Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI - Bài 14: Thánh Vịnh 23

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI

BÀI 14: THÁNH VỊNH 23

Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 14.09.2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp tục trình bày loạt bài giáo lý về cầu nguyện với bài thứ 13: Thánh Vịnh 23. Theo Đức Thánh Cha, hình ảnh phong phú và sâu sắc của Thánh vịnh này đã đồng hành với toàn thể lịch sử và kinh nghiệm tôn giáo của Dân Israel, cũng như đang đồng hành với tất cả mọi Kitô hữu.

ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Thánh Phêrô

Thứ Tư, 05 tháng 10 năm 2011

Anh chị em thân mến,

Hướng tới Chúa trong việc cầu nguyện thúc đẩy một hành động tín thác tuyệt đối, trong sự nhận thức rằng, chúng ta phó thác cho một Thiên Chúa, Đấng “nhân hậu và từ bi, chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín” (Xh 34,6-7; Tv 86,15; x.Ge 2,13; St 4,2; Tv 103,8; 145,8; Nk 9,17). Đó là lý do tại sao tôi muốn suy niệm về một Thánh vịnh tràn đầy sự tín thác, nơi đó Vịnh gia đã diễn tả niềm xác tín rõ ràng rằng ông được hướng dẫn và được bảo vệ, được an toàn khỏi bất cứ hiểm nguy nào, bởi vì Chúa là Mục Tử của ông. Thánh vịnh 23 chính là một bản văn được tất cả mọi người đều quen thuộc và yêu thích.

“Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì”: như thế lời cầu nguyện mở đầu tuyệt vời này gợi lại môi trường chăn chiên du mục và kinh nghiệm hiểu biết giữa người chăn chiên và những con chiên làm thành đoàn chiên bé nhỏ của ông. Hình ảnh này gợi lại một bầu không khí tin tưởng, thân mật, dịu dàng: người chăn chiên biết từng con chiên của mình, gọi tên từng con và chúng theo ông vì chúng nhận ra và tin tưởng vào ông (x.Ga 10, 2-4).

Ông chăn dắt đoàn chiên, ông canh giữ chúng như những báu vật, sẵn sàng bảo vệ chúng, đảm bảo hạnh phúc cho đoàn chiên, để cho chiên được sống một đời sống bình an. Đoàn chiên chẳng thiếu thốn gì khi người mục tử còn đang ở với chúng. Vịnh gia đã nhắc đến kinh nghiệm này khi gọi Chúa là mục tử của mình, và để cho Chúa hướng dẫn mình đến đồng cỏ an toàn: “Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành / và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính / vì danh dự của Người” (Tv 23, 2-3).

Viễn tượng trước mắt chúng ta là những đồng cỏ xanh tươi và những dòng nước trong lành, những ốc đảo bình an bình mà người mục tử chăn dắt đoàn chiên, tượng trưng cho những nơi có sự sống mà Chúa dẫn đưa, Vịnh gia cảm thấy mình như một con chiên nằm nghỉ trên đồng cỏ bên dòng suối, đang được nghỉ ngơi hơn là một tình trạng báo động, tràn đầy bình an và tín thác, bởi vì nơi đó là một nơi an toàn, dòng nước mát trong, và người mục tử đang canh giữ chiên mình.

Cũng đừng quên ở đây rằng cảnh mà Vịnh gia gợi lại được đặt vào một vùng đất phần lớn là sa mạc, bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt, nơi vùng Trung Đông, người chăn chiên bán du mục (semi-nomad) sống với đoàn chiên của mình trong những đồng bằng khô cháy trải dài quanh các làng mạc. Nhưng người mục tử biết chỗ mà tìm cỏ tươi và nước mát trong, những điều thiết yếu cho cuộc sống; ông có thể dẫn đưa chiên đến những ốc đảo xanh tươi để tâm hồn “được nghỉ ngơi bồi dưỡng”, và ở đó có thể phục hồi sức mạnh và thêm năng lực mới để tiếp bước hành trình.

Như Vịnh gia đã nói, Thiên Chúa dẫn đưa tới “những đồng cỏ xanh tươi” và “vùng nước trong lành”, ở đó tất cả mọi sự đều sung túc, tất cả được ban cho một cách dồi dào. Nếu Chúa là Mục Tử, ngay cả trong sa mạc, một nơi hoang vắng của sự chết, nhưng với niềm xác tín trọn vẹn rằng nơi đó vẫn hiện diện sự sống, đến nỗi ông có thể nói, “tôi chẳng thiếu thốn gì”. Quả thật, người mục tử nuôi trong lòng mình những thiện ích của đoàn chiên; ông điều chỉnh nhịp điệu cùng nhu cầu của mình với nhịp điệu và nhu cầu của những kẻ thuộc về mình, ông đồng hành và sống với chiên, dẫn đưa chiên theo những “đường ngay nẻo chính”, nghĩa là những con đường thích hợp với đoàn chiên, chú ý đến những nhu cầu của chúng chứ không phải những nhu cầu của mình. Sự an toàn của đoàn chiên chính là ưu tiên của người mục tử, và ông tuân theo nguyên tắc này mà hướng dẫn đoàn chiên.

Anh chị em thân mến, chúng ta cũng thế, nếu chúng ta đi theo “Mục Tử Nhân Lành” như tác giả Thánh vịnh, thì những quãng đường xem ra khó khăn, quanh co hay dài thế nào trong cuộc đời chúng ta, thường cũng đưa chúng ta vượt qua những vùng sa mạc thiêng liêng, dù không có nước, dù có một thứ mặt trời duy lý (sun of rationalism) nào đó thiêu đốt đi chăng nữa, nhưng có Đức Kitô, vị Mục Tử Nhân Lành dẫn dắt, chúng ta chắc chắn sẽ luôn đi trên “đường ngay nẻo chính”, Chúa hướng dẫn chúng ta, cũng như luôn ở gần chúng ta, và Chúa sẽ không để chúng ta phải thiếu thốn gì. Đó là lý do tại sao tác giả Thánh vịnh có thể nói về một sự an tĩnh và bảo đảm mà không hề có một chút nghi ngờ hay sợ hãi nào: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u / con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23, 4).

Những ai cùng đi với Chúa, dầu qua lũng âm u của đoạn trường, của tình trạng bấp bênh và của tất cả những vấn đề của con người, cũng vẫn cảm thấy được an toàn. Chúa đang ở cùng con: đó chính là niềm xác tín của chúng ta, là điều nuôi dưỡng chúng ta. Sự tối tăm của đêm đen thật đáng sợ, với những bóng đêm chập chờn của nó, với sự khó khăn mà nó gây ra trong việc nhận ra những nguy hiểm, sự thinh lặng đầy những tiếng động khó hiểu. Nếu đoàn chiên di chuyển sau khi mặt trời lặn, khi không còn nhìn thấy rõ ràng nữa, thường thì những con chiên trở nên hiếu động, dễ bị vấp ngã hoặc đi xa đàn và bị lạc, còn thêm nỗi lo sợ là có thể có những kẻ tấn công rình mò trong bóng tối.

Khi nói về thung lũng “âm u”, Vịnh gia đã sử dụng từ ngữ Dothái gợi lên bóng tối của sự chết, đó là lý do thung lũng phải vượt qua là một nơi đau khổ, đầy những đe dọa kinh hoàng và hiểm nguy của cái chết. Tuy nhiên, con người cầu nguyện đã vượt qua một cách an toàn, không sợ hãi, vì ông biết rằng có Chúa đang ở với mình. “Có Chúa ở cùng” là một tuyên ngôn của một đức tin không hề lay chuyển, và tóm tắt kinh nghiệm của một đức tin trọn vẹn; sự gần gũi của Thiên Chúa biến đổi thực tại, thung lũng âm u không còn nguy hiểm nữa, nó không còn một đe dọa nào cả. Giờ đây đoàn chiên có thể bình an tiến bước, kèm theo âm thanh quen thuộc của chiếc gậy đập trên mặt đất, là dấu hiệu cho biết sự hiện diện trấn an của mục tử.

Hình ảnh đầy an ủi này kết thúc phần thứ nhất của Thánh vịnh, và nhường chỗ cho một cảnh khác. Chúng ta vẫn đang còn trong sa mạc, nơi mà người mục tử sống với đoàn chiên của mình, nhưng giờ đây chúng ta được đưa đến lều của ông, mở ra để đón tiếp khách: “Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa” (Tv 23, 5).

Giờ đây Chúa được trình bày như một Đấng đón tiếp người cầu nguyện bằng những dấu chỉ hiếu khách quảng đại và chu đáo. Vị chủ thần linh chuẩn bị thức ăn trên “bàn”, một thuật ngữ Dothái, theo nghĩa nguyên thủy, là tấm da thú được trải dưới nền đất, và trên đó, người ta để những đĩa thức ăn cho bữa ăn thông thường. Đó là một cử chỉ chia sẻ không những chỉ thức ăn mà còn cả cuộc sống, trong một đề nghị hiệp thông và tình bạn hữu là điều thiết lập những liên hệ và diễn tả tình liên đới. Tiếp theo là món quà hào phóng dầu thơm được xức trên đầu ông, làm giảm bớt sự khô khan gây ra bởi sức thiêu đốt của nắng sa mạc, làm tươi mát và làm dịu làn da cùng làm phấn khởi tinh thần với hương thơm của nó.

Cuối cùng, ly rượu tràn đầy thêm vào đó một dấu hiệu về ngày lễ, với rượu ngon được chia sẻ cách quảng đại. Thức ăn, dầu thơm và rượu quý là những món quà làm cho người ta phấn khởi và vui tươi, bởi vì chúng vượt quá những gì chỉ cần thiết và diễn tả lòng biết ơn cùng sự phong phú của tình yêu. Để mừng lòng nhân lành quan phòng của Chúa, Thánh vịnh 104 đã công bố rằng: “Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc, làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng. Từ ruộng đất, họ kiếm ra cơm bánh, chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người, xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi, nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ” (Tv 104, 14-15).

Tác giả Thánh vịnh đã trở thành đối tượng của quá nhiều sự chú ý; vì thế ông tự coi mình như một khách lãng du tìm được chỗ nghỉ ngơi trong một lều hiếu khách, trong khi quân thù của ông phải ngừng lại và nhìn xem mà không thể làm gì được, vì người mà chúng coi là con mồi đã được đặt ở nơi an toàn, đã trở thành một vị khách được thánh hiến, một người bất khả xâm phạm. Và chúng ta cũng là những Vịnh gia nếu như chúng ta thực sự là những tín hữu được hiệp thông với Đức Kitô. Khi Thiên Chúa mở lều của Người ra để tiếp đón chúng ta, thì không gì có thể làm hại chúng ta được nữa. Rồi đến khi người khách lữ hành ra đi, Thiên Chúa vẫn tiếp tục bảo vệ và đồng hành với ông trên cuộc hành trình của ông: “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa / ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người / những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23, 6).

Sự tốt lành và trung tín của Thiên Chúa là những đội hộ tống đi cùng Vịnh gia khi ông rời khỏi lều và tiếp tục lên đường. Nhưng đây là một cuộc hành trình có một ý nghĩa mới và trở thành một cuộc hành hương lên Đền thờ của Đức Chúa, nơi thánh mà ở đó con người cầu nguyện muốn “cư ngụ” mãi mãi và là nơi mà người ấy cũng muốn “trở về”. Từ Dothái được sử dụng ở đây có một nghĩa là “trở về”, nhưng với một thay đổi nguyên âm nhỏ, nó cũng có thể được hiểu là “cư ngụ” hay “sống”, và nó đã được viết như thế trong các bản văn cổ cũng như trong hầu hết các bản dịch hiện đại. Cả hai nghĩa có thể được duy trì: trở về Đền thờ và cư ngụ ở đó là ước mong của mọi người Dothái, và sống gần Thiên Chúa trong sự gần gũi cùng sự tốt lành của Người là mong ước và nhớ nhung của tất cả các tín hữu: có thể thực sự được sống ở nơi Thiên Chúa ở, gần gũi Thiên Chúa. Việc đi theo Vị Mục Tử dẫn chúng ta về Nhà Thiên Chúa, chính là đích điểm của mỗi cuộc hành trình, là ốc đảo mà người ta mong muốn trong sa mạc, là chiếc lều trú ẩn trong khi chạy trốn kẻ thù, là nơi bình an mà ở đó một người có thể cảm nghiệm được sự tốt lành và tình yêu trung tín của Thiên Chúa, hết ngày này sang ngày khác, trong niềm vui thanh bình vô tận.

Với hình ảnh phong phú và sâu sắc của Thánh vịnh này, đã đồng hành với toàn thể lịch sử và kinh nghiệm tôn giáo của dân Israel, cũng như đang đồng hành với tất cả mọi Kitô hữu. Đặc biệt là hình ảnh của người mục tử, gợi nhớ những ngày khởi đầu của cuộc Xuất Hành, cuộc hành trình dài trong sa mạc, như một đoàn chiên dưới sự hướng dẫn của Vị Mục Tử thần linh (x.Is 63, 11-14; Tv 77, 20-21; 78, 52 -54). Và trong Đất Hứa, chính vua có nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Chúa, như vua Đavít, người mục tử đã được Thiên Chúa tuyển chọn và là hình ảnh của Đấng Mêsia (x.2Sm 5, 1-2; 7, 8; ​​Tv 78, 70-72).

Rồi sau thời lưu đày ở Babylon, như qua một cuộc Xuất Hành mới (x.Is 40, 3-5.9-11; 43, 16-21), dân Israel đã hồi hương như những con chiên lạc bị tản mác được Chúa tìm thấy và dẫn trở lại những đồng cỏ xanh tươi cùng chỗ nghỉ ngơi (x. Is 40, 3-5.9-11; 43, 16-21). Tuy nhiên, chính trong Chúa Giêsu mà mọi quyền năng Thánh vịnh của chúng ta nói lên được thực hiện cùng đạt được sự trọn vẹn của nó: Đức Giêsu chính là “Mục Tử Nhân Lành”, Đấng đi tìm con chiên lạc, Đấng biết chiên của mình và hy sinh tính mạng mình cho đoàn chiên (x. Mt 18, 12-14;  Lc 15, 4-7; Ga 10, 2-4, 11-18), Đấng là đường, là đường ngay nẻo chính dẫn chúng ta đến sự sống (x. Ga 14,6); là ánh sáng chiếu soi thung lũng âm u, và thắng vượt tất cả mọi nỗi sợ hãi của chúng ta (x.Gl 1, 9; 12, 46).

Người là chủ nhà đại lượng đón chào chúng ta và đặt chúng ta an toàn khỏi tay quân thù, dọn bữa tiệc Mình và Máu Người cho chúng ta (x.Mt 26, 26-29; Mc 14, 22-25; Lc 22, 19-20), và bữa ăn cuối cùng ấy trong bữa tiệc của Đấng Mêsia trên trời (x.Lc 14, 15 tt; Kh 3, 20; 19, 9). Người là vị Vua Mục Tử, vị vua hiền lành và tha thứ, đã lên ngôi trên cây Thập giá vinh quang (x.Ga 3, 13-15; 12, 32; 17, 4-5).

Anh chị em thân mến, Thánh vịnh 23 mời gọi chúng ta làm mới lại niềm tín thác của mình nơi Thiên Chúa, hoàn toàn phó thác mình trong tay Người. Như vậy, với đức tin, chúng ta hãy nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng ta, dọc theo những con đường khó khăn của thời đại này, biết luôn đi trên những nẻo đường của Chúa, như một đoàn chiên ngoan ngoãn và vâng phục, chúng ta hãy xin Chúa dẫn đưa chúng ta vào nhà Chúa, đến bàn tiệc của Chúa, và xin Người dẫn chúng ta đến “những dòng nước trong lành”, để nhờ lãnh nhận hồng ân Thần Khí của Người, chúng ta có thể uống từ mạch suối của Người, mạch nước hằng sống, mạnh nước “vọt lên sự sống đời đời” (x.Ga 4, 14; x.Ga 7, 37-39).

Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI

Nguồn: hdgmvietnam.com

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Năm tuần IX Thường niên: Giới răn trọng nhất...

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng