Đức Hồng y Raniero Catalamessa: cùng với Đức Maria, trở về với trái tim và đời sống nội tâm

ĐHY CATALAMESSA:

CÙNG VỚI ĐỨC MARIA, TRỞ VỀ VỚI TRÁI TIM VÀ ĐỜI SỐNG NỘI TÂM

Sau Thánh Gioan Tẩy Giả, Đức Hồng y Raniero Cantalamessa, nhà giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng, đã dành bài giảng thứ hai của Mùa Vọng nói về Mẹ Chúa Giêsu, vào thứ Sáu, ngày 22/12/2023, tại hội trường Phaolô VI, trước sự hiện diện ​​của Đức Thánh Cha.

Trong Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Vọng, chúng ta nghe câu chuyện về Truyền Tin. Nó nhắc nhở chúng ta về việc Đức Maria đã thụ thai và sinh hạ Chúa Kitô như thế nào và chúng ta cũng có thể thụ thai và sinh ra Ngài như thế nào, tức là bằng đức tin!” Đức Hồng y, 89 tuổi, tuyên bố. Ngài đã khai triển ân huệ mà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo hội, với việc canh tân Thánh Mẫu học, và với việc đồng thời khám phá ra một chiều kích mới trong đức tin của Đức Maria. Mẹ Thiên Chúa – được Công đồng Vatican II tuyên bố – “tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin của Mẹ” (LG 58). Mẹ không tin một lần cho tất cả, nhưng Mẹ bước đi trong đức tin và lớn lên trong đức tin đó.

“Mặc dầu không còn gì để trông cậy, Đức Maria vẫn trông cậy và vững tin”

Sau biến cố Truyền Tin và Giáng Sinh, nhờ đức tin, Đức Maria đã dâng Chúa Hài Nhi vào đền thờ. Nhờ đức tin, Mẹ đã dõi theo Ngài, trong cuộc sống công khai của Ngài. Nhờ đức tin Mẹ đã đứng dưới thập tự giá. Nhờ đức tin, Mẹ đã chờ đợi sự sống lại của Ngài.

Và nhà giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng lưu ý: “Có những sự kiên bên ngoài mâu thuẫn mà Đức Maria suy nghĩ trong lòng, dù không hiểu chúng. Ngài là “Con Thiên Chúa” và Ngài nằm trong máng cỏ!” Có thập giá, nơi Mẹ ở đó, “bất lực trước sự tuẫn đạo của con mình, nhưng Mẹ bằng lòng với tình yêu”. “Đó là sự lặp lại thảm kịch của Abraham, nhưng đòi hỏi khắt khe hơn biết bao! Với Abraham, Thiên Chúa dừng lại vào giây phút cuối cùng, nhưng không dừng lại với Mẹ. Mẹ chấp nhận rằng con trai mình được hy sinh, mẹ đã trao con cho Chúa Cha, với trái tim tan vỡ, nhưng vẫn đứng vững, mạnh mẽ trong đức tin không thể lay chuyển”, Đức Hồng y nhắc lại và nói thêm rằng những gì thánh Phaolô Tông đồ nói về Abraham càng phải được nói hơn nữa về Đức Maria: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, Đức Maria vẫn trông cậy và vững tin; do đó Mẹ đã trở thành mẹ của nhiều dân tộc” (x.Rm 4, 18).

Thánh Mẫu học, thánh Augustinô và Pascal

Theo Đức Hồng y Cantalamessa, sự canh tân của Khoa Thánh Mẫu học do Vatican II thực hiện mang ơn thánh Augustinô rất nhiều (có lẽ là phần lớn). Chính uy tín của ngài đã thúc đẩy một số nhà thần học và sau đó là Công đồng đưa diễn từ về Đức Maria vào hiến chế về Giáo hội, Lumen gentium, thay vì đưa ra một diễn từ riêng về Đức Mẹ.

Vào cuối bài phát biểu về đức tin của Đức Maria, thánh Augustinô đã đưa ra một lời khích lệ cho thính giả của mình “vốn cũng có giá trị cho chúng ta”: “Vì thế, Đức Maria đã tin và những gì Mẹ tin đã được thực hiện nơi Mẹ. Chúng ta cũng hãy tin để chính chúng ta có thể được hưởng lợi từ điều đó!” Đức Hồng y giải thích lời khuyến khích này với sự giúp đỡ của Pascal, người được Đức Thánh Cha dành một Tông thư vào ngày 19 tháng Sáu. Triết gia người Pháp cũng là một môn đệ nhiệt thành của thánh Augustinô.

Đức tin và trái tim

ĐHY Cantalamessa giải thích: “Thiên Chúa được cảm nhận bằng trái tim chứ không phải bằng lý trí, như Pascal nói, vì lẽ đơn giản rằng “Thiên Chúa là tình yêu” và tình yêu không được cảm nhận bằng trí tuệ mà bằng trái tim. Đúng là Thiên Chúa cũng là sự thật (“Thiên Chúa là ánh sáng”, thánh Gioan viết trong Thư thứ nhất của mình) và sự thật được nhận thức bằng trí tuệ; nhưng trong khi tình yêu giả định kiến ​​thức thì kiến ​​thức không nhất thiết phải giả định tình yêu. Chúng ta không thể yêu mà không biết, nhưng chúng ta có thể biết mà không yêu! Một nền văn minh như của chúng ta biết rõ điều này, tự hào rằng nó đã phát minh ra trí tuệ nhân tạo, nhưng lại quá nghèo nàn về tình yêu thương và lòng nhân ái”.

Thật không may, không phải “những lý lẽ của trái tim” của Pascal đã định hình tư tưởng thần học và thế tục của ba thế kỷ qua, mà đúng hơn là “Tôi tư duy vì vậy tôi hiện hữu” (cogito ergo sum) của người đồng hương Descartes của ông, cho dù trái với mọi ý định của Descartes, người đã và luôn luôn là một Kitô hữu ngoan đạo và một tín hữu, Đức Hồng Y lưu ý và đồng thời đề cập rằng René Descartes đã là một người hành hương của đền thánh Đức Bà Lorette.

Theo nhà giảng tuyết của Đức Giáo hoàng, hậu quả là chủ nghĩa duy lý đã thống trị và làm mưa làm gió, trước khi đi đến chủ nghĩa hư vô hiện nay. Tất cả các bài phát biểu và tranh luận diễn ra, kể cả ngày nay, đều tập trung vào “Đức tin và lý trí”, nhưng chưa bao giờ tập trung vào “Đức tin và trái tim” hay “Đức tin và ý chí”.

Vị trí trung tâm của Chúa Kitô

Pascal thường được trích dẫn về “rủi ro được tính toán”, về đặt cược có lợi. Ông viết, trong tình trạng không chắc chắn, cần phải đặt cược vào sự tồn tại của Chúa, bởi vì “nếu bạn thắng, bạn sẽ thắng mọi thứ; nếu bạn thua, bạn không mất gì cả”. Nhưng mối nguy hiểm thực sự của đức tin – ông cũng biết điều đó – là một mối nguy khác: đó là việc đặt Chúa Giêsu Kitô vào trong ngoặc đơn.

Nguy cơ thực sự của đức tin chính là bị xúc phạm trước nhân tính và sự khiêm nhường của Chúa Kitô, ĐHY nhận xét và đồng thời cho biết: “Tôi đã theo dõi nhiều cuộc tranh luận cấp cao trên Internet về sự tồn tại hay không của Thiên Chúa: danh Chúa Giêsu Kitô hầu như không bao giờ được nhắc đến ở đó. Như thể Ngài không phải là một phần của cuộc thảo luận về Chúa vậy!”

Theo ngài, đây là điều phải là sự dấn thân chính của chúng ta trong nỗ lực loan báo Tin Mừng. “Thế giới và các phương tiện truyền thông của nó – tôi đã nói trong một dịp khác cũng tại nơi này – đang làm tất cả những gì họ có thể (và đáng tiếc là họ đang đạt đến đó!) để giữ cho danh Chúa Kitô được tách biệt, hoặc vắng mặt, trong tất cả các phát biểu của họ về Giáo hội. Chúng ta phải làm hết sức có thể để giữ Ngài luôn luôn và cách kiên cường ở trung tâm. Không phải trốn đằng sau Ngài và im lặng trước những thất bại của chúng ta, nhưng bởi vì Ngài là “ánh sáng cho dân ngoại ”, là “danh hiệu trên hết mọi danh hiệu”, “hòn đá góc” của thế giới và của lịch sử”.

Trở về với trái tim

Đức Hồng y Cantalamessa trở lại với những lời của Pascal về Thiên Chúa mà “chúng ta cảm nhận bằng trái tim”. Bởi vì, ông nói, con người gửi tàu thăm dò của mình đến biên giới của hệ mặt trời và thậm chí xa hơn nữa, nhưng lại bỏ qua những gì đang xảy ra ở độ sâu vài nghìn mét dưới lớp vỏ trái đất, do đó gặp khó khăn trong việc ngăn chặn động đất. “Đó là một hình ảnh về những gì cũng đang diễn ra trong lĩnh vực tinh thần, trong cuộc sống của chính chúng ta. Tất cả chúng ta đều sống phóng chiếu ra bên ngoài, hướng về những gì đang xảy ra xung quanh mình mà không chú ý đến những gì đang xảy ra bên trong mình. Sự im lặng gây sợ hãi”.

Hang đá Giáng Sinh có một ý nghĩa thần bí

Cuối cùng, nhà giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng nói về kỷ niệm 800 năm ngày tạo ra hang đá đầu tiên ở Greccio. Ngài tin rằng, hoàn cảnh này cũng có thể giúp chúng ta đi vào tâm hồn mình và tiếc rằng theo thời gian, hang đá Giáng Sinh đã rời xa những gì nó thể hiện đối với Thánh Phanxicô. “Nó thường trở thành một hình thức nghệ thuật hoặc trang trí mà chúng ta ngưỡng mộ sự sắp đặt bên ngoài hơn là ý nghĩa thần bí”. Nhưng ĐHY cũng đảm bảo rằng nó vẫn hoàn thành chức năng của nó như một dấu hiệu và sẽ thật ngu ngốc nếu từ bỏ nó. “Ở phương Tây của chúng ta, các sáng kiến ​​đang được nhân rộng để loại bỏ bất kỳ liên quan đến Tin Mừng và tôn giáo nào khỏi sự long trọng của Lễ Giáng Sinh, giảm thiểu nó thành một lễ thuần túy và đơn thuần nhân văn và gia đình, với vô số câu chuyện cổ tích và các nhân vật được phát minh ra thay cho các nhân vật có thật của Lễ Giáng Sinh. Một số người thậm chí còn muốn đổi tên của ngày lễ”.

 Vì vậy, ĐHY nói, hang đá Giáng Sinh là một truyền thống hữu ích và đẹp đẽ, nhưng chúng ta không thể hài lòng với các hang đá Giáng Sinh truyền thống ngoài trời. Chúng ta cần thiết lập một hang đá khác cho Chúa Giêsu, một hang đá của trái tim. “Nó không phải là một câu chuyện hư cấu đẹp đẽ và thơ mộng của tâm trí; đó là công việc khó khăn nhất trong cuộc đời. Trong trái tim chúng ta, có chỗ cho nhiều vị khách, nhưng cho một người chủ duy nhất. Sinh hạ Chúa Giêsu có nghĩa là chết đi “cái tôi” của chính mình, hoặc ít nhất là đổi mới quyết định không sống cho chính mình nữa mà sống cho Đấng đã sinh ra, đã chết và sống lại vì chúng ta (x.Rm 14, 7-9). Chủ nghĩa hiện sinh vô thần đã khẳng định: “Nơi nào Thiên Chúa sinh ra, con người chết đi”. Đúng thế! Tuy nhiên, chính con người cũ chết đi, mục nát và rốt cục buộc phải chết, trong khi điều được sinh ra, đó là con người mới, “được tạo dựng trong công lý và sự thánh thiện” (Ep 4, 24), được định sẵn cho sự sống đời đời”.

Tý Linh chuyển ngữ

(theo Vatican News)

Nguồn: xuanbichvietnam.net

bài liên quan mới nhất

Ngày 29/4: Thánh Giuse Nguyễn Duy Tuân. Linh mục, tử đạo (1811 - 1861)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng