Giáo dục con khi nào và như thế nào?

Trong câu truyện trao đổi về tuổi trẻ và những khó khăn của các bậc phụ huynh trong lãnh vực  giáo dục con cái ở thời điểm hiện tại, một người bạn đã hỏi tôi: “Điều gì quan trọng nhất mà những người làm cha mẹ phải dạy cho con mình?” Trong khi tôi còn đang suy nghĩ chưa biết phải nói gì, thì anh đã tự đưa ra câu trả lời: “Có tư tưởng cho rằng là dạy cho đứa trẻ khả năng để biết về những giá trị của tự lập và tự tồn tại”. Và anh đưa ra một dẫn chứng:

Bà cô của tôi có ba người con, một gái đầu và một gái út, giữa là một con trai. Không hiểu vì ý nghĩ “trọng nam khinh nữ” hay vì quá chiều con, mà thằng con trai được từ mẹ đến chị, đến em săn sóc, lo lắng. Nó không phải làm một chuyện gì dù lớn hay nhỏ trong nhà. Việc làm chính của nó là ăn và lêu lổng suốt ngày. Kết quả là cho đến nay, dù ở tuổi 50 mà nó chưa làm được một cái gì ra hồn. Lấy vợ rồi bị vợ bỏ. Sống nhờ vào sự giúp đỡ của mẹ qua chị và em gái. Hai người này đã có gia đình, nhưng vì thương mẹ nên vẫn giử tiền về cho mẹ, và dĩ nhiên, mẹ lại đi nuôi báo cô cái thằng vô dụng ấy. Tôi không biết vài ba năm nữa cô tôi chết thì tương lai của nó sẽ ra sao? Rồi anh kết luận: Chắc là tại cô tôi nuông chiều nó, nên nó không trưởng thành nổi, và cũng tại nó quá lười biếng!

Trường hợp trên cũng tương tự như một trường hợp mà tôi gặp tại văn phòng. Một thanh niên gần 30 tuổi, có trình độ đại học mà không biết luộc một quả trứng, nấu một tô mì. Tất cả là do mẹ làm, mẹ lo cho từng miếng cơm, manh áo, từng giấc ngủ, chỉ việc ăn rồi học. Kết quả là tuy đã tốt nghiệp đại học, người thanh niên này vẫn sống lệ thuộc vào mẹ, vẫn không dám lăn xả vào đời. Anh ta vẫn cô đơn, không xã giao, không bạn bè, và cũng không tìm được một việc làm thích hợp.

Tóm lại, hai câu truyện trên phần nào đã nói lên rằng nền giáo dục gia đình hết sức quan trọng. Chiều con, thương con nhưng không dạy con biết sống tự lập, biết tự tồn tại, biết sống có ý nghĩa bằng cuộc sống của mình là một sai lầm trong vai trò làm cha mẹ.

GIÁO DỤC CON KHI NÀO?

  • Lý thuyết: Có tư tưởng cho rằng phải giáo dục đứa trẻ 20 năm trước khi nó chào đời. Điều này hàm ý là để giúp những ai đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, gia đình và mong muốn làm cha mẹ. Họ cần phải sẵn sàng, nghiêm túc về vai trò làm chồng, làm cha, làm vợ và làm mẹ của mình.
  • Thực tế: Khi người mẹ biết mình có thai và khi người cha biết vợ mình có thai. Trong y khoa gọi thời gian là thai kỳ. Và người cha, người mẹ tương lai phải ăn uống, ngủ nghỉ, suy nghĩ, hành động như thế nào để ảnh hưởng tốt đến đứa trẻ sắp sửa sinh ra. Hành động này gọi là thai giáo.
  • Tâm lý giáo dục: Theo tâm lý giáo dục, lúc đứa trẻ lên 3 tuổi là thời gian tốt nhất để bắt đầu việc giáo dục. Ca dao Việt Nam có câu: “Dạy con từ thuở lên ba”. Cũng theo tâm lý giáo dục, thời gian quan trọng nhất cho việc giáo dục là 5 năm đầu đời. Đây là thời điểm hết sức quan trọng để một em bé phát triển về thể lý, trí thông minh, xã hội tính.

DỰA THEO TÂM LÝ PHÁT TRIỂN

Tuổi nào khó khăn nhất của một đứa trẻ? Bình thường chúng ta vẫn nghe nói các em khi bước vào tuổi dậy thì sẽ gặp những khó khăn về mặt tâm lý và giáo dục. Thật ra, các em nhỏ từ 7 đến 10 tuổi đã bắt đầu cảm thấy bị căng thẳng khi tìm kiếm những điều đúng và tốt cho mình. Chúng sợ bị đánh đòn, bị chê, bị coi thường. Chúng cũng biết buồn, biết căng thẳng về bầu khí gia đình, vì chúng đang phát triển khả năng để đón nhận sự chấp thuận, đối đãi tử tế của người khác. Do đó rất thích được cha mẹ, anh chị, hoặc người khác khen và khích lệ.

Về mặt tính chất, từ  8 tuổi các em đã bắt đầu có những dấu hiệu bướng bỉnh, khó chịu. Những hành động như đóng sầm cửa khi không vừa ý, la hét, trợ mắt, giận hờn, nắm tay, dậm chân vừa bày tỏ thái độ phản đối, vừa là dấu hiệu chúng muốn chứng tỏ sự tự lập và tính thích độc lập. Ở tuổi này chúng bắt đầu thử thách sự nhẫn nại của cha mẹ.

Bước sang tuổi dậy thì, khó khăn của tuổi này thuộc cả hai phái, trẻ nam cũng như trẻ nữ. Cha mẹ có con ở tuổi 12 tới 14 thường cảm thấy khó chịu hơn cả. Đây cũng là tuổi khó khăn nhất cho các em gái. Các tuyến nội tiết dậy thì bắt đầu hoạt động gây ra những cảm xúc khó chịu, trong khi đó, các em lại chưa hoàn toàn phát triển khả năng để thích ứng với những thay đổi ấy.

Về mặt tình cảm, con gái tuổi 16 là tuổi đẹp và duyên dáng. Tình yêu phát triển, các em trai gái ở tuổi này bắt đầu tìm hiểu và hẹn hò. Một số em trai phát triển sớm đã có bạn gái ở tuổi 15. Nếu chưa trưởng thành ở tuổi 16 thì phải chờ một hay hai năm sau.

GIÁO DỤC NHƯ THẾ NÀO?

  • Bằng gương sáng chính mình: Sách Huấn Ca (Sirach) có viết: “Khi người cha nhắm mắt thì ông vẫn chưa chết, vì ông còn để lại sau ông một kẻ giống ông” (30, 4).

           Như vậy, tầm quan trọng nhất của giáo dục. Nghệ thuật giáo dục cao nhất vẫn là gương sáng và đời sống gương mẫu của cha mẹ. Chính Chúa Giêsu cũng đã nói: “Thầy đã làm gương để các con noi theo mà bắt chước” (Gioan 13, 15). Theo gương Chúa, cha mẹ cũng phải biết giáo dục con cái về phần tâm linh, đạo đức. Nếu con người không được hướng dẫn bằng những giá trị đạo đức, họ sẽ chỉ sống theo lý trí và bản năng. Sẽ coi nhẹ nhân phẩm, tư cách và giá trị của một con người.

  • Sự đồng nhất của cha mẹ: Đây là chìa khóa thành công trong vấn đề giáo dục con cái. Sự bất hòa trong đường lối sẽ dẫn đến những tai hại trong giáo dục. Đứa trẻ sẽ mất định hướng, và sẽ nghiêng về phía người nào chiều chúng hơn.
  • Tránh so sánh giữa các con: Dù là con cùng một cha mẹ sinh ra nhưng tâm lý con trai khác với con gái. Tâm lý anh, chị khác với các em. Nên phải dựa theo từng lứa tuổi, từng hoàn cảnh và từng tâm tính của mỗi con để giáo dục và hướng dẫn. Sai lầm lớn nhất của cha mẹ là so sánh con này với con khác, khen con này mà chê con khác.

TRẺ EM HỌC VÀ PHÁT TRIỂN

  • Sau khi sinh, trẻ em học bằng cách chơi hoặc khám phá các đồ vật và môi trường chung quanh.
  • Những tiếp xúc hằng ngày giúp các em học những khả năng giao thiệp, suy nghĩ và giải quyết vấn đề. Nhờ đó, các em có thể tạo nên một hình ảnh lạc quan và tiếp tục trưởng thành trong tự lập. Chúng sẽ có khả năng để thử thách những tài năng mới trong phạm vy.
  • Trẻ em học tốt nhất bằng cách trực tiếp qua việc học hành với cha mẹ, thầy cô, bạn bè, và qua va chạp thực tế với môi trường, cũng như qua sự cố gắng bằng nhiều hành động khác nhau. Một nền giáo dục sớm sủa có thế bắt đầu ngay trước 15 tháng tuổi và tiếp tục khi đứa trẻ lên 6 tuổi.  Những gì các em học được từ trường sẽ cung cấp những căn bản cho việc học hành tương lai, giúp phát triển khả năng xã hội, khả năng giao tiếp, và có những tương quan tốt hơn với những kết quả về tâm lý.

Như vậy một thanh niên gần 50 tuổi mà thiếu khả năng tự lập, không tự lo cho chính mình là người thiếu trưởng thành về tâm lý, thiếu tự tin, thiếu ý thức tự lập, và khả năng tự tồn tại. Cũng vậy, một thanh niên gần 30 tuổi, tuy có trình độ đại học, nhưng cũng vẫn chưa biết (hay không muốn) luộc một trái trứng, nấu một tô mì là thiếu khả năng tự sống, thu gọn trong không gian của riêng mình là thiếu khả năng giao tiếp xã hội, hoặc mang mặc cảm tự ty. Thanh niên này cũng chưa trưởng thành về tâm lý. Câu hỏi là lỗi tại ai? Vì người mẹ quá nuông chiều con hay không biết cách dạy con! Vì người con thiếu trưởng thành và không dám đối mặt với những khó khăn cuộc đời? Có lẽ cả hai.

Tóm lại, dạy con khi con bắt đầu lên ba. Dạy con sống trưởng thành, song song với việc phát triển lý trí và tâm linh.

Tiến sỹ Tâm lý Trần Mỹ Duyệt

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Bảy tuần V Phục Sinh: "Các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng