Đức Phanxicô, phẩm giá của con người và hạn chế của thuật toán

Trong một đoạn quan trọng của bài phát biểu truyền thống đầu năm được gởi ngày thứ hai 8 tháng 1 cho ngoại giao đoàn Tòa Thánh, Đức Phanxicô trở lại với chủ đề thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2024 dành riêng cho trí tuệ nhân tạo, được xem là “một trong những thách thức quan trọng nhất trong những năm tới”. Nguy cơ rất cao là “tính trọng tâm của con người” có thể bị mất đi.

Nói rộng hơn, trong thông điệp này Đức Phanxicô nhắc lại, “thế giới của chúng ta quá rộng lớn, đa dạng và phức tạp để có thể được biết và phân loại một cách đầy đủ. Tâm trí con người sẽ không bao giờ có thể cạn kiệt sự phong phú của nó, ngay cả khi có sự trợ giúp của các thuật toán tiên tiến nhất. Trên thực tế, những điều này không đưa ra những dự đoán chắc chắn về tương lai mà chỉ mang tính thống kê gần đúng”. Sự phát triển gần đây của cái gọi là “trí tuệ nhân tạo” chắc chắn cũng kéo theo những rủi ro và do đó là những bối rối, như điều Đức Phanxicô đã cảnh báo trong thông điệp về mối nguy hiểm của việc thiết lập “thứ hạng không phù hợp giữa các công dân”. Ngài lên tiếng, “sự tôn trọng cơ bản phẩm giá con người đòi hỏi phải từ chối xác định tính duy nhất của con người bằng một bộ dữ liệu. Các thuật toán không được phép xác định cách chúng ta hiểu về nhân quyền, gạt bỏ các giá trị thiết yếu của lòng trắc ẩn, lòng thương xót, tha thứ hoặc loại bỏ khả năng một cá nhân thay đổi và bỏ lại quá khứ phía sau”. Một bước cần thiết cho “sự cự lại của con người” là thừa nhận và theo cách nào đó là ký ức của “cảm giác về giới hạn”, một khía cạnh “thường bị bỏ qua trong tâm lý hiệu quả và kỹ trị hiện nay, vì nó mang tính quyết định cho sự phát triển cá nhân và xã hội: “Ý thức về giới hạn”. Thực ra, theo định nghĩa, con người là phàm nhân phải chết, muốn nghĩ đến việc vượt qua mọi giới hạn nhờ công nghệ, rủi ro, trong nỗi ám ảnh muốn kiểm soát mọi thứ, sợ mất kiểm soát bản thân; trong việc tìm kiếm tự do tuyệt đối, rơi vào vòng xoáy của chế độ độc tài công nghệ. Nhận biết và chấp nhận giới hạn của mình với tư cách là một thụ tạo là điều kiện không thể thiếu để con người đạt được, hay nói đúng hơn là đón nhận sự viên mãn như một món quà. Thay vào đó, trong bối cảnh ý thức hệ của mô hình kỹ trị, được thúc đẩy bởi giả định về khả năng tự cung tự cấp của Thần Lửa, Prometheus, sự bất bình đẳng có thể gia tăng đáng kể, kiến thức và của cải tích lũy trong tay một số ít người, gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho các xã hội dân chủ và sự chung sống hòa bình”.

Tiếp tục về chủ đề bất bình đẳng xã hội mà các hệ thống được xác định do trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra, Đức Phanxicô nghĩ đến những tình huống rất cụ thể như khả năng mượn tiền mua nhà, tìm việc làm hoặc nhận trợ cấp xã hội, ngài nhấn mạnh đến nguy cơ “thành kiến và phân biệt đối xử”.

Flash-back: “Gattaca” – Andrew Niccol

Thật không may, ngày nay tất cả những điều đó có vẻ rất hợp lý đối với chúng ta, nhưng những gì Giáo hoàng mô tả đã được nghĩ ra 25 năm trước trong bộ phim khoa học viễn tưởng xuất sắc Gattaca, cánh cửa dẫn vào vũ trụ, của Andrew Niccol, một tác giả được đánh giá cao nhờ kịch bản của bộ phim Buổi diễn của Truman (The Truman Show). Bộ phim kể về câu chuyện lấy bối cảnh “ở một tương lai không xa” của cậu bé Vincent, người có niềm đam mê du hành giữa các vì sao. “Tôi được thụ thai trên chiếc xe Riviera, không phải chiếc xe của Pháp, mà là chiếc do hãng Chrysler chế tạo”, từ đó bắt đầu câu chuyện đầu đời của Vincent. Máy ảnh quay một chiếc ô tô trên bờ biển, trong ánh sáng dịu nhẹ như trên tấm bưu thiếp chạng vạng tối. Chủ đề đầu tiên được đạo diễn yêu thích đã rõ ràng: sự phân đôi giữa sự thật và hư cấu. Như trong Buổi diễn của Truman, ở đây, thế giới của tương lai “không xa lắm” này là siêu công nghệ và những vùng ven biển không còn là những vẻ đẹp tự nhiên mà là những sản phẩm nhân tạo. Bên trong xe, người xem có thể tưởng tượng cảnh một người đàn ông và một phụ nữ đang giao hợp, nhưng camera tập trung vào tràng hạt treo ở kính chiếu hậu. Vincent, nhân vật chính kể, lúc anh được thụ thai, cha mẹ anh nghĩ một đứa trẻ “sinh ra từ tình yêu” sẽ hạnh phúc hơn; “Bây giờ họ không nói như vậy nữa”, anh cay đắng bình luận ngay sau đó và nói thêm: “Tôi không biết điều gì đã làm cho cha mẹ tôi quay về với Chúa thay vì quay về với nhà di truyền học”. Ở đây bức tranh trở nên rõ ràng hơn: trong một thế giới tương lai (chúng ta có chắc chắn không?) trẻ em sẽ không còn được sinh ra một cách tự nhiên mà chỉ được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Nhưng chúng ta hãy theo dõi tiếp câu chuyện của Vincent.

Được thụ thai “bằng yêu thương”, sau chín tháng Vincent chào đời và ngay khi lọt lòng mẹ, Vincent được trao cho cô y tá, cô lấy một giọt máu của Vincent ở gót chân. Người kể chuyện kể tiếp, “sau vài giây chúng ta có thể biết nguyên nhân và giờ chết”. Và như vậy, dựa vào giọt máu đó, cô y tá có thể tuyên bố, gần giống như một nữ tư tế thời xưa, một thần Pythia, một nữ tiên tri, một nhà phán lời sấm của Thần-Y khoa, số phận của Vincent: anh sẽ bị cận thị, 99% bị bệnh tim và tuổi thọ không quá 30,2 năm. Ngay lập tức người kể chuyện tìm được từ ngữ để xác định: “bệnh kinh niên”. Lúc đó cha của anh không còn muốn đặt tên con bằng tên riêng của mình (Anthony) nhưng đặt cho anh một tên kép, Vincent Anthony. Nhưng hai năm sau, một đứa con trai khác ra đời và người cha sẽ đặt tên riêng của mình. Anthony là em bé được thụ thai bằng phương pháp nhân tạo, “ngày nay được gọi là phương pháp tự nhiên”, người kể chuyện tuyên bố. Cảnh liên quan đến việc “chọn lọc” các phẩm chất của đứa trẻ rất đáng lo ngại (chính xác vì nó rất “dịu dàng”): hai cha mẹ được một nhà di truyền học thân thiện và tốt bụng hỏi, ông đề nghị họ “dành những điều tốt nhất” cho phôi thai đó, đến mọi thứ được lựa chọn: giới tính, màu mắt, làn da, không bị hói đầu, không nói lắp…tóm lại là phải đảm bảo “không còn gì may rủi”, không có chỗ cho tự do, cho “ngạc nhiên” vì đứa trẻ này chỉ phải là “tổng hòa của những điều tốt đẹp nhất của hai người”, chỉ bằng cách này, nó mới có thể chấp nhận thử thách về tính cạnh tranh cực độ mà xã hội tương lai đại diện. 

Một xã hội phân chia thành giai cấp

Trên thực tế, những tiến bộ khoa học phức tạp như vậy đã làm cho xã hội có tính cạnh tranh cao, theo một cách hoàn toàn vô nhân đạo: xã hội được phân chia thành các “đẳng cấp” nhưng tiêu chí không còn là xã hội, tình dục hay phân biệt chủng tộc mà là yếu tố di truyền (mang một ý nghĩa mạnh mẽ) của quyển tiểu thuyết nổi tiếng “Điều tốt nhất của các Thế giới” (Le meilleur des Mondes) của tác giả Aldous Huxley, một ví dụ hoàn hảo về thể loại văn học đen tối.

“Chủ nghĩa bộ gien”, người kể chuyện nói, đó là phân biệt đối xử trong tương lai, “sự phân biệt đối xử được xây dựng trong một hệ thống”. Những hình ảnh trôi đi nhanh chóng và cho thấy những khó khăn ập đến với Vincent đáng thương ngay từ khi mới sinh ra: trường mẫu giáo không nhận em, quá nhiều bệnh lý vì thế ít được các công ty bảo hiểm chi trả (chi tiết bàn tay nhỏ bé của đứa bé ở cổng trường thật đau xót, một cổng tù không nhốt ở trong mà nhốt “ở ngoài”, đó là phân biệt đối xử); sau đó khi lớn lên, chúng ta thấy Vincent không dễ dàng kiếm được việc làm, vì những bài kiểm tra mà Vincent phải làm không phải là những bài kiểm về năng khiếu hay trí thông minh, mà đơn giản là những thử nghiệm lâm sàng để xác minh “sự phù hợp về thể chất” của anh. Thảm kịch của Vincent không chỉ về mặt “xã hội” mà còn là “gia đình”: một trong những khoảnh khắc đau đớn nhất của phim là cảnh quay nhanh (được chèn vào một đoạn mười phút) trong đó chúng ta thấy cuộc đối đầu giữa hai anh em, người anh Vincent, sinh ra “từ tình yêu” và do đó “con người” hơn, nghĩa là mong manh hơn, và Anthony sinh ra trong phòng thí nghiệm, đơn giản là hoàn hảo, người sớm vượt qua anh mình trong mọi việc. Rất mạnh là hình ảnh người cha đo chiều cao của Anthony trên khung cửa, lúc tám tuổi đã vượt Vincent, lớn hơn hai tuổi (và Vincent, thấp hơn, yếu đuối, đeo kính, sau đó phản ứng bằng cách hủy tên mình khỏi khung cửa). Một trong những “mấu chốt tự sự” của phim thật hiệu quả, đó là trò chơi yêu thích của hai anh em: thách nhau bơi bắt đầu từ bãi biển để xem ai bơi xa nhất. Rõ ràng phần thắng luôn thuộc về Anthony nhưng trong trò chơi này, trong thử thách kép này, với em mình và với chính mình, ẩn chứa hình ảnh tượng trưng của toàn bộ phim. Trên thực tế, kịch tính thực sự của Vincent nằm ở chỗ anh không cam chịu với tình trạng của mình mà muốn trở nên xuất sắc và thực hiện ước mơ táo bạo của mình: trở thành phi hành gia. Đây thực sự là một công việc bất khả thi với người có khiếm khuyết thể chất, những “khuyết tật” nghiêm trọng (cận thị và bệnh tim) đến mức trên thực tế, nhiều nhất là anh được tuyển vào làm nhân viên  quét dọn đường phố, thư ký trong một công ty vệ sinh.

Hình ảnh tiếp theo là cảnh Vincent đang lau chùi mái nhà ga, nhìn thấy tên lửa đang bay về phía không gian và bình luận cay đắng: “Ngay khi tôi đã đến rất gần mục tiêu của tôi, tôi lại cảm thấy mình không thể đạt được mục tiêu đó”.

Điều không thể xảy ra

Nhưng điểm khởi đầu của toàn bộ phim (và của tất cả các phim của Niccol), là “nút thắt” được thể hiện rõ qua trò chơi mà hai anh em liên tục chơi (thử thách bơi xa hơn “về phía chân trời”), cho thấy không có mục tiêu nào là không thể đạt được đối với con người. Điều thú vị là hai anh em gọi trò chơi này bằng cái tên ngắn gọn: “papa”. Đạo diễn không tập trung nhiều vào khía cạnh này nhưng cái tên đó để lại cho người xem một lo lắng nào đó: theo một cách nào đó, mỗi người đều so sánh mình với chính cha mình (và có lẽ với một Người cha khác?), thách thức với ông, chơi với ông, một hành động mà theo một nghĩa nào đó là một tìm kiếm, một báng bổ, một lời cầu nguyện. Và người ta có thể nghĩ, nếu mình thực sự đặt mình vào tình thế nguy hiểm, nếu mình quyết tâm cống hiến hết mình với cam kết và trung thực thì chuyện gì cũng có thể xảy ra, điều không thể cũng có thể. Vincent hiểu được điều này sau khi cố gắng hàng ngàn lần, một ngày nọ, cuối cùng anh cũng đánh bại được người anh trai tài năng hơn của mình trong trò chơi “papa”. Đó là cảnh nói lên  cho bước ngoặt của toàn bộ phim: Vincent sẽ thực sự trở thành phi hành gia của Gattaca, anh sẽ làm được và phải trả giá bằng những hy sinh to lớn về thể xác và con người, để từ đó hiện thực hóa “lời hứa” vốn có trong chính tên của anh.

Cũng giống như Truman, nhân vật chính của cuốn phim cùng tên, Vincent cũng là người sinh động, giống như mọi người vì luôn khát khao khám phá thế giới không thể nguôi ngoai và vượt qua mọi giới hạn. “Chỉ có cái vô hạn mới lấp đầy trái tim con người”, lời của Đức Bênêđictô XVI như lời bình luận hoàn hảo cho hai bộ phim “The Truman Show” và “Gattaca”: hai nhân vật chính Truman và Vincent đều có những trăn trở” của ký ức theo kiểu của Thánh Augutinô, đang tìm kiếm một điều gì đó, một ai đó (Chúa?), một nơi mà anh có thể yên nghỉ. Sức mạnh của sự cam kết của Truman và Vincent trong việc biến ước mơ của họ thành hiện thực có một điều gì đó to lớn và sâu sắc: một cuộc sống không có đam mê mãnh liệt không phải là cuộc sống của con người, đạo diễn dường như nói với chúng ta, cuộc sống trước hết là một phiêu lưu, một từ bỏ với niềm tin vào tương lai đi kèm với hy vọng theo đuổi và đạt được những ước mơ sưởi ấm trái tim. Không có gì là không thể đối với con người nếu mình muốn chỉ giao phó bản thân cho một điều gì đó vĩ đại hơn chính mình, dù không biết rõ hoàn toàn nhưng lại nhận ra một cách lờ mờ: Vincent (giống như Truman) không hiểu rõ trong đầu vì sao mình bị buộc phải “vượt quá” để chiến thắng và vượt qua tình huống ban đầu của mình, ngay cả khi điều này bị đóng lại trong những giới hạn rất chính xác và nặng nề (bằng chứng là tình trạng thể chất của anh), nhưng Vincent cho phép mình bị thúc đẩy, kiên cường sống đến cùng giấc mơ dường như không thể đạt được của mình.

 Suy nghĩ về các vấn đề đạo đức sinh học

“Gattaca” trình bày cho chúng ta một thế giới trong đó trình độ sức mạnh của khoa học và công nghệ là rất lớn nhưng trình độ ý thức đạo đức của con người và xã hội lại chưa tương xứng với nó. Trong thế giới tưởng tượng phim của Niccol, con người có thể du hành đến tất cả các hành tinh trong hệ mặt trời và chẩn đoán kịp thời tất cả các bệnh hiện có, nhưng trong xã hội có sự phân biệt đối xử tàn nhẫn chia rẽ con người hoàn hảo và không hoàn hảo về mặt di truyền. Ngay cả khoảnh khắc rất tế nhị và quan trọng trong đời sống con người là tình phụ tử-mẫu tử, trong diễn biến tình tiết của phim, nhờ sự so sánh giữa hai anh em nhân vật chính của câu chuyện, chúng ta có thể quan sát được ở thế giới tương lai này như thế nào, được trải nghiệm không phải như một món quà cần được đón nhận một cách có trách nhiệm, mà như một “quyền” được thực thi để hoàn toàn kiểm soát được mọi tình huống, tránh và loại bỏ mọi biến chứng và trở ngại có thể xảy ra. Nói cách khác, bản thân đứa trẻ trở thành “quyền được yêu cầu”, một “sản phẩm” được hiện thực hóa theo cách tốt nhất có thể, trong đó “tốt nhất” có nghĩa là theo tiêu chuẩn hoàn thiện về di truyền và thể chất.

Con người giao phó mình cho nhà di truyền học, loại Thiên Chúa ra ngoài, là con người biến khoa học thành thần tượng trong ảo tưởng giành được quyền kiểm soát hoàn toàn thực tại, thế giới, cuộc sống. Nhưng tất cả những điều này rốt cuộc là sự kiểm soát và thống trị của con người trên con người, dẫn đến việc tạo ra thế giới nô lệ và sợ hãi. Và đó là một “bios”, một cuộc sống muốn trở nên hoàn hảo, nhưng lại quên và xem thường đạo đức (chẳng hạn chúng ta cảm thấy như đứa trẻ thứ hai, “được tạo ra” trong phòng thí nghiệm, do lựa chọn của nhiều phôi “không hoàn hảo” và như thế có thể bị loại bỏ. Tầm nhìn về thế giới từ cuốn phim Gattaca đầy những gợi ý nguy hiểm, càng quyến rũ hơn vì chúng đầy “sự thật-nửa vời” (vì ai mà không muốn một đứa trẻ khỏe mạnh?); nhưng như nhà văn người Anh C.S.Lewis đã cảnh báo, “chất độc, khi trở nên ngọt ngào, cũng sẽ không ngừng giết người.” Cảnh lựa chọn đứa con trai với tất cả ý nghĩa về cơ thể và di truyền của nó là một cảnh, như đã được nhấn mạnh, là cảnh được thực hiện rất tốt, chính vì ở một khía cạnh nào đó nó “nhẹ nhàng”, nên nó rất “thuyết phục”. Chẳng hạn, nụ cười của nhà di truyền học, người đàn ông da đen trung niên đẹp trai, gợi ý – áp đặt cho cặp cha mẹ có màu da (hoàn toàn trắng) của đứa trẻ sắp chào đời, là một trò đùa bộc lộ hiệu quả sâu sắc, chứng tỏ câu chuyện bằng hình ảnh thường có sức thuyết phục hơn nhiều bài diễn văn lý thuyết.

Phim Gattaca mang đến cơ hội, ngay cả cho những người không phải là chuyên gia về các vấn đề y học-di truyền, giải quyết chủ đề về những thách thức mà khoa học và công nghệ đặt ra cho ý thức con người một cách thuyết phục và hiệu quả, nhằm đạt được mục tiêu phản ánh sâu sắc, nhằm mục đích làm cho chúng ta hiểu con người không thể bị biến thành một phương tiện hay một công cụ mà ngược lại, chính khoa học (và đặc biệt là khoa học y tế) phục vụ con người, không bao giờ là ngược lại.

Osservatoreromano.va, Andrea Monda, 2024-01-09

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxico.vn

 

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/4: Thánh Phêrô Channe – Linh mục, tử đạo (1803-1841)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng