Julie Saint Bris: “Sống để làm gì?”

“Hoàn thiện, có nghĩa là trở nên nhân bản hơn, có khả năng yêu thương hơn,” bà Julie Saint Bris trả lời cho một người trẻ thắc mắc về ý nghĩa cuộc sống trong thời kỳ chiến tranh và biến động khí hậu.

Một hôm có một bạn trẻ nói với tôi: “Thành thật mà nói, lúc này, giữa chiến tranh và hiện tượng nóng lên toàn cầu, tôi tự hỏi sống để làm gì?” Kể từ đó, tôi tự hỏi mình có thể nói gì với bạn trẻ này…

Có lẽ tôi muốn nói với anh: mục đích là gì, tôi không biết. Nhưng điều nói với tôi là theo truyền thống Kabbale của người do thái, Chúa rút lui hoặc chựng lại để thế giới tồn tại, để Con người tồn tại. Tóm tắt, Ngài tạo ra con người, Ngài ban cho con người sự sống bằng hơi thở, nhưng Ngài tạo ra con người chưa trọn vẹn. Và Ngài rút lui để con người tự do lựa chọn con đường của mình, bất cứ lúc nào trong cuộc sống.

Trong tiếng do thái, không có thì quá khứ chưa hoàn thành (imparfait) và thì tiền tương lai (futur antérieur). Chỉ có hai thì, chưa thành tựu và thành tựu. Nó đẹp đẽ, không phức tạp, và thực sự có ý nghĩa như vậy: tất cả chúng ta sinh ra đều chưa thành tựu, chưa hoàn thiện và do đó cần được chuyển hóa. Từ đó, theo tôi, thành tựu có nghĩa là cố gắng trở nên nhân bản hơn, có khả năng yêu thương hơn.

Bản chất của chúng ta về cơ bản là thiếu kiên nhẫn

Vậy làm thế nào điều này có thể xảy ra trong thực tế? Chúng ta sinh ra với bản năng, động lực sống nhưng cũng với động lực chết, cảm giác yêu thương nhưng cũng có cảm giác hận thù. Chúng ta liên tục đấu tranh trong sự căng thẳng giữa những mặt đối lập này, và đó chính là nơi mà tự do của chúng ta ở đó. Chúng ta nghe rất nhiều về trí thông minh và ý chí, nhưng tự do của chúng ta bị cản trở nghiêm trọng vì bản chất thiếu kiên nhẫn, vì nhu cầu bẩm sinh là muốn mọi thứ và muốn có ngay lập tức, vì mong muốn biết mọi thứ và làm chủ mọi thứ.

Đó là những gì câu chuyện thần thoại nổi tiếng mô tả về ông Adong và bà Êvà cũng như cặp anh em bi thảm Cain và Abel. Những câu chuyện này cho chúng ta hiểu sự khó khăn gần như “di truyền” trong việc quản lý những xung năng của chúng ta, chấp nhận giới hạn, để dành thời gian, để cuộc sống có một phần chưa biết và bí ẩn của nó. Về khó khăn của chúng ta trong việc chấp nhận bí ẩn của người khác. Người khác, chúng ta muốn họ giống mình, suy nghĩ giống mình, có cùng đức tin với mình…và nếu những việc này không chạy, chúng ta sẽ giết họ, bằng cách này hay cách khác.

Hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc yêu và để bản thân được yêu 

Khi chúng ta trẻ, mọi thứ đều rộng mở, chúng ta nghĩ chúng ta có thể định hướng đời mình và những lựa chọn chúng ta đưa ra đều là những lựa chọn chín chắn. Nhưng khi chúng ta già đi, chúng ta nhận ra chúng ta thường bị lắc lư theo sức mạnh vô thức dẫn dắt những ham muốn, những gặp gỡ và những quyết định của chúng ta. Ngoài ra, tất cả chúng ta đều thừa hưởng những tổn thương, những chuyện trái khoáy của tổ tiên và đến lượt chúng ta, chúng ta truyền lại những tổn thương này nếu chúng ta ít ý thức về chúng.

Có thể cuộc sống chúng ta trên trái đất này giúp chúng ta dần dần chuyển từ trạng thái vô thức ban đầu sang nhận thức được sức thổi thiêng liêng đã ở trong chúng ta, dần dần biến đổi tất cả những trở ngại này, nếu chúng ta sẵn lòng… Trên đường đi, có rất nhiều cạm bẫy: sự phản kháng của chúng ta, niềm tin sai lầm của chúng ta, sự lý tưởng hóa của chúng ta. Biết bao thử thách, đau khổ, than khóc, những đoạn đường để biến hóa chúng. Nhưng mục đích sống là gì? Vượt qua tất cả những điều bất ngờ này, những thử thách này và tất cả những niềm vui này, trong một thế giới dường như đang hướng tới sự hủy diệt của nó, có lẽ là để có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc yêu và để mình được yêu chăng?

la-croix.com, Julie Saint Bris, nhà phân tâm học, 2023-11-10

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxico.vn

bài liên quan mới nhất

Thứ Tư tuần V Mùa Phục Sinh: “Thầy là cây nho, anh em là cành”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng