Đối thoại với Phật giáo và Trung Quốc: những thách thức đối với ĐTC Phanxicô tại Mông Cổ

Shutterstock-Thoai

Mặc dù mối quan hệ của Giáo Hội Công Giáo với giới Phật tử đã được cải thiện trong những thập kỷ vừa qua, nhưng những thách thức vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Từ ngày 31/8 đến ngày 04/9/2023, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Mông Cổ, một đất nước mà Phật giáo là tôn giáo của gần một nửa dân số. Đức Thánh Cha sẽ mong muốn có thêm những cuộc đối thoại giữa các Kitô hữu và Phật tử, dẫu cho điều này có thể là một việc tế nhị. Điều này thể hiện rõ trong những căng thẳng hiện đang tồn tại giữa Giáo Hội và một số thành phần nhất định của Phật giáo ở Châu Á.

Quan hệ tốt đẹp ở Mông Cổ

Vào tháng 5 năm 2022, Phũ doãn Tông tòa Ulaanbaatar, Đức Giám mục Giorgio Marengo, đã đến thăm Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican để kỷ niệm 30 năm ngày các nhà truyền giáo Kitô giáo đầu tiên đến Mông Cổ vào năm 1992. Để mời Đức Thánh Cha đến thăm đất nước của mình, ngài đã đến Rôma cùng với một trong những chức sắc Phật giáo cao cấp nhất của Mông Cổ.

Chính trước sự chứng kiến của vị khách này, Đức Giám mục Marengo được biết rằng Đức Thánh Cha đã quyết định vinh thăng ngài làm hồng y. “Điều quan trọng là chúng ta cùng nhau vui mừng trước tin tức này, và điều này cho thấy Giáo hội ở Mông Cổ là một thực tại mang tính toàn cầu đến mức nào khi tìm cách đồng hành với tất cả những người có thiện chí và nhiệt tâm đối thoại,” vị giám mục người Ý cho biết vào thời điểm đó.

 

Đức Hồng y Giorgio Marengo
AP/Associated Press/East News


Sơ Lieve Stragier, một nhà truyền giáo người Bỉ thuộc Dòng De Jagt, người đã sống ở Mông Cổ 15 năm, cho biết: “Mối quan hệ của chúng tôi với các Phật tử rất tốt.” Vị nữ tu này tin rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha có thể củng cố sự thấu hiểu tốt đẹp này, nhất là bằng cách giúp nhận ra người Công giáo giữa các phong trào Tin Lành hoặc phái Phúc Âm. Những người theo các phong trào này có ý muốn kết nạp nhiều tín đồ và “hung hăng” đối với những người theo Phật giáo cũng giống như cách mà họ đối đãi với người Công giáo.

Đối thoại với thế giới Phật giáo

Một cuộc gặp gỡ liên tôn giáo giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và giới chức Phật giáo Mông Cổ được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 03/9. Đức Thánh Cha chắc chắn sẽ quan tâm, như ngài luôn làm, đến việc xây dựng những cầu nối giữa hai tôn giáo và ủng hộ “tình huynh đệ nhân loại” với mục đích liên kết hai tôn giáo này lại với nhau.

Kể từ đầu triều đại giáo hoàng của mình, vị Giáo Hoàng người Argentina đã 5 lần viếng thăm các quốc gia có truyền thống Phật giáo: Hàn Quốc, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan và Nhật Bản. Đó là một con số đáng chú ý, vì ở nhiều quốc gia này - bao gồm cả Mông Cổ - dân số Công giáo rất nhỏ, đôi khi chưa đến 1% dân số.

ĐTC Phanxicô gặp gỡ giới Phật tử ở Burma
AFP Vincenzo Pinto

Trong cuộc đối thoại với Phật giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đang nối bước theo vị tiền nhiệm là Thánh Gioan Phaolô II. Vị Giáo hoàng người Ba Lan là người đầu tiên thiết lập mối quan hệ chân chính với các chức sắc Phật giáo, đặc biệt là trong chuyến công du Nhật Bản năm 1981, Hàn Quốc và Thái Lan năm 1984. Thánh Gioan Phaolô II nhận ra rằng cả hai tôn giáo đều có thể tìm thấy điểm chung có lợi thông qua việc cùng chung ý hướng bày bỏ chủ nghĩa duy vật Tây phương cũng như quan tâm đến việc bảo vệ các giá trị tinh thần và gia đình.

Cái bóng của Đức Đạt Lai Lạt Ma

Trong triều đại giáo hoàng của mình, Thánh Gioan Phaolô II trở nên rất thân thiết với một nhân vật nổi tiếng nhất của Phật giáo, Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đặc biệt, ngài đã nhiều lần mời Đức Đạt Lai Lạt Ma đến dự các cuộc hội nghị ở Assisi.

Tuy nhiên, những mối quan hệ với nhà lãnh đạo tinh thần này đã gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây. Nhà lãnh đạo Phật giáo này là một đối thủ chính trị của Bắc Kinh khi lên án cuộc đàn áp người Tây Tạng của chính phủ Trung Quốc. Do đó, mối quan hệ của ngài với Giáo Hội Công Giáo lại trở thành nạn nhân phụ trong tiến trình quan hệ ngoại giao với Trung Quốc dưới triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô.

Vào năm 2007, khi chuyến thăm được lên kế hoạch, Trung Quốc đã đe dọa Đức Bênêđictô XVI sẽ phải chịu “những hậu quả” nghiêm trọng nếu ngài tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma, và Đức Giáo hoàng cuối cùng cũng đã hủy bỏ cuộc gặp mặt. Một năm trước đó, Đức Bênêđictô XVI đã tiếp kiến nhà lãnh đạo Phật giáo trong một buổi tiếp kiến riêng, cuối buổi đó nhà lãnh đạo Phật giáo đã tuyên bố rằng ngài đang vận động cho “quyền tự trị xứng đáng với tên gọi” cho Tây Tạng, và đã nêu lên chủ đề này với Đức Giáo hoàng.

Vào năm 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã chọn không gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Rôma và cũng không mời Đức Đạt Lai Lạt Ma khi ngài tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu liên tôn vào năm 2022 hoặc với những người đoạt giải Nobel Hòa bình vào năm 2023.

Truyền thống Phật giáo mà vị lãnh đạo tinh thần này là thành viên, nhánh “Kim cương thừa” (Vajrayana) - còn gọi là Phật giáo “Mật tông” (Tantric) - cũng giống như truyền thống được thực hành ở Mông Cổ. Việc Đức Đạt Lai Lạt Ma can dự vào các vấn đề tôn giáo của Mông Cổ - vị lãnh đạo này đã đến thăm đất nước này nhiều lần - chính là nguyên nhân gây nên căng thẳng với Trung Quốc.

Vào năm 2016, Đức Đạt Lai Lạt Ma thông báo rằng ông đã phát hiện ra ở Mông Cổ vị “Jebtsundamba Khutughtu” mới, còn được gọi là “Bogd Gegeen”, vị hóa thân thứ 10 của một nhà hiền triết Phật giáo này được xem là nhà lãnh đạo tôn giáo quan trọng nhất của đất nước và là thành viên quan trọng thứ ba trong dòng dõi Phật giáo Tây Tạng. Để phản đối, Trung Quốc đã đóng cửa các con đường tiếp cận Mông Cổ vào thời điểm đó.

Theo một nguồn tin ngoại giao, viện trưởng Gandan, người đứng đầu một trong những tu viện quan trọng nhất đất nước ở Ulaanbaatar, đã yêu cầu có một cuộc gặp giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và vị Bogd thứ 10 nhân dịp hội nghị thượng đỉnh liên tôn vào ngày 03/9. Yêu cầu này đã bị Tòa Thánh từ chối một cách lịch sự. Đứa trẻ được Đức Đạt Lai Lạt Ma chọn làm vị Bogd năm 2016 hiện đã được 8 tuổi, thuộc tầng lớp thượng lưu Mông Cổ và mang hộ chiếu Hoa Kỳ.

Sự từ chối này được cho là đã tạo ra một số căng thẳng nhất định với tu viện Gandan, tuy nhiên, đại diện của họ vẫn được mời tham gia cuộc họp. Tu viện này là một trong số các tổ chức Phật giáo ở Mông Cổ đã liên tục từ chối đối thoại với Giáo Hội Công Giáo địa phươngI.MEDIA đã biết được từ một số nguồn tin.

Những mối quan hệ tốt đẹp ở nhiều nước Phật giáo

Tuy nhiên, Phật giáo Tây Tạng - Kim cương thừa - chỉ đại diện cho một nhánh của Phật giáo và chủ yếu hiện diện ở vùng đồi thấp của Ấn Độ thuộc dãy Himalaya, ở Nepal, Tây Tạng thuộc Trung Quốc và Bhutan, những khu vực mà Tòa Thánh hầu như không có quan hệ gì. Về phương diện này, chuyến viếng thăm Mông Cổ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô có ý nghĩa đặc biệt, vì nó đánh dấu chuyến thăm chính thức đầu tiên của một vị giáo hoàng tới một quốc gia thuộc truyền thống tinh thần này.

Ngược lại, Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã đến thăm một số quốc gia theo Phật giáo Đại thừa (Mahayana) và Thượng tọa bộ (Theravada) quan trọng. Đặc biệt, ngài đã gặp gỡ các đại diện Phật giáo Đại thừa tại Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như các Phật tử Thượng tọa bộ ở Sri Lanka, Myanmar và Thái Lan. Không giống như Phật giáo Tây Tạng, nơi Đức Phật hóa thân thành Đức Đạt Lai Lạt Ma để trở nên nhà lãnh đạo siêu quốc gia - giống như một vị giáo hoàng - cho nhánh Phật giáo của mình, các nhánh Phật giáo Đại thừa và Thượng tọa bộ dựa trên các hệ thống phẩm trật mang tính địa phương hơn, thậm chí đến mức mang tính quốc gia.

Do đó, mối quan hệ của Giáo Hội với các trào lưu Phật giáo này thường phụ thuộc vào bối cảnh quốc gia. Họ được biết là rất đứng đắn chẳng hạn như ở Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại Sri Lanka, các nhà lãnh đạo tôn giáo địa phương gần đây đã cùng nhau tố cáo những sai sót của chính phủ.

Phật giáo Trung Quốc, sự thiếu vắng lớn lao

Tình hình đôi khi có thể căng thẳng hơnnhư khi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhà lãnh đạo Phật giáo Myanmar vào năm 2017. Vào thời điểm đó, Đức Thánh Cha buộc phải không đề cập đến các vụ tống tiền và đàn áp xảy ra ở đất nước này chống lại nhóm người thiểu số Rohingya hoặc người Karen, một nhóm dân tộc trong đó có nhiều người Công giáo. Nhiều nhà lãnh đạo Phật giáo trong nước còn công khai ủng hộ các chính sách của chính quyền.

Cuối cùng, Tòa Thánh đang nỗ lực để tiếp cận một cộng đồng Phật giáo lớn nhất thế giới, đó là Trung Quốc, nơi mà giáo lý của Đức Phật, sau khi gần như biến mất dưới cuộc Cách mạng Văn hóa, đã được khôi phục lại như một phần di sản quốc gia. Nhưng Phật giáo cũng đã trở thành một đồng minh hùng mạnh của chính phủ Trung Quốc, và dường như không đóng vai trò gì trong nỗ lực nối lại quan hệ do Tòa Thánh khởi xướng trong những năm gần đây.

 I.Media
Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên, chuyển ngữ từ Aleteia

Nguồn: giaophanvinhlong.net

 

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng