biệt làm cha xúc động?

Khi còn là chủng sinh trẻ, tôi chịu ảnh hưởng rất lớn của Dòng Cát Minh, tôi đọc đi đọc lại tự truyện của Thánh Têrêxa Avila. Tôi khó hiểu những gì ngài nói và ngài trải qua. Nhưng qua nhiều năm, tôi nhận ra ngài giống như đầu máy xe lửa kéo tôi đi và cho tôi thấy điều tôi có thể trải nghiệm: sự thánh thiện.

Đó là chức năng của di chúc thiêng liêng: đưa ra những gì liên quan đến sự thánh thiện của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. Người viết di chúc cho người khác thấy thành quả của việc đi tìm sự thật và Chúa trong cuộc đời họ, hiểu và trải nghiệm khôn ngoan họ nhận được từ đó.

“Cái chết của tôi tùy thuộc vào cách tôi sống hôm nay”

Xin cha cho biết một di chúc thiêng liêng nào là di chúc mẫu?

Tin Mừng! Chính Chúa Giêsu trên thập giá đã nói: “Thế là đã hoàn tất,” một dâng hiến triệt để. Tin Mừng truyền cảm hứng cho mọi di chúc thiêng liêng đích thực theo tinh thần kitô giáo, nói lên bối cảnh của một đời sống cụ thể. Di chúc thiêng liêng là một hành vi truyền thống, là một phần của mặc khải về Thiên Chúa trong suốt lịch sử Giáo hội. Nó nói lên điều gì đó về cách Chúa nói với tâm hồn con người và làm cho con người lớn lên.

Chuẩn bị cho cái chết để lên thiên đàng (Préparer sa mort pour aller au paradis, nxb. Salvator, 2023)

la-croix.com, Christel Juquois, 2023-11-04

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxico.vn

bài liên quan mới nhất

Thứ Tư tuần V Mùa Phục Sinh: “Thầy là cây nho, anh em là cành”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng