Không có Chầu Thánh Thể thì không có Rao giảng Tin mừng

Các sinh viên tại giáo xứ Công giáo Thánh Gioan XXIII kiệu mình Thánh Chúa qua khuôn viên của Đại học Bang Colorado (ảnh: Rachel Moore/Unsplash)

KHÔNG CÓ CHẦU THÁNH THỂ THÌ KHÔNG CÓ RAO GIẢNG TIN MỪNG

Tác giả: Ban biên tập National Catholic Register

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta về một yếu tố nền tảng, không thể thay thế, thường bị bỏ qua - hoặc thậm chí bị chế giễu - trong việc thực hiện Lệnh truyền lớn lao: cần phải cầu nguyện và đặc biệt là chầu Thánh Thể.

Thế giới đang rất cần Tin Mừng. Và tính cấp bách của nhu cầu này - được làm rõ nét qua thực tế lòng đạo đức ngày càng sút giảm và sự suy sụp tinh thần, thờ ơ và tức giận ngày càng gia tăng – gây sôi động bất cứ cuộc tranh luận như phát sốt nào về cách phúc âm hóa văn hóa. Chúng ta nên sử dụng những phương pháp nào? Chúng ta nên tác động vào những khía cạnh nào? Và mục tiêu chúng ta đang tìm kiếm là gì?

Nhưng trong tuần này tại Bồ Đào Nha, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta về một yếu tố nền tảng, không thể thay thế được, thường bị bỏ qua - hoặc thậm chí bị chế giễu - trong cuộc thảo luận của chúng ta về rao giảng tin mừng: cần phải cầu nguyện và đặc biệt là Chầu Thánh Thể.

Những bình luận của Đức Thánh Cha được đưa ra trong một bài giảng dành cho các giáo sĩ, tu sĩ và nhân viên mục vụ tại Bồ Đào Nha trong khuôn khổ chuyến viếng thăm Ngày Giới trẻ Thế giới của ngài. Khuyến khích những người quy tụ vượt qua những thất vọng trong sứ vụ và trung thành tuân theo mệnh lệnh của Chúa Kitô là thả lưới xuống biển, Đức Thánh Cha thừa nhận rằng để làm được điều này cần đến nhiều thứ khác hơn là lời nói - “cần cầu nguyện rất nhiều”.

Khời đi từ những nhận xét đã được chuẩn bị sẵn, Đức Thánh Cha đặt một câu hỏi cho những người tụ họp: Tôi cầu nguyện như thế nào?

“Liệu tôi có giống như một con vẹt, ba hoa nói nhiều thứ vô nghĩa, hoặc chợp mắt lim dim ngủ trước nhà tạm bởi vì tôi không biết nói chuyện với Chúa như thế nào?” Đức Giáo Hoàng hỏi một cách hình tượng.

Đức Thánh Cha tiếp tục, “Chỉ trong sự tôn sùng Thánh Thể, chỉ trước mặt Chúa, hương vị và sự say mê truyền giáo mới có thể được phục hồi”. Nhưng thật kỳ lạ, “chúng ta đã đánh mất việc cầu nguyện tôn thờ trước Thánh Thể”. Phục hồi thói quen thinh lặng trước mặt Chúa - điều rất quan trọng trong cuộc đời của các vị thánh vĩ đại như Mẹ Têrêsa Calcutta và Têrêsa thành Lisieux, ngay cả trong những thời điểm suy sụp tinh thần - là một yêu cầu đối với tất cả người Công giáo, đặc biệt là những người hết lòng chia sẻ Tin Mừng.

Dĩ nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh cách rõ ràng về mối liên hệ giữa việc rao giảng Tin mừng và chầu Thánh Thể.

Trong cuộc gặp gỡ với những người tổ chức Đại hội Thánh Thể Quốc gia tại Hoa Kỳ vào tháng 6 vừa qua, Đức Thánh Cha lấy làm tiếc rằng đối với quá nhiều người Công giáo ngày nay, Bí tích Thánh Thể “là một biểu tượng hơn là thực tại về sự hiện diện và tình yêu của Chúa”. Đáp lại, Đức Thánh Cha nói, chúng ta phải “tái khám phá cảm thức tôn thờ trong thinh lặng,” chính vì trong Bí tích Thánh Thể, “chúng ta gặp gỡ Đấng đã ban mọi sự cho chúng ta” và đến lượt mình, chúng ta trở nên có khả năng chia sẻ tình yêu đó với người khác.

“Bạn đi đến buổi cử hành Thánh lễ, rước lễ, chầu Thánh Thể và sau đó bạn làm gì?” Đức Phanxicô nói. “Bạn hãy ra đi và rao giảng Tin Mừng”.

Chúng ta không thể cho cái mà chúng ta không có. Và truyền giáo - trái ngược với việc lôi kéo người khác theo đạo, theo như cách Đức Giáo hoàng mô tả, vốn bao hàm sự thao túng và ép buộc - là hành động chia sẻ sự sống của Chúa Kitô trong chúng ta với những người chúng ta gặp gỡ. Đó chủ yếu không phải là công việc của chúng ta, mà là công việc của Thiên Chúa, mà Ngài mời gọi chúng ta tham gia.

Đây là một lời nhắc nhở tốt lành cho những người Công giáo ngày nay thường hay chỉ trích việc chầu Thánh Thể bằng cách lập luận rằng nên bỏ chầu Thánh Thể vì về cơ bản đó là một sự sùng kính “thụ động” quên mất hành động và sự dấn thân vào thế giới bên ngoài. Nhưng kiểu phê bình này đã bỏ qua mối liên hệ cơ bản giữa việc chầu Thánh Thể và rao giảng Tin mừng được Đức Giáo hoàng Phanxicô nêu rõ và sa vào điều mà Dom Jean-Baptiste Chautard đã mô tả một cách rất đúng là “lạc thuyết duy hoạt động”. 

Theo quan điểm đó thì cầu nguyện, cùng lắm, cũng chỉ là một công cụ để hỗ trợ cho các chiến công theo chủ trương náo động của chúng ta, chứ không phải là nền tảng của toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Và tệ nhất thì việc chầu Thánh Thể và cầu nguyện bị coi là trở ngại cho hành động. Kết quả là, ngay cả những hoạt động tông đồ thánh thiện và cao quý nhất cũng có thể trở nên hư hỏng, bị cắt đứt ra khỏi Thiên Chúa hằng sống, Đấng duy nhất có thể làm cho những hoạt động tông đồ đó sinh hoa kết quả.

Điều này đúng với việc rao giảng Tin mừng. Chúng ta chỉ có thể là những chứng nhân đáng tin cậy của Tin Mừng nếu chúng ta đã đón nhận và được thúc đẩy bởi cùng một tình yêu mà chúng ta cố gắng chia sẻ với người khác. Và chúng ta chỉ có thể đón nhận tình yêu hân hoan này bằng cách đến trước Chúa Giêsu Thánh Thể trong thinh lặng cầu nguyện và thờ lạy.

Tại Bồ Đào Nha, Đức Giáo Hoàng đã bỏ qua diễn văn soạn trước và ứng khẩu làm rõ mối liên hệ này. Chúng ta hãy cầu xin cho tất cả chúng ta đều hiểu được thông điệp của Đức Giáo Hoàng và đưa thông điệp đó vào hành động.

Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: ncregister.com

Nguồn: hdgmvietnam.com

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/4: Thánh Phêrô Channe – Linh mục, tử đạo (1803-1841)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng