Hai Tác giả dạy chúng ta cách để gắn bó mật thiết với Thiên Chúa


PopTika | Shutterstock

Hơn ai hết, chính hai tác giả của thế kỷ XVII đã chỉ cho tôi cách sống mối tương quan mật thiết quan trọng nhất - mối tương quan của tôi với Thiên Chúa.

“Chiến đấu với sự cô đơn. Chọn lựa cái đẹp. Toát lên lòng biết ơn”.

Ở môi trường đại học, tôi nhận được một nhiệm vụ thú vị vào năm cuối cấp. Tôi phải tự tạo cho mình một phương châm sống. Mục tiêu là tập hợp một bộ nguyên tắc hướng dẫn để tóm kết về con người mà bạn muốn trở thành. Khi chọn lựa phương châm cho mình, tôi nghĩ về khoảng thời gian học tập và cảm thấy nỗi cô đơn xung quanh mình ở môi trường đại học - trong nhiều năm, tôi nhận ra rằng mọi người đều khao khát (và thiếu đi) sự nối kết giữa con người với nhau.

Do đó, dòng đầu tiên trong phương châm của tôi trở thành: “Chiến đấu với sự cô đơn”. Tôi muốn tích cực tương tác với những người khác để đánh bại sự cô lập ở bất cứ nơi nào có thể trong suốt phần còn lại của tương lai.

Tăng cường mối tương quan giữa con người với nhau là điều quan trọng. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều được tạo ra cho một mối tương quan đặc thù hơn tất cả những mối tương quan khác. Chính mối tương quan đặc thù đó sẽ mang lại sự gắn bó mật thiết nhất, liều thuốc giải độc lâu dài nhất cho sự cô đơn và là mối tương quan sẽ không tàn phai cho dù chúng ta có phạm sai lầm đến mức nào.

Hai người thầy quan trọng

Hơn ai hết, chính hai con người chọn đời khiết tịnh từ thế kỷ XVII đã dạy tôi cách sống mối tương quan mật thiết và quan trọng nhất này - mối tương quan của tôi với Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Chuộc của tôi.

Hai người đó là Sư huynh Laurensô Phục Sinh và Thánh Anphonsô Liguori. Mỗi vị đều đã viết một cuốn sách rất ngắn, dễ đọc mà tôi rất khuyến khích. Đó là The Practice of the Presence of God (Thực hành Sự hiện diện của Thiên Chúa) và How to Converse Continually and Familiarly With God (Cách Chuyện trò Liên tục và Thân mật với Thiên Chúa).

Chủ đề của cả hai cuốn sách đều giống như việc “bắt mọi tư tưởng làm nô lệ cho Đức Kitô” (như Thánh Phaolô đã nói đến trong 2Cr 10, 5) bằng cách không ngừng trao phó ngày sống của bạn cho Người. Điều này có nghĩa là mọi khoảnh khắc trần tục, xấu xí, phi thường và tươi đẹp trong cuộc đời bạn đều có thể được sử dụng để phát triển mối tương quan với Thiên Chúa.

Cách thức của Thánh Anphongsô

Thánh Anphongsô đưa ra nhiều bước thực tế để quy hướng mọi khoảnh khắc về với Thiên Chúa. Đây là ba bước: Trước hết, hãy ý thức mọi thứ xung quanh bạn chính là ơn ban từ Người. Khi bạn nhận thấy vẻ đẹp của hoàng hôn, hay một bông tuyết trên cửa sổ, hay một cái cây nhỏ đang len lỏi qua những vết nứt trên vỉa hè, hãy ngay lập tức tạ ơn Thiên Chúa vì sự sáng tạo của Người. Điều này mở rộng ra đến tất cả những điều tốt đẹp xảy ra trong một ngày.

Thứ hai, hãy cầu xin ơn trợ lực ngay khi bạn gặp khó khăn trong ngày. Bạn có nhớ khi Phêrô bắt đầu bước xuống mặt nước để tiến về phía Chúa Giêsu thì bắt đầu lo lắng và bối rối hay không? Ngài đã kêu cầu Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin cứu giúp con!” Chúa Giêsu lập tức đưa tay ra (x.Mt 14, 30-31). Đơn giản chỉ cần thốt lên trong tâm trí câu “Lạy Chúa, xin giúp đỡ!” là đủ.

Cách thứ ba để sống sự thân mật này với Thiên Chúa là đắm mình trong Lời Chúa và ân sủng của Người. Phần lớn cuốn sách của Thánh Anphongsô là những trích dẫn trực tiếp hoặc ám chỉ đến Kinh Thánh, điều này chỉ ra một thực tế rằng bạn càng biết nhiều về Lời Chúa thì Lời Chúa càng dễ dàng xuất hiện trong tâm trí bạn ở mọi tình huống. Một cách dễ dàng để thử là đọc qua các Thánh Vịnh hoặc Phúc Âm cách chầm chậm trong vài phút mỗi ngày. Thánh lễ cũng là nơi tiếp xúc tuyệt vời với Lời Chúa.

Cách thức của Sư huynh Lawrensô

Sư huynh Lawrensô, trong cuốn sách của mình, đã đưa ra một cách thậm chí còn trực tiếp và dễ dàng tiếp cận hơn để phát triển sự gắn bó với Thiên Chúa. Trong mọi việc bạn làm, từ rửa chén bát, dắt thú cưng đi dạo, cho đến làm vườn, bạn đều có thể hình thành thói quen dâng hiến từng khoảnh khắc cho Thiên Chúa. Sư huynh Lawrensô không thích cảnh bếp núc - vị tu sĩ này thà có một công việc khác trong cộng đoàn dòng tu của mình còn hơn. Tuy nhiên, vì thực hành sự hiện diện của Thiên Chúa, Sư huynh Lawrensô đã đón nhận cảnh bếp núc và thậm chí còn yêu thích việc rửa chén bát.

Hãy đào sâu hơn về mẫu gương nơi nhà bếp của Sư huynh Lawrensô. Khi bạn bước vào bồn rửa chén bát sau bữa ăn, hãy dâng khoảnh khắc đó lên cho Thiên Chúa. Điều đó chỉ đơn giản là cầu nguyện âm thầm rằng: “Đây Chúa Giêsu, đống chén bát này là vì Ngài”.

Hoặc khi thức dậy và đánh răng, bạn có thể thì thầm rằng: “Con yêu mến Ngài, cảm ơn vì ngày hôm nay. Hơi thở ngày mới này là vì Ngài”. Tất nhiên, hãy sử dụng ngôn từ của chính bạn, nhưng bí quyết của Sư huynh Lawrensô là nhận ra rằng tại mọi thời điểm bạn đều ở trước sự hiện diện của Thiên Chúa, và sau đó đón nhận thực tế này với Người thường xuyên nhất có thể.

Nuôi dưỡng sự gắn bó

Cái nhìn sâu sắc của mỗi vị thánh có tác dụng với người khác. Bạn càng tạ ơn Thiên Chúa vì vẻ đẹp mà bạn nhìn thấy, càng cầu xin Người giúp đỡ trong những lúc khó khăn và càng đong đầy Lời của Người vào mình, thì bạn càng có thể nhận ra sự hiện diện của Người trong mọi khoảnh khắc - và ngược lại. Và bằng cách đó, từ trong sâu thẳm tâm hồn, chúng ta có thể nuôi dưỡng sự gắn bó quan trọng nhất khiến cuộc đời trở nên đáng sống.

Cecilia Pigg
Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên, chuyển ngữ từ Aleteia

Nguồn: giaophanvinhlong.net

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 29/4: Thánh Giuse Nguyễn Duy Tuân. Linh mục, tử đạo (1811 - 1861)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng