Lễ đêm và rạng đông: Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ

Tin Mừng (Lc 2, 1-14. 15-20)

1Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. 2Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri. 3Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. 4Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. 5Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. 6Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. 7Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

8Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. 9Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. 10Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: 11Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. 12Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. 13Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:

14“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

15Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết”. 16Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. 17Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. 18Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. 19Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. 20Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

*******

Trình thuật Tin Mừng theo thánh Luca, được công bố trong Thánh Lễ Ban Đêm và Thánh Lễ Rạng Đông Giáng Sinh, mời gọi chúng ta hướng đôi mắt và tâm hồn về “Một Trẻ Sơ Sinh bọc tã nằm trong máng cỏ”:

Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con,
rồi đặt nằm trong máng cỏ
” (c.7)

Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã,
nằm trong máng cỏ
” (c.12)

Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse,
cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”(c.16)

Ba lần Dấu Chỉ “Hài Nhi bọc tã nằm trong máng cỏ” được nhấn mạnh, đánh dấu ba phần rất rõ rệt của trình thuật kể về mầu nhiệm Giáng Sinh:

– Mầu nhiệm Giáng Sinh và “Một Trẻ Sơ Sinh” (c.1-7)

– Mầu nhiệm Giáng Sinh và cuộc kiểm tra dân số (c.8-14)

– Mầu nhiệm Giáng Sinh và “Tin Mừng Trọng Đại” (c.15-20)

1. Mầu nhiệm Giáng Sinh và “Một Trẻ Sơ Sinh”

Vì thế, trong Đêm Canh Thức Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi dành nhiều thời gian để chiêm ngắm hình ảnh: “Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” như thánh sử Luca kể lại cho chúng ta, để với ơn Chúa, chúng ta cảm nếm được sự âm thầm, khiêm tốn và hiền lành của chính Thiên Chúa, ngược hẳn với những gì loài người chúng ta tưởng tượng và chờ mong đối với biến cố Emmanuen, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Âm thầm, khiêm tốn và hiền lành, nhưng đó lại là sức mạnh, khôn ngoan và khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, có khả năng chiến thắng sự ồn ào (để kết án), ngạo mạn và bạo lực của Sự Dữ, như lời Thánh Vịnh loan báo (Tv 8, 3):

Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.

Thật vậy, ngay trước khi Ngài đi vào cuộc Thương Khó, Đức Giê-su sẽ trích dẫn lời Thánh Vịnh này và làm cho lời này được hoàn tất nơi thân thể của Người trên Thập Giá:

Nhưng còn lời này, các ông chưa bao giờ đọc sao:
Ta sẽ cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen? 
(Mt 21, 16)

Như thế, Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở nên như em bé và sẽ sống như em bé đến cùng, trước khi mời gọi các môn đệ và chúng ta hôm nay trở nên như em bé (x.Mc 10, 13-16; Mt 18, 3 và 10, 13-15; Lc 18, 15-17).

Xin cho chúng ta đừng bị mê hoặc và sống theo vẻ bề ngoài, để có thể nhận ra sự hiện diện âm thầm, khiêm tốn và hiền lành của Ngôi Lời Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại, trong thế giới chúng ta đang sống và trong cuộc đời chúng ta, và để sống căn tính đích thật và cũng là ơn gọi của chúng ta, là trở nên “em bé”, trong tương quan với bản thân, với Chúa và với nhau.

2. “Mầu nhiệm Giáng Sinh” và cuộc kiểm tra dân số

Biến cố “Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” là hệ quả của một sự kiện lịch sử có tầm mức toàn thiên hạ và của một của chuỗi những diễn biến xẩy sau đó, như trình thuật Tin Mừng kể lại:

– Hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ truyền kiểm tra dân số trong khắp thiên hạ.

– Thánh Giuse, thuộc dòng tộc Đavít, cùng với Đức Maria, phải về nguyên quán.

– Đức Maria đang có thai và đã đến lúc sinh con.

– Và hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta nhận ra rằng, cách Thiên Chúa đến với thế giới loài người của chúng ta hoàn toàn không có gì là ngoại thường, và nếu có, thì hoàn toàn ẩn dấu, như biến cố sinh ra của Thánh Gioan Tiền Hô, các biến cố truyền tin cho Đức Maria và cho Thánh Giuse, cách loan báo Tin Mừng Trọng Đại cho các mục đồng; và cả trong cách thánh sử kể lại mầu nhiệm Giáng Sinh nữa, hoàn toàn không có gì “lạ lùng” xảy ra, nếu xét mầu nhiệm một các riêng biệt. Như thế, Thiên Chúa hoàn toàn khuôn theo dòng chảy của lịch sử và hơn nữa theo ý muốn và hành động của con người. Và đó cũng đã và sẽ là cách Người đi đến, hiện diện và dẫn dắt lịch sử cứu độ và lịch sử loài người, thế giới và cuộc đời của mỗi người chúng ta.

Hơn nữa, Người hoàn toàn đón nhận “chỗ” mà loài người chúng ta dành cho Người, “vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”. Và trong hành trình Nhập Thể và mặc lấy thân phận Con Người, Người cũng sẽ đón nhận trong âm thầm, khiêm tốn và hiền lành, chỗ mà con người dành cho Người trên Thập Giá ở Đồi Sọ. Nhưng Người lại dùng vị trí, thậm chí điều dữ con người dành cho Người, để bày tỏ Dung Nhan rạng ngời, là “tình yêu đến cùng” của Người, cho loài người chúng ta (x.St 50, 20).

Thiên Chúa đến với loài người chúng ta như một em bé trong mầu nhiệm Giáng Sinh và cũng sẽ ra đi như một “em bé”, ngang qua Thập Giá, nhưng đó lại là cách tuyệt vời nhất và cũng nhiệm mầu nhất Thiên Chúa bày tỏ sức mạnh và khôn ngoan thần linh của Ngài (x.1Cr 1, 24). Phải chăng, đó cũng là như thế đối với những giới hạn, yếu đuối và tội lỗi, dù là tội gì đi nữa, của chúng ta? Xin Chúa ban cho chúng ta sự bình an thẳm sâu, khi nhìn ngắm Người là “Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” trong mầu nhiệm Giáng Sinh.

3. Mầu nhiệm Giáng Sinh và “Tin Mừng Trọng Đại”

“Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”, nhưng lại được loan báo như “Tin Mừng Trọng Đại”, được công bố là Đấng Cứu Độ, là Đấng Kitô Đức Chúa:

Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa.

(c.10-11)

“Tin Mừng Trọng Đại” đã được sứ thần loan báo cho Đức Maria: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 31-33); và cho Thánh Giuse: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 20-21)

Tuy nhiên, lời mặc khải của Thiên Chúa thuộc về ý nghĩa của biến cố, chứ không thay đổi biến cố, bởi lẽ sứ thần mời gọi người nghe đi tìm cùng một biến cố như đã diễn ra trong lịch sử: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (c.12). Và trong trình thuật Tin Mừng, ý nghĩa thần linh này được minh họa bởi sự xuất hiện của sứ thần với vinh quang Thiên Chúa và nhất là bởi khung cảnh và âm thanh thần linh thật bừng sáng, bởi vì muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.

Điều này làm chúng ta nhớ đến những trang hoàng với lòng mến của chúng ta khắp nơi và nhất là chung quanh hang đá thô sơ : ánh nến và ánh đèn đủ màu đủ kiểu, ngôi sao các loại, thiên thần bay lượn, âm nhạc réo rắt…Ước gì những trang hoàng bừng sáng này chính là để diễn tả lòng tin của chúng ta nơi sự hiển hiện thần linh của Thiên Chúa khởi đi từ những gì âm thầm nhất, khiêm tốn nhất và hiền lành nhất.

*  *  *

Tin Mừng trọng đại, nhưng lại được loan báo cho những người bé nhỏ, “những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật”; ở đây, một cách rất cụ thể, đó là những người Chúa thương. Điều này làm chúng ta nhớ tới biến cố sứ thần truyền tin cho Đức Maria, “Nữ Tì Hèn Mọn” của Đức Chúa. Bởi lẽ, ai có thể đón nhận một lời loan báo lớn lao như thế khởi đi từ dấu chỉ “Em Bé sơ sinh nằm trong máng cỏ”, nếu không phải là những người “giống” như Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể nhất, nghĩa là cũng âm thầm, khiêm tốn và hiền lành? Và quả thực, Thiên Chúa đã không lầm, bởi vì những người chăn chiên đã mở lòng ra cách vô điều kiện để lắng nghe sứ điệp, lên đường, tín thác và ca tụng Thiên Chúa. Vậy, trong Đêm Giáng Sinh, chúng ta có ước ao và sẵn lòng trở nên “những người chăn chiên không”?

*  *  *

“Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”, nhưng Ngài không thể tự mình sinh ra và cũng không thể ở và sống một mình. Chung quanh ngài, có hơi ấm yêu thương của mẹ hiền và có sự hiện diện âm thầm nhưng quảng đại của người cha, ngang qua lời “xin vâng”, được sống mỗi ngày và suốt đời của các ngài. Vì thế, các hang đá của chúng ta nên có sự hiện diện đầy đủ của cả bố và mẹ Hài Nhi. Và khi nhìn ngắm Chúa Hài Đồng, chúng ta đừng quên cảm phục Đức Maria và Thánh Giuse đã đón nhận hài nhi Giêsu vào mái ấm của mình, và qua mái ấm của mình, đón nhận Ngài vào dân tộc của mình và vào gia đình nhân loại. Các ngài đã đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể một cách vô điều kiện, đón nhận mà không lường hết được con đường dài đầy thử thách ở phía trước, và đón nhận cả khi không hiểu được hết mọi sự, như bài Tin Mừng kể lại:

Nghe các người chăn chiên thuật chuyện,
ai cũng ngạc nhiên.
Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy,
và suy đi nghĩ lại trong lòng 
(c.18-19).

Ngôi Lời Thiên Chúa vẫn tiếp tục “nhập thể” hôm nay và Ngài cần đến chúng ta biết bao, những “Giuse và Maria” khác, sẵn sàng thưa “xin vâng” với tâm tình tạ ơn và ca tụng, khởi đi kinh nghiệm sâu đậm về Tình Yêu nhưng không mình nhận được, hi sinh cả một đời cho Ngôi Lời sinh ra, hiện diện và lớn lên trong lòng và trong cuộc đời mình, ở giữa mọi người và trong thế giới hôm nay. Đó chính là

NIỀM VUI TIN MỪMG
được lan tỏa từ
LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA

*  *  *

Lời nguyện

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã cho chúng con giờ cầu nguyện canh thức Giáng Sinh, trong bầu khí rất đặc biệt này, nhất là đã cho chúng con/ được chiêm ngắm “MỘT TRẺ SƠ SINH bọc tã, nằm trong máng cỏ”/ trong bầu khí đêm tối, lạnh lẽo và thinh lặng.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên hình ảnh Ngôi Lời Thiên Chúa, được sinh ra như “MỘT TRẺ SƠ SINH bọc tã, nằm trong máng cỏ”, giống như chúng con đã ghi nhớ Thập Giá của Người/ trong tâm trí và trong cuộc sống của chúng con.

Lạy Chúa, cách đặc biệt, xin cho chúng con đừng bị mê hoặc và sống theo vẻ bề ngoài, để có thể nhận ra sự hiện diện nhỏ bé, khiêm tốn và hiền lành của Ngôi Lời Thiên Chúa/ trong lịch sử nhân loại, trong thế giới chúng con đang sống và trong cuộc đời của chúng con, và để chúng con sống căn tính đích thật/ và cũng là ơn gọi của chúng con, đó là trở nên “em bé”, trong tương quan với bản thân, với Chúa và với nhau, theo khuôn mẫu của Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể.

Người là Đấng hằng sống và hiển trị đến muôn thủa muôn đời. Amen.

*  *  *

Sứ điệp của Mầu Nhiệm Chúa Giáng Sinh là:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế, cho loài người Chúa thương”(Lc 2, 14).

Xin cho chúng ta nhận ra và xác tín mình là “những người được Chúa thương” và ban BÌNH AN. Bình an không chỉ trong Đêm hay trong Mùa Giáng Sinh, nhưng là mọi ngày và suốt đời chúng ta.

Bởi vì CHÚA THƯƠNG và THƯƠNG XÓT, nên chúng ta được bình an với chính bản thân nhỏ bé, mòng dòn và tội lỗi của chúng ta.

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng